Thứ sáu, ngày 17/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo phải biết tự bảo vệ mình trong tác nghiệp (26/08/2016-10:42)
    (NLBTH) - Nghề báo là nghề nguy hiểm, chính vì thế trong quá trình tác nghiệp và suốt cuộc đời làm báo của mình, mỗi nhà báo cần phải luôn có ý thức tự bảo vệ mình.
Nhà báo luôn phải nhận thức được chức năng, quyền hạn của mình trong quá trình tác nghiệp
để tránh xảy ra những điều phiền toái cho cá nhân và tòa soạn. (Ảnh chỉ có tính minh họa).
 
Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây có hơn 50 vụ hành hung, cản trở nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Các hành vi phổ biến là đe dọa, tấn công nhà báo nhằm chiếm đoạt hoặc phá hủy phương tiện hành nghề, xóa dữ liệu trong máy ảnh và máy tính của nhà báo. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng còn ra tay đánh trọng thương nhà báo khi họ đang tác nghiệp, cho dù đương sự biết rõ nhà báo đang thực thi nhiệm vụ.
 
Riêng ở Thanh Hóa, những năm gần đây cũng xảy ra một số vụ việc hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp, phổ biến là việc nhiều cơ quan, tổ chức từ chối cung cấp thông tin cho báo chí, đe dọa phòng viên khi chụp ảnh, ghi hình…
 
Một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để người làm báo tự bảo vệ mình một cách hữu hiệu nhất? Theo tôi, để tự bảo vệ mình, mỗi nhà báo cần phải nâng cao kiến thức, hiểu biết về pháp luật (không chỉ là pháp luật chuyên ngành về báo chí, mà còn ở lĩnh vực phóng viên được phân công theo dõi).
 
Nhìn lại các vụ việc liên quan đến báo chí vừa qua, chúng ta thấy hầu hết là do các phóng viên, nhà báo không nắm hết các quy định pháp luật, nhất là Luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp… dẫn đến tình trạng không nhận thức được hậu quả pháp lý. Ngay như Luật Báo chí cũng có không ít nhà báo, phóng viên không nắm rõ để áp dụng khi cần thiết. Đơn cử như việc xuất trình thẻ nhà báo trước khi tác nghiệp là một quy định cơ bản và bắt buộc theo pháp luật báo chí (trừ những đề tài liên quan đến thể loại điều tra), nhưng không phải nhà báo nào cũng nhớ điều này khi tác nghiệp. Đặc biệt, có những trường hợp do không nắm được quy định pháp luật trong lĩnh vực chuyên ngành mà mình phụ trách, trong đó có những quy định liên quan đến thủ tục khi tác nghiệp; tư liệu, tài liệu thuộc bí mật nhà nước nên dẫn đến việc vi phạm pháp luật. Nhẹ nhất là nhà báo, đơn vị chủ quản phải cải chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại hay bị xử phạt hành chính, nặng thì bị khởi tố. Bởi vì, về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý, không phân biệt là ai. Có một thực tế là không ít nhà báo, phóng viên trẻ mới vào nghề, do chưa có nhiều vốn sống, tác nghiệp chưa nhiều, thiếu am hiểu pháp luật… dẫn đến sai trái trong tác nghiệp và bài viết, tạo nên sự phản ứng từ phía cá nhân, tổ chức được nêu trong bài báo.
 
Vì vậy, theo chúng tôi, ngoài việc tự trau dồi kiến thức, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn, các cơ quan báo chí và đơn vị chủ quản cũng như các cấp hội nhà báo cần quan tâm thường xuyên đến công tác bồi dưỡng, trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật cho đội ngũ những người làm báo. Đây là việc làm hết sức cần thiết và là cách tự bảo vệ hữu hiệu nhất cho mỗi nhà báo trong quá trình tác nghiệp.
 
Bên cạnh đó, một điều quan trọng đối với những người làm báo để có thể tự bảo vệ mình, đó là bản thân các nhà báo phải có đạo đức nghề nghiệp, cái tâm trong sáng, nhạy bén, có bản lĩnh chính trị vững vàng; làm báo, viết báo phải hướng tới lợi ích của đất nước, của nhân dân, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi. Nhà báo phải có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp giỏi, am hiểu sâu sắc các quy định của pháp luật, hành nghề đúng luật; có kiến thức nền, kiến thức pháp luật, kiến thức văn hóa, lối ứng xử văn hóa. Nhà báo dám dấn thân, nhưng phương pháp tác nghiệp cần chuẩn mực, thái độ cần khiêm tốn, tác phong chững chạc. Muốn tự bảo vệ mình, trước hết nhà báo cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật và không vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Trong công tác hàng ngày, các nhà báo thường gặp những can thiệp của “lợi ích nhóm”. Chính vì thế, nhà báo cần phải luôn tỉnh táo để ứng xử đúng trong mọi tình huống. Đối với các tình huống được dự báo nguy hiểm, khi tác nghiệp các nhà báo cần phải tổ chức theo một nhóm để hỗ trợ lẫn nhau.
 
Tuy nhiên, ngoài việc tự ý thức bảo vệ mình, các nhà báo cần phải được bảo vệ từ bên trong lẫn bên ngoài. Bảo vệ bên trong chính là vai trò của lãnh đạo cơ quan báo chí, phải bảo vệ nhà báo, nguồn tin và bài viết của họ. Còn bảo vệ bên ngoài là sự bảo vệ của các cơ quan pháp luật, các cấp hội nhà báo, cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí và của nhân dân, công chúng báo chí.
 
Theo tôi, mỗi khi có vụ việc cản trở, xâm phạm quyền hoạt động hợp pháp của hội viên nhà báo, thì Hội Nhà báo Việt Nam, hội nhà báo địa phương cũng như các chi hội nhà báo cơ sở phải là nơi đầu tiên lên tiếng, có văn bản, chính kiến để bảo vệ nhà báo kịp thời, chứ không thể chờ đến khi có kết luận của các cơ quan khác lúc đó mới có ý kiến.
 
Ngoài sự bảo vệ của các cơ quan pháp luật, cơ quan quản lý báo chí và cơ quan chủ quản của nhà báo, việc bồi dưỡng, trang bị kiến thức cho đội ngũ những người làm báo là việc làm hết sức cần thiết và là phương thức tự bảo vệ hữu hiệu nhất của những người làm báo.
Bùi Ngọc Toàn

 

Các tin khác:
  • Hành trình khám phá dòng sông Chu trên đất Lào (26/08/2016-10:21)
  • Sống động khi đồng hành cùng thính giả (26/08/2016-8:18)
  • Cần nhiều biện pháp bảo vệ an toàn cho nhà báo khi tác nghiệp (20/08/2016-7:20)
  • Nắm vững Luật Báo chí và pháp luật khi viết báo (20/08/2016-8:18)
  • Trách nhiệm của báo chí đối với chính trị (16/08/2016-9:47)
  • Phóng viên bị chỉ trích vì phỏng vấn người đang gặp nạn (16/08/2016-9:41)
  • Kết nối giữa nhà khoa học và nhà báo (14/08/2016-18:07)
  • Phụ nữ làm báo: Gian truân và cạm bẫy (10/08/2016-16:13)
  • Tôi đã bắt đầu làm báo như thế! (10/08/2016-16:10)
  • Tìm trọng tâm của câu chuyện: Yếu tố quyết định thành công của phóng sự truyền hình (03/08/2016-13:30)