Thứ bảy, ngày 27/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Mùa xuân văn hóa (21/01/2017-21:53)
    (NLBTH) - Đêm ở bản vùng cao Năng Cát không tĩnh lặng như những nơi tôi đã đến, cũng không như lời kể mà tôi ghe đâu đó. Sự âm u của núi rừng, hoang sơ của cây cỏ, buồn tẻ từ nếp sống tự cấp, tự túc đã là quá vãng ở vùng đất này.
Ngày hội văn hóa tại bản Năng Cát

Đêm lửa trại đón khách thật náo nhiệt với những điệu khặp Thái tưng bừng, những vòng xòe đam mê, uyển chuyển theo nhịp bước của những sơn nữ trong bập bùng ánh lửa cứ in đậm trong tôi.

Đó là một ngày cuối đông chúng tôi rời phố xá ồn ào theo đoàn khảo sát tuyến du lịch cộng đồng bản Năng Cát - thác Ma Hao - một không gian văn hóa Thái điển hình ở vùng cao xã Trí Nang, huyện miền biên Lang Chánh.

Ở đó, không chỉ có những điệu khặp, điệu xòe, những bài hát đắm say, còn có những ngôi nhà sàn nguyên bản, những nhà nghỉ theo kiểu Homstey, và những vuông thổ cẩm đẹp đến mê mẩn.

Nhằm từng bước khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng, phát huy giá trị văn hóa bản Thái ở bản Năng Cát tiến tới khai thác hết thế mạnh của cả một vùng đất, một không gian văn hóa bản Thái đặc trưng, huyện Lang Chánh đang từng bước đưa nơi này thành một điểm đến hấp dẫn. Nhiều công trình phục vụ du lịch, sinh hoạt văn hóa cộng đồng đã được đầu tư, nhiều sản phẩm đặc trưng đã bước đầu được đưa vào khai thác. Năng Cát đã đón những đoàn khách nước ngoài, đón nhiều khách “phượt” trong nước bằng chính sức hấp dẫn từ nét văn hóa độc đáo của dân tộc Thái. Và giờ, Năng Cát đang chuẩn bị để tết này đón thêm nhiều khách đến với bản khi xu hướng du lịch khám phá văn hóa vùng miền, văn hóa tộc người ngày tết càng được được nhiều du khách ưa chuộng.

Chia tay thác Ma Hao, rời bản Năng Cát, sự mể mẩn từ cảnh sắc, sức hấp dẫn từ những điệu xòe, những bước khặp cứ níu bước chúng tôi. Một vùng đất khá xa thành phố, đường vào còn nhiều khó khăn, nhưng người dân nơi đây đã biết phát huy tốt nhất giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất để biến thành những sản phẩm đặc trưng cuốn hút sự khám phá của con người. Bên cạnh những cái tên như Bản Đôn, bản Hiêu, bản Kho Mường ở Bá Thước, bản Hang ở Quan Hóa, làng Lương Ngọc ở Cẩm Thủy đã được nhắc đến nhiều trong những tour du lịch văn hóa cộng đồng vùng cao xứ Thanh, Năng Cát - Ma Hao dù mới mẻ nhưng sức hút thật khó để cưỡng lại. Với tôi, hơn cả một chuyến đi, là sự trải nghiệm để thêm vốn sống cho nghề viết của mình. Tôi sẽ còn trở lại nơi này, để sống trong sự hồn hậu của người dân, để được thêm lần nữa thưởng thức những món ăn, ghi lại những khuôn hình...

Đầu tư cho văn hóa để làm sức mạnh, động lực phát triển kinh tế, nhiều địa phương đã dành nguồn kinh phí ngân sách thỏa đáng, huy động thêm nguồn xã hội hóa để xây dựng các thiết chế văn hóa đáp ứng sự tham gia sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Nhiều trò chơi, trò diễn truyền thống lần lượt được khôi phục, nhất là những trò diễn ngày tết. Bởi vậy, mấy năm nay ở nhiều làng quê có nhiều người đi tập hát, tập múa để tết về ra sân đình biểu diễn góp vui. Đời sống văn hóa ở nông thôn đang bừng lên khí sắc của một nông thôn mới, nhưng vẫn có những nét văn hóa làng rất đậm đà. Hình khối của làng thay đổi, nhưng văn hóa làng vẫn còn nhiều thứ để nhắc, để kể.

Nhà văn hóa thôn ở vùng ven đô thuộc làng Vân Nhưng, làng Bản Nguyên, xã Đông Lĩnh vùng ven thành phố Thanh Hóa đã khiến tôi muốn lưu lại thật lâu. Những cụ ông, cụ bà, cả đám con trẻ xúng xính trong áo, mũ hội làng vào những vai diễn rất nhiệt. Các cụ tập chèo, người ngồi giữa chiếu hát, người giữ phách, người ôm đàn phía sau, có cô bé còn lúng la lúng liếng đôi mắt trong chiếc áo tứ thân đến là mê. Trong sự xốn xang, tấp nập đón đợi mùa xuân ở nơi này thấy cái gì cũng muốn xem. Dân làng đã chuẩn bị đất chôn gốc đu, chọn luồng để bắc cầu phao. Cả làng rồi sẽ rậm rịch trong tiếng trống hội, trong những trò chơi ngày tết. Còn là tiếng à, í a của những chiếu chèo; sự chen chân vào đám cờ người, cờ thẻ để reo hò cho thỏa thích. Làng trên, xóm dưới cùng hát, cùng hò hét chung vui. Tết ở quê đáng để chơi. Khi món ăn ngày tết không còn là thứ phải suy nghĩ quá nhiều, thì tìm thú chơi để kéo xích người lại với người đúng nghĩa đang được nhiều địa phương quan tâm. Có những làng còn phục dựng lại trò đập nồi, đánh mảng, nấu cơm thi và nhiều thú chơi dân gian hấp dẫn khác. Hồn làng, nét văn hóa làng mỗi khi tết về là lúc được phát huy, nó khiến cái tết ý nghĩa hơn bên cạnh những đồ ăn ngày một nhiều hơn.

Văn hóa là vậy, luôn có một chỗ đứng và sức sống mãnh liệt. Lần ở huyện Nga Sơn cách đây đã lâu tôi được sống trong một không gian văn hóa làng đúng nghĩa ngay tại Cửa Thần Phù nơi Mai An Tiêm và Nàng Nga trồng quả dưa đỏ. Một không gian văn hóa đậm nét làng quê truyền thống được tái hiện với hơn 20 trại của các làng văn hóa tiêu biểu trong huyện nhân Lễ hội truyền thống Mai An Tiêm. Một không gian níu kéo rất nhiều du khách, nhắc nhớ đến nét văn hóa làng quê đang mai một. Không gian văn hóa ấy lần nữa tái hiện đồng loạt mới đây tại trung tâm huyện Nga Sơn nhân kỷ niệm 120 năm khởi nghĩa Ba Đình. Những trại làng văn hóa tiêu biểu của các xã trong huyện san sát nhau, làm ta như gặp lại bóng dáng của cây đa, mái đình làng, tiếng tát nước đêm trăng. Gặp lại một thời quang gánh, cày bừa nhọc nhằn mưu sinh nhưng hồn nhiên, vô tư của ông bà, bố mẹ ta. Sống trong không gian xưa cũ của làng quê để hiểu đầy đủ hơn về một đời sống văn hóa đầy sáng tạo được khởi phát, trao truyền bởi những cư dân nông nghiệp, mới thấy hết giá trị và sức mạnh nội sinh của nền văn hóa gắn liền với cây lúa nước.

Văn hóa với dòng chảy bất tận, và không có khoảng cách. Tôi nhớ đã có lần được sống trong không gian ấy ngay dưới tường Thành Nhà Hồ sững sững. Những thôn nữ làng Tây Giai, làng Bèo ở xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc mộc mạc, xúng xính trong những chiếc áo mớ bảy mớ ba lúng liếng đôi mắt khiến những ông tây ngất ngây vỗ tay tán thưởng. Cuối năm 2016, trong đêm hội văn hóa nhân 5 năm Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, tôi lại có may mắn được gặp lại những điệu múa, lời ca ấy. Nó được trao truyền cho những học sinh trường THCS Phạm Văn Hinh - những nhân cốt văn hóa của vùng đất thiêng này trong tương lai. Những hạt nhân văn nghệ ấy rồi sẽ lớn lên, sẽ kế tục những chị, những bà của chúng để lưu giữ cái hồn của vùng đất. Những câu lạc bộ văn nghệ quần chúng trên vùng đất Tây Đô rồi sẽ còn nhiều hơn nữa, tôi tin vào điều đó từ những gì tôi thấy, tôi nghe.

Văn hóa với sức sống trường tồn, theo dòng chảy thời gian đã góp phần làm nên những mùa xuân ấm áp. Khi mà cuộc sống đầy đủ hơn thì người ta lại tìm đến với văn hóa nhiều hơn. Bởi lẽ ấy, những câu lạc bộ văn hóa có tổ chức, đôi khi tự phát bởi nhóm người để thỏa niềm đam mê ngày một xuất hiện nhiều hơn làm cho đời sống văn hóa cơ sở ngày càng thêm phong phú. Bên cạnh sự ồn ào của tiếng máy, sự náo nhiệt của những dòng nhạc trẻ, sự ồn ã của những câu lạc bộ sở thích hiện đại, những nghệ sỹ làng quê với tâm huyết, với sự hy sinh của mình đang làm cho dòng chảy văn hóa thêm khoe sắc với mùa xuân.

Anh Vũ

 

Các tin khác:
  • Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh vinh danh 10 truyện ngắn hay (08/01/2017-7:22)
  • Trong thương nhớ đồng quê (18/11/2016-7:16)
  • Chuyện quê mình (16/11/2016-7:41)
  • Tháng 11, hoài niệm và cảm xúc (03/11/2016-16:05)
  • Gió nhà quê… (29/10/2016-21:06)
  • Hoài niệm làng xưa (27/10/2016-11:12)
  • Về quê ngày thu (27/10/2016-11:09)
  • Hồ Cửa Đạt - điểm đến đầy tiềm năng (27/10/2016-11:07)
  • Làm du lịch ở miền Tây (18/10/2016-10:35)
  • Tháng mười nồng nàn phố (13/10/2016-17:06)