Bảo vật quốc gia bia Lê Thánh Tông. Ảnh: Lê Dung
Ẩn dưới tán rừng mướt mát màu xanh, Lam Kinh càng trở nên nổi bật bởi sự tao nhã mà uy nghiêm của tổ hợp kiến trúc – nghệ thuật vô cùng hài hòa và ấn tượng. Lam Kinh, như một cách gọi khác là kinh đô tưởng niệm nhà Lê, có sự hòa quyện giữa tư tưởng đậm triết lý nhân văn, tinh thần dân tộc và tinh hoa kiến trúc Việt, đã trở thành di sản đặc biệt được hậu thế ngưỡng vọng và chiêm bái. Song, những Chính điện, Nghi môn, Sân Rồng, Cầu Bạch, Thái miếu... đậm dấu ấn cung đình ấy vẫn chưa đủ để phác họa một cách đầy đủ và chân chính nhất về diện mạo Lam Kinh, nếu thiếu đi hệ thống bia ký và lăng mộ. Điều này không hề khó hiểu khi bản thân Lam Kinh là sơn lăng – nơi an nghỉ ngàn đời của các vua và hoàng hậu nhà Lê. Hơn thế nữa, chính sự độc đáo và tinh xảo hiếm có của những tấm bia ký đã trở thành một điểm nhấn trong tổng thể “kiến trúc xanh” độc đáo và đa tầng nghĩa Lam Kinh. Một minh chứng chắc chắn và đầy sức thuyết phục cho giá trị của hệ thống bia ký Lam Kinh là sự hiện diện của 3 bảo vật quốc gia, gồm bia Vĩnh Lăng (Lam Sơn Vĩnh Lăng bi, được công nhận năm 2013), bia Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao (bia Khôn Nguyên Chí Đức, được công nhận năm 2014) và bia Lê Thánh tông (Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi, được công nhận năm 2016).
Nằm chếch về phía Tây Nam, cách lăng mộ vua Lê Thái tổ chừng 300m, bia Vĩnh Lăng nổi bật bởi kiến trúc bằng gỗ lim, vì kèo theo lối chồng rường 2 tầng mái và 16 hàng chân cột bằng cả sải tay người ôm. Nhà che bia này là công trình được phục dựng lại trên nền móng và chân tảng cũ từ những năm 60 của thế kỷ trước để che chở, bảo vệ cho công trình chính là tấm bia đá lớn, màu xám xanh, được làm bằng đá trầm tích nguyên khối. Bia hình chữ nhật được đặt trên lưng rùa, đầu bia khắc “Lưỡng long chầu nguyệt”, chân bia lại khắc những vân sóng nước tựa hình người đang ngồi niệm Phật, dường như mang ẩn ý về sự an nhiên, tĩnh tại và trường cửu? Rồi các đường nét, vân gờ được chạm trổ tinh xảo, lại hàm chứa một triết lý sâu xa về thiên định, về đạo lý, về tư tưởng, về nhân sinh...? Hoa văn nổi bật nhất của bia là biểu tượng rồng, được chạm trổ hình dáng, kích thước khác nhau tùy theo hai mặt trước sau, trên dưới và chính giữa. Rồng ở chính giữa bia được chạm nổi, 5 móng, thân uốn lượn vòng trong theo chiều kim đồng hồ, mặt thẳng về phía trước. Rồng ngoài diềm bia (chạy từ đỉnh bia xuống đế bia) được chạm bên trong nửa lá đề, có vẩy, thân uốn lượn mềm mại, đầu hướng lên đỉnh bia, miệng nhả ngọc. Trong khi, rồng bên hông bia thân trơn bóng, không vẩy... Có thể nói, khí thế và quyền uy vương triều, cùng tôn nghiêm và khát vọng bá nghiệp thịnh trị của bậc vương giả đều được thể hiện qua hình tượng linh vật cao quý này.
Bia Vĩnh Lăng được dựng tháng 10 năm 1433 (Thuận Thiên năm thứ 6, Quý Sửu), khắc khoảng 750 chữ Hán lưu lại hậu thế thân thế, sự nghiệp và công lao của Đức Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi. Văn bia do quan Vinh Lộc đại phu Nhập nội hành khiển tri tam quán sự Nguyễn Trãi vâng soạn. Bằng lối văn biền ngẫu đầy khí thế, ngòi bút tung hoành say sưa, văn bia đã khắc họa chân dung vị hoàng đế anh minh, cơ trí, mạnh mẽ và quyết đoán. Bia Vĩnh Lăng là một trong số không nhiều công trình đã đứng sừng sững “trơ gan cùng tuế nguyệt” ở Lam Kinh suốt hơn 600 năm, bất chấp mọi sự biến thiên của tạo hóa và biến động của lịch sử. Chiêm ngưỡng công trình độc bản và độc đáo này, người ta sẽ phải thốt lên rằng, bia Vĩnh Lăng dường như mang một phần linh khí và trái tim của cả khu điện miếu Lam Kinh. Bia được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013, nhờ bởi đây không chỉ là tác phẩm có giá trị nghệ thuật và văn hóa to lớn, mà còn là pho sử liệu sống động, phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu khoa học.
Cùng với bia Vĩnh Lăng, hai bảo vật quốc gia khác là bia Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao và bia Lê Thánh tông cũng là hai bia ký đặc biệt có giá trị, đánh dấu bước phát triển lên tầm cao mới của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và văn hóa Việt thời Lê sơ. Trong đó, Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi được dựng vào mùa xuân năm Mậu Ngọ, niên hiệu cảnh Thống thứ nhất (1498) đời vua Lê Hiến tông. Bia cao 2,76m, rộng 1,90m, dày 0,28m được đặt trên lưng rùa. Cũng như bia Vĩnh Lăng, bia Lê Thánh tông cũng lấy biểu tượng rồng làm hoa văn chính, có khác chăng là hình dáng của linh vật. Trên trán bia (mặt trước) khắc có 3 hình rồng; chính giữa một rồng ổ lớn cuộn tròn mặt hướng ra ngoài; hai bên khắc 2 hình rồng thân mập mặt hướng chầu vào rồng lớn ở giữa; bên hông khắc 2 rồng yên ngựa, đuôi giống đuôi cá chuối, tư thế vươn lên, dưới đuôi trang trí hoa văn tam sơn, vân mây, sóng nước, đao lửa... Cùng với hoa văn được chạm trổ tinh tế là hơn 3.000 chữ được khắc công phu, tưởng như người khắc đã gửi cả hồn thời đại vào từng nét chữ, hồn đá và hồn người đã quyện vào nhau trong một sắc màu thăm thẳm tính nhân văn. Trầm tích đá hay trầm tích của tinh thần sáng tạo, của bề dày văn hóa!
Văn hóa xứ Thanh không chỉ gây kinh ngạc với những bảo vật đậm dấu ấn cung đình, mà còn có những bảo vật là sự kết tinh từ quá trình lao động hàng nghìn năm và bàn tay khéo léo cùng óc sáng tạo tuyệt vời của con người. Kiếm ngắn núi Nưa và trống đồng Cẩm Giang I là hai trong số đó, cũng đồng thời là những hiện vật tiêu biểu cho nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ. Kiếm ngắn núi Nưa với phần cán được trang trí tượng người phụ nữ, mang vẻ đẹp quyền quý thể hiện qua hình thể, trang phục, trang sức cầu kỳ và phong thái đầy quyền uy. Đây được xem là cây kiếm ngắn đẹp nhất thời đại văn hóa Đông Sơn, cách đây khoảng 2.000 năm. Đây là hiện vật gốc, độc bản; kiểu dáng, cấu trúc độc đáo, tính thẩm mỹ cao, gắn với lịch sử dựng nước của dân tộc ta những năm đầu thế kỷ III sau công nguyên trên đất Thanh Hóa.
Trống đồng từ lâu đã được xem là biểu tượng của văn hóa Đông Sơn, nhờ bởi được thiết kế tinh xảo, kỹ nghệ đúc đồng độc đáo, trở thành báu vật truyền quốc, đã đi sâu vào tâm thức, tín ngưỡng và được trăm họ ngưỡng vọng, tôn thờ. Văn hóa trống đồng không chỉ thấm đẫm hơi thở thời đại sản sinh ra nó, mà ngày nay, trống đồng còn có “lực hấp dẫn” đặc biệt đối với hậu thế. Thanh Hóa được xem là một trong những cái nôi của văn hóa Đông Sơn, điều đó lý giải vì sao nơi đây có sự hiện diện của nhiều hiện vật trống giá trị cao và bảo vật quốc gia Trống đồng Cẩm Giang I (trống Vịt) là một trong số đó. Trống có trọng lượng 60 kg, kiểu dáng cân đối. Chính giữa mặt trống có hình ngôi sao 16 cánh, từ tâm trống ra ngoài được trang trí 9 vòng hoa văn sinh động, gồm: Hình trám lồng, hình lạc bay cách điệu, hình người hóa trang lông chim cách điệu, hình chim cách điệu, hoa văn vòng tròn đồng tâm có chấm giữa xen kẽ hoa văn hình tam giác kép, hoa văn hình răng lược. Nét độc đáo và khác biệt hơn cả là rìa mặt trống có 4 khối tượng vịt quay ngược chiều kim đồng hồ (chứ không phải 4 khối tượng cóc như thường thấy); tang trống có 5 vành hoa văn, lưng trống có 3 vành hoa văn. Trống đồng Cẩm Giang I là hiện vật gốc, độc bản thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Tính đến thời điểm hiện tại, ở nước ta chưa có chiếc trống đẹp và giống với trống Cẩm Giang. Đồng thời, trống đồng này có giá trị đặc biệt như là minh chứng góp phần khẳng định người Việt cổ nói chung và người xứ Thanh nói riêng là chủ nhân trống đồng.
Kiếm ngắn núi Nưa, Trống đồng Cẩm Giang I và các bia ký tại sơn lăng Lam Kinh là những hiện vật thỏa mãn các tiêu chí khắt khe nhất đặt ra cho một bảo vật quốc gia. Trong đó nổi bật hơn cả là tính độc bản, độc đáo và là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu cho đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Có thể nói, chỉ có tinh thần lao động không ngơi nghỉ, tư duy triết học Á Đông sâu sắc và sức sáng tạo tuyệt vời của tiền nhân mới làm nên những kỳ công tuyệt kỹ để lại cho muôn đời!
Theo Khôi Nguyên/Báo Thanh Hóa điện tử