Thứ bảy, ngày 27/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Công tác hội
Nhà báo Trịnh Văn Ánh – Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch HNB tỉnh Bắc Giang, Tổng biên tập báo Bắc Giang: Với chúng tôi, nền tảng truyền thống tạo nên động lực cho sự phát triển (27/10/2022-17:51)
    Cuộc trò chuyện trước thềm kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà báo Bắc Giang (1/11/1972 – 1/11/2022) với Chủ tịch Hội Nhà báo Bắc Giang Trịnh Văn Ánh là một trong những cuộc trò chuyện thú vị về nghề báo, về hoạt động công tác Hội.

 Nhà báo Trịnh Văn Ánh - Chủ tịch Hội Nhà báo Bắc Giang.

Ông chia sẻ những câu chuyện thực tế, đời thường gần gũi nhưng là kinh nghiệm, bài học về tinh thần nghề nghiệp, sức mạnh đoàn kết, quy tụ hội viên, hiểu “hội viên đang cần gì”?...

“Chất lính” được lan tỏa…

+ Ðược biết, Hội Nhà báo Bắc Giang ra đời trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt của dân tộc với nét đẹp truyền thống rất đáng tự hào. Những ngày kỷ niệm này, ông suy nghĩ như thế nào về truyền thống ấy, thưa ông?

- Tôi thấy mình là người may mắn khi có một quãng thời gian khá dài làm việc với các nhà báo là cựu chiến binh, thương binh vừa mới bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ trở về tòa soạn báo. Có một lớp các anh kế tiếp tham gia kháng chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Khi đã hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến chống quân xâm lược, bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, họ trở về tham gia vào các cơ quan báo chí, vào công tác của Hội Nhà báo. Và họ đã mang theo “chất lính” đó vào công việc làm nghề.

Tinh thần của anh bộ đội cụ Hồ như là hơi ấm tràn về các cơ quan Hội, cơ quan báo. Từ đó sưởi ấm và làm cho không khí hoạt động nghiệp vụ của những người làm báo trở nên sôi động hơn. Tôi cũng được nghe kể nhiều câu chuyện về một thời làm báo gian khổ, đưa máy in xuống hầm để làm báo, về những con người cầm loa tay trèo lên ngọn cây cao đọc lớn nội dung bài báo cho bà con nhân dân ở trong khu dân cư, xóm làng nghe. Không khí và tinh thần làm việc ấy còn được truyền tai nhau bằng ý thơ: “Nửa đêm chuông gọi, sáng ngày báo ra”.

Có thể nói, Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang ra đời trong những năm Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, đỉnh cao là chiến dịch 12 ngày đêm ném bom rải thảm Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc mà Bắc Giang là một trong những vùng trọng điểm vì có các huyết mạch giao thông, các nhà máy sản xuất công nghiệp, có sân bay quân sự…

Những người làm báo tác nghiệp trên mặt trận thông tin như cuốn theo không khí cả nước hướng về tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và để lại những hình ảnh, nét đẹp truyền thống cho thế hệ sau.

+ Ông có nhắc đến việc mang “chất lính” vào trong hoạt động báo chí, hoạt động Hội… Trong thời bình, với người làm báo Bắc Giang, “chất lính” đã được biểu hiện như thế nào, thưa ông?

- Với chúng tôi, nền tảng truyền thống tạo nên động lực cho sự phát triển, là sức mạnh tinh thần rất to lớn. Ngay từ lúc tôi mới là đoàn viên, sau đó là Bí thư chi đoàn của cơ quan báo Bắc Giang, tôi đã được “truyền lửa” nhiệt huyết, đam mê nghề nghiệp từ các thế hệ đi trước. Chúng tôi đã có những phong trào như vận động phóng viên “đi xa, đi sâu, ở lâu cơ sở” rất hay và đến bây giờ tôi vẫn thường nhắc lại trong các cuộc họp, tập huấn phóng viên, hội viên của mình.

Nhiều hoạt động như kết nghĩa với các xã, vùng quê khó khăn để giúp họ phát triển kinh tế, mở mang dân trí… cũng được quan tâm. Hay như công việc tổ chức các lớp học ngoại ngữ, lớp khiêu vũ, thành lập các câu lạc bộ bóng đá, thỉnh thoảng lại tổ chức những đoàn công tác đi về những vùng sâu, vùng xa… Những chuyến công tác này, Hội Nhà báo sẽ kéo các phóng viên trẻ mới vào nghề đi để có thực tiễn và thậm chí là đi để “cầm tay, chỉ việc” cho họ.

 

voi chung toi nen tang truyen thong tao nen dong luc cho su phat trien hinh 2

Ðồng chí Trịnh Văn Ánh - Tổng Biên tập Báo Bắc Giang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang trao thưởng cho các tác giả đoạt giải đền ơn đáp nghĩa năm 2022.

+ Và tôi còn nhớ, những ngày cả nước “chiến đấu với dịch COVID-19”, chất lính ấy dường như được lan tỏa mạnh mẽ?

- Đúng vậy. Đó là thời điểm chưa từng có tiền lệ. Cơ quan báo, cơ quan Hội hoạt động như ở trong thời chiến. Hội đã cùng phối hợp với các cơ quan báo đài của tỉnh lên kế hoạch, phương án trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.

Những cán bộ, phóng viên chủ chốt, mũi nhọn hoặc là bộ phận trực xuất bản, trực phát sóng phải ở tại cơ quan để cách ly với bên ngoài, tránh sự lây nhiễm. Anh em phóng viên đi cơ sở lúc nào cũng phải mặc những bộ trang phục phòng, chống dịch, tuân thủ nghiêm ngặt quy định tại vùng cách ly, vùng có nguy cơ lây nhiễm cao để phản ánh, tuyên truyền.

Thời điểm đó, gần như lúc nào cơ quan cũng sáng đèn để đảm bảo tin tức, bài vở kịp thời. Hội Nhà báo Bắc Giang còn kết nối với các Hội nhà báo địa phương khác, các cơ quan báo chí trong cả nước tiếp nhận tài trợ từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm… giúp đỡ cho người dân ở vùng dịch, bệnh viện dã chiến, trung tâm cách ly và trao khẩu trang, vật tư y tế cho phóng viên tiền phương, phóng viên ngoài “mặt trận tác nghiệp”.

Khi lãnh đạo Hội “hai trong một”

+ Một trong những thuận lợi của một số tổ chức Hội là khi người lãnh đạo Hội “hai trong một” – tức là vừa là Chủ tịch Hội vừa là lãnh đạo một cơ quan báo chí tỉnh. Với Hội Nhà báo Bắc Giang thuận lợi ấy đã góp phần vào hiệu quả quản lý và triển khai nhiệm vụ như thế nào, thưa ông?

- Điều này có phần đúng. Chủ tịch Hội đồng thời là lãnh đạo cơ quan báo chí có rất nhiều thuận lợi. Khi đó sẽ kết hợp được cả lợi thế, sức mạnh của cơ quan Hội và cơ quan báo chí để góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Hội. Những chủ trương, chương trình, kế hoạch của Hội khi đưa vào cơ quan báo chí đó sẽ nhanh chóng được thực thi và hiệu quả. Những chương trình, kế hoạch, nhu cầu của cơ quan báo chí cũng được phản ánh về lãnh đạo Hội một cách kịp thời.

Thế cho nên, mọi hoạt động nghề nghiệp đều có sự gắn kết chặt chẽ giữa Hội và các quan báo chí. Thêm nữa là, khi anh làm ở vị trí như thế thì anh mới hiểu nghề, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của phóng viên và từ đó anh sẽ dễ chia sẻ, dễ nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn của hội viên để có hướng xử lý, giải quyết.

 

voi chung toi nen tang truyen thong tao nen dong luc cho su phat trien hinh 3

Lãnh đạo Hội Nhà báo Bắc Giang tặng vật tư thiết bị y tế cho các hội viên nhà báo huyện Yên Dũng.

+ Ở tuổi 50, Hội Nhà báo Bắc Giang đang đứng trước nhiệm vụ hết sức nặng nề là tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm động viên tạo điều kiện giúp hội viên đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp báo chí tỉnh nhà. Thưa Chủ tịch, những chặng đường trên hành trình thời gian tới, Hội Nhà báo Bắc Giang sẽ tiếp bước như thế nào?

- Trong hành trình phát triển, sức mạnh của tổ chức Hội là sự quy tụ của các cơ quan báo chí, là tập hợp, phát huy sức mạnh của hội viên vào mái nhà chung của mình; đổi mới phương thức hoạt động để theo kịp sự phát triển của các cơ quan báo chí trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.

Chuyển đổi số trong cơ quan Hội, cơ quan báo chí đang diễn ra rất mạnh mẽ. Sự trưởng thành cả về số lượng và chất lượng thể hiện sự lớn mạnh của Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang và các cơ quan báo chí ở trong tỉnh. Tất nhiên, trong xu hướng hiện nay, tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu phát triển hơn nữa luôn là chủ trương chung của chúng tôi.

Ngoài phương hướng nhiệm vụ đã đề ra, trước tiên Ban chấp hành, Thường trực Hội đều phải là những người có uy tín, đoàn kết, tạo ra sức mạnh tổng hợp, đủ sức để quy tụ hội viên. Và muốn thu hút, tập hợp hội viên thì phải có chương trình, kế hoạch, mục tiêu, mục đích hướng đến những gì mà hội viên cần. Hội sẽ mang lại lợi ích gì cho hội viên của mình?... Ở đây không đơn thuần là lợi ích vật chất.

Tôi lấy ví dụ, chúng tôi rất quan tâm tổ chức những sân chơi nghiệp vụ, các cuộc thi báo chí, hoạt động hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao… tạo cơ hội cho hội viên bộc lộ khả năng của mình. Những nguồn kinh phí tuy là không nhiều nhưng được phân bổ, sử dụng đúng mục đích, khuyến khích kịp thời người làm báo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên hằng năm được quan tâm.

Với các Chi hội, các Câu lạc bộ, Hội đều có hình thức hỗ trợ đi thực tế để giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm… Hoạt động của Hội về cơ bản sẽ đổi mới, năng động hơn, thiết thực hơn, có nhiều hoạt động để thu hút hội viên hơn thời gian tới.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Hà Vân (Thực hiện)/Báo NB&CL

https://www.congluan.vn/voi-chung-toi-nen-tang-truyen-thong-tao-nen-dong-luc-cho-su-phat-trien-post219656.html

 

Các tin khác:
  • Hội viên, nhà báo đi cơ sở: Trau dồi thêm kỹ năng, nâng cao tinh thần đoàn kết (14/10/2022-9:25)
  • Báo chí phải là binh chủng “tiên phong” trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (06/10/2022-11:23)
  • Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao (01/10/2022-15:15)
  • Kon Tum: Tăng cường kiểm tra hoạt động các chi hội nhà báo trực thuộc (28/09/2022-10:37)
  • Thiết thực đồng hành, hỗ trợ phóng viên nâng cao chất lượng tác phẩm tham dự các giải báo chí (19/09/2022-11:18)
  • Văn hóa báo chí nhìn từ góc độ “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” (04/09/2022-10:12)
  • Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Phong trào thi đua phải thực chất, không “đánh trống bỏ dùi”! (01/09/2022-19:00)
  • Ứng dụng công nghệ thông tin tại Bảo tàng báo chí Việt Nam (30/08/2022-14:42)
  • Hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao: Cần quy trình chuẩn, chặt chẽ (25/08/2022-14:49)
  • Kiến tạo môi trường văn hóa báo chí: Bài 6: “Khi bản thân có văn hóa sẽ nhìn nhận vấn đề một cách nhân văn” (19/08/2022-13:46)