Thứ bảy, ngày 23/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nỗi ám ảnh ngôn ngữ (28/02/2017-9:57)
    (NLBTH) - Đang đi trên đường Ngô Quyền, thành phố Thanh Hóa, bỗng bà xã yêu cầu tôi phanh gấp xe trước một cửa hàng thời trang, rồi xuống xe ngó nghiêng, lấy máy điện thoại chụp tấm biển hiệu với dòng chữ: “Fashion Sexy Lady’shop”. Bước lên xe, bà xã luôn miệng: “Chết thật. Thế này thì chết thật”.

Tôi hiểu vợ mình bất bình với cái từ “Sexy” trên biển hiệu kia, nhưng tôi cũng chẳng biết giải thích như thế nào.

Vợ chồng tôi đều là cán bộ Nhà nước, vào làm việc thông qua con đường thi tuyển, trong đó có việc thi môn Tiếng Anh. Vậy mà bây giờ chúng tôi bó tay trước những từ Tiếng Anh đang được sử dụng nhiều trên phố.

Tôi lờ mờ rằng, sex là cái thứ bậy bạ, kiểu như phim sex người lớn vẫn cấm trẻ em xem. Thế mà người ta lại bạo gan đưa chữ sex lên biển hiệu ở một phố đông người qua, cơ quan quản lý về văn hóa cũng chả có ý kiến gì, chắc chắn rồi sẽ có nhiều người hiểu khác nhau.

Về đến nhà, tôi vội vàng bật máy tính vào google tra xem nghĩa của những từ này là gì, thì được cho những kết quả như: Cửa hàng thời trang của những quý bà gợi cảm hay những người đàn bà quyến rũ… Toàn những từ ngữ hay cả, vậy mà chúng tôi phải mất bao nhiêu suy đoán, quy kết. Trình độ Tiếng Anh của những cán bộ như vợ chồng tôi có lẽ phải xem xét lại. Sống trong thời kỳ hội nhập mà mình chẳng hội nhập chút nào, chí ít là về mặt ngôn ngữ. Tôi thấy buồn cho mình, và tin rằng sẽ nhiều người khác nữa.

Đúng là xung quang những dòng chữ tây còn lắm chuyện buồn lòng.

Mỗi lần môn Tiếng Anh của lũ trẻ nhà tôi bị điểm kém, vợ tôi lại buông câu  quen thuộc: Về quê mà ở nhé. Tôi biết đó không phải là kiểu dạy con phù hợp, nhưng có lý. Bây giờ gần như đi qua con phố chính nào ở đô thị, thậm chí ngay cả ở thị trấn huyện vùng cao, cũng dễ bắt gặp những biển hiệu chữ tây, chí ít cũng là chữ tây lai Việt. Những biển quảng cáo lớn, những thương hiệu lớn trên biển quảng cáo cũng nhiều chữ tây. Cả những tờ rơi được vứt vào cửa nhiều nhà, được phát trên đường phố, dắt vào xe ở những bãi xe cũng nhiều chữ tây. Thời buổi hội nhập, thế giới là một, người ta dùng tiếng quốc tế cũng là điều dễ hiểu, và cũng phải nói là mừng, như là thước đo, sự phản ánh về dân trí của dân ta.

Nhưng liệu đã đúng như thế chưa? Có lần tôi đem suy nghĩ ấy nói chuyện với mấy người cùng phố, cứ tưởng nhận được sự hưởng ứng, nào ngờ lại bị chê tới số. Có người còn bảo: Bây giờ đến đứa trẻ mới nứt mắt ra cũng hát tiếng nước ngoài, lại còn bày đặt chuyện nghệ danh, bút danh toàn chữ tây, cứ như Việt kiều về nước hay là làm việc trong môi trường toàn người nước ngoài ấy không bằng. Thử hỏi ở cái phố mình có bao nhiêu người thạo tiếng tây. Ngay lũ cháu tôi mỗi tuần đi học ngoại ngữ mấy buổi mà nói tiếng tây còn ấp a ấp úng; con trai, con dâu tôi học xong thạc sỹ rồi mà còn chả dịch được một câu Tiếng Anh nữa là. Thế mà đi đến đâu cũng thấy tiếng tây. Tiếng tây viết cho ai đọc. Đọc được cũng có hiểu được không?

Tôi ngẫm lại câu nói của vợ, và càng thấy cô ấy nói có lý, nhất là sau cái vụ “đáng xấu hổ” liên quan đến biển hiệu tên tây vừa rồi.

Nếu không học giỏi tiếng tây, thì không chỉ thiếu thứ để “trang sức”, mà còn bị hố, bị lố ấy chứ. Chúng tôi ít la cà vào những cửa hiệu có biển tiếng tây đã đành, nhưng còn lũ trẻ, chúng sẽ phải vào cho bằng chúng bạn chứ. Nhưng vào mà không hiểu mình đang vào đâu, muốn gọi món, muốn xem hàng, mà không đọc được đơn hàng, thì chả lẽ lại phải ra hiệu!

Ở thành phố Thanh Hóa một năm có mấy ông tây đến, mà đến chủ yếu bằng con đường ngoại giao, mấy người có nhã hứng ra bát phố. Đành rằng trong kinh doanh người ta phải đi trước, phải đón đầu, thế nhưng có đón kiểu gì thì cũng phải phù hợp với thực tại. Ai lại trong một cộng đồng người Việt, mà lại cứ đi ứng xử theo kiểu tây. Người Việt trước tiên phải giữ được sự trong sáng của tiếng Việt, rồi làm gì hãy làm. Bên cạnh những thực đơn tên tây, những dòng chữ tên tây, có Tiếng Việt đi kèm cũng dễ đôi đường.

Tôi lại nhớ đến chủ trương về xây dựng đời sống văn hóa theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) là hội nhập nhưng không hòa tan. Cũng nhớ có lần sang Trung Quốc, ở một điểm du lịch có rất nhiều người nước ngoài đến, nhưng cửa hàng ở đó cũng toàn tiếng Trung Quốc, có thấy tiếng nước ngoài đâu.

Cứ cái đà này, có lẽ không lâu nữa bộ mặt đô thị sẽ tây hóa cả mất thôi. Mấy đứa con tôi mà không khá khẩm môn ngoại ngữ lên chắc phải về quê để sống như mẹ nó nói thật rồi. Với cái vốn Tiếng Anh của mình, ngay cả đến vợ chồng tôi có lẽ cũng phải thế. 

Anh Vũ


 

Các tin khác:
  • Từ việc Sở Y tế không tiếp khách (27/02/2017-6:46)
  • Sự lựa chọn sáng suốt và cần thiết (25/02/2017-7:35)
  • Chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường kỷ luật (21/02/2017-11:07)
  • Từ việc phòng vệ của người dân (20/02/2017-13:46)
  • Lịch sự không chỉ bằng lời nói (20/02/2017-13:45)
  • Quyền phải gắn liền với trách nhiệm (20/02/2017-13:44)
  • Báo chí phải đồng hành với sự phát triển của đất nước (20/02/2017-13:42)
  • Đi lễ hội bằng nhận thức (20/02/2017-13:40)
  • Để việc ra quân có ý nghĩa (20/02/2017-13:36)
  • Đi đường bằng lòng tự trọng (23/01/2017-7:33)