Thứ tư, ngày 08/01/2025
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Công tác hội
Xây dựng, bồi đắp đạo đức người làm báo nhìn từ kinh nghiệm của báo Phụ nữ Việt Nam:
Không để lửa bùng lên mới dập! (07/07/2017-7:48)
    Đề cao giá trị nhân ái: Theo nhà báo Thục Hạnh- Uỷ viên Ban Chấp hành HNBVN, Tổng Biên tập Báo PNVN, đạo đức người làm báo là một khái niệm “động”, cần được liên tục đắp bồi, cần một môi trường để phát triển. Chính vì thế nó không thể là câu chuyện đơn lẻ, không phải là một vài hoạt động hô hào hay những văn bản cao siêu, khô cứng, cần được xây dựng một cách nghiêm túc, cụ thể và thể hiện rõ nét, sinh động, thực tế như bản thân cuộc đời. Nó cần được thấm vào suy nghĩ của từng thành viên trong toà soạn để có thể giúp họ tự điều chỉnh hành động và ngòi bút của mình, ngay cả khi tưởng chừng không hề có người giám sát.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trao phần thưởng cho
nhóm tác giả của Báo PNVN đoạt Giải Bài báo của năm (lần thứ 5)

Vì vậy, với việc xác định rõ sứ mệnh “Nhân ái – Sáng tạo – Hiệu quả” và truyền thông nội bộ thật tốt về sứ mệnh này, điều này đã và đang được Báo PNVN nỗ lực xây đắp từ những việc nội bộ toà soạn đến các bài viết, các hoạt động truyền thông tới cộng đồng. Qua đó, điều chỉnh cách nhìn của phóng viên, cách đưa bài, đặc biệt là các loạt bài phản ánh tiêu cực. Trong đó, đòi hỏi sự nghiêm túc, chính xác trong từng thông tin trên báo cho đến thái độ thân thiện, tận tình khi gặp gỡ, trao đổi với bạn đọc và cộng tác viên…

Bên cạnh đó, với việc xác định để quản trị con người thành công, trước hết phải xây dựng được hệ thống quy chế, quy định cơ quan chặt chẽ về luật, hài hòa về con người. Ở Báo PNVN, sau khi các quy chế được ban hành, tùy tình hình thực tế trong thực hiện và vận hành, hàng năm, có sự rà soát, điều chỉnh phù hợp, chặt chẽ hơn. Tiêu biểu, Báo đã xây dựng được Bộ Quy tắc đạo đức người làm báo PNVN; Kỷ luật phát ngôn nội bộ; Kỷ luật phát ngôn trên mạng xã hội… Trong quá trình xây dựng đều lấy ý kiến góp ý của toàn thể hội viên, phóng viên nên đã nhận được sự đồng thuận cao; trong đó, đề cao tuyệt đối tính kỷ luật và tinh thần nêu gương. Việc nêu gương đã được thực hiện và lan tỏa ngay từ chính những người đứng đầu. Công tác kiểm tra, giám sát, đối chiếu với quy chế cơ quan được thực hiện nghiêm túc, thưởng phạt công minh. Từ đó, đã tạo niềm tin, khích lệ tinh thần tự giác, ý thức kỷ luật của hội viên, phóng viên.

Xây dựng môi trường Sáng tạo – Cống hiến – Nhân ái

Luôn xác định rõ một điều: có được môi trường làm việc tốt, công bằng, trung thực sẽ thúc đẩy tư duy sáng tạo cũng như tinh thần cống hiến của người lao động. Vì thế, trong suốt nhiều năm qua, bên cạnh các nhiệm vụ chính trị, Báo PNVN rất chú trọng đến việc xây dựng và củng cố môi trường làm việc Sáng tạo- Cống hiến- Nhân ái. Và tất cả những điều này đều phải dựa trên nền tảng của Luật cũng như quy định đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Tổng Biên tập Thục Hạnh cho biết, ngoài các quy định chung về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của nhà báo đối với Tổ quốc, nhân dân, trong quá trình phóng viên tác nghiệp, Báo PNVN đặc biệt quan tâm đến vấn đề trung thực- khách quan- tôn trọng sự thật. Bên cạnh đó, Ban Biên tập yêu cầu, dù viết về đề tài tiêu cực hay tích cực đều phải trên tinh thần xây dựng. Trong xu thế toàn cầu hóa, đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, BBT báo PNVN càng đòi hỏi khắt khe hơn đối với các nhà báo…

Nhà báo Thục Hạnh lấy dẫn chứng: Ở Báo PNVN, đã có 2 trường hợp vi phạm trong tác nghiệp đã bị xử lý nghiêm minh từ nhắc nhở đến kỷ luật… Với quan niệm, các quy định pháp luật luôn nghiêm minh nhưng trên tinh thần nhân văn, khi xử lý các vụ việc, Báo PNVN chọn cách xử lý linh hoạt, mềm dẻo nhất. Mềm dẻo nhưng vẫn phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Điều này khiến người bị xử lý rất tâm phục khẩu phục và có ý thức cầu tiến, thay đổi, phấn đấu… “Điều rất mừng là trên tinh thần “vấp ngã ở đâu, đứng dậy ở đó”, sau khi bị khiển trách, kỷ luật, các phóng viên này đã trau dồi, rèn luyện không ngừng, các em đã có sự chuyển biến rất tích cực và trở thành những cây bút khá và sắc sảo”, Tổng Biên tập Thục Hạnh chia sẻ.

Bồi đắp đạo đức làm nghề bằng những việc làm cụ thể

Trước hết đó là sự tôn vinh, tạo động lực để các thành viên trong toà soạn thấy được rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình. Cụ thể, hàng năm, ngoài việc đôn đốc, khích lệ hội viên, phóng viên tham gia Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí các bộ/ngành cũng như Tác phẩm báo chí chất lượng cao, nhằm tôn vinh và khích lệ các hội viên, phóng viên tài năng, có nhiều sự cống hiến, không ngừng sáng tạo, tìm tòi trong chuyên môn, Ban Biên tập đã phối kết hợp với Chi hội Nhà báo tổ chức Giải bài báo của năm (Giải thường niên) vào dịp 21/6.

Báo cũng đã chọn cách quản trị bằng niềm tin, tăng cường kiểm tra chéo trong giám sát. Ở Báo PNVN, việc tăng cường công tác thông tin và kiểm tra chéo giữa thành viên các đoàn thể, giữa Báo với hệ thống Hội cơ sở (khi phóng viên đi tác nghiệp) đã rất hiệu quả. Trước những hiện tượng tiêu cực trong làng báo, Ban biên tập Báo PNVN đã đồng hành cùng các đoàn thể trong cơ quan có những động thái tích cực nhằm củng cố niềm tin trong cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo. Ở Báo PNVN, mỗi đảng viên, hội viên, thành viên ban chấp hành, ban thư ký các đoàn thể đều là hạt nhân đoàn kết, cầu nối thông tin đến Ban Biên tập và Chi bộ. Do vậy, gần như mọi thông tin biến đổi theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực, Ban biên tập đều nắm bắt và có hướng xử lý kịp thời, không để lửa bùng rồi mới dập. Với trường hợp cán bộ, phóng viên, nhân viên gặp khó khăn hoặc biến cố trong gia đình, cuộc sống đều được quan tâm, động viên, chia sẻ kịp thời.

Là một cơ quan báo chí tự hạch toán từ năm 1978 đến nay, ba năm gần đây là khoảng thời gian Báo PNVN và từng phóng viên đối mặt với quá nhiều khó khăn về kinh tế báo chí. Với Ban biên tập thì việc lo mỗi tháng hàng tỷ đồng tiền lương, nhuận bút khi đảm bảo đưa tin không sai sót đã đủ chóng mặt; với phóng viên, ngoài đối mặt với cuộc chiến giành giật thông tin ngày càng khốc liệt họ còn phải lo lắng cho thu nhập chân chính từ nghề… ngày một giảm sút. “Chúng ta đã đúng khi lên án, thậm chí là thu thẻ nhà báo hoặc bỏ tù những nhà báo vi phạm pháp luật; chúng ta không sai khi đấu tranh với các hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức làm nghề như đưa tin không chính xác, bỏ qua các quy tắc xác minh thông tin… nhưng sẽ là chưa đủ nếu chúng ta không nhìn thấy cả một nỗ lực to lớn của từng cá nhân người làm báo trong bối cảnh nghề báo quá nhiều thách thức như hiện nay”, nhà báo Thục Hạnh thẳng thắn nhìn nhận.

“Cá nhân một người không làm nên đạo đức. Giá trị đạo đức được hình thành ở mỗi cá nhân và luôn phụ thuộc vào việc các cá nhân ấy được giáo dục và tiếp nhận những tư tưởng và các chuẩn mực đạo đức đúng đắn của xã hội. Để Bộ Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam thực sự lan tỏa và đi vào cuộc sống, rất cần có sự đồng hành của cả xã hội, hệ thống pháp luật và đặc biệt là vai trò của các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo”, TBT Báo PNVN kiến nghị.

Theo Ngọc Lành/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Vai trò của Hội Nhà báo trong ngăn chặn, xử lý vi pham đạo đức báo chí (29/06/2017-10:12)
  • Ngày hội của báo giới xứ Thanh (21/06/2017-9:14)
  • Ấn tượng Tiếng hát Người làm báo trên quê hương Bác Hồ (20/06/2017-10:17)
  • Báo Thanh Hóa vô địch Giải bóng đá Người làm báo Thanh Hóa lần thứ 2 - năm 2017 (18/06/2017-7:48)
  • Khai mạc Giải bóng đá Người làm báo Thanh Hóa lần thứ 2 (14/06/2017-8:37)
  • Giải bóng đá Người làm báo Thanh Hóa lần thứ 2 sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 6/2017 (31/05/2017-14:07)
  • Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số (06/05/2017-7:07)
  • Nhiều bức xúc được đề cập, công tác kiểm tra được nhấn mạnh (23/04/2017-14:31)
  • Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khoá X (22/04/2017-14:09)
  • Học tập, quán triệt thực hiện 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (22/04/2017-13:56)