Thứ bảy, ngày 27/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nhà báo đi và viết
Kỷ niệm tác nghiệp ở Cao Sơn (13/10/2016-16:28)
    (NLBTH) - * Đã 5 năm công tác tại Báo Văn hóa và Đời sống với bao lần tác nghiệp ở miền núi Thanh Hóa, tôi không thể nhớ hết. Nhưng lần nào sau chuyến đi, tôi cũng “giắt túi” được một cơ số đề tài đến mức có khi cả tháng sau dù có cà phê, lượn phố đủng đỉnh vẫn sản xuất ra bài viết gửi tòa soạn.
Vùng cao xứ Thanh đẹp mê hồn luôn thôi thúc khám phá.

Với tôi, chuyến công tác nào cũng đáng nhớ, đầy thú vị. Có những chuyến dự kiến trước đó cả tuần, nhưng có chuyến chợt nảy ra rồi xách ba lô lên và đi.

Với tôi, chuyến đi Son Bá Mười hay còn gọi Cao Sơn - 3 bản vùng cao của xã Lũng Cao (Bá Thước) cách đây gần 3 năm có lẽ là chuyến đi đáng nhớ nhất. Tôi cùng 2 đồng nghiệp là Nguyễn Trang (Báo Người cao tuổi) và Đặng Trung (Báo Pháp luật T.P Hồ Chí Minh) cùng nhau lên đường. Hồi ấy mới bước chân vào nghề, tôi cũng chỉ biết đi là đi thôi chứ chưa hình dung mình sẽ viết gì khi lên Bá Thước. Chạy xe máy từ thành phố lên thị trấn Cành Nàng mất 3 giờ đồng hồ, vào Huyện ủy Bá Thước, chúng tôi gặp Chánh Văn phòng Lò Văn Thắng nay là Phó Chủ tịch UBND huyện. Tôi gợi ý một số đề tài về du lịch Bá Thước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, anh Thắng nói luôn: “Lên đến Bá Thước mà không đi Son Bá Mười thì quả là tiếc”.

2 giờ chiều chúng tôi có mặt ở UBND xã Lũng Cao, vì có lịch hẹn trước từ sáng nên chúng tôi nhận được sự đón tiếp chân tình, cởi mở của cán bộ Văn phòng xã.  Đường lên Cao Sơn đang mở, bởi vậy chúng tôi phải gửi xe máy ở lán trại của công nhân đang làm đường. Cuối năm, trời rét buốt, một chiếc áo phao không đủ ấm, tôi phải ních thêm cái thứ 2. Lúc ấy là 3 giờ chiều. Con đường mòn dài 10 cây số từ trung tâm Lũng Cao lên Cao Sơn đi bộ cũng mất 4 tiếng, nghĩa là phải 7 giờ tối chúng tôi mới lên đến bản Son. Mới 3 giờ chiều nhưng nắng bắt đầu tắt, trời âm u. Con đường mòn lên Cao Sơn cũng mờ ảo dần trong cuối ngày đông. Dốc núi lởm chởm, đi một đoạn đã thấy người bủn rủn, càng ngày dốc càng cao. Thỉnh thoảng gặp những người dân lên Son Bá Mười về xã, đem theo các loại rau quả xuống càng làm cho chúng tôi thêm phấn khởi, mường tượng ra một “thiên đường” trên núi. Anh Luân người đưa đường vừa đi vừa giới thiệu về Cao Sơn cho chúng tôi. Ở đó không khí thoáng đãng, cách 1.000 m so mặt nước biển, mùa đông có thời điểm nước đóng băng và có hiện tượng tuyết rơi. Đào phai ở đây thì nhiều vô kể.

.
Nhà báo Ngọc Huấn trong lần tác nghiệp tại Son Bá Mười (Ảnh do tác giả cung cấp)

Đường rừng heo hút, trời lạnh buốt là vậy, nhưng hai chiếc áo ấm tôi mặc trước đó được cởi ra lúc nào không nhớ. Trên người chỉ độc chiếc áo cộc tay nhưng vẫn không ngăn được những giọt mồ hôi trên người túa ra. . . Trời tối dần, chúng tôi mò mẫm theo bước chân nhau và chiếc đèn pin le lói trên tay anh Luân. Hết con đường rừng, phía trước là cổng trời, bản Son với ánh đèn dầu leo lét xa xa, bầu trời đầy sao. Anh Luân chia tay chúng tôi và không quên dặn, xuống núi ghé qua nhà anh chơi. Chúng tôi tìm đến nhà trưởng bản Son - ông Ngân Văn Đức khi gia đình đang dùng bữa cơm tối qua ngọn đèn leo lét, hai con gái nhỏ của anh chị nhìn chúng tôi rồi cười khúc khích. Già May - bố anh Đức sau khi dùng bữa tối xong, đem chiếc đài cát - sét ra vặn, tiếng khọt khẹt, sóng lúc có lúc không. Phương tiện thông tin duy nhất của người dân chính là những chiếc đài nhỏ lắp pin và hàng tuần anh Đức xuống xã cầm về một vài tờ báo cho bà con. Điện thoại cũng chập chờn sóng lúc được lúc mất. Ngày mới, Son Bá Mười đón bình mình bằng những tia nắng trải dài thung lũng, đào hai bên đường lung linh trong nắng, quýt vàng ruộm bên chái nhà sàn. Son Bá Mười còn nghèo, nhưng phong cảnh tuyệt đẹp . Tôi nảy ra đề tài và gọi điện về tòa soạn đăng ký. Sau chuyến đi, tôi hăm hở bắt tay thực hiện chuyên đề về phát triển du lịch Cao Sơn, về tiềm năng, thế mạnh Cao Sơn cũng như những nỗ lực ở Cao Sơn vượt qua đói nghèo. 3 bài viết về Cao Sơn nhận được sự đánh giá cao của Ban biên tập. Tác phẩm cũng được trao Giải C Giải Báo chí Trần Mai năm 2013.

Có những chuyến đi để thực hiện đề tài dù được xác lập nhưng cũng đôi khi đề tài bật ra trong quá trình tác nghiệp. Và chuyến đi Son Bá Mười là chuyến đi bất chợt, đề tài mới nảy sinh và đã cho tôi nhiều trải nghiệm, thêm kinh nghiệm làm báo. Nghe là Son Bá Mười sau ngày tôi lên đã thay đổi nhiều, con đường lên Son Bá Mười đã trải nhựa uốn lượn qua từng non núi. Có đường rồi sẽ có điện, bà con sẽ không phải gánh quýt đi hàng chục cây số để bán nữa, có xe máy rồi, mọi thứ thuận lợi hơn.

Giờ tôi lại muốn có một chuyến trở lại Cao Sơn. 

***

* Sáng hôm ấy trời xanh trong vời vợi, Bình - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm khu Son Bá Mười đã có mặt cùng các anh chị ở Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông tiếp đón chúng tôi nồng nhiệt.

Sau khi trao đổi và thu thập tư liệu ở Ban trong buổi sáng, chúng tôi ăn cơm trưa để đầu giờ chiều vào bản. Ba chiếc xe máy cà tàng hàng ngày vẫn đồng hành cùng các cán bộ kiểm lâm đi tuần rừng, nay lại cùng đi với chúng tôi như những người bạn mới quen biết. Bình nhớ rành rọt từng đường đi, ngã rẽ. Tôi may mắn ngồi sau tay lái Bình, nên khá yên tâm. Đi mãi trời cũng về chiều, mặt trời như một trái chín lơ lửng treo đỉnh núi. Mặc cho nắng gió ràn rạt qua mặt, những tay lái vẫn kiên cường vượt qua chục cây số lên đỉnh Pha Hé. Để vượt qua từng khúc cua gấp cho đến những con dốc cao gần như dựng đứng, xe máy của chúng tôi liên tục ở số 1 và tăng ga hết cỡ. Có lúc xe không lên nổi vì đoạn đường đang làm, ngổn ngang đất đá và trơn trượt, phải xuống dắt bộ mấy chặng nhưng không ai trong đoàn thấy mỏi mệt. Bỗng một làn gió mát rượi còn hơn điều hòa thổi qua chúng tôi chỉ trong giây lát. Bình giải thích: “Hơi mát ấy là do chúng ta vừa chạm đến “cửa rừng”. Thật thú vị và sảng khoái, bởi chúng tôi đã đi qua ranh giới giữa hai nấc thang khí hậu khá rõ ràng.

Qua đỉnh Pha Hé vào trong thung lũng, chúng tôi reo lên sung sướng khi  trước mắt là cả một vùng thoáng đãng, bạt ngàn màu xanh của cây cối xen lẫn những nếp nhà sàn thâm nâu của người Thái, đẹp như trong bức tranh làng quê yên bình của các họa sỹ. Nơi đây được ví như Sa Pa, Đà Lạt của xứ Thanh. Điều khiến chúng tôi hết sức ngỡ ngàng nữa là có vô số những mỏm đá đen sậm nằm lô nhô giữa đồng bãi thôn Son, tựa như những núi đá trên vịnh Hạ Long. Vừa đi, Bình vừa giới thiệu, Son Bá Mười gồm có 3 bản làng người dân tộc Thái là thôn Son, thôn Bá và thôn Mười. Nơi đây được coi là biệt khu của huyện Bá Thước, thường gọi là khu Cao sơn. Bình tiếp tục dẫn chúng tôi đi hết một vòng quanh ngắm cảnh bản làng miền sơn cước. Điểm dừng chân cuối ngày là trạm kiểm lâm tọa lạc trên một khu đồi thuộc địa phận thôn Mười. Cũng may, tới trạm thì trời vừa xẩm tối, một cơn mưa rào ập xuống, nước như trút.

Cơn mưa xối xả càng khiến cho trời nhanh tối. Vài ánh đèn leo lét từ những nếp nhà sàn của người Thái tắt dần, cả bản làng chìm vào trong bóng đêm. Duy nhất mỗi ánh đèn phát ra từ chiếc đèn com - pắc gắn từ bình ắc quy vẫn sáng. Cả khu Cao Sơn này chỉ có khoảng một nửa hộ dân có điện. Người dân đặt các tua bin thủy điện nhỏ ở các mó nước quanh suối để đưa điện về. Nhưng điện không đủ dùng, nước suối cũng vô cùng khan hiếm.

Tối hôm đó vừa mệt, vừa đói, chúng tôi được các anh em ở trạm đãi bữa cơm thân mật, có đặc sản ốc đá, gà đồi, canh đắng. Sống thiếu thốn trong cảnh nhiều cái “không” như vậy bao năm liền, nhưng cuộc sống của đồng bào Thái vẫn chầm chậm trôi đi yên ả, thanh bình như vẻ hoang sơ vốn có của nơi này. Cảm nhận về một vùng cao tuy còn nhiều gian khó nhưng ấm áp tình người khiến chúng tôi nhớ mãi...

Sáng sớm hôm sau, như đã hẹn, trưởng thôn Mười - Ngân Mạnh Hùng đã đón chúng tôi ở trước cửa nhà. Anh vui vẻ mời chúng tôi uống chén nước, rồi bảo: Chắc các anh, các chị không hình dung nổi những năm trước đó đường vào thôn bản khốn khó đến mức nào đâu. Vất vả lắm theo lối mòn leo qua đỉnh Pha Hé mất nửa ngày đường hoặc ngược sang Hòa Bình đi bộ hàng cây số mới vào tới nơi. Bây giờ có đường, tiện hơn nhiều rồi. Mấy năm nay ở đây đã trồng thí điểm cây dược liệu bước đầu cho thu nhập khá. Cây lúa hạn chế canh tác vì khí hậu lạnh nên bà con chăm chỉ trồng ngô, vầu, chăn nuôi gia súc lấy sản phẩm mang sang chợ bên tỉnh Hòa Bình trao đổi hàng hóa.

Nghe các anh lãnh đạo ở xã Lũng Cao nói Son Bá Mười điều kiện khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng rất tốt cho nhiều loại cây trồng. Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, xã đang tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế theo hướng trồng các loại cây rau màu như ngô, đậu, su su, mướp đắng; trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Đặc biệt, khu Son Bá Mười được quy hoạch vùng trồng dược liệu gắn với phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, hứa hẹn sẽ biến tiềm năng nơi đây thành điểm tham quan du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng, người nông dân sẽ trở thành công nhân, nơi đây sẽ trở thành vùng sản xuất hàng hóa... Song, để chạm tới “đích” nông thôn mới, giải quyết những khó khăn về môi trường, thủy lợi… cũng đang là thách thức đặt ra ở Lũng Cao, đặc biệt là khu Cao Sơn này.

Ngọc Huấn - Ngọc Anh

 

Các tin khác:
  • Những chuyến đi để đời (13/10/2016-16:25)