Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Lời thề còn mãi... (15/06/2022-9:42)
    Nghề y vẫn và mãi mãi là một nghề cao quý, không thể thiếu của xã hội. Phía sau những vấp váp, mất mát của ngành y thời gian gần đây, còn đó những con người luôn đề cao và giữ trọn lời thề y đức Hippocrates mà họ đã tuyên thệ từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

 Y, bác sĩ Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chăm sóc, điều trị F0 không triệu chứng, có bệnh lý nền. Ảnh: Hà Bắc

Đêm qua, không ngủ được, tôi lặng lẽ bước ra ban công nhìn thành phố lung linh trong ánh đèn đường. Một thành phố về đêm thật tĩnh lặng, chìm vào giấc ngủ yên bình. Một màn đêm cứ thế lặng lẽ trôi đi nếu không có tiếng còi hú từ đâu đó, rõ dần. Chiếc xe cấp cứu lao đi trong đêm, rất gấp gáp. Lại có thêm những người phải trắng đêm để cứu lấy mạng người. Chắc chắn thế rồi. Những bác sĩ, những điều dưỡng viên, dù có là thời điểm nào, họ luôn thế. Trách nhiệm và khẩn trương đưa ra những quyết định rất nhanh để giành giật mạng sống con người.

Càng nhiều bệnh nhân, áp lực càng gia tăng. Ai đó có thể nhìn vào nghề y bằng một sự mơ ước khi điểm thi vào Trường Y luôn cao chót vót, ra trường có việc làm ngay, thu nhập tốt nếu có tay nghề vững. Nhưng đã mấy ai thật sự chia sẻ với họ khi phải thức đêm triền miên, phải vật lộn với người bệnh để đấu tranh giành sự sống. Một quyết định sai là đánh đổi bằng cả mạng người. Phải đối diện với sự thiếu cảm thông, chia sẻ, thậm chí quá khích của người nhà bệnh nhân.

Nhất là những y, bác sĩ làm nghề y tế dự phòng trong thời điểm dịch bệnh nhiều và diễn biến phức tạp như hiện nay. Những công việc có tên và không tên gọi họ bất cứ lúc nào. Có điện thoại là lên đường, không kể đường dài hay ngắn, địa bàn nào, đêm hay ngày. Suốt hơn 2 năm qua dịch bệnh COVID-19 đã làm cho cuộc sống bị đảo lộn. Trong muôn vàn khó khăn ấy, người gặp nguy hiểm nhất chính là đội ngũ cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 và những người làm điều tra dịch tễ, thực hiện công tác y tế dự phòng. Giấc ngủ đúng tư thế, bữa ăn đúng nghĩa, nhiều khi là giấc mơ xa xỉ...

Có thể kìm lòng được không khi trên phương tiện truyền thông trong nhiều thời điểm đã ghi lại hình ảnh những người thầy thuốc ở các khu cách ly y tế sau những giờ làm việc khẩn trương, họ lặng lẽ tìm vào một góc nào đó để gửi những dòng tin nhắn, gọi vội cuộc điện thoại về nhà. Nhiều người đã không thể gượng được nữa, họ khụy xuống, chìm vào giấc ngủ vô thức.

Rất nhiều người sẽ nhớ mãi đoạn video ghi lại cảnh hai vợ chồng điều dưỡng viên ở khu điều trị đặc biệt Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương phát sóng nhiều lần trên VTV trong năm 2020. Họ hẹn gặp nơi hành lang hai tòa nhà đối diện để vẫy tay chào nhau. Chỉ thế, rồi lại vội vã theo xe đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu. Cả hai trong trang phục bảo hộ y tế kín mít, chỉ đôi mắt hở và cánh tay dơ lên để nhận biết. Khoảng cách rất gần mà như diệu vợi, muôn trùng xa cách. Dù là vậy cũng không điều gì có thể làm lay chuyển ý chí của họ. Trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn ấy, chúng ta vẫn nhìn thấy sự lạc quan, nghe được tiếng lòng người thầy thuốc. Hơn ai hết, họ phải là những người lạc quan để đem đến sự lạc quan và hy vọng cho bệnh nhân và cả cộng đồng.

Khi họ đã chọn nghề, đã cất lên lời thề Hippocrates, nghĩa là họ đã “hiến mình” cho sứ mệnh vinh quang, đề cao y đức. Sẽ chẳng có gì lay chuyển được trách nhiệm của người thầy thuốc. Dù rằng trong giới nghề không tránh khỏi được những sự chuệch choạc và lệch lạc. Một số cán bộ quản lý, đồng nghiệp thiếu lập trường bị hạ gục bởi những “viên đạn bọc đường”, nhưng sự cám giỗ ấy không thể hạ gục được hàng trăm nghìn con người trong chiếc áo blu còn lại. Họ vẫn ngày đêm kiên định, vững vàng làm việc trong vòng vây của virus, vi khuẩn, những chủng bệnh dấu mặt. Họ chẳng sợ điều gì, bởi trước mắt họ là Nhân dân, trên vai họ là lời thề y đức.

Hòa nhịp cùng y tế cả nước, ngành y tế Thanh Hóa trong nhiều năm qua đã có biết bao y, bác sĩ quên mình vì người bệnh, sẵn sàng dấn thân trên mặt trận thầm lặng không tiếng súng nhưng muôn trùng hiểm nguy. Những tấm gương thầy thuốc bình dị mà cao quý ấy ngày càng góp phần làm cao dầy hơn truyền thống, cốt cách, khí phách của người xứ Thanh, để tấm áo blu mà họ mang trên người thêm đẹp đẽ, tự hào, để nghề y ngày càng được nhắc đến bằng sự tôn trọng, biết ơn.

Đặc biệt, trên mặt trận chống dịch COVID-19 trường kỳ trong suốt hơn hai năm qua, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ và người lao động ngành y tế Thanh Hóa đã luôn là lực lượng xung kích, đi đầu trong các lực lượng tuyến đầu, trên tất cả các mặt trận, góp phần quan trọng vào thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh và chi viện cho nhiều địa phương trong cả nước. Qua đó, những câu chuyện đầy cảm xúc, những tấm gương “người tốt, việc tốt” nở rộ từ trong muôn vàn gian khó của công cuộc phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người bệnh đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng Nhân dân, được Nhân dân tin yêu, quý trọng...

Đó thực sự là những bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về tình cảm, trách nhiệm, về sứ mệnh đối với đồng chí, đồng bào, truyền niềm tin để vượt qua nghịch cảnh, truyền năng lượng để vượt qua khó khăn, bồi đắp và làm cao dầy thêm truyền thống tốt đẹp của đất và người Thanh Hóa.

Mấy ngày trước, trên VTV1 phát một phóng sự nói về những con người làm y tế dự phòng ở cấp xã, phường. Những con người hành nghề ở trạm y tế có trăm nghìn thứ khó. Khó từ cơ sở vật chất đến cơ chế, rồi thu nhập, trong khi việc ngày một nhiều hơn, trách nhiệm nặng hơn. Có những lúc họ thấy tủi thân, cả sự mềm yếu nữa, nhưng tuyệt nhiên họ không sa ngã, không bị cám dỗ. Họ vẫn quyết tâm bám những trạm y tế với công việc cực nhọc và đồng lương ít ỏi, mặc cho những lời mời hấp dẫn về thu nhập, về sự đãi ngộ từ những bệnh viện, phòng khám tư. Họ có trách nhiệm và niềm tin để làm việc lâu dài ở tuyến y tế thấp nhất, vì họ biết ở đó có những người bệnh ngay tại địa bàn dân cư cần họ bất cứ lúc nào. Những người thầy thuốc cũng tin rằng những biến cố trong ngành y tế thời gian qua chỉ là sự tạm thời, những cá nhân sa ngã là số ít, như là u nhọt phải cắt bỏ đi cho cơ thể khỏe mạnh hơn. Những người đang bám trụ bệnh viện, các trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường vẫn một lòng vì người bệnh. Bởi họ tin sau cơn mưa trời lại nắng. Những cá nhân bị vật chất cám giỗ là số vô cùng ít ỏi so với hàng vạn y, bác sĩ trong ngành y tế nước nhà.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - một người từng làm công tác quản lý trong ngành y tế mới đây đã chia sẻ: Nếu thấy sai trái mà chỉ đả kích thì rất dễ. Với ngành y lúc này sự chia sẻ là vô cùng cần thiết, để những cán bộ quản lý trong ngành bình tâm trở lại, yên tâm làm việc. Bởi lợi ích cuối cùng vẫn là lợi ích cho người bệnh. Nếu để cán bộ quản lý ngành y tế lo lắng, ngần ngại thì tác hại, ảnh hưởng lớn nhất sẽ đến với người bệnh.

Sau những biến cố đến với ngành y tế, thì trên hết, nghề thầy thuốc vẫn là một nghề cao quý. Trong nhiều câu chuyện mà chúng ta nghe, có câu chuyện vô cùng cảm động mà báo chí từng đăng khi một bác sĩ tâm sự rằng nếu được chọn lần nữa cô vẫn chọn nghề y. Cô nói điều ấy khi nghề y ngày càng trở nên nóng bỏng, nhiều đồng nghiệp đã phải vĩnh viễn ra đi vì nhiễm bệnh COVID-19, nhiều người không giữ được mình...

Khát vọng nghề y từ những con người đang ngày đêm cống hiến trên mặt trận cứu người, dù gian nan, hiểm nguy, có nhiều cạm bẫy, nhưng vẫn đủ sức lan tỏa, truyền lửa ước mơ, khát khao cho biết bao con người. Cánh cổng các trường đại học y vẫn là cánh cửa mơ ước của rất nhiều học sinh. Những thứ được xem như “vết bùn” trên chiếc áo blu rồi sẽ nhanh chóng được gột trôi, bởi trên hết chúng ta vẫn còn đó một đội ngũ thầy thuốc yêu nghề, tin nghề, sẵn sàng cháy hết mình cho nghề và cả những người trẻ đã và đang chọn nghề y làm con đường rèn luyện, phấn đấu và cống hiến. Phải xem đó là điều tích cực để có thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống, tin vào việc làm của những chứng nhân lời thề Hippocrates.

Theo Việt Ba/Báo Thanh Hóa Điện tử

 https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/loi-the-con-mai/161191.htm

 

Các tin khác:
  • Loại máy tính bỏ túi nào được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2022? (14/06/2022-17:18)
  • Phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng (14/06/2022-7:53)
  • Mua bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội: Tràn lan vì nhờn luật (09/06/2022-16:51)
  • Nguy cơ mất an toàn giao thông trên quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Bỉm Sơn. (09/06/2022-16:36)
  • Những lưu ý để đảm bảo an toàn khi tắm biển (06/06/2022-14:18)
  • Tạm dừng cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu cũ (03/06/2022-15:05)
  • Cần giải pháp căn cơ hơn (03/06/2022-15:01)
  • Bạo lực gia đình và những hệ lụy (31/05/2022-9:05)
  • Vấn nạn bạo lực học đường: Nỗi lo ngại không chỉ của người trong cuộc (30/05/2022-10:32)
  • Đừng “nhẹ dạ” mà “sập bẫy” lừa đảo trên mạng (27/05/2022-9:01)