Khán giả chuyên nghiệp sẽ tạo môi trường tốt để nghệ thuật phát triển
(Ảnh chỉ có tính minh họa)
Trên một số diễn đàn đã xuất hiện ý kiến cho rằng phải “đào tạo” lại khán giả góp phần để nghệ thuật và thể thao của chúng ta chuyên nghiệp hơn.
Một việc gây cười, và cũng có thể nói là gần như không tưởng ở Việt Nam, nhưng đó lại là điều hết sức cần trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa - thể thao.
Thông tin trên báo cho biết nước Pháp có hơn 100 năm “đào tạo” khán giả, và kết quả là khán giả Pháp sau đó khá chuyên nghiệp. Đó cũng là tình trạng chung ở nhiều quốc gia phát triển. Người dân ở các nước này có trách nhiệm với văn hóa - thể thao, coi đó như một phần cuộc sống, việc khen chê đều rất đúng mực và trong giới hạn. Nhiều khán giả sẵn sàng hy sinh để được sống trọn vẹn trong không gian nghệ thuật, để hưởng thụ và sáng tạo.
Nói cách khác, khán giả đã tạo ra một môi trường lý tưởng để nhiều hoạt động văn hóa - thể thao có “đất sống”, được tái đầu tư. Bởi vậy dễ hiểu vì sao ở Pháp và nhiều nước khác lại có những nhà viết kịch, những tác phẩm văn học, điện ảnh kinh điển, những nhà hát, những sân khấu ước mơ, nhiều diễn viên tên tuổi vượt khỏi biên giới quốc gia. Những trận đấu bóng đá của họ trên sân cỏ có thể còn điều nọ điều kia, nhưng ban tổ chức rất ít khi bị nộp phạt bởi lý do từ khán giả giống như ở Việt Nam trong thời gian gần đây.
Ở ta tuy đã qua cái thời công chúng quay lưng lại với nghệ thuật để lo miếng cơm thường nhật, nhưng để công chúng hào hứng thật sự với nghệ thuật, ứng xử đúng mực với các hoạt động giải trí, thì vẫn là câu chuyện rất khó khăn. Nhiều diễn viên chuyên nghiệp, thậm chí diễn viên tên tuổi vẫn phải đi làm tay ngang, phải vào những vai diễn dung tục để tồn tại. Nhiều nhà văn, nhà biên kịch phải tìm kiếm những việc làm ngắn hạn để có tiền nuôi văn chương.
Có lần diễn viên Kim Oanh trong chương trình đối thoại trên VTV đã kể câu chuyện cô đi khám bệnh, bác sỹ điều trị nói bao giờ em diễn nhớ cho anh cặp vé để anh mời bà xã đi xem thay đổi không khí, cô đã trả lời rằng, vậy thì hôm nay anh khám bệnh miễn phí cho em, em sẽ gửi giấy mời đi xem kịch cho anh.
Một câu chuyện nhỏ, nhưng phản ánh đúng ứng xử của phần đa khán giả Việt Nam với nghệ thuật. Họ chưa coi văn học - nghệ thuật là sản phẩm văn hóa đích thực phải trải qua quá trình sáng tạo, lao động đặc thù. Thường những suất diễn phát hành giấy mời thì gần như kín rạp, ngược lại những chương trình nghệ thuật bán vé thì chỉ được buổi diễn đầu, còn những suất diễn sau đó lâm vào cảnh đìu hiu. Dưới con mắt cực đoan của một số người, nghệ sỹ đôi khi chỉ là “con hát”, có đắt sô mấy cũng chỉ là người mua vui, nghệ thuật là thứ cờ, đèn, kèn, trống, chỉ là nghề phục vụ.
Lâu nay chỉ có chuyện đào tạo diễn viên, chứ chưa thấy ai nói rằng phải mở trường lớp để "đào tạo” khán giả. Nhưng rõ ràng, để những chương trình giải trí trở về đúng vị trí, giá trị của nó trong đời sống, cần một sự nghiêm túc hơn từ khán giả. Khán giả cần thay đổi ứng xử với nghệ thuật như một cách tự “đào tạo” mình, dù biết rằng chưa thể ngay lập tức.
Câu chuyện về nước Pháp có hơn 100 năm "đào tạo" khán giả khiến chúng ta phải suy nghĩ.
An Nhiên