Tại lễ công bố ngày 16/8, ngoài các hiện Vật giấy và chữ Viết, các số báo và tập lưu báo gốc quý xuất bản từ 1945 đến trước 1975 như hàng chục tờ báo Trường Sơn của cố nhà báo, TBT Lục Vân Thao để lại; hoặc các tập lưu báo xuất bản trước và trong thời kỳ đổi mới, còn có một số hiện vật có giá trị lịch sử như chiếc máy in sản xuất năm 1966 do Công ty CP in Việt Lập từ Cao Bằng mang xuống tặng với sự hỗ trợ chuyên chở, bảo dưỡng của Nhà in Tạp chí Cộng sản.
Chiếc máy in theo phương pháp Typo được trưng bày tại Hội Nhà báo Việt Nam.
Tiền thân của Công ty CP in Việt Lập là một cơ sở in của Đảng có nhiệm vụ in tài liệu, truyền đơn và báo Việt Nam Độc lập tại chiến khu Cao Bắc Lạng. “Việt Lập” gắn tên tuổi tờ báo Việt Nam Độc lập (số đầu tiên ra ngày 1/8/1941) do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tại Pắc Bó – Cao Bằng 76 năm trước.
Chiếc máy in có tuổi đời 51 năm.
Nếu được cắm điện và có mực, chiếc máy này vẫn hoạt động bình thường.
Chiếc máy in này do Trung Quốc sản xuất, là máy in Typo, in chữ chì, khổ giấy 13×19 loại 4 trang. Vào giai đoạn 1941-1942, Rulô và bàn đá được dùng để in báo Việt Nam Độc Lập và những tài liệu khác của Đảng. Đến giai đoạn những năm 1966 về sau chiếc máy in loại Typo trên được dùng để in truyền đơn và các văn bản của Đảng.
Chiếc máy in thu hút được sự chú ý của nhiều người.
Các bộ phận của máy gần như vẫn còn nguyên bản.
Đây là phương pháp in đầu tiên và cổ xưa nhất được phát minh bởi người Trung Quốc. Nguyên lý in Typo là in cao tức là trên khung in Typo các hình ảnh, chữ… nằm ở trên, cao hơn phần không in, khi in chúng ta chà mực qua bề mặt khung in, các phần tử nằm cao hơn sẽ nhận được mực và sau đó khi ép in, mực sẽ truyền qua bề mặt chữ in và tạo ra hình hoặc chữ cần in.
Do các chữ in ấn được làm từ một hợp chất kim loại rất độc nên phương pháp in ấn Typo không còn được sử dụng.
Thời kỳ Đất nước độc lập, những chiếc máy loại Typo đã bị Công ty CP in Việt Lập thay thế bằng các loại máy hiện đại hơn. Những chiếc máy như này đã được thanh lý hết. Đến nay, đây là chiếc máy in cuối cùng của Công ty in Việt Lập và đang được trưng bày tại Hội Nhà báo Việt Nam.
Đặc biệt, dù đã có tuổi đời 51 năm nhưng nếu được cắm điện và đổ mực thì chiếc máy in này vẫn có thể hoạt động bình thường. Chắc chắn đây sẽ là kỷ vật thu hút sự quan tâm của nhiều vị đại biểu.
Báo Việt Nam Độc lập là một tờ báo cách mạng sau các tờ “Le Paria” (Người cùng khổ), “Thanh niên”, “Thân Ái” đều do Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Đây là một tờ báo được phát hành lâu nhất trong các tờ báo cách mạng, nhưng lại là tờ báo được ra đời nhanh nhất. Từ lúc dự định đến lúc xuất bản – chỉ trong vòng 1 tháng (tức là từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8 năm 1941).
Công tác chuẩn bị cho Lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ lễ Công bố ngày 16/8, BTC sẽ trưng bày và giới thiệu với các đại biểu và khách mời 152 tập lưu báo, tạp chí bản gốc và 2 tập lưu báo cắt dán Gia Định báo và Hoàng Sa – Trường Sa…
Theo Nguyễn Mạnh/Báo Nhà báo và Công luận