Thứ bảy, ngày 18/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Quyền lực tự phát (14/11/2016-7:40)
    (NLBTH) - Vừa đi qua ngày pháp luật Việt Nam (9/11) khi tôi đi trên đường thấy có rất nhiều băng rôn, nghe trên phương tiện thông tin đại chúng thấy truyền thông ra sức kêu gọi người dân làm theo pháp luật, mà không khỏi suy nghĩ.
Mỗi người tự nâng cao được ý thức, sự chấp hành về pháp luật giao thông sẽ
hạn chế được việc tắc đường

Khi trong xã hội còn nhiều người cho mình được quyền thế nọ, được quyền thế kia theo cái cách rất riêng, thì pháp luật chắc chắn khó để mà được thượng tôn đúng mức.

Hôm rồi đi đón con ở một cổng trường đông đúc ngàn ngạt xe, nhiều người kiên nhẫn theo hàng để đến lượt mình được lăn bánh, bỗng một chiếc xe sang xé hàng đi ngược chiều, nhiều xe khác cũng bám đuôi theo, và tắc đường.

Người tham gia giao thông có ý kiến, thậm chí phẩn nộ, nhưng lái xe mặc kệ chốt kín cửa ngồi trong xe một cách thản nhiên. Có điều gì đó thật bất công và xúc phạm, thậm chí hơn cả sự xúc phạm đến những người đang tham gia giao thông cùng lái xe này, đó là sự xúc phạm đến pháp luật.

Giao thông vốn phức tạp, mà ở đó dường như ai cũng cho mình cái quyền “viết lại” Luật Giao thông đường bộ, thế nên chẳng ai muốn mình là người lép về, và họ biểu hiện cụ thể vào tay lái.

Ngay cả đến chị quét rác trên đường cũng nghiễm nhiên cho mình một cái quyền đặt chiếc xe chở rác ở bất cứ đâu đó trên con đường nhỏ, mà chỉ cần chị có ý một chút, chiếc xe ô tô đã không phải bóp còi inh ỏi làm náo loạn cả một khu dân cư tĩnh lặng.

Người nhà tôi kinh doanh cà phê trên một tuyến phố, ít hôm trước những công nhân đến lật tung vỉa hè để làm việc họ phải làm. Những viên gạch lổn nhổn, ngổn ngang trước quán, khách thấy thế bỏ đi. Mấy ngày trôi qua vẫn cảnh tượng ấy, những công nhân lại đi làm một đoạn đường khác. Để kéo khách trở lại, người nhà tôi đã phải gặp những công nhân kia để “nói chuyện” mong họ sớm thực thi công việc của mình, và mọi việc êm thấm.

Cuộc sống khi mà đến anh công nhân đô thị, chị quét rác với chiếc xe đẩy nghễu nghện trên phố cũng có quyền, và những thứ quyền ấy được thực hiện một cách tự phát theo suy nghĩ riêng của mỗi người, thì khó để đòi hỏi vào một trật tự xã hội thật sự, bởi lực lượng chức năng đâu có đủ đến mức rải đều khắp thành phố và bất cứ lúc nào để điều tiết.

Một thứ quyền lực tự phát dù nho nhỏ, nhưng lo ngại về một thứ bạo lực lớn hơn có thể diễn ra bất cứ lúc nào với những người không kiềm chế.

Có lẽ bên cạnh sự kêu gọi vào việc thượng tôn pháp luật của Nhà nước, rất cần đến một thứ pháp luật của lòng người, sự nhân văn và kiềm chế.

Anh Vũ

 

Các tin khác:
  • Loại bỏ tư duy “ngắn hạn” (11/11/2016-7:40)
  • Nhìn vào một quyết định mạnh để thiết lập kỷ cương (07/11/2016-7:56)
  • Chọn việc cấp bách để làm (04/11/2016-7:55)
  • Để không còn “vùng cấm” (31/10/2016-8:29)
  • Thay đổi tư duy về “của công” (28/10/2016-10:18)
  • Báo chí cách mạng không thể là công cụ cho nhóm lợi ích (24/10/2016-7:51)
  • Cấp phó cho người năng lực (21/10/2016-7:44)
  • Nhìn vào thứ quyền lực núp bóng (17/10/2016-12:05)
  • Cần nhận diện tồn tại, hạn chế để có hướng khắc phục hiệu quả (14/10/2016-15:42)
  • Để ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chí (10/10/2016-9:14)