Máy in cổ- hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng báo chí.
Báo chí Việt Nam ra đời dù hơi muộn so với nhiều nước song có đặc thù không phải quốc gia nào cũng có. Cống hiến của báo chí quốc ngữ 152 năm qua phong phú, đa dạng, chung quy vẫn là kế thừa truyền thống dân tộc, tiếp biến tinh hoa nhân loại, nâng cao dân trí, xây dựng văn hóa Việt Nam mà cốt lõi vững bền là yêu nước, vì dân. Cốt lõi này được Chủ tịch Hồ Chí Minh người sáng lập báo chí cách mạng tiếp nối, nâng cao theo định hướng vì độc lập và chủ quyền đất nước, tự do hạnh phúc của người dân, thông qua con đường “kháng chiến và kiến quốc” (lời Bác Hồ) - hai từ kiến quốc Bác Hồ dùng vượt không gian, xuyên thời đại, nói lên đủ mọi điều.
Cuộc trưng bày 152 bộ sưu tập ghi dấu 152 năm ra đời báo chí Việt Nam hôm nay theo tôi là sự kiện mang tính biểu tượng. Nói bảo tồn là nói di sản. Di sản lưu giữ cái đẹp đã qua. Quá khứ không ở sau lưng ta, quá khứ hiển hiện xung quanh ta, quá khứ vui buồn cùng với ta, quá khứ soi tỏ cái đích ta vươn tới. Nói theo lời một nhà văn gần đây, “Dĩ vãng phía trước” – ông dùng cụm từ này đặt tên một tác phẩm của mình về kháng chiến chống Mỹ.
Mọi người, từ em bé học vỡ lòng, ai cũng biết sông khởi nguồn từ suối. Suối càng cao càng xa, chi lưu càng lắm, sông mẹ càng mênh mông. Báo chí Việt Nam ngày nay là dòng sông mẹ tiếp nhận nguồn nước nhiều chi lưu, trong đó dòng chủ lưu quyết định hướng chảy cho mọi suối nguồn là vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh, hội nhập quốc tế với bản sắc và thực lực Việt Nam, hòa hiếu mọi quốc gia trên cơ sở bảo toàn chủ quyền đất nước tổ tiên ta đổ bao mồ hôi nước mắt và xương máu nữa gây dựng nên. Sông mẹ mang phù sa từ mọi nguồn sông suối bồi đắp cuộc sống, trong cái mênh mang sâu thẳm ấy mẹ không quên đóng góp của con nào, cho dù con sống nơi đâu hay đã từng lưu lạc. Tựa mấy câu một nhà thơ làm 70 năm về trước, sau chiến thắng Việt Bắc 1947: “Sông Lô chảy xuống Sông Hồng/ Sông Hồng trôi đến biển Đông xa vời/ Biển Đông cuộn sóng ngang trời/ Nhắc đi bốn bể những lời Sông Lô”.
Báo chí Việt Nam ta hình thành từ nhiều nguồn cội, sang thời tin học càng hoành tráng. Đội ngũ những người làm báo chưa bao giờ hùng hậu như ngày nay. Bên cạnh báo chí truyền thống, rộng mở các mạng xã hội. Mạng điện tử kết nối bạn bè, chia sẻ thông tin, giao lưu tương tác, cập nhật kiến thức, tạo dư luận. Và như mọi hiện tượng trên đời từ thượng cổ, tấm thảm nào chẳng có mặt trái, cái đáng quan tâm là không ít trường hợp dường như trái đang lấn phải. Bảo tàng Báo chí Việt Nam khai trương, giới thiệu tấm thảm quá khứ rực rỡ sắc màu, gợi ý người làm báo và bất kỳ ai chia sẻ thông tin hãy tự hào về lớp lớp những người đi trước mà tâm niệm nghĩa vụ công dân cùng đạo đức xã hội của mình.
Theo Nhà báo Phan Quang/Báo Nhà báo và Công luận