Chủ nhật, ngày 19/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Diễn đàn “Đạo đức Người làm báo Việt Nam”:
Người làm báo phải có tự trọng nghề nghiệp (29/09/2016-11:13)
    Hiện tượng nhà báo lạm quyền và cửa quyền ngày càng gia tăng. Rồi việc nhà báo lợi dụng nghề nghiệp, danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí, lợi dụng vị trí và công việc của mình để vụ lợi cá nhân, kiếm chác cho riêng mình và làm trái pháp luật.

Trong đời sống báo chí sôi động như hiện nay, có không ít nhà báo dũng cảm, sẵn sàng dấn thân, không quản ngại vất vả thậm chí sự nguy hiểm đến tính mạng để tìm tòi, giới thiệu những gương mặt điển hình, những người tốt, việc tốt hay điều tra, đi tới tận cùng sự thật, góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ lẽ phải cũng như góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Bên cạnh đó, cũng không khó để nhận thấy một bộ phận không nhỏ người làm báo đang dần đánh mất đi niềm tin của xã hội. Hiện tượng nhà báo, cơ quan báo thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng, chụp giật, thiếu khách quan, thổi phồng sự thật và bóp méo sự thật không còn là chuyện hiếm. Hàng ngày, mở báo in hay vào Internet có thể tiếp cận được rất nhiều… hoang tin hay những… tin vịt được chính thống hóa từ mạng xã hội. Ngay cả những cơ quan truyền thông lớn, đài quốc gia (cả tiếng nói và truyền hình) cũng không ít lần bị chỉ trích hoặc phải đính chính, xin lỗi vì đưa tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, dàn dựng thông tin.

Đáng nói là, hiện nay, nhiều tờ tạp chí in cũng tham gia sản xuất tin, bài trên mạng. Dù nhiều tờ tạp chí mạng, trang mạng hoạt động không giấy phép hoặc không đúng tôn chỉ, mục đích nhưng vẫn chưa bị xử lý kịp thời hoặc xử lý chưa đủ sức răn đe nên ít nhiều cũng gây bức xúc cho dư luận, đặc biệt là các cơ quan hoạt động đúng pháp luật. Việc người làm báo ở một số cơ quan tạp chí đi điều tra, phê bình với thái độ kẻ cả, bề trên, thiếu tôn trọng các cá nhân, tổ chức đã để lại nhiều tai tiếng, ảnh hưởng đến các nhà báo khác trong quá trình tác nghiệp.

Quan ngại hơn là hiện tượng nhà báo lạm quyền và cửa quyền ngày càng gia tăng. Rồi việc nhà báo lợi dụng nghề nghiệp, danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí, lợi dụng vị trí và công việc của mình để vụ lợi cá nhân, kiếm chác cho riêng mình và làm trái pháp luật. Nhân danh chống tham nhũng, tiêu cực; mạnh mồm rao giảng về “bàn tay sạch” nhưng một số nhà báo đã không ngại “bán mình cho quỷ”, “ra giá”, “mặc cả” với đối tượng, “đâm thuê, chém mướn”… càng khiến cho những cái nhìn thiếu thiện cảm, mất lòng tin của xã hội về nghề báo nhiều hơn…

Gần đây, bởi nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan, đã có những nhà báo, cơ quan báo chí bị xử phạt, bị thu thẻ hay thậm chí đình bản, đình chỉ hoạt động là những tín hiệu khả quan cho thấy, bên cạnh việc kêu gọi nhà báo coi trọng đạo đức nghề nghiệp chung chung thì những chế tài cụ thể của pháp luật sẽ ít nhiều đưa nền báo chí hoạt động chuyên nghiệp hơn, đúng định hướng hơn.

Và, nói gì thì nói, một nền báo chí sẽ thực sự cách mạng, thực sự vì nhân dân nếu những nhà báo, những người làm báo hoạt động trong lĩnh vực của mình biết coi trọng nghề nghiệp, biết tự trọng nghề nghiệp.

Còn thì, với các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là Hội Nhà báo Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo - cần xây dựng những quy định cụ thể hơn về đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam để vừa phát huy được bản chất cách mạng, dám xả thân của nền báo chí do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và bồi dưỡng; vừa hạn chế được những mặt trái, những tiêu cực mà xã hội đang tác động hàng ngày, hàng giờ vào quá trình tác nghiệp của mỗi người làm báo.

                                            Đỗ Công Định 
Phó Tổng Biên tập, Thư ký Chi hội Nhà báo Báo Thanh tra
Nguồn: Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Sự dẫn dắt của lương tâm và trách nhiệm (23/09/2016-14:09)
  • Yếu vì chưa đồng bộ? (22/09/2016-11:06)
  • Quy định về đạo đức người làm báo phải cụ thể, chi tiết (15/09/2016-19:40)
  • Tránh tình trạng người làm báo “lơ mơ” về Luật báo chí (11/09/2016-13:52)
  • Xây dựng, giữ môi trường báo chí lành mạnh, cung cấp sản phẩm sạch (06/09/2016-11:18)
  • Hội Nhà báo Thanh Hóa từng bước thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ V (05/09/2016-15:00)
  • Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp - lòng tin và sự trung thực (30/08/2016-10:31)
  • Cần phải xây dựng một Quy định đạo đức nghề nghiệp mới (27/08/2016-21:07)
  • Vì nền báo chí chính trực và nhân văn (20/08/2016-18:55)
  • Phải khơi dậy được ý thức nghề nghiệp, đạo đức, trách nhiệm của người làm báo (18/08/2016-7:10)