Thứ bảy, ngày 23/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tác phẩm báo chí đoạt giải
Loạt bài: Vì sự bình yên nơi phên dậu quốc gia (23/08/2017-8:19)
    Tác phẩm Đoạt Giải C Giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2016

Bài 1: Gian nan cuộc chiến với tội phạm ma túy

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo tuyên truyền Luật Phòng chống
ma túy cho người dân bản Na Poọng (Quan Sơn). Ảnh: Khắc Công

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy trên tuyến biên giới phía Tây của tỉnh, nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn đã bị lực lượng chức năng đấu tranh, trấn áp, triệt xóa thành công. “Cuộc chiến” đầy cam go và quyết liệt ấy đã góp phần mang lại bình yên cho các bản làng nơi biên cương của Tổ quốc.

 

 

 

Đánh án ma túy

 

Trong những năm qua, tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới của tỉnh còn diễn biến phức tạp, trong đó nổi lên là tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài, trang bị vũ khí “nóng” ngày càng gia tăng. Một số đối tượng người Việt Nam sinh sống, làm ăn tại Lào cấu kết, móc nối với một số người Lào hình thành các đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn qua biên giới vào Thanh Hóa. Cùng với đó là hoạt động mua bán, tàng trữ trái phép ma túy tổng hợp (MTTH), ma túy đá tiếp tục gia tăng với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, liều lĩnh...

Trước diễn biến phức tạp về tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn biên giới, lực lượng phòng chống ma túy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao các biện pháp nghiệp vụ; đồng thời phối hợp với lực lượng công an, hải quan, lực lượng chức năng nước bạn Lào xác lập nhiều chuyên án, từ đó đã xây dựng hàng trăm kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới. Để đánh án thành công, BĐBP tỉnh tổ chức xây dựng kế hoạch, lên phương án đấu tranh chi tiết, sát thực cho từng chuyên án, vụ án. Một lĩnh vực luôn được đơn vị quan tâm đó là công tác nghiệp vụ cơ bản. Đây là lĩnh vực hết sức quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy. Thông qua công tác nghiệp vụ, nhiều đường dây ma túy đã hé lộ, được xác lập và tổ chức triệt phá thành công. Điển hình nhất như Chuyên án 266 LV (HP006),  BĐBP tỉnh đã phối hợp với  Phòng Cảnh sát, Ban chuyên án Công an tỉnh Hủa Phăn và tổ công tác Cục Phòng, chống ma túy - Tổng Cục  cảnh sát Bộ An ninh Lào phục kích bắt gọn đối tượng Thạo Xo Vàng, 27 tuổi, trú tại bản Phôn Khăm, Sầm Nưa khi đang đưa ma túy đi tiêu thụ. Trước đó, qua điều tra các trinh sát đã phát hiện Thạo Xo Vàng là đối tượng cầm đầu đường dây mua bán, vận chuyển bột hê-rô-in và MTTH từ tỉnh Bọ Kẹo về Sầm Nưa ép bánh, sau đó đưa qua biên giới vào Việt Nam tiêu thụ. Sau hàng tháng trời “ăn sương, nằm gió”, cuối cùng các trinh sát đã nắm được mọi di biến của đối tượng và vạch sẵn phương án, giải pháp tối ưu để giăng bẫy. Đúng  13 giờ 25 phút ngày 22-6-2016, khi Thạo Xo Vàng vừa ra khỏi nhà ở bản Phôn Khăm, bất ngờ các trinh sát ập tới khống chế làm cho y không kịp trở tay, tịch thu tại chỗ 43 viên MTTH. Mở rộng vụ án, qua khám xét nơi ở, lực lượng chức năng thu giữ thêm 9,5 kg bột hê-rô-in (tương đương 30 bánh); đồng thời bắt thêm 5 đối tượng và nhiều tang vật có liên quan.

Thượng tá Nguyễn Văn Chung, Phó trưởng Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cho biết: Mặc dù hoạt động của các loại tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt và liều lĩnh, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, nhưng bằng quyết tâm tấn công tội phạm đến cùng và kinh nghiệm trong đánh án, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã mưu trí phá nhiều chuyên án lớn, góp phần giữ vững an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội nơi địa đầu của Tổ quốc. Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, BĐBP tỉnh đã xác lập đấu tranh thành công 6 chuyên án ma túy, trong đó có 2 chuyên án phối hợp với nước bạn Lào, bắt giữ 37 vụ, với 45 đối tượng, thu giữ 33 kg bột hê-rô-in, 6 bánh hê-rô-in, 2.128 viên MTTH, 52,7 kg quả thuốc phiện, 15 triệu Kíp và nhiều tang vật khác có liên quan; phát hiện, thông báo cho lực lượng chức năng của bạn triệt xóa 44 ha cây thuốc phiện ở các khu vực biên giới.

Xây “chốt chặn” từ lòng dân

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy, BĐBP tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành, chính quyền địa phương trên tuyến biên giới đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng chống ma túy. Đặc biệt, chú trọng triển khai, thực hiện Đề án 4687 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc “Giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn các xã biên giới Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020”. Với phương châm “Đến từng nhà, gặp từng người, lấy phòng ngừa là chính, lấy nhân dân là cơ bản, lấy gia đình, dòng họ, cụm dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học làm điểm tựa”, BĐBP tỉnh đã tăng cường cán bộ, chiến sĩ xuống tận các thôn, bản, địa bàn vùng sâu, vùng xa ở các xã trọng điểm về tội phạm ma túy vừa nắm tình hình, vừa tuyên truyền, vận động người dân không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo vào hoạt động ma túy...

Bản Khằm 1 nằm cách trung tâm xã Trung Lý (Mường Lát) 6 km. Những năm trước, tệ nạn ma túy ở đây diễn biến phức tạp, có thể coi là “điểm nóng”. Cả bản có 63 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống thì có tới 20 người nghiện. Trưởng bản Vàng A Sùng cho biết: “Xác định rõ ma túy là hiểm họa của toàn xã hội, mình đã cùng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động đồng bào về tác hại của ma túy, không tiếp tay cho tội phạm ma túy, không tái trồng cây thuốc phiện; tổ chức cho các đối tượng liên quan đến ma túy ký cam kết không tham gia mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; đồng thời vận động đồng bào ký cam kết làm nhiều việc tốt về an ninh trật tự, phát động phong trào quần chúng tham gia tố giác tội phạm... Vì vậy, ý thức người dân về phòng chống ma túy được nâng lên rõ rệt, tạo thành “chốt chặn” hiệu quả trong cuộc chiến còn nhiều gian nay này.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện đề án,  BĐBP tỉnh và các cơ quan chức năng đã tổ chức 224 buổi họp dân 2 bên biên giới, với trên 11.000 lượt người tham dự; cấp phát 8.200 tờ rơi, 11.500 phiếu tố giác và lập 106 hộp thư tố giác tội phạm. Qua công tác vận động, tuyên truyền, quần chúng nhân dân đã cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị giúp BĐBP và các lực lượng chức năng đấu tranh có hiệu quả với các vụ mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới, góp phần giữ gìn sự bình yên nơi bản làng vùng biên cương của Tổ quốc.





Bài 2: Giúp dân xóa đói, giảm nghèo

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) hướng
dẫn người dân chăm sóc vật nuôi. Ảnh: Trần Thanh

Không chỉ vững vàng giữ phên dậu quốc gia, phòng chống các loại tội phạm mà những người lính trên mặt trận vùng biên hôm nay còn phát huy phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ giúp dân xóa đói, giảm nghèo...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ việc giúp dân thoát nghèo...

 

Qua Cổng Trời là lúc chúng tôi vượt chặng đường gần 300km để đến với huyện biên giới Mường Lát - mảnh đất “địa đầu” phía Tây của xứ Thanh. Nơi đây, những cái tên như Tam Chung, Tén Tằn, Mường Chanh... từ lâu đã trở thành “địa chỉ mặc định” về đói nghèo. Song, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hỗ trợ, giúp sức của lực lượng bộ đội biên phòng, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (KT-QP5) (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), cùng sự nỗ lực vươn lên của chính quyền và nhân dân, vùng biên Mường Lát đang đổi thay từng ngày.

Thấm thoát đã 14 năm Đoàn KT-QP5 gắn bó với vùng biên Mường Lát. Sống giữa điệp trùng núi rừng, quanh năm đối mặt với “nắng cháy, gió Lào”, song vượt qua sự khắc nghiệt của miền biên viễn, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP5 vẫn ngày đêm “ba bám, bốn cùng”, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, giúp nhân dân địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Sau những lời chào hỏi thân tình, Thượng tá Hoàng Văn Sơn, Phó Chính ủy Đoàn KT-QP5 dẫn chúng tôi đến thăm một số bản mà đoàn đang trực tiếp quản lý và thực hiện các chương trình hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Trên đường đi, anh chia sẻ: “Đoàn KT-QP5 đứng chân và thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn 5 xã biên giới của huyện Mường Lát gồm: Pù Nhi, Tam Chung, Tén Tằn, Quang Chiểu, Mường Chanh, với dân số khoảng 21.344 người, sinh sống ở 50 bản, chủ yếu là đồng bào Mông, Dao, Thái, Khơ Mú. Nơi đây, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế phát triển chậm, cơ sở hạ tầng yếu kém, phương thức sản xuất còn lạc hậu, phần lớn bà con vẫn giữ tập quán canh tác phát nương, làm rẫy. Nhằm giúp đồng bào các dân tộc vươn lên thoát nghèo đoàn đã triển khai nhiều dự án, từ cơ sở hạ tầng thiết yếu đến hỗ trợ cây con giống, kiến thức khoa học – kỹ thuật trong sản xuất”.

Sau gần 1 giờ ngược con đường Tén Tằn – Mường Chanh, chúng tôi đến bản Piềng Tặt, xã Mường Chanh. Cả bản có 61 hộ dân, thì có tới 39 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo. Được sự hướng dẫn của các cán bộ khuyến nông, khuyến lâm “mặc áo lính” bà con trong bản đã biết chăn nuôi gia súc, gia cầm có kiểm soát, trồng rừng kinh tế và hạn chế đốt nương làm rẫy. Đặc biệt, 10 năm qua dân bản Piềng Tặt biết trồng lúa 2 vụ có sử dụng phân bón. Nhờ vậy, năng suất lúa của bản được nâng lên hơn 43 tạ/ha. Cùng Thiếu tá Lê Văn Nguyên, cán bộ đội sản xuất số 3, Đoàn KT-QP5 vào suối Ka Long, thăm mô hình vườn, ao, chuồng, rừng của anh Lò Văn Ún, người dân tộc Thái,  anh chia sẻ: “Để các dự án hỗ trợ giảm nghèo phát huy hiệu quả chúng tôi đã cùng ăn, cùng ở và cầm tay chỉ việc cho bà con trong trồng trọt, chăn nuôi”. Giữa vườn rừng xanh tốt, chuồng, trại chăn nuôi kiên cố, anh Ún khoe: “Mấy năm trước, nhà tôi còn trong diện hộ nghèo của xã. Được cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP5 vào giúp đỡ khai hoang đất ven suối, chỉ cho cách trồng lúa 2 vụ, kết hợp hỗ trợ trâu, bò sinh sản, giờ gia đình tôi đã thoát được nghèo”. Xen giữa câu chuyện, Thượng tá Hoàng Văn Sơn nói vui: “Anh Ún bây giờ có trong tay 10 con bò, 3 con trâu sinh sản, 13 sào lúa nước 2 vụ, 5 ha xoan kết hợp trồng cỏ voi,  thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm và trở thành tấm gương thoát nghèo tiêu biểu ở Mường Chanh rồi đấy”. 

Để phát triển nhân tố thành phong trào, từ năm 2009-2015, Đoàn KT-QP5 đã khảo sát, tổ chức triển khai thực hiện Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” trên địa bàn 5 xã, với tổng trị giá hơn 14,2 tỷ đồng. Trong đó, đoàn đã xây dựng 9 mô hình trình diễn trồng ngô lai, 6 mô hình trình diễn trồng lúa lai, với tổng diện tích hơn 97 ha; 1 mô hình nuôi lợn rừng lai thương phẩm, 2 mô hình nuôi vịt đẻ trứng, 2 mô hình trồng nấm sò lạnh, với 80 hộ dân tham gia; hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ nghèo thiếu vốn sản xuất... Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” đã góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc ở 5 xã. Trong 2.835 hộ dân ở 5 xã tham gia các mô hình sản xuất, đã có 340 hộ dân có thu nhập khá và hàng trăm hộ dân có khả năng  thoát được nghèo. Đồng thời, đoàn phối hợp với các ngành trong tỉnh triển khai cho nhân dân trồng mới 2.170 ha rừng sản xuất; bảo vệ 13.000 ha rừng tự nhiên, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

 

 

 

... Đến hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu

 

Đối với vấn đề này, Thượng tá Hoàng Văn Sơn, cho biết: “Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, đoàn xác định  đầu tư cơ sở hạ tầng là yếu tố quyết định đến những thành quả của công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng biên Mường Lát. Điện, đường, trường, trạm và các công trình thủy lợi chính là điều kiện cần để thúc đẩy kinh tế và cải thiện đời sống của nhân dân các xã”. Bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn nằm dưới thung lũng Pha Lát, cách trung tâm xã khoảng 9 km và lại bị ngăn cách bởi dòng sông Mã. Toàn bản có 173 hộ, với 700 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Khơ Mú. Anh Hà Văn Hoàn, chủ tịch UBND xã, cho biết: Năm 1994, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về định canh, định cư, bản Đoàn Kết đã được khai sinh để ổn định đời sống cho bà con dân tộc Khơ Mú. Do xuất phát điểm thấp nên đời sống của bà con trong bản còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hơn 80%. Nhiều năm qua, dân bản luôn nhận được sự hỗ trợ mọi mặt của Đoàn KT-QP5. Trong đó, nhiều công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu như: đường giao thông, đập, kênh mương thủy lợi, điện chiếu sáng đã từng bước được đầu tư. Nhờ thế đời sống bà con dân tộc Khơ Mú ở bản Đoàn Kết đã thay đổi. Trong bản không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/năm.

Vào thăm  trưởng bản Lò Văn Phòng, trong căn nhà sàn bán kiến cố, ông khoe: “Bộ đội giúp đỡ dân bản nhiều lắm. Nào con đường nối Quốc lộ 15C vào bản, nào điện chiếu sáng đều do bộ đội Đoàn KT-QP5 làm. Giờ đây, ô tô đã vào tận bản bốc ngô, bốc sắn mang về xuôi rồi, bà con mừng lắm”. Mỗi công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư ở bản Đoàn Kết đều mang ý nghĩa chung hướng đến mục tiêu giúp người dân có điều kiện thuận lợi để sinh hoạt, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Song bước ngoặt cho đổi thay của bản chính là từ cây cầu treo bắc qua sông Mã - cây cầu mở cánh cửa giao thương của dân bản với thế giới bên ngoài.

Được biết, từ năm 2004 -2016, Đoàn KT-QP5 đã chủ động lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án với nguồn vốn địa phương đầu tư xây dựng 19 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn 5 xã. Trong đó, có 6 công trình đường giao thông trên địa bàn 8 bản, với chiều dài 19,83 km; 4 công trình nước sạch, phục vụ sinh hoạt cho 410 hộ dân ở xã Quang Chiểu; 3 công trình kênh mương, đập thủy lợi, cung cấp nguồn nước tưới ổn định cho hơn 90 ha lúa của các bản Cá Tớp (xã Pù Nhi), Tén Tằn (xã Tén Tằn) và xã Quang Chiểu; 2 công trình điện chiếu sáng cho 405 hộ dân ở 2 bản Pù Ngùa (xã Pù Nhi), Đoàn Kết (xã Tén Tằn)...

Chúng tôi rời bản Đoàn Kết khi ráng chiều đã đổ in bóng núi, bóng nhà nơi biên viễn. Cuộc sống mới đang hiện hữu, bà con các dân tộc vùng biên ngày càng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, thêm gắn bó với  những người lính làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh biên giới.





Bài cuối: Nghĩa tình quân dân nơi biên cương Tổ quốc

Bao năm qua, hình ảnh những người chiến sĩ mang quân hàm xanh đã in đậm trong tâm trí đồng bào các dân tộc trên tuyến biên giới phía Tây của tỉnh. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các anh đã nhân lên niềm tin, tô thắm tình quân dân, tình đoàn kết quốc tế trên dải biên cương của Tổ quốc.

 

Cán bộ, y bác sĩ Bệnh xá quân dân y Đoàn KTQP5 thăm hỏi bệnh nhân.

 

 

Lớp học, bệnh xá đượm tình quân dân

Nơi biên cương Tổ quốc, vượt lên nhiều khó khăn, thử thách, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) luôn đoàn kết, gắn bó với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Tấm lòng của Bộ đội Cụ Hồ được thể hiện qua những việc làm cụ thể, thiết thực: không chỉ giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo mà còn mở các lớp xóa mù, khám chữa bệnh cho nhân dân...

Đến thăm lớp học của Thiếu úy Nguyễn Sỹ Tiến, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn (Mường Lát) khi trời vừa chập tối. Từ xa, tiếng đánh vần, đọc chữ vang lên, xua tan không gian tĩnh mịch của núi rừng. Trong lớp, có khoảng hơn 20 học viên độ tuổi từ 30 – 45 đang chăm chú nghe giảng bài. Trên bục, thầy giáo Tiến  kiên nhẫn đọc đi, đọc lại những chữ ghi trên bảng cho học trò đọc theo. Chị Hà Thị Tươi, bản Chiên Pục, xã Tén Tằn chia sẻ: “Mình đã học với thầy Tiến 3 tháng, bây giờ đã biết đọc, biết viết, đi đâu cũng không ngại nữa vì đã biết chữ rồi, cảm ơn thầy giáo nhiều lắm”. Qua tìm hiểu được biết, học viên đa số là phụ nữ nên cùng với việc học,  phải lo toan sản xuất, chăm lo gia đình nên lớp học phải tổ chức vào buổi tối, từ 19 giờ đến 22 giờ các ngày thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Mỗi lớp học được tổ chức trong thời gian từ 6 đến 8 tháng. Lớp học của thầy Tiến có tỷ lệ học viên tham gia học tập luôn đạt trên 90%. Sau khóa học 100% học viên đọc thông, viết thạo, biết làm những phép tính cơ bản.

Trong 5 năm (2011 - 2015), các đồn biên phòng tuyến biên giới của tỉnh đã mở 92 lớp học xóa mù chữ cho 1.942 học viên là bà con các dân tộc thiểu số. Những lớp học thắm đượm tình quân dân của các thầy giáo mang quân hàm xanh đã góp phần giảm tỷ lệ mù chữ ở 16 xã biên giới và xã đệm Mường Lý (Mường Lát), từ 16,47% (năm 2011) giảm xuống còn 12,92% (năm 2015). Qua những lớp học đã góp phần tô thắm  tình cảm tốt đẹp giữa BĐBP với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Có mặt tại bệnh xá quân dân y của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (KT-QP5), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khi các y, bác sĩ đang tất bật khám bệnh cho người dân. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông Lương Xuân Lá, bản Tén Tằn, xã Tén Tằn thường xuyên tới bệnh viện thăm khám. Được bác sĩ tận tình chăm sóc sức khỏe nên ông rất xúc động. Ông Lá cho biết: Trước đây, người dân trong xã phải đi hơn 10 km mới xuống được bệnh viện huyện khám bệnh, từ khi có bệnh xá quân dân y, người dân rất vui mừng. Bởi không chỉ được khám, chữa bệnh gần nhà mà khi đau ốm nằm điều trị đều được khám, cấp thuốc, ăn uống miễn phí, dân bản cảm ơn bộ đội nhiều lắm”. Thiếu tá, bác sĩ Phạm Ngọc Hà, Trưởng Bệnh xá quân dân y, cho biết: Cùng với việc khám bệnh tại bệnh xá, các bác sĩ còn đến các thôn, bản khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn phòng, chống dịch bệnh cho người dân trong huyện. Tuy công việc vất vả nhưng được dân bản tin yêu là chúng tôi vui rồi.

Thắm tình đoàn kết anh em

Người dân Bản Na Hin, xã Mường Chanh (Mường Lát) gọi dòng suối Ái bằng cái tên rất thân thương, suối “Thân ái”. Bởi, người dân Na Hin và bản Bó (cụm bản Mường Cáng, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào) cùng uống chung dòng suối mát này. Kể từ khi thực hiện việc kết nghĩa, tình đoàn kết giữa hai bản vốn đã gắn bó, nay lại càng thêm bền chặt. Nhân dân hai bản có thêm điều kiện để giao lưu, cùng nhau hợp tác, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống ấm no. Bà con dân bản Na Hin – bản Bó coi nhau như làng trên, xóm dưới, như anh em một nhà. Cũng từ tình đoàn kết gắn bó mà đường biên, cột mốc hai bên được giữ vững ổn định, an ninh trật tự được bảo đảm...

Xuất phát từ yếu tố địa lý, lịch sử, sự tương đồng về văn hóa nên nhiều người dân ở hai bên biên giới có mối quan hệ thân thích, họ hàng và đều coi nhau như anh em, người nhà. Bản bên này có việc gì thì người dân bên kia cùng chia sẻ. Từ thực tế ấy, BĐBP tỉnh đã triển khai mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”. Thông qua hoạt động kết nghĩa, nhân dân hai bên biên giới đã cùng nhau tuyên truyền, vận động gia đình, người thân chấp hành nghiêm các hiệp định, quy chế biên giới, không xâm canh, xâm cư, cùng nhau xây dựng và bảo vệ đường biên, cột mốc; đấu tranh phòng chống tội phạm... Đồng thời, phối hợp trong hoạt động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống chữa cháy rừng; trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong phát triển kinh tế; tích cực đẩy mạnh giao lưu các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thăm thân, động viên nhau... Đến nay, trên tuyến biên giới đã tổ chức kết nghĩa được 16 cặp bản trên phạm vi 4 huyện của tỉnh Thanh Hóa với 3 huyện của tỉnh Hủa Phăn. Trên cơ sở bản đã kết nghĩa, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức khảo sát tình hình kinh tế, văn hóa – xã hội làm cơ sở cho việc hỗ trợ, giúp đỡ bạn. Qua đó, đã xây dựng 2 phòng học, 2 nhà văn hóa cho bản Bó, cụm Mường Cáng; bản Đơi, cụm Mường Pùn, huyện Viêng Xay với kinh phí gần 2 tỷ đồng; xây dựng 3 nhà hữu nghị cho các hộ nghèo, trị giá 180 triệu đồng. Đồng thời, triển khai chương trình nâng bước trẻ em đến trường, với mức  hỗ trợ 500.000 đồng/em...

Với phương châm “Cọng rau bẻ nửa, hạt muối cắn đôi”, quân và dân hai nước Việt Nam - Lào nói chung, Thanh Hóa – Hủa Phăn nói riêng đã và đang góp phần vun đắp tình hữu nghị ngày càng gắn bó bền chặt, tô thắm thêm tình quân dân nơi phên dậu quốc gia.

.Nhóm PV Phòng Miền núi


 

Các tin khác:
  • Trả lại thần hiệu đích thực cho một di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia (23/08/2017-8:15)
  • Lạnh người nhìn cô trò bồng bế nhau vượt thượng nguồn sông Âm (23/08/2017-8:04)
  • Loạt bài: Xuất khẩu lao động - Những gam màu sáng, tối (22/08/2017-14:55)
  • Loạt bài: "Ma trận" thực phẩm bẩn đầu độc người tiêu dùng (22/08/2017-9:03)
  • Loạt bài: Loạn cấp giấy chứng nhận sức khỏe (22/08/2017-8:27)