Thứ bảy, ngày 23/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Hoa cỏ dại khờ (20/02/2017-7:45)
    (NLBTH) - Nhiều khi tôi tự hỏi, nếu lọc bỏ đi những ngày tháng ấu thơ vui đùa cùng hoa cỏ dại khờ nơi miền quê hoang vắng, tôi sẽ còn lại gì?

Tự hỏi rồi tự trả lời, và thấy rằng nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ vẫn còn lại những thứ như tôi đang có, là nhịp sống hiện đại với những toan lo vô bờ bến, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn tôi, đã mất cái gốc gác của những hứng khởi mà cỏ hoa ngày cũ đã hun đúc nên một tôi với tâm hồn yêu thiên nhiên say đắm.

Nhưng nói vậy thôi, cái chữ nếu ấy không bao giờ xảy ra được, không chỉ đối với tôi mà tôi nghĩ những ai từng có những ngày tháng vui đùa cùng hoa cỏ miền quê như tôi, đều cũng không thể quên những dáng hoa cỏ dại khờ ngày xưa ấy. Làm sao có thể quên được cái sắc tím đằm đẹ của bông rau khoai, sắc tím giòn dai của bông hoa rau muống, tím xé gan xé ruột của hàng rào hoa tầm xuân hay gốc khế tím rưng rưng nhớ trong góc vườn xưa ngày đó... Chao ơi, mới chỉ một màu tím hoa cỏ miền quê đó thôi, mà bao nhiêu nỗi nhớ đã dâng đầy. Như bông khoai lang, dường như chỉ nở khi người ta bỏ quên nó trong vườn hoang vắng, hay như câu ca dao này, ai nghe mà không nao ruột nao lòng: “Chờ anh đã quá sức chờ/ chờ cho rau muống lên bờ trổ bông”...

Ra Giêng một thoáng, tháng Hai trồng đậu tháng Ba trồng cà, đó cũng là lúc hoa cà tím rưng rức màu cổ tích chuyện người con gái may áo chưa mặc một lần nở khúc khuỷu trên những luống cà ven sông. Cà pháo nho nhỏ nở tím đành hanh nhưng cà đĩa trái lớn thì tím trặm trịa, tím phơn phớt mà khiến cho như có ai đó kêu lên là tím nhức xương, tím phơn phớt mà hút hồn bao nhiêu thi sỹ. Buổi chiều nhìn hoa cà nở, nghe mấy anh trai làng ngồi hát bléro Chợ Nọ nữa là thấy mình cũng đang chuyển sang tim tím như câu hát chung thủy ngày xưa:

“Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. Ca dao xưa nói thế thôi, chứ tôi đoán chắc cái anh trai làng rời quê chắc chắn còn vương trong mắt màu hoa cải vàng hoe hoắc bên triền sông, rực rỡ ngời tươi mênh mông một sáng hay se thắt vàng một chiều gió cả. Tôi có người bạn từ làng quê trưởng thành nơi phố thị. Lúc nào uống say cũng sửa một câu thơ của Dư Thị Hoàn thành ra “Hoa cải vàng ơi, theo ta làm chi cho dang dở?... Chẳng biết anh ta dang dở kiểu chi, hay là hình ảnh cùng người đẹp thôn nữ với đôi quang gánh thong dong ra về sau buổi làm đồng còn vương vấn lấy anh, làm trái tim anh điêu đứng? Cũng không biết bao nhiêu lần tôi đi dọc các triền sông và bất ngờ bắt gặp ngập tràn ven sông một màu vàng quay quắt nỗi niềm ấy, lòng dậy lên bao hoài cảm. Và cũng trên những triền sông, hoa bắp lay khi sông nước còn gió xuân, hỏi ai không mặc khải mình đang đi vào một cuộc viễn du xưa trong ý thơ Hàn thi nhân: “Gió theo lối gió mây đường mây/ dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”.

Từ bờ sông vào chỉ vài trăm thước, hoa nhà quê nở hẹn hò mùa vụ trên những cái giàn bắt ngay trước hiên nhà. Mùa xuân, khi mưa phùn còn lây phây bay lớp lớp từ cao vọi tầng không, các loài hoa bí, hoa bầu, hoa mướp đua nhau nở. Hoa bầu trắng với cái nụ cuống ngửa mặt lên trời mà nở chờ đậu trái, hoa bí ngô vàng đục, hoa mướp ngọt vàng tươi, hoa mướp đắng xanh xanh điểm vàng... là những sắc màu yêu thương và quyến rũ thật nhiều ong bướm. Tôi tin rằng những đứa trẻ lớn lên trong những khu vườn nơi làng mạc, bài học đầu tiên về lẽ sinh tồn bao giờ cũng là bài học đơm hoa kết trái từ giàn bí giàn bầu của mẹ. Và cả bài học về lòng nhân ái, về nghĩa đồng bào cũng từ đó, từ lúc nằm nôi nghe câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” cho đến khi chập chững ra sân nhà vui mắt nhìn hoa bầu bí nở, đó là một chặng đường dài của lớp học thiên nhiên đầy chất nhân văn như ngày nay chúng ta thường nói, từ lý luận đến thực tiễn... Và lớn lên một chút, cũng đứa trẻ ấy chơi trò chơi bút mực từ dậu mồng tơi bên hiên nhà, và vài năm sau đó, cũng trong không gian màu tím mực mồng tơi ấy, có lúng liếng ánh mắt của cô gái bên kia hàng xóm, để có lúc chàng trai ngồi thẫn thờ: “Giá đừng có dậu mồng tơi, thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng” (Nguyễn Bính)...

Tôi thường tự hỏi không biết từ bao giờ, hoa cỏ cũng bắt đầu có sự phân biệt giữa làng quê và phố thị. Ở trong không gian tre trúc, các loài hoa “quý tộc” như hồng, phong lan, hải đường... chỉ mọc thưa thớt ở một vài ngôi nhà sành điệu. Còn đa phần trong ngôi vườn đơn sơ những người cày sâu cuốc bẫm, hoa của họ là thứ hoa để vọng tưởng ông bà tổ tiên: bông phượng, bông trang, bông vạn thọ, bông cúc, về sau này có thêm huệ, lay ơn... là những thứ hoa để đơm cúng cùng với nải chuối, quả cam, quả bưởi... Một khóm hoa đồng tiền, hoa thược dược, hoa hướng dương... đã là xa xỉ mà mùa xuân, trong một khoảng nông nhàn nào đó, họ tình cờ bắt gặp mới đem trồng. Thế đó, hoa cỏ vườn quê tự ngày xửa ngày xưa đã là thứ hoa giữ gìn lễ nghĩa trong đời, đã mấy ngàn năm rồi không khác đi, và sẽ không bao giờ khác nữa...

Những ngày xuân, ra vườn thấy hoa dại nở chíp chiu trong vườn chưa làm cỏ, thế nào cũng bất giác ngước mắt nhìn lên cây khế tim tím mùa hoa. Với gốc khế trong góc vườn, ở đó có biết bao nhiêu là câu chuyện: ăn khế trả vàng, bò chết gặp khế rụng, và “canh cá trầu mẹ thường hay nấu khế, khế trong vườn thêm tí rau thơm”, là món cá kho khế mà e chỉ duy nhất nhà bếp Huế mới hay làm... Nhiều chuyện đến mức nhiều khi sinh ra bất giác cảm hoài: “Ai sinh ra khế, khế ơi”!

Có một miền cỏ hoa khờ dại khác nữa là hoa dại ngoài đồng. Đó là sim, là mua, mâm xôi, trinh nữ, cơm rượu, cỏ voi, ngũ sắc... Cuối xuân, những triền dốc ngoài đồng hoang mọc đầy sim mua nở hoa tím ngát trời. So với hoa sim, hoa mua đẹp hơn nhiều, trái mua ăn cũng ngon không kém cạnh gì sim, thậm chí có vị ngọt ngào và thơm hương đồng nội hơn. Thế nhưng, như một nỗi bạc mệnh tiền kiếp, hoa mua không nổi tiếng bằng sim bởi hoa mua không đi vào thi ca bằng một con thuyền sâu thẳm như sim mà bài thơ “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan chính là chiếc thuyền tím huyền thoại đó. Bài thơ ấy, đến nay đã có ba nhạc sỹ phổ nhạc và bài nào cũng hay,  mỗi lần hát lên là mỗi lần cõi lòng vời vợi, như bay theo những đồi sim, chiều nao tím mấy đồi đi không hết. Hoa đồng cỏ nội đi vào thơ ca nhạc họa trên đất Việt khá nhiều, và mỗi lần đi vào đều đem lại những rưng rức trong mênh mông hồn người. Xếp hàng thứ hai sau hoa sim, có lẽ là hoa hổ ngươi nổi tiếng từ độ bài hát “Hoa trinh nữ” được nhiều người biết đến ở miền Nam trước 1975. Bài hát kể câu chuyện cổ tích về hoa trinh nữ, và lời kể chuyện thật ngọt ngào: “Xưa thật là xưa, nhớ mấy cho vừa nhớ mẹ kể chuyện đêm khuya. Có ông vua trẻ, xuất quân biên thùy dẹp quân xâm lấn...” và cũng thật chân tình khi nói về hoa: “Hoa trinh nữ không mặn mà bằng nàng hồng kiêu sa, hoa đâu dám khoe màu như nàng cúc vàng tươi, và không ngát hương thơm như nàng dạ lý trong vườn, nhưng hoa trinh nữ đẹp tựa tình đôi chúng ta”...

Cũng vào cuối mùa xuân, trên những đồng cỏ làng dành cho trâu ăn, hoa mâm xôi đỏ ối nở tròn trịa ven đường. Đối với trẻ thơ miền quê, mâm xôi là một sản vật trời cho tuyệt vời và dễ kiếm. Trong mâm ngũ quả của trẻ con ham chơi ngoài đồng, mâm xôi bao giờ cũng chiếm vị trí trang trọng không chỉ bởi cái màu sắc hay kích thước kha khá của nó, mà còn là sự phổ biến của những mâm xôi đỏ mà nhà trời đã như thêm màu gấc thật nhiều vào trong quá trình nấu thổi. Nhưng đặc sản của đồng nội chính là trái cơm rượu chín màu cam thuỗn dài xinh xắn như một con tằm. Ngày xưa, hoa trái cơm rượu không phải là quá hiếm, nhưng nay thì gần như không còn nữa, như thể đã bay đi cùng một khoảng thời gian ký ức xa xôi, như thể chiếc kim đồng hồ đã ngưng lại trên đồng cỏ xưa và những cỏ hoa huyền thoại ấy đã tự sắp xếp cho mình một cuộc viễn du vĩnh viễn vào miền quá khứ. Cũng trong danh sách hành khách đi vào miền quá vãng ấy, trên những lối đi nối làng qua làng, thôn qua thôn ngày xưa, bao giờ cũng gặp một bụi hoa ngũ sắc nở tưng bừng bên vệ đường. Hoa ngũ sắc thật sự là thứ hoa học trò, hoa nhiều màu tươi vui và thơm như trang vở mới. Cuối xuân sang hè, hoa ngũ sắc nở bừng cùng tiếng ve kêu và tiếng chim tu hú gọi từ đồng xa.

Nếu có một dịp đi và đếm lại cỏ hoa đồng nội, thật khó thể đi trong một ngày, một tuần hay một tháng, một năm. Đó phải là chuyến đi của một đời người, và dưới chân bao giờ cũng vướng đầy hoa cỏ may, cái sự vướng víu như giăng mắc những hoài niệm mà nếu như quên nó đi, ta đã tự đánh mất mình trong cuộc đời mà mọi thứ thuộc về ta đều hữu hạn...

Hồ Đăng Thanh Ngọc

 

Các tin khác:
  • Mùa xuân văn hóa (21/01/2017-21:53)
  • Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh vinh danh 10 truyện ngắn hay (08/01/2017-7:22)
  • Trong thương nhớ đồng quê (18/11/2016-7:16)
  • Chuyện quê mình (16/11/2016-7:41)
  • Tháng 11, hoài niệm và cảm xúc (03/11/2016-16:05)
  • Gió nhà quê… (29/10/2016-21:06)
  • Hoài niệm làng xưa (27/10/2016-11:12)
  • Về quê ngày thu (27/10/2016-11:09)
  • Hồ Cửa Đạt - điểm đến đầy tiềm năng (27/10/2016-11:07)
  • Thiên nhiên, con người Bắc Trung Bộ qua triển lãm ảnh (30/08/2016-21:48)