Thứ năm, ngày 21/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tác phẩm báo chí đoạt giải
Loạt bài: nghệ nhân dân gian - cả đời tâm huyết vì nghề (23/08/2017-9:19)
    Tác phẩm Đoạt Giải C Giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2016

(Kỳ 1): Rộn ràng những dịp liên hoan, phong tặng

Có thể rất nhiều danh hiệu, bằng chứng nhận, bằng khen đang dần bị đánh mất vị trí của nó. Nhưng tại sao các nghệ nhân dân gian, đặc biệt là các nghệ nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa phi vật thể vẫn chờ đợi sự công nhận từ bao năm nay.

 IMG_1502.JPG
Lãnh đạo UBND tỉnh và Sở VH,TT&DL trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu
tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Đơn vị đầu tiên vinh danh các nghệ nhân dân gian chính là Hội văn nghệ dân gian, do GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian làm chủ tịch. Đó là vào những năm 2000, nhận thấy kho di sản dân gian đang đứng trước nguy cơ không thể cứu vãn, nhiều nghệ nhân hoặc đã quá cố; hoặc còn sống thì cũng vào tuổi 70 - 80 rồi, Hội Văn nghệ dân gian đã đưa ra kế hoạch vinh danh các nghệ nhân mà UNESCO gọi là Báu vật nhân văn sống (Living Human Treasures). Trong 15 năm, Hội Văn nghệ dân gian đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và vinh danh cho khoảng trên 300 người. Sau Hội Văn nghệ dân gian, trong những năm qua, một số địa phương cũng đã có những hình thức tự vinh danh và hỗ trợ kinh tế cho các nghệ nhân cao tuổi. Tuy nhiên, các nghệ nhân vẫn chờ đợi một sự vinh danh chính thức cấp nhà nước.

Sau 12 năm xây dựng, Nghị định xét tặng các danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) chính thức có hiệu lực (ngày 7/8/2014) gồm 5 chương, 18 điều. Theo đó, việc xét duyệt các danh hiệu NNND, NNƯT sẽ được tiến hành 3 năm/lần, với 3 vòng xét duyệt từ các Hội đồng cấp cơ sở, cấp Bộ và cấp Nhà nước. Bên cạnh các đặc thù về tài năng và đạo đức, nghệ nhân được vinh danh còn phải đảm bảo tuổi nghề ít nhất 15 năm (NNƯT) hoặc 20 năm (NNND).

Và ngày 18/11/2015 Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 2533 về việc phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” cấp Nhà nước cho 617 cá nhân, (trong đó 17 cá nhân được truy tặng). Nằm trong danh sách này, 18  nghệ nhân Ưu tú của Thanh Hóa đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể khác nhau như khặp Thái, trò Xuân Phả, hát xẩm, hát chèo, đánh trống hội, đánh trống hát tuồng cổ, chèo chải, dân ca, dân vũ Đông Anh... đã được Sở VH,TT&DL Thanh Hóa tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu vào ngày 30/8/2016.

Chờ đợi - là cảm giác rất rõ khi chúng tôi tiếp xúc với các nghệ nhân. Chúng tôi về xã Đông Anh (huyện Đông Sơn) và tìm đến hai nghệ nhân Nguyễn Duy Giăng, Lê Thị Dòn và rất hiểu tại sao các nghệ nhân này vui mừng đến vậy. Thời gian đâu chờ đợi họ, đã ở cái tuổi ngót nghét 90, thậm chí như nghệ nhân Nguyễn Duy Giăng đã ngoài 90 tuổi. Ông chia sẻ: Trong suốt 60 năm, ông đã lưu giữ, truyền dạy cho nhiều thế hệ các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc Đông Anh. Ngoài ra ông còn là người đang lưu giữ các bản ghi chép trò Ngô, trò Chiêm Thành, trò Thủy

Còn với bà Lê Thị Dòn, từ những năm 1946 của thế kỉ trước bà đã bắt đầu thu thập và và lưu giữ nghệ thuật diễn xướng dân ca dân vũ Đông Anh. Đồng thời bà còn nhớ các tích trò, sau đó ghi chép, truyền lại cho con cháu và tổ chức luyện tập. Hai ông bà vừa kể, vừa hát, thậm chí vừa múa lại cho chúng tôi xem. Niềm vui đó không tính bằng vật chất, niềm vui đó chính là sự khẳng định giá trị của cuộc sống. Cả một đời âm thầm đam mê, cống hiến, trao gửi cuối cùng những ngọn nến tưởng leo lét ấy vẫn cháy sáng, thậm chí tỏa hương.

Sau khi được phong tặng NNƯT, nghệ nhân Ngô Trọng Bình xúc động nói: So với nhiều bạn bè, tôi còn may mắn hơn họ vì còn có cơ hội để đứng trên bục nhận trao bằng NNƯT. Hay nghệ nhân Phạm Thị Tắng ngay từ nhỏ bà đã được các ông Mo, bà Máy cho theo học để truyền nghề. Sau khi trở thành bà Máy bà đã tham gia thực hành và truyền dạy cho các thế hệ biết về lễ hội truyền thống Pồôn Pôông của đồng bào người Mường ở Thanh Hóa. Bà Tắng ngân ngấn nước mắt: Từ trước đến nay tôi chỉ lặng lẽ làm, lặng lẽ cống hiến, truyền dạy cho các cháu nhỏ. Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng đã nhận được quyết định của Chủ tịch nước, tôi quá vui.

Theo ông Nguyễn Huy Sơn - Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh có 7 dân tộc, sinh sống tại 27/27 huyện, thị, thành phố trong tỉnh và mỗi vùng miền đều có một phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, bản sắc văn hóa của các dân tộc đang dần mai một. Vì vậy, tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng các nghệ nhân vẫn tâm huyết, miệt mài sưu tầm, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc và truyền lại cho thế hệ mai sau “hồn cốt” của dân tộc là việc làm rất trân trọng”.

So với các nghệ nhân thuộc các lĩnh vực khác, sau khi vinh danh họ có thêm nhiều cơ hội để phát triển nghề, làm nghề thậm chí giàu có. Còn các nghệ nhân dân gian thuộc lĩnh vực văn hóa phi vật thể hầu hết là những người lớn tuổi, điều kiện sinh sống chủ yếu phụ thuộc con cái. Những điệu hò câu hát, những hồn cốt dân tộc ấy chỉ mang ý nghĩa tinh thần, không có giá trị về vật chất. Sự vinh danh cũng chủ yếu vì cái tình, vì yêu mà thôi.

Chờ đợi để được vinh danh và sự vinh danh ấy đã thành hiện thực. Nhưng ngay cả khi đã được vinh danh thì họ, những NNƯT, NNND mới chỉ có danh mà không có thực. Họ lại quay trở về điểm xuất phát ban đầu, miệt mài dạy và truyền nghề, không cân, đo, đong, đếm sức lực, trí tuệ và vẫn bằng lòng với hai tiếng: không lương. Ranh giới giữa danh và thực, với họ vẫn quá xa vời... Và niềm vui ngắn chẳng tày gang.





(Kỳ 2): Lặng lẽ sống, âm thầm gìn giữ và đủng đỉnh chờ chế độ

Tại Thanh Hóa có nhiều hình thức văn hóa truyền thống: Dân ca, dân vũ, được nhiều người biết đến nhất là các làn điệu hò sông Mã, dân ca, dân vũ Đông Anh, trò diễn Xuân Phả. Ngoài ra còn có ca trù, hát xoan, hát văn... Các dân tộc ít người cũng có nhiều loại hình văn nghệ dân gian khá đa dạng, như hát xường của người Mường, khắp của người Thái... Người giữ gìn những di sản ấy, chính là nghệ nhân.

Sau những kỳ liên hoan, phong tặng, các nghệ nhân làm gì?

Ngọn đèn khi chưa hết dầu, sẽ vẫn sáng, thỉnh thoảng gặp cơn gió, ánh lửa lại bùng lên, rồi lại leo lét. Hình ảnh người nghệ nhân cũng vậy, sau mỗi cuộc vui, họ lại trở về với đời thường.

Có tới 8/18 nghệ nhân được trao tặng NNƯT đã ngoài 80 tuổi. Và chỉ duy nhất 2 người là dưới tuổi 60. Con số đó có lẽ nói lên tất cả, rằng những con người ấy có thể mang theo “báu vật” đi cùng lúc nào chẳng hay.

Nghệ nhân Tô Quốc Phương (xã Hoằng Phượng, Hoằng Hóa), người hiện đang nắm giữ nghệ thuật trình diễn dân gian hát Chèo, đặc biệt là hát Xẩm. Trước khi được nhận danh hiệu NNƯT ông đã trải qua vài lần tai biến. Nằm bất động một chỗ, ông thều thào, may là cuối cùng Nhà nước đã công nhận. Nghệ nhân Ngô Trọng Bình sau nhiều năm sinh hoạt tại CLB ca trù Hà Nội, và cũng đi diễn tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, ông trở về Thanh Hóa.  Còn nghệ nhân Lê Thị Dòn, khi chúng tôi đến tìm bà, con cháu vội đạp xe và nói với theo: Có lẽ bà đang hát cùng mấy bà bạn. Hay như khi chúng tôi đến nhà bà Phạm Thị Tắng (xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc), đúng lúc có một cặp vợ chồng đang đến nhờ bà chữa bệnh. Người dân ở đây, không ai không có niềm tin vào hiệu quả chữa bệnh của bà Tắng. Chính vì thế bà bận rộn với công việc, với những người cần đến bà.

 Hai nghệ nhân Lê Thị Dòn, và Nguyễn Duy Giăng - một đời tâm huyết với dân ca dân vũ Đông Anh.JPG
Hai nghệ nhân Lê Thị Dòn và Nguyễn Duy Giăng - một đời tâm huyết với
dân ca dân vũ Đông Anh

Cuộc sống với các nghệ nhân sau khi được vinh danh so với trước đây, có lẽ không hề khác nhau. Họ vẫn làm công việc của mình. Bà Dòn thì hàng ngày vẫn ngồi hát dân ca Đông Anh. Thảng hoặc có chương trình kỷ niệm này, liên hoan nọ, bà lại “lên lớp soạn bài” cho bọn nhỏ trong thôn. Nghệ nhân Ngô Trọng Bình vẫn tham gia CLB ca trù và dân ca Thành Hạc (TP Thanh Hóa) và dạy miễn phí tại nhà cho bất kỳ ai có nhu cầu học đàn, học hát. Nghệ nhân Đỗ Đình Tạ (xã Xuân Trường, Thọ Xuân) ngoài việc truyền dạy các động tác, kỹ thuật, ông cũng như một số nghệ nhân khác chưa lúc nào thôi thổi hồn vào các học trò để họ thêm tự hào, và trách nhiệm gìn giữ trò Xuân Phả. Còn nghệ nhân Lang Thị Pen (thôn Yên Mĩ, xã Luận Khê, huyện Thường Xuân) dù đã 85 tuổi, nhưng chưa khi nào bà hết hăm hở cùng điệu Khua Luống. Bà sợ và lo lắng, rồi sẽ có ngày, những thanh âm mộc mạc, chất phác thưa vắng trong các làng bản.

Với tất cả những sự đam mê, tâm huyết luôn muốn trao truyền cho thế hệ sau, các nghệ nhân này đã xứng đáng là báu vật nhân văn sống.

Nhưng chẳng phải ai cũng mãi sống chỉ cần tình yêu, đam mê và chỉ cần hít thở bầu khí quyển thanh sạch. Các nghệ nhân, họ đã trao đi rất nhiều, và nhận được gì?

Và mãi chờ chế độ hỗ trợ

Có thể là so sánh khập khiễng, nhưng một nghệ sĩ khi được nhận danh hiệu nghệ sĩ ưu tú lên chuyên viên chính, và sau khi nhận danh hiệu nghệ sĩ nhân dân họ sẽ lên chuyên viên cao cấp. Còn khi nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, họ có được một số tiền thưởng kèm theo theo đúng quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng?

Sau khi có Nghị định 62/2014 quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thì ngày 28/10/2015 Nghị định 109 quy định trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Theo đó NNND, NNƯT được Nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (tại thời điểm ban hành Nghị định này là 1.150.000 đồng), gồm: Người đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ và đủ 60 tuổi trở lên đối với nam không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; Người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; Người mắc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục do Bộ Y tế quy định; Và quy định mức trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, có 3 mức: 1.000.000đ, 850.000đ và mức 700.000đ.

Trong số 18 NNƯT đã được trao danh hiệu, nếu xét theo các quy định phần lớn sẽ được nhận trợ cấp. Hầu hết các nghệ nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, và không có khoản lương hưu. Trường hợp hiếm hoi đó là nghệ nhân Bùi Văn Hùng, hiện đang là Phó Chủ tịch xã Xuân Trường (Thọ Xuân), còn tất cả các cụ đều ở khoảng giao thời gần đất xa trời. Khi được hỏi: Có mong chờ chế độ cho bà không, 3 người con của bà Lê Thị Dòn đều nói rằng họ sẽ rất vui khi điều đó xảy ra. “Thỉnh thoảng mẹ tôi mới được cầm đồng tiền có được từ nghề của mình. Thôi thì đủng đỉnh rồi mẹ tôi sẽ nhận được”.

Chúng tôi tìm đến ông Nguyễn Huy Sơn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh thì được ông chia sẻ: Hàng năm trung tâm cũng có khai thác các nghệ nhân, như tổ chức các lớp học để họ truyền dạy. Riêng trong năm 2016, trung tâm đã tổ chức được 3 lớp để các cụ tham gia. Nhưng việc mở lớp cũng chỉ nhằm mục đích duy trì công việc của trung tâm. Tham gia những lớp truyền dạy như thế các cụ được trợ cấp một khoản tiền rất nhỏ.

Có lẽ may mắn nhất là cứ 2 năm một lần Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lại được tổ chức. Trong đó hơn 2/3 số tiết mục tham gia phải là nghệ thuật truyền thống, còn 1/3 là các tiết mục từ nghệ thuật truyền thống để phát triển. Đến hẹn lại lên, các nghệ nhân có cơ hội gặp gỡ, biểu diễn, và cũng có một phần kinh phí. 16 lần liên hoan cũng là 16 lần các nghệ nhân thực sự được sống hết mình, có một khoản tiền nho nhỏ. Thế cũng đủ để tiếp thêm năng lượng cho kỳ liên hoan sau.

Dù chỉ là liên hoan mang tính phong trào, hay những lớp truyền dạy nhỏ hẹp nhưng nếu không duy trì được thì việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng khó thực hiện được chứ chưa muốn nói là phát huy. Giữ được nhiệt huyết của các nghệ nhân, có thể không khó, vì nó đã ăn vào từng thớ thịt họ rồi. Nhưng làm thế nào để họ còn đủ dũng khí hào hứng truyền nghề và truyền nhiệt huyết cho các thế hệ kế cận là vô cùng gian nan.

Tình yêu nào rồi cũng có lúc tàn phai, nếu không được chăm bón, nuôi dưỡng, tưới mát. Những “người giữ lửa” cho di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia giờ đã ở tuổi xế chiều, không có nhiều thời gian để đợi chờ, thậm chí họ cần được khẩn cấp bảo vệ.

 




(Kỳ cuối): Cần kiểm kê di sản văn hóa một cách khoa học

Tính đến Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt, danh sách các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã lên tới con số 11. Điều đó là niềm vui và cũng là sự lo âu.

Năm 1989, trong một kỳ họp tại Paris (Pháp), đề cập tới vai trò của các nghệ  nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, UNESCO đưa ra khái niệm về báu vật nhân văn sống, qua đó kêu gọi các nước cần tôn vinh, có chế độ đãi ngộ đặc biệt. Và ở Việt Nam, hơn 10 năm qua, đã có nhiều cuộc vinh danh nghệ nhân của các tổ chức chính trị, xã hội. Nói như GS. TS Tô Ngọc Thanh: Đó là thứ văn hóa nằm trong ký ức xa xôi, tiềm ẩn trong trí nhớ của con người... và tôn vinh chủ thể văn hóa dân tộc trong dòng chảy hội nhập là cách để nhận ra bản sắc riêng trong thế giới văn minh vật chất hôm nay.

Khi chúng tôi hỏi về chế độ khi các nghệ nhân tham gia biểu diễn, ông Nguyễn Huy Sơn - Giám đốc trung tâm văn hóa tỉnh đã rất nghiêm túc cho rằng: Chúng ta đang tôn vinh các nghệ nhân, điều đó rất cần thiết. Nhưng còn cần thiết hơn là có những tiêu chí cụ thể nhất để được gọi là nghệ nhân. Ví dụ trong nghệ thuật chèo có 36 làn điệu, vậy thì đạt mức bao nhiêu làn điệu, và đạt trình độ nào thì ta xác nhận và tôn vinh đó là nghệ nhân. Có như thế mới đỡ thiệt thòi cho các cụ hơn là những tiêu chí Bằng khen, Giấy khen.

Thanh Hóa có nhiều lĩnh vực di sản phi vật thể cần được bảo vệ, vì mỗi di sản có khi chỉ còn một nghệ nhân. Có một Đông Anh (Đông Sơn) với di sản dân ca dân vũ Đông Anh; Xuân Phả (Thọ Xuân) với di sản trò diễn Xuân Phả là rất hiếm. Tuy nhiên, khi chúng tôi về Đông Anh ngay sau khi 2 cụ Lê Thị Dòn và cụ Nguyễn Duy Giăng được nhận danh hiệu NNƯT thì được biết còn có một vài cụ rất ấm ức khi mình không được nhận danh hiệu đợt này, trong khi họ đã lưu trữ và truyền dạy từ rất sớm. Sau một thời gian dài bị bỏ quên, từ năm 2002 đến 2007 cùng với sự giúp đỡ về chuyên môn và hỗ trợ kinh phí của Viện Âm nhạc Việt Nam, huyện Đông Sơn cũng đã hỗ trợ 350 triệu đồng để khôi phục lại 12 trò diễn gồm: Múa đèn, Chiêm Thành, Trống Mõ, Tiên Cuội, Hà Lan, Trò Thủy, Trò Thiếp... Hiện nay, 7/7 thôn trong xã đều có CLB văn hóa văn nghệ, mỗi CLB có 15 đến 20 thành viên tham gia sinh hoạt, biểu diễn.

Dù đã có nhiều lần dân ca, dân vũ Đông Anh được khảo sát, tìm hiểu, song những lần khảo sát, tìm hiểu ấy chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, thiếu tính quy mô và chưa xây dựng được đề án thực hiện nên quá trình khôi phục, bảo tồn gặp không ít khó khăn. Vì thế, dân ca, dân vũ Đông Anh vẫn chỉ là “cây nhà lá vườn” và quanh quẩn ở xứ Thanh. Chính vì thế để các cụ có được những giấy khen, bằng khen, hay thành tích khi xét tặng danh hiệu là rất khó.

Nhưng cũng còn rất nhiều người như thầy mo Quách Văn Cung (thôn Khe Khoai, xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân), người đã dành gần hết cuộc đời cho mo Mường, nhưng các danh hiệu nhà nước thì ông không có được. Chính vì thế ông chưa được vinh danh ở đợt này.

 Bà Lang Thị Pen (huyện Thường Xuân) đã hơn 80 tuổi, song vẫn say mê truyền dạy cho thế hệ trẻ những câu hát, điệu múa Khặp..jpg
Bà Lang Thị Pen (huyện Thường Xuân) đã hơn 80 tuổi, song vẫn say mê truyền dạy
cho thế hệ trẻ những câu hát, điệu múa Khặp.

Người hiếm hoi giành nhiều giải thưởng cao hiện đang sống ở Thanh Hóa là NNƯT Ngô Trọng Bình. Ông học ca trù từ cha khi còn nhỏ tuổi, sau một thời gian bẵng đi vì chiến tranh, đến tuổi “thất thập” ông mới quay trở lại với ca trù. Với niềm đam mê ca trù, ông Bình đã lập ra CLB Ca trù và Dân ca Thành Hạc với hơn 20 thành viên tham gia. Đến nay ông có đủ các loại danh hiệu, trong đó đáng chú ý là Huy chương Vàng ca trù toàn quốc; giải thưởng Ngón đàn giỏi nhất Liên hoan ca trù toàn quốc; giải sáng tác đặt lời mới bài hát ca trù...

Nhưng để có một tiêu chí cụ thể cần phải có một hội đồng có trình độ. Các phòng văn hóa huyện chủ yếu quản lí về mặt hành chính hơn là chuyên môn. Các cán bộ văn hóa có thể liệt kê được các giá trị văn hóa nhưng để đánh giá và xếp loại các nghệ nhân là điều không dễ. Theo Báo cáo kết quả triển khai thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể năm 2015 của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh có 67 Di sản. Trong đó: Di sản văn hóa phi vật thể còn tồn tại là 48 di sản; Di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một là 5 di sản; và Di sản văn hóa phi vật thể đã bị mai một là 14 di sản. Đương nhiên, trong đó lí do quan trọng nhất chính là việc thực hành của chủ thể bị hạn chế, thậm chí không còn. Trên thực tế, hầu như các thế hệ nghệ nhân không có văn bản ghi chép, nhưng sự gắn bó với văn hóa cộng đồng, nhiệt huyết và trí nhớ, đã giúp họ giữ vai trò hết sức quan trọng trong sự sáng tạo - truyền bá các giá trị văn hóa truyền thống.

Vào giữa năm 2016, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho các cán bộ làm công tác văn hóa trên địa bàn các huyện Yên Định, Ngọc Lặc và Lang Chánh. Nhưng có thể khẳng định, điều tra và kiểm kê mới chỉ là bước cơ bản đầu tiên của quá trình bảo vệ và phát huy di sản. Việc định hướng bảo tồn và phát huy di sản còn quan trọng hơn rất nhiều. Bởi chúng ta đã có nhiều cuộc kiểm kê không chỉ quy mô cấp tỉnh, mà ngay cả cấp quốc gia, sau hội nghị kiểm kê, mọi chuyện lại vẫn y nguyên, không hề có sự thay đổi. Và sau nhiều năm thực hiện, thực tế đã chứng tỏ, để bảo vệ và phát huy một di sản văn hóa phi vật thể, chỉ một mình ngành văn hóa nỗ lực thôi thì chưa đủ.

Di sản cần bảo vệ, là vấn đề rốt ráo được đặt ra. Nhưng chừng nào chúng ta còn chỉ nói và xem các nghệ nhân là báu vật, mà không có sự tôn vinh thích đáng, chưa có chế độ thường xuyên lâu dài, thì chảy máu và làm biến mất di sản sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Kiều Huyền

 

Các tin khác:
  • Loạt bài: Vì sự bình yên nơi phên dậu quốc gia (23/08/2017-8:19)
  • Trả lại thần hiệu đích thực cho một di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia (23/08/2017-8:15)
  • Lạnh người nhìn cô trò bồng bế nhau vượt thượng nguồn sông Âm (23/08/2017-8:04)
  • Loạt bài: Xuất khẩu lao động - Những gam màu sáng, tối (22/08/2017-14:55)
  • Loạt bài: "Ma trận" thực phẩm bẩn đầu độc người tiêu dùng (22/08/2017-9:03)
  • Loạt bài: Loạn cấp giấy chứng nhận sức khỏe (22/08/2017-8:27)