Thứ hai, ngày 29/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Chuyển đổi số không chỉ là đầu tư về công nghệ mà còn là đổi mới về tư duy (17/12/2021-15:06)
    Đó là nhấn mạnh của đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tại Diễn đàn "Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số".

 Diễn đàn "Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số". Ảnh: TTXVN

Ngày 16/12, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức Diễn đàn "Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tới dự Diễn đàn, có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông; Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Cần đổi mới từ nguồn nhân lực báo chí, truyền thông

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết: Hiện nay, sự phát triển của công nghệ trong kỷ nguyên số đã mang lại những cơ hội cũng như những thách thức và đang làm thay đổi về cách thức, mô hình việc làm của nhiều lực lượng lao động; trong đó có lĩnh vực báo chí, truyền thông.

Nhân lực làm việc trong lĩnh vực này không chỉ cần về năng lực chuyên môn cao mà còn cần phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp như về tính chính xác, tính độc lập, tính công bằng, tính bí mật, tính nhân văn, tính trách nhiệm và tính minh bạch...

 

chuyen doi so khong chi la dau tu ve cong nghe ma con la doi moi ve tu duy hinh 2

Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Diễn đàn.

 

Trên thực tế, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông đã có nhiều nỗ lực và tích cực đổi mới, tuy nhiên công tác đào tạo vẫn tiến hành theo phương thức truyền thống, đến nay phải “gồng mình” để làm báo chí, truyền thông trong môi trường của thời đại công nghệ số.

Kết quả là nhiều sinh viên báo chí ra trường, trở thành nhà báo nhưng chưa được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng cho tác nghiệp báo chí số. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông cần đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên số. 

Thạc sĩ Vũ Hải Quang: "Các nhà báo trẻ cần được đào tạo chuyên sâu và tự học về kỹ thuật, công nghệ để làm chủ công nghệ và thành thạo các loại hình thông tin."

Theo thạc sĩ Vũ Hải Quang, Phó tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam: Hiện nay các cơ sở đào tạo đã nỗ lực cung cấp các sân chơi nghề cho sinh viên thực hành nghiệp vụ, nhưng nhiều cơ quan báo chí khi tiếp nhận học viên về thực tập hoặc tuyển dụng đều thấy rằng số đông học viên có vẻ khá về lý thuyết và kỹ năng nghề, nhưng kiến thức nền tảng về chính trị, kinh tế, văn hóa… còn rất thiếu và yếu.

Thạc sĩ Vũ Hải Quang chia sẻ, trong kỷ nguyên số hiện nay, các nhà báo trẻ cần được đào tạo chuyên sâu và tự học về kỹ thuật, công nghệ để làm chủ công nghệ và thành thạo các loại hình thông tin như flycam, livestreaming, chuyển đổi văn bản từ giọng nói, kiểm soát các ứng dụng công nghệ IoT, Big Data, AI… trong quản trị, sản xuất tin bài.

Còn theo Phó Giáo sư -Tiến sỹ Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì cho rằng: Đổi mới phương pháp đào tạo báo chí truyền thông gắn với sự thay đổi thói quen, ý thức của đội ngũ giảng viên và sinh viên trong việc truyền, tiếp nhận thông tin; cần tránh suy nghĩ giản đơn hay cực đoan trong đổi mới phương pháp đào tạo báo chí, truyền thông.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Trường Giang: "Đào tạo báo chí truyền thông gắn với sự thay đổi thói quen, ý thức của đội ngũ giảng viên và sinh viên trong việc truyền, tiếp nhận thông tin; cần tránh suy nghĩ giản đơn hay cực đoan..." 

Đào tạo báo chí, truyền thông có ba phần cơ bản gồm lý thuyết (tri thức); kỹ năng; thái độ. Phần lý thuyết nên xây dựng kho dữ liệu bài giảng để người học tự nghiên cứu nhiều hơn; tăng cường thực hành gắn với thực tế để người học phát huy khả năng sáng tạo; gắn với các dự án, chuyên đề để có cơ hội mời các nhà báo giỏi và doanh nghiệp tham gia.

“Trong bối cảnh chuyển đổi số, cần tăng cường khả năng sáng tạo nội dung trên nền tảng số của sinh viên, không đơn thuần là chữ viết, cần tư duy về con số, dữ liệu, cách xử lý bằng các loại hình ảnh để tác phẩm đến tay người đọc hấp dẫn hơn” - Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Thị Trường Giang khẳng định.

Đào tạo gắn với môi trường thực tiễn, liên tục cập nhật xu hướng báo chí của thế giới

Phó Giám đốc Đài Phát thanh  - Truyền hình tỉnh Vĩnh Long Đào Thị Tuyết Vân cho rằng, vấn đề cạnh tranh về thông tin, về tính nhanh nhạy của thông tin với mạng xã hội đang là một áp lực, một thách thức không dễ vượt qua đối với phát thanh, truyền hình truyền thống. Tuy nhiên, với báo chí cách mạng, báo chí chính thống, chúng ta không thể chạy theo xu hướng cạnh tranh đó, vì một cơ quan báo chí có đồ sộ đến mấy cũng không thể nào cạnh tranh được với một mạng xã hội hàng triệu, thậm chí đến hàng tỷ người dùng và tham gia tương tác.

Chiến lược đúng đắn của báo chí chính thống là phải tập trung vào thế mạnh của mình đó là chất lượng thông tin, đặc biệt trong thời đại mà tin giả “fake news” đang lan tràn như hiện nay, đồng thời phải biết tích hợp được công nghệ số để làm nền tảng và không bị tụt hậu.

 

chuyen doi so khong chi la dau tu ve cong nghe ma con la doi moi ve tu duy hinh 3

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.

 

PGS, TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) cho biết, trong một xã hội mà thông tin ngày càng mở và đa chiều như hiện nay, việc xác định được và tạo ra được một thái độ đúng đắn cho các nhà báo trẻ là điều không dễ dàng nhưng lại rất cấp thiết. Cần khẳng định rằng nhà báo chuyên nghiệp phải có đạo đức nghề nghiệp và đây là yếu tố phân biệt báo chí với mạng xã hội.

Do vậy, Hội Nhà báo Việt Nam luôn quán triệt và quan tâm đến công tác bồi dưỡng đạo đức của nghề. Trong thời gian qua, Hội đã triển khai nhiều lớp bồi dưỡng cho phóng viên trẻ và chú trọng lồng ghép đạo đức nghề nghiệp trong các chuyên đề về kỹ năng tác nghiệp.

Cũng tạo diễn đàn, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng biên tập báo VietNamNet, đánh giá, sinh viên báo chí những năm gần đây được đào tạo bài bản, tự tin, mạnh dạn hơn, nhiều em có ngoại ngữ tốt, biết thiết kế, dựng video đơn giản... Dù vậy, để tìm 1 sinh viên có đủ các kĩ năng cơ bản để đào tạo nguồn phóng viên mới rất khó.

Để sinh viên có thể thích nghi ngay với hoạt động của tòa soạn, cần đẩy mạnh việc thực hành, thực tập tại các cơ sở báo chí. Ngoài chương trình học hiện nay, sinh viên cần được đầu tư thêm một số kỹ năng mới như làm báo đa phương tiện, khả năng xử lý dữ liệu, hiểu biết về SEO…

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã khái quát thực trạng công tác đào tạo báo chí hiện nay, dự báo tình hình, xu hướng báo chí thế giới và những tác động tới hoạt động báo chí của Việt Nam trong thời gian tới.

Đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh, việc chuyển đổi số không chỉ là đầu tư đổi mới công nghệ mà quan trọng hơn là sự đổi mới về tư duy, hành động của đội ngũ lãnh đạo các cơ quan báo chí để từ đó lan tỏa đến đội ngũ những người làm báo.

Ngoài ra, việc đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số không chỉ hạn chế trong nhà trường mà còn cần thực hiện đào tạo gắn với môi trường thực tiễn báo chí, liên tục cập nhật xu hướng báo chí của thế giới để hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng ta cần chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo. Đây là nền tảng vững chắc giúp nhà báo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, có tác dụng định hướng, giáo dục…

Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số” nằm trong Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hoà nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.

 

Theo Vân Hà/Báo NB&CL

https://congluan.vn/chuyen-doi-so-khong-chi-la-dau-tu-ve-cong-nghe-ma-con-la-doi-moi-ve-tu-duy-post172574.html

 

Các tin khác:
  • Nhà báo Hoàng Chiến Thắng được bổ nhiệm giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Người xây dựng (17/12/2021-8:39)
  • Đồng Tháp ra văn bản xử lý tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi (17/12/2021-8:33)
  • Nhà báo Nguyễn Công Khanh - Thư ký tòa soạn Báo Đại Đoàn Kết: Muốn viết nên sự thật thì phải tiếp cận sự thật (16/12/2021-14:36)
  • Kinh nghiệm đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (16/12/2021-14:32)
  • Trang bị kỹ năng tác nghiệp làm chủ các phương tiện và công nghệ nhiếp ảnh số (12/12/2021-11:08)
  • Triển khai Cuộc thi nâng cao kiến thức “Đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” (10/12/2021-8:51)
  • Phát động cuộc thi "Những cống hiến thầm lặng" năm 2021 (10/12/2021-8:47)
  • Nhà báo Hồng Diễm – Báo Hậu Giang: “Không vì muốn có tin sớm mà đưa tin sai” (09/12/2021-13:37)
  • Báo của Đoàn hãy gọi tên những việc vĩ đại của đất nước và hướng thanh niên vào đó... (09/12/2021-13:25)
  • Sứ quán Anh, Mỹ và Canada thăm và tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam (08/12/2021-10:51)