(Kỳ 1): Ngược ngàn Mã Giang
“Chuyện làm tăm đũa xả thải ra sông Mã dân kêu chán, bệnh tật đầy ra đấy mà có thay đổi được gì”? Sự bức xúc của người dân càng thúc giục tôi thêm quyết tâm lần ra manh mối khiến cho con sông huyền thoại của xứ Thanh đang đứng trước nguy cơ bị bức tử.
“Đầu độc” sông bằng nước thải
Cơ duyên thuận lợi cho tôi khi cuộc điều tra được sự hỗ trợ đắc lực của người dân. Vượt chặng đường cả trăm cây số trên chiếc Dream đời cũ, tôi đến xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa khi trời đã nhá nhem. Biết chuyến đi điều tra về hoạt động xả thải tại các cơ sở chế biến lâm sản vùng thượng nguồn sông Mã của tôi, một người dân giọng gằn bức xúc: “Chuyện làm tăm đũa xả thải ra sông Mã dân kêu chán, bệnh tật đầy ra đấy mà có thay đổi được gì!”.
Đang giấc say, nửa đêm tôi bị dựng dậy với câu nói: “Nó lại xả thải, dậy đi!”. Đi một đoạn khá xa thì đến suối Ma Ham, bản Đỏ (xã Phú Thanh). Tiếp tục lần mò theo triền suối Ma Ham, đến cống xả thải được chôn ngầm dưới lòng đất. Trước mắt chúng tôi là một hệ thống cống, ống dẫn, được chôn ngầm qua đường quốc lộ 15C cũ được cho là của Công ty Bảo Yến đang xả thẳng ra suối Ma Ham. Thứ nước hôi thối, đỏ au đang tuồn đổ như dòng thác dữ hướng thẳng sông lớn. Tại cửa sông Mã, nước sủi bọt trắng xóa, bốc mùi. Nói rồi hắn thở dài: “Tôi cũng như hàng chục hộ dân đều phải phụ thuộc vào nguồn nước mặt, nước ngầm, nước sông để sử dụng, để sinh hoạt. Cái chết ngay tức thì vì nước độc - chưa thấy! Còn hệ lụy bệnh tật thì đã rõ: Người già chết nhiều vì ung thư; con trẻ thì phần lớn bị viêm xoang, các bệnh về đường ruột, đường hô hấp; dân không dám nuôi cá lồng, cá bè trên sông...
Hình ảnh xả thải tại suối Ma Ham.
Tối hôm đó, tôi không sao ngủ được trước thực trạng nhức nhối nơi đây! Nếu hàng chục cơ sở sản xuất “tất cả đều tìm đường đổ thải ra sông Mã” thì mức độ ô nhiễm lớn chừng nào! - hàng trăm câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu, rồi khi mở mắt trời đã sáng! (...)
Dọc tuyến sông Mã, chúng tôi mục sở thị hầu hết các cơ sở sản xuất lâm sản nơi đây. Có cả chục cơ sở khác nhau mà tôi nhẩm tính, nhưng chỉ có 1-2 cơ sở là có tên, có biển hiệu (trong đó có cả đơn vị xả thải đêm qua). Phần lớn là các chủ cơ sở tư nhân, tự lấp sông lập xưởng như: Hiếu Phương; Hiệu Dung; Duy Hiếu; ông Mạnh; bà Ngắn; ông Kiệm; Tuấn Vũ... phép phiếc gì đâu mà vẫn cứ rầm rộ năm này qua năm khác! Cơ sở nào cũng có cả chục công nhân, hoạt động liên tục vậy mà “không phép”, chính quyền và cấp chức năng cũng để họ ngang nhiên hoạt động?
Không chỉ những cơ sở nhỏ không phép, mặc sức xả thải ra môi trường mà dọc tuyến sông Mã chúng tôi còn bắt gặp hàng loạt các cơ sở lâm sản như: Cơ sở Xuân Dương; Hợp tác xã Hợp Phát; Hợp tác xã Sông Mã; Công ty Duyệt Cường... có quy mô lớn, được cấp phép hoạt động nhưng cũng không ngoại lệ. Gần đây nhất, các đơn vị chức năng đã mật phục bắt quả tang Công ty TNHH Duyệt Cường (đóng tại địa bàn xã Xuân Phú) xả thải ra môi trường vượt mức quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên, chỉ tiêu TTS vượt 30,12 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12:2015/BTNMT về nước thải công nghiệp giấy, bột giấy, tổng số tiền phạt là 414.200.000 đồng... là một minh chứng.
Cuộc hành trình... lấn sông
Có mặt tại cơ sở Tiện Thúy, chứng kiến khu đất được cơ sở này đổ lấp, lấn chiếm hơn chục mét ra tới giữa lòng sông Mã. Được biết, vùng đất này đang nằm trong “tranh chấp” địa giới mấy mươi năm nay giữa 2 tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa. Quá trình đó, người dân 2 tỉnh sống lẫn lộn vào nhau, họ đổ đất lập xưởng, lấn sông; mua bán trao đổi, hoạt động kinh doanh không phép, không ai quản lý... Tôi nhìn ra khúc sông bị bồi lấp, “cả khúc sông đoạn “tranh chấp”, họ đều đã phân chia nhau để mở xưởng lâm sản. Đất thì đất Thanh Hóa, người lại Hòa Bình; Người Hòa Bình nhưng trước đó Thanh Hóa lại cấp phép... lẫn lộn tùng phèo, chỉ có sông Mã là đang bị “bức tử”!”...
Sông Mã đang bị “bóp nghẽn”.
Thực trạng môi trường trên đang từng ngày “giết chết” dòng sông! Trả lời câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của cơ quan chức năng trước thực trạng, bất cập trên, ông Trịnh Đức Du - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quan Hóa, thừa nhận: “Tình hình thực tế phản ánh của phóng viên về xả thải, lấn sông là đúng! trách nhiệm bảo vệ môi trường là không biên giới”. Tuy nhiên, ông lại tỏ ra bất lực khi lý giải: “Đó là địa phận “tranh chấp” địa giới giữa Thanh Hóa và Hòa Bình nên rất khó trong việc tiến hành kiểm tra, xử lý. Trường hợp Công ty Bảo Yến, đơn vị này đã nhiều lần bị xử phạt trong hoạt động môi trường, nhưng là vùng tranh chấp nên rất khó! Quyền sử dụng đất (bìa đỏ) của Công ty Bảo Yến thì do tỉnh Hòa Bình cấp còn giấy phép kinh doanh lại là Thanh Hóa cấp!?”
Phải chăng, do những bất cập như lời ông Du nói mà mức độ xử phạt đối với các cơ sở trên cũng có phần hạn chế!? Năm 2015, số đơn vị bị xử phạt chỉ đếm trên đầu ngón tay (Công ty Bảo Yến (?); Cơ sở Xuân Dương tại xã Hồi Xuân bị xử phạt 2,5 triệu đồng; Chính Lan (Hợp tác xã Hợp Phát ở xã Xuân Phú) bị phạt 9 triệu; Hợp tác xã Sông Mã xã Xuân Phú xử phạt 7 triệu và năm 2016, duy chỉ Công ty Duyệt Cường bị lực lượng chức năng bắt quả tang đang xả thải ra môi trường, mức phạt hơn 400 triệu đồng... Một hồi suy nghĩ, ông Du vẫn không thể nhẩm tính được trên địa bàn mình quản lý có bao nhiêu cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản!? Còn chuyện đổ đất đá lấn sông làm cản trở dòng chảy, ông khá mơ hồ khi chỉ cung cấp một báo cáo của UBND huyện với lý giải: “Do một số hộ dân sinh sống ven bờ sông Mã có mái taluy âm, một số vị trí bị sạt lở nên một số gia đình xin ý kiến UBND xã để san lấp tránh ảnh hưởng!?”...
(Kỳ 2): Nỗi lòng... con nước!
Cuộc sống của ngư dân vạn chài trên dòng Mã giang bao đời vẫn khó! Sông nước với con tôm, con cá là nguồn sống chính. Song, chưa bao giờ cuộc mưu sinh đối với họ lại trở nên khó khăn, bấp bênh như bây giờ!
Trong tháng 8 vừa qua, hàng chục tấn cá lồng bè và cá tự nhiên chết trắng dọc sông Mã từ địa phận huyện Bá Thước trải dài xuống huyện Cẩm Thuỷ và huyện Vĩnh Lộc. Trong con thuyền mộc, anh Nguyễn Văn Sơn (46 tuổi, làng chài Tân Phong, huyện Cẩm Thủy) đang cần mẫn vệ sinh nốt 1, 2 lồng cá còn chưa dám thả. Ánh mắt thất thần, anh nhớ lại giây phút kinh hoàng đêm 14/8, anh cũng như cả chục hộ dân vạn chài Tân Phong nháo nhác, kêu la cá chết mà không có cách gì cứu vãn! Làng chài Tân Phong với 42 hộ, thiệt hại lên tới 10,8 tấn cá. Anh Sơn cho biết: “Cá chết rất nhanh, chỉ trong buổi sáng mai người dân đã vớt hàng tấn cá dưới lồng lên đem bán đổ, bán tháo với đồng giá 10 nghìn đồng/kg. Nếu cá không chết thì có rẻ như cá trắm cỏ cũng 100 nghìn đồng/kg; cá Ké thì đắt hơn nhiều, vì đây là loại cá được ví là cá quý tộc”.
Như muốn xua đi sự tức tối trong lòng, anh Sơn nói nếu không vướng mấy cái thuỷ điện thượng nguồn thì sẽ chở tôi một chuyến bằng thuyền máy ngược ngàn sông Mã lên hết địa phận Thanh Hoá để minh chứng cho những gì bất cập mà bà con đang phải gánh chịu. Anh nhẩm tính, từ huyện Cẩm Thủy ngược lên đến huyện Bá Thước, huyện Quan Hóa của tỉnh đã có 5 đến 6 công trình thủy điện. Công trình thủy điện là chủ trương đường lối của Nhà nước. Song, ít nhiều đang gây ra những khó khăn, hệ lụy cho bà con vạn chài - nhất là ảnh hưởng đến nghề nuôi cá lồng, cá bè trên sông. Bà con không đòi hỏi gì nhiều, song nếu phát triển thủy điện thì cũng nên có cơ chế hỗ trợ cho bà con, ví như hỗ trợ kỹ thuật nhằm hạn chế tác động từ dòng chảy bị thay đổi…
Anh Nguyễn Văn Sơn vẻ thất thần, mất niềm tin vào nghề nuôi cá lồng khi
nước sông Mã càng ngày càng ô nhiễm.
Anh Sơn cho biết thêm, ngoài chuyện lấn sông bóp nghẽn dòng chảy, xả thải ô nhiễm thượng nguồn, còn là sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân khi xem sông suối là bể chứa thải. Chưa hết, nguy hại hơn là tình trạng phun thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, nhất là "thuốc cỏ cháy" trên mỗi triền đồi, dốc núi của bà con trước mỗi vụ gieo trồng. Tất cả lượng hoá chất độc hại đó, sau mỗi trận mưa, đều tuồn đổ hết xuống lòng sông Mã. “Đó không chỉ riêng thượng nguồn, miền núi đâu đấy! Dưới xuôi cũng vậy! Dọc bờ sông Mã có cơ man là vỏ bao thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ các loại sau khi sử dụng vứt ngổn ngang” - anh Sơn lo lắng.
Đồng cảnh trắng tay như anh Sơn là hàng trăm hộ dân khác tại các làng chài xóm Tân Thành (xã Cẩm Sơn); xóm ngư dân Tân Tiến (xã Cẩm Tân) cùng ở huyện Cẩm Thủy; xóm chài Cẩm Hoàng (xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc)… nằm dọc đôi triền sông Mã. Theo thống kê trước đó thì huyện Cẩm Thủy thiệt hại nặng nhất với 41,5 tấn cá lồng chết trải dài qua 8 xã, thị trấn. Huyện Vĩnh Lộc có 3 xã gồm Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Thành nhưng cũng có gần 13 tấn cá chết…
Tại xóm chài thôn Kìm, xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thuỷ có 65 lồng cá của 15 hộ dân làng Kìm, ước tính số lượng cá chết khoảng 8,5 tấn, tương đương 1,7 tỷ đồng.
Làng chài thôn Kìm, xã Cẩm Ngọc tiêu điều.
Dẫn chúng tôi lên căn nhà bên triền sông Mã, anh bạn tôi nói, đây là nhà Nhà nước cho, có cái nhà tiện cho việc đánh bắt trên sông, cũng như nghề nuôi cá lồng, cá bè! Song, nghề càng về sau càng khó! Cá nuôi cứ chết dần, chết mòn; trong khi tấc đất làm nông không có, lâm cảnh bế tắc bà con phải đóng cửa nhà lưu lạc Bắc Nam tìm việc, tết mới về.
Ông Dương Văn Vân - Chủ tịch UBND xã Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy) còn chưa hết chua xót: Khoảng trưa ngày 14/8, người dân ở huyện Bá Thước thấy xuất hiện cá nuôi và cả cá tự nhiên chết bất thường trên sông Mã. Đến tối cùng ngày, cá lồng nuôi ở các huyện phía hạ nguồn như Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc cũng chết như ngả rạ. Chỉ vài giờ, hàng trăm lồng cá của cả trăm hộ dân ở 20 xã, thị trấn bị chết. Nguyên nhân sau đó được công bố là do cá sặc bùn, thiếu oxi… chết!
“Hiện tại mà nói, bà con chưa nhận được hỗ trợ gì sau vụ cá chết. Nếu cứ đà này, nguy cơ tái nghèo của người dân trong xã sắp tới là hiển nhiên. Và mục tiêu đạt xã nông thôn mới vào cuối năm 2016 sẽ dần khép lại” - ông Vân thở dài.
Hàng trăm gia đình bà con vạn chài đang phải loay hoay vật lộn với cái nghề tổ truyền sông nước. Họ muốn có một lối thoát, có một cái nghề ổn định khi không hộ nào có ruộng nhưng tự thân họ thì không thể. Được biết, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cấp đất cho bà con ngư dân lên bờ làm nhà ở; định hướng cho ngư dân khôi phục lại nghề nuôi cá lồng, xã hỗ trợ kỹ thuật qua các chương trình; cũng như mở lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp… Tuy nhiên, do nhiều khó khăn về kinh phí, về đội ngũ, về nhận thức chuyển nghề còn hạn chế của bà con đang là những rào cản lớn!
(Kỳ 3): Nạn khai thác cát...
Khi thượng nguồn đang bị “bức tử” bởi hoạt động xả thải và lấn chiếm lòng sông thì xuôi dòng Mã giang về địa phận xã Yên Thọ (huyện Yên Định), hàng chục hộ dân thôn 9, 10, 12... sinh sống ven sông đang phải đối mặt với hiện tượng sụt lún “bất thường”. Nguyên nhân được kết luận một phần do tình trạng khai thác cát gây nên!
Sụt lún “bất thường”
Tự bao đời nay, gia đình lão nông Trịnh Đình Thuận (thôn 10, xã Yên Thọ) gồm 3 anh em trai, sống chung trên cùng một thửa đất, với mấy sào hoa màu ven bãi. Cuộc sống nghề nông vốn chẳng khấm khá gì nhưng nhờ con nước, con cá trên sông; nhờ chút bãi bồi trồng cây ngô, cấy chuối mà cuộc sống có đủ lương thực, hoa màu nuôi để con cái có cái ăn, cái mặc.
Ông dẫn chúng tôi lại gần mé sông, chỉ vào rặng tre đang lổn ngổn, chỏng chơ nghiêng ngả và nói: “Chỉ qua năm thôi, những rặng tre này cũng lũ lượt biến mất. Đã bao rặng tre như thế nối đuôi nhau ra đi, may mà dân ta còn biết trồng tre để mà giữ lấy đất chứ không có chúng chắc đến làng cũng chẳng còn!”. Nỗi lo mất đất hàng năm vẫn chưa có biện pháp khắc phục thì thời gian qua (khoảng tháng 4/2015 trở lại đây), các hộ dân thôn 10 lại càng hoang mang hơn khi xuất hiện nhiều điểm sụt lún như những “hố bom”!
Trước mắt chúng tôi từng vị trí sụt lún như những “hố bom” thời chiến tranh còn sót lại. Hố to đường kính lên tới vài mét, hố nhỏ thì xoáy sâu nhìn không thấy đáy. Số lượng các điểm sụt lún lên tới vài chục điểm khác nhau. Chưa kể, hiện tượng “bất thường” trên còn diễn ra phổ biến tại một số thôn dọc triền sông Mã như thôn 6, 9, 12, có tới cả trăm điểm sụt lún lớn nhỏ.
Ông Trịnh Đình Thuận lo lắng vì “sụt lún” do nạn khai thác cát trên sông Mã.
Chúng tôi đến gia đình bà Trương Thị Bảo - căn nhà bà Bảo xuất hiện 4 hố sụt lún, trong đó có 2 điểm sụt lún lớn được nối với nhau bởi một khe nứt rộng có chiều dài 3 - 4m; một hố khác có đường kính 70cm, chiều sâu khoảng 1m... đáng lo hơn khi hiện tượng sụt lún đã xuất hiện tại vị trí nhà bếp tiếp giáp với nhà ở, toàn bộ gạch nền bị sụt xuống, vỡ nham nhở, chưa kể một số công trình phụ cũng xuất hiện hàng loạt các vết nứt nẻ... “Từ xưa đến giờ, chúng tôi sinh sống dọc bờ sông Mã nhưng chưa bao giờ xảy ra hiện tượng sụt lún, tạo thành nhiều các hang hốc như thời gian qua. Hiện tượng trên đang trực tiếp đe dọa sự an nguy của xóm làng” - bà Bảo lo lắng.
Sau lệnh cấm, “cát tặc” lộng hành!
Theo người dân nơi đây, sở dĩ nói nguyên nhân là do khai thác cát bởi lẽ, cùng thời điểm xuất hiện các hiện tượng trên là Công ty Nhất Linh và Hợp tác xã Thành Công được cấp phép hoạt động mỏ. “Họ hoạt động suốt ngày đêm, nhất vào thời điểm nước lớn, các đơn vị khai thác cát cho tàu thuyền vào sát với mép bờ, chọc vòi, moi hút cả trăm khối cát mỗi ngày!” - bà Bảo cho biết. Dân kêu mãi, đơn thư phản ánh nhiều, ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri... cuối cùng cũng đã thấu! Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu tạm dừng hoạt động của 2 mỏ cát trên. Sau đó, nguyên nhân được kết luận: Hiện tượng sụt lún tại thôn 6, 9, 10, 12 xã Yên Thọ, (huyện Yên Định) là do nhiều nguyên nhân: Hoạt động kiến tạo địa chất, khí hậu, hoạt động khai thác cát, hoạt động khai thác nước ngầm, thay đổi dòng chảy của sông... Tuy nhiên, liệu người dân được đền bù hay be bờ sông, đó vẫn là điều chờ đợi mỏi mòn của người dân nơi đây.
Thêm vào đó, từ khi có lệnh cấm tạm dừng các mỏ cát thì “bỗng” xuất hiện nạn “cát tặc” thường xuyên. Cứ hễ thấy dân cầm điện thoại, hoặc lực lượng an ninh xã xuất hiện là chúng tẩu trốn rất nhanh. Chính quyền cũng đã cắt cử lực lượng để kiểm soát, nhưng chỉ được một thời gian, lí do là không có kinh phí để kéo dài mãi. Thời gian hoạt động của cát tặc chủ yếu vào đêm, rạng sáng, “lúc mà bà con đã lên giường, lực lượng chức năng đi ngủ...” - một người dân cho chúng tôi biết.
Ngoài “cát tặc”, tại thôn 9 - nơi bãi tập kết, đồng thời là mỏ cát của Công ty Nhất Linh, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Máy vẫn hút dưới dòng lên; nhiều xe tải cỡ lớn nối đuôi nhau ra vào.
Theo ông Hà Duyên Lục - Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Định: Thời gian gần đây lực lượng chức năng huyện Yên Định và huyện Vĩnh Lộc đã phối hợp bắt giữ hàng chục vụ “cát tặc” thu nộp vào ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, tại xã Yên Thọ thì lực lượng chức năng chưa bắt được vụ nào!? Ông Lục còn chia sẻ thêm: “Cũng cần phải nghĩ cho doanh nghiệp. Họ đầu tư cả “đống” tiền để mua thuyền hút cát; khó khăn lắm mới được cấp phép... Bây giờ cứ cấm họ hoạt động, tàu thuyền bỏ không thì cũng khó cho doanh nghiệp!”. Còn việc Công ty Nhất Linh bơm hút cát, được ông Lục “chẩn đoán” đó là do đơn vị mua cát nơi khác về hút lên tập kết!...
(Kỳ 4): Hàng trăm héc ta đất nông nghiệp đã biến mất
Cuộc chiến chống “cát tặc” có lẽ chưa bao giờ gay gắt như thời gian qua! Số vụ bắt và xử lý lên tới hàng chục vụ, nộp vào ngân sách Nhà nước lên tới hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, không chỉ môi trường ô nhiễm, môi sinh bị hủy diệt, tài nguyên thất thoát mà hàng trăm héc ta đất nông nghiệp cũng không cánh mà bay vì "cát tặc”.
Thâu đêm chống “cát tặc”
Từ vùng thượng lưu sông Mã địa phận huyện Quan Hóa, Bá Thước, xuôi về các huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hoá đều có nguồn tài nguyên cát phong phú. Tuy nhiên, cùng với đó là nạn “cát tặc” tại đây lại diễn ra rầm rộ. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng chức năng đã liên tiếp bắt, xử phạt nhiều trường hợp khai thác cát trái phép trên sông.
Đáng kể, ngày 4/10, Công an huyện Vĩnh Lộc phối hợp với Công an huyện Yên Định bắt giữ 4 thuyền khai thác cát trái phép trên sông Mã, đoạn qua địa phận xã Vĩnh Ninh; tại huyện Yên Định chỉ trong vòng 3 tháng vừa qua, đã bắt 3 vụ tại xã Yên Thái, 1 vụ ở xã Định Hải, 4 vụ tại xã Yên Phong; ngày 13/10 Công an huyện Hoằng Hoá bắt giữ 7 thuyền hút cát trái phép trên sông Mã đoạn qua địa bàn xã Hoằng Giang...
Riêng tại địa phận xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa để tiến hành vây bắt được số tàu thuyền trên, Công an huyện Hoằng Hóa đã phải huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ trong ngành và hơn 20 người thuộc lực lượng công an, dân quân xã Hoằng Giang. Qua kiểm tra, cả 7 phương tiện tàu thuyền đều không có đăng ký, đăng kiểm, không xuất trình được các giấy tờ hợp pháp liên quan đến việc khai thác cát...
Hàng trăm ha đất nông nghiệp bị mất do nạn khai thác cát.
Không kém phần manh động, lực lượng “cát tặc” còn thuê cả một đội ngũ “xã hội đen” bảo kê cho hoạt động moi móc nguồn tài nguyên. Đó là thực trạng tại xã Hoằng Lý, TP Thanh Hóa - nơi sông Mã phân nhánh sông Lạch Trường. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Hoằng Lý kể lại cuộc chiến với cát tặc thâu đêm như một bộ phim hành động: Trước khi vụ vây bắt thành công các tàu cát tặc, dư luận còn hiểu nhầm là UBND xã bảo kê, thông tin cho cát tặc... Nhưng thực tế, chính quyền xã sau nhiều lần đấu mối với lực lượng Công an Môi trường thành phố, Công an Môi trường tỉnh, hễ lực lượng chức năng xuống thì tàu thuyền cát tặc đã rút xong!? Để có thể dẹp bỏ được tình trạng “cát tặc”, ngày 21/9/2016, sau khi nhận được tin báo có 3 thuyền đang hút cát, chính quyền tổ chức tập hợp dân quân ở UBND xã. Còn tại thôn 6,7, tập hợp lực lượng thanh niên với đầy đủ phương tiện tự vệ... Khoảng 12 giờ 30’, lực lượng từ UBND xã xuất phát, đến nơi ập xuống nhanh, bắt được 2 thuyền đang tìm cách tháo chạy; 1 thuyền chạy thoát.
Dân kêu... mất đất!
Có thể nói, cùng với nạn "cát tặc" là tình trạng ruộng đất của bà con bị sạt lở. Về địa phương nào nằm dọc bờ sông Mã chúng tôi cũng nhận được phản ánh mất đất, mất ruộng. Thực tế, do lực lượng cát tặc manh động, thậm chí có cả lực lượng bảo kê, và thời điểm hoạt động về đêm khuya nên việc ngăn chặn vấn nạn này còn nhiều hạn chế. Đối với cấp xã, do không có nghiệp vụ sông nước, lại có phân định ranh giới, quyền hạn nên hễ phát hiện, ra vây bắt thì các đối tượng lại nhổ neo ra giữa dòng sông, đến địa phận xã khác. Riêng đối với lực lượng chức năng cấp huyện, thị thì đa phần khi xuống đến địa bàn thì "cát tặc" đã bặt vô âm tín!?...
Ông Nguyễn Thành Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thái, huyện Yên Định tỏ ra bất lực: “Địa phương không bắt được “cát tặc” vì không có phương tiện tàu thuyền, ca nô. Sông Mã chạy qua địa phương hơn 1km, nhưng năm nào cũng vậy, trung bình mỗi năm bà con mất khoảng 1ha đất nông nghiệp”.
Anh Nguyễn Văn Thọ - Trưởng công an xã Yên Thái lo lắng trước tình trạng
sạt lở, mất đất nông nghiệp.
Trực tiếp dẫn chúng tôi xuống vị trí sạt lở ở thôn Phù Hưng 2, Phù Hưng 3, anh Nguyễn Văn Thọ - Trưởng Công an xã Yên Thái minh chứng khi chỉ tay vào cột biển báo sạt lở: “Cọc biển báo thường được chôn cách mép sông 5 đến 7m, thế nhưng cứ qua vài tháng là lại phải chôn lại, chôn sâu vào ruộng bà con hơn. Lý do, là đất sạt lở do nạn khai thác cát. Trung bình, ở đoạn sông của xã có đến 20 -30 thuyền, hôm ít cũng 17 - 20 thuyền “cát tặc” thi nhau moi móc tài nguyên từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng”.
Anh Thọ cho biết thêm, mới đây đơn vị bắt được 4 thuyền khai thác trái phép, giao cho Công an huyện Vĩnh Lộc 2 thuyền, Công an huyện Yên Định 2 thuyền để xử lý.
Bà Lê Thị Tâm - Người dân thôn Phù Hưng 2 bức xúc: “Trước đây đất nông nghiệp rộng lắm! Từ khi có thuyền hút cát chúng tôi bị mất nhiều lắm rồi, khoảng 20 - 30m ra sông. Người dân phản ánh, kêu lên chính quyền nhiều rồi nhưng vẫn không thể dẹp bỏ triệt để cát tặc được”.
Trong khi đó, tại xã Hoằng Lý, theo thống kê: “xã đã có diện tích bị sạt lở do nạn cát tặc là hơn 18 nghìn m2 đất nông nghiệp gửi lên cấp trên, xem xét, hỗ trợ bà con” Để ngăn chặn tình trạng cát tặc làm mất đất nông nghiệp của bà con xã Hoằng Lý nói riêng, tất cả các địa phương có sông ngòi đi qua thì cần hơn nữa sự chung tay vào cuộc của lực lượng chức năng và toàn thể nhân dân, có thế nạn cát tặc mới có thể ngăn chặn triệt để được”, Chủ tịch UBND xã Hoằng Lý (Hoằng Hóa) bức xúc cho biết.
|
Có thể nói, cùng với nạn "cát tặc" là tình trạng ruộng đất của bà con bị sạt lở. Về địa phương nào nằm dọc bờ sông Mã chúng tôi cũng nhận được phản ánh mất đất, mất ruộng.
|
(Kỳ cuối): Hạ nguồn... “kêu cứu”
Không chỉ thực trạng lấn sông bóp nghẽn dòng chảy vùng thượng lưu; tình trạng các cơ sở xả thải ô nhiễm ra môi trường; nạn khai thác cát với hệ lụy hàng trăm héc ta đất nông nghiệp biến mất... mà xuôi dòng về phía cuối hạ nguồn, trước khi sông Mã đổ ra biển Đông, người dân đôi bờ cũng đang vật vã “kêu cứu”!
Dọc tuyến tả - hữu sông Mã vùng hạ lưu, bấy nay nổi lên với nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, thế nhưng nhiều năm trở lại đây, cái nghề “tổ đời” này đang đứng trước nguy cơ mai một... vì nước sông ô nhiễm.
Có mặt tại xã Quảng Phú (TP Thanh Hóa) - một trong những xã dọc bờ tả sông Mã cũng như các xã Quảng Thọ, Quảng Châu, Quảng Cư (TX Sầm Sơn)... có nghề nuôi tôm quảng canh. Thế nhưng, một thực trạng buồn khi người dân nơi đây đang phải cố bám giữ lấy cái nghề một thời giúp họ thoát nghèo. Hộ gia đình ông Nguyễn Trọng Bảo, thôn 2 xã Quảng Phú, TP Thanh Hóa ngao ngán: “Mấy năm trở lại đây nuôi tôm sú, nuôi cua chết dần chết mòn, không cho lãi lời vì nguồn nước trên sông Mã bị ô nhiễm”.
Sở dĩ người dân không mấy mặn mà với cái nghề bao đời cũng bởi, theo họ kể từ khi hình thành Khu công nghiệp Lễ Môn với nhiều nhà máy, xí nghiệp... thì đồng nghĩa với việc nguồn nước bị ô nhiễm. Người dân lý giải, nước thải từ cụm công nghiệp này xả trực tiếp ra sông Thu Thuỷ, rồi tuồn qua cống Quảng Châu (địa phận xã Quảng Châu) đổ ra sông Mã. Khi người dân lấy nước vào đồng thì tôm, cua bị chết. Không chỉ xã Quảng Phú mà dọc tuyến sông này, các xã Quảng Thọ, Quảng Châu nghề nuôi tôm quảng canh và nuôi tôm công nghiệp cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nguồn nước sông Mã phía hạ nguồn ô nhiễm.
Trong khi đó, phía bên kia bờ hữu sông Mã các xã Hoằng Đông, Hoằng Phong, Hoằng Tân, Hoằng Châu,... cũng đang phải gánh chịu hệ lụy từ nguồn nước sông ô nhiễm. Tại xã Hoằng Phụ - điểm cuối của sông Mã trước khi đổ ra biển Đông, xã này đang phải đối mặt với vấn đề môi trường được xem là nặng nề nhất. Dọc bờ sông Mã dài hơn 1km của xã này chỉ rác là rác.
Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Oanh (thôn 2) có hơn 2 ha nuôi trồng thủy sản, song nhiều năm trở lại đây thu nhập từ đồng tôm đã không còn là nguồn thu nhập chính của gia đình. Chồng, con bà Oanh phải chuyển lên cạn làm thêm các nghề như xây dựng, bốc vác; còn bản thân bà thì đi lấy rau câu kiếm thêm thu nhập. “Ở đây nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề. Nguyên nhân trước tiên là lượng rác thải, rồi đến nước thải từ các đồng nuôi tôm công nghiệp, từ khu công nghiệp nhà máy phía trên hạ lưu” - bà Oanh bức xúc.
Người dân Hoằng Phụ lo lắng khi nguồn nước sông Mã bị ô nhiễm không chỉ ảnh
hưởng đến nuôi trồng thủy hải sản mà còn đang trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ lo lắng: Xã có hơn 1km đường sông, có 4 thôn dọc bờ sông Mã (3 thôn khai thác gồm Bắc Sơn, Hợp Tân, Tân Xuân, 1 thôn bãi ngang)... Vì nguồn nước sông Mã ô nhiễm đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản của bà con nhân dân. Trước những năm 1990, Hoằng Phụ là một trong những xã nuôi trồng thủy hải sản đạt năng suất cao nhất của huyện Hoằng Hóa. Song từ năm 2002 trở lại đây, Nhà nước đưa vào quy hoạch các khu công nghiệp, rồi các nhà máy sản xuất dọc đôi bờ sông Mã mọc lên như nấm...với những vi phạm trong hoạt động môi trường nên cái nghề một thời “hái ra tiền” nay cũng không còn.
“Gần đây, phía Trung tâm y tế huyện cũng đã giao cho Trạm y tế lấy các mẫu nước tại các giếng gia đình gửi đi phân tích. Thế nhưng, khi chưa có kết quả chính thức, tin vui với xã Hoằng Phụ là sắp tới Hoằng Phụ là một trong 8 xã vùng biển của huyện Hoằng Hóa được đầu tư hệ thống nước sạch. Dù không giải quyết triệt để về môi trường nhưng sức khỏe của người dân cũng được đảm bảo.” ông Bình hồ hởi.
Niềm vui “dự án nước sạch” của Hoằng Phụ không phải xã nào dọc đôi bờ sông Mã cũng được thụ hưởng. Dọc tuyến sông này còn nhiều xã, phường của các huyện, thị, thành phố đang phải từng ngày chung chịu với nguồn nước có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, gieo rắc bệnh tật. "Nước ô nhiễm cá còn không sống được thì con người sao dám dùng. Chúng tôi mua nước trên cạn để ăn uống, còn nước sông thì chỉ để tắm rửa, vo gạo, rửa rau thôi! Cũng chả biết việc rửa rau, tắm giặt hay ăn con tôm, con cá có bị mần răng không!?” - lão chài Nguyễn Văn Kính, thôn Kìm, xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy băn khoăn.
Đình Giang - Xuân Cường