Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Phá bẫy tin giả COVID-19 (24/04/2023-16:13)
    Tin giả, tin sai sự thật về dịch COVID-19 lại tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu và nguy hiểm không khác gì một thứ “dịch bệnh”. .

 Thông tin thất thiệt xuất hiện trên mạng xã hội. Ảnh (Chụp màn hình): Lê Vân/Báo Tin tức

Thời gian gần đây, khi dịch COVID-19 có xu hướng gia tăng, bên cạnh những thông tin tích cực, cập nhật, kịp thời về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch; thì vẫn có những tin giả, tin sai sự thật về diễn biến của dịch COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội.

Gần đây nhất có thể nói đến là thông tin “Dịch bệnh đang lây lan nguy hiểm lắm, cập nhật các điểm nóng tại TP Hồ Chí Minh”, kèm theo đó là 12 địa điểm được cho là “điểm nóng” của dịch COVID-19. Cùng với đó, các thông tin lan truyền cũng khẳng định “Bệnh viện Nhiệt đới 140 ca bệnh, biến chủng mới”. 

Trước đó, trên mạng xã hội cũng lan ra thông tin "Hà Nội sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến khi có học sinh mắc COVID-19", gây ảnh hưởng đến không ít người, khiến dư luận hoang mang, nhất là với phụ huynh và học sinh khi mà thời điểm kỳ thi cuối cùng của năm học và các kỳ thi cuối cấp đang và sắp diễn ra. 

Những thông tin này ngay lập tức đã được các cơ quan chức năng lên tiếng bác bỏ. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phản hồi, thông tin trên không đúng sự thật. Sở này đã báo cáo Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Thông tin Truyền thông và Công an TP Hồ Chí Minh về sự việc. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng khẳng định không có phát ngôn nào về việc dạy trực tuyến trong thời điểm hiện nay. Việc phòng, chống dịch bệnh, trong đó có dịch COVID-19 vẫn được toàn ngành giáo dục của Hà Nội duy trì nghiêm túc từ đầu năm học đến nay. Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cũng cho thấy, dù số ca mắc mới COVID-19 ở Hà Nội trong những ngày gần đây có dấu hiệu gia tăng song vẫn đang được kiểm soát tốt, chưa ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng mới.

Những thông tin giả về dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện từ những ngày đầu tiên bùng phát dịch, và không ít trường hợp đã bị xử lý. Theo thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), chỉ tính riêng trong năm 2020, các lực lượng chức năng đã xử lý trên 1.000 trường hợp vi phạm trên mạng xã hội về đưa tin sai, bịa đặt về tình hình dịch COVID-19.

Ở những thời điểm tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như đợt dịch thứ 4, khi cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp nỗ lực để phòng, chống dịch; thì những thông tin thất thiệt về dịch COVID-19 tiếp tục được phát tán trên không gian mạng, nguy hiểm không kém một loại “dịch bệnh”. Bằng nhiều biệp pháp phòng, chống tin giả và cả những cảnh báo về nạn tin giả trên mạng xã hội được các cơ quan chức năng tuyên truyền, nhiều người dân cũng đã tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để “lọc” thông tin xấu, độc. Nhưng tại sao đến thời điểm này, khi dịch COVID-19 đã ở năm thứ 4, tin giả về dịch COVID-19 vẫn có “đất sống”?

Thực tế, không chỉ với những tin giả về dịch bệnh (mà ở các lĩnh vực khác như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản… ) thời gian vừa qua, những thông tin xấu, độc vẫn xuất hiện. Một số đăng thông tin thất thiệt trên mạng xã hội do muốn thể hiện mình là người “đưa tin mới sớm nhất”, “tin giật gân” để được nhiều lượt yêu thích (like), nhiều lượt chia sẻ (share), cùng nhiều tương tác khác. Một số đọc tin chưa được kiểm chứng, vội tin là thật, rồi vô tình tiếp tay, làm lan truyền các nội dung sai sự thật. Số khác cố tình tung tin giả để gây nhiễu dư luận, làm khủng hoảng niềm tin, gây kích động nhằm chống phá, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. Nhưng dù là với bất cứ lý do gì, thì việc tung tin giả, nhất là tin thất thiệt về dịch bệnh COVID-19, gây tâm lý lo lắng, hoang mang cho người dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, đều đáng lên án và cần phải bị xử lý nghiêm minh.

Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất rõ ràng trong xử lý các trường hợp vi phạm. Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018, nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19 hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây hoang mang trong nhân dân. 

Như vậy, mọi hành vi đăng tải thông tin không đúng sự thật về tình hình dịch bệnh trên không gian mạng đều là vi phạm pháp luật và tùy từng tính chất mức độ mà bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.

Tuy nhiên, để các “tin giả” không trở thành mối “nguy hiểm thật”, nhất là khi kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 đang đến gần, mỗi người cần tỉnh táo, sàng lọc kỹ thông tin trước khi tiếp nhận, đăng tải lên mạng xã hội; tránh biến mình thành công cụ phát tán thông tin giả của những kẻ có ý đồ xấu. Trường hợp phát hiện những thông tin không đúng sự thật, bị xuyên tạc trên mạng xã hội cần kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng để ngăn chặn sự lan truyền, gây ảnh hưởng xấu. Hơn lúc nào hết, khi cuộc chiến chống COVID-19 vẫn còn đang tiếp diễn, mỗi người cần nói "không" với tin giả, tin sai sự thật. Đây cũng là cách để mỗi người không (vô tình) biến mình thành nạn nhân của "bẫy tin giả".

 

Theo Xuân Phong/Báo Tin tức

 

Các tin khác:
  • Định danh thời đại số (20/03/2023-10:25)
  • Những cuộc gọi bất nhân (18/03/2023-6:28)
  • Để ‘điểm chạm’ thành cú bắt tay bền chặt (10/03/2023-10:15)
  • Luận điệu phản động cần bác bỏ (16/02/2023-16:25)
  • Du lịch Việt Nam năm 2023: Cơ hội chuyển mình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (10/02/2023-10:00)
  • Lật tẩy những luận điệu chống phá (10/02/2023-9:55)
  • Trong dòng chảy của mùa xuân (23/01/2023-9:08)
  • Hiểm họa từ cần sa, ma túy giấu mình (09/12/2022-7:07)
  • Củng cố niềm tin, khơi thông dòng tiền (05/12/2022-21:30)
  • Chặn 'vòi bạch tuộc' cá độ bóng đá (04/12/2022-10:01)