Kỳ 1: Sầm Sơn kiệt tác của tạo hóa ở xứ Thanh
Có thể nói rằng, đất Việt có rất nhiều bãi biển đẹp trải dài từ Bắc vào Nam. Nhưng, có lẽ thiên nhiên ban tặng cho vùng đất “ tam vương, nhị chúa” này nhiều bãi biển đẹp kéo dài từ Bắc huyện Nga Sơn đến Nam huyện Tĩnh Gia trong đó bãi biển Sầm Sơn là điểm nhấn, là bức tranh thủy mặc đẹp đến nao lòng nếu ai một lần đặt chân tới. Đây không phải ý kiến chủ quan của người viết loạt bài này mà chính những người nước ngoài khi nghiên cứu khảo sát các bãi biển ở Việt Nam cũng ghi nhận.
Sầm Sơn những năm đầu của thời kỳ đổi mới
Theo tài liệu để lại cho biết, một nghiên cứu của người Pháp về các bãi biển tốt nhất ở Việt Nam thì bãi biển Sầm Sơn ( Thanh Hóa) được xếp thứ nhất với những tiêu chí sau: đẹp; bãi cát mịn, sạch; bãi tắm thoai thoải kéo dài ra phía biển; sóng biển phù hợp cho người tắm biển và nồng độ muối ( độ mặn) rất phù hợp cho sức khỏe con người… Ngoài bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn phú cho nơi đây nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà mỗi di tich, thắng cảnh, danh lam đều lung linh sắc màu huyền thoại. Chính những ưu thế trên mà bãi tắm Sầm Sơn đã được người Pháp xây nhiều Villa, biệt thự trên núi Trường Lệ để nghỉ dưỡng. Việc đầu tư xây dựng nhiều công trình phục phục vụ cho nghỉ dưỡng tại đây đã làm cho Sầm Sơn trở thành khu nghỉ mát nổi tiếng ở Đông Dương, và dần trở thành bãi tắm lý tưởng thu hút du khách thập phương. Ngay đến Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, cũng xây riêng cho mình một “ Hoàng Cung” ở nơi đây để nghỉ ngơi và làm việc.
Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Sầm Sơn là nơi làm việc và nghỉ ngơi của nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đặt chân tới Sầm Sơn nghỉ dưỡng sau những tháng ngày làm việc vất vả. Người ra bãi biển cùng với ngư dân nơi đây kéo lưới bắt cá và phóng tầm mắt nhìn ra đảo Hòn Mê, đảo Nẹ, đảo Cồn Nổi, những hòn đảo tiền tiêu của vùng biển xứ Thanh như nhắc nhở mọi người, biển đảo của Tổ quốc cần phải được giữ gìn trọn vẹn... Sầm Sơn cũng là địa chỉ “đỏ” đón nhiều đoàn tàu đưa gần 80.000 cán bộ, con em nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc…
Không chỉ có bãi biển đẹp, Sầm Sơn còn hiển hiện nhiều thắng tích. Một hòn Trống Mái tình tứ lãng mạn, thắng tích độc đáo đó còn mãi đến ngày nay câu chuyện tình bất tử hóa đá… Ngày nay mỗi khi du khách lên núi Trường Lệ ghé thăm hòn Trống Mái, một quá vãng xa xăm hiện về mồn một mối tình son sắt của đôi nam nữ thủơ nào. Một đền Độc Cước được lập từ đời nhà Trần, được dựng lại vào thời Lê và đã qua trùng tu nhiều lần. Đền Độc Cước không chỉ là một ngôi đền đẹp, một thắng cảnh kỳ vĩ của Sầm Sơn, mà còn là một địa chỉ tâm linh được bao người chiêm bái. Khát vọng hòa bình, chế ngự giặc dã của của người dân đã khái quát nên hình ảnh Thần Độc Cước uy danh, sẵn sàng chở che cho các số phận bất hạnh trên đời… Đền Cô Tiên Sầm Sơn chênh vênh bên vách núi, vừa là cảnh quan có một không hai lại vừa là nơi ẩn chứa nhiều kỳ bí, để bất kỳ ai đến với Sầm Sơn cũng đều đến đây, để được một lần thỏa nguyện chiêm bái tâm linh.
Du khách đến thăm hòn Trống Mái trên núi Trường Lệ
Biển Sầm Sơn bao la và núi Trường Lệ kỳ vĩ tạo thành bức tranh thủy mạc lay động lòng người, đến Sầm Sơn để được đắm chìm trong không gian yên bình của vũ trụ, về với những huyền thoại cổ tích có từ ngàn đời. Sầm Sơn đã đang trở thành nơi nghỉ dưỡng du lịch bậc nhất Việt Nam, hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ thi nhau mọc lên suốt theo chiều dài bãi biển, tất cả là tự phát, là trăm hoa đua nở, mạnh ai nấy làm, nhếch nhác, bừa bãi từng ngày một làm mất dần đi sự yêu kiều mà tạo hóa ban cho người xứ Thanh một Sầm Sơn thơ mộng. Có người không bình tĩnh được đã thốt lên “thế là mất, mất một Sầm Sơn diễm lệ rồi”
Kỳ 2: Kinh tế - sức khỏe - bạn bè
Để bạn đọc hình dung một cách có hệ thống về Sầm Sơn từ những ngày đầu của công cuộc đổi mới đất nước (1986) do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, cũng như lịch sử ra đời của câu khẩu hiệu, nói đúng hơn là phương châm hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đối với Sầm Sơn: kinh tế - sức khỏe – bạn bè. Tác giả loạt bài này được theo dõi và có những sự kiện được trực tiếp tham gia, nên có điều kiện để hệ thống lại những gì về một Sầm Sơn từ năm 1986 đến nay.
Có thể nói, hầu hết những người lãnh đạo cao nhất của Thanh Hóa, đều nhận thức sâu sắc về thế mạnh của thị xã Sầm Sơn, về những gì mà tạo hóa ban cho xứ Thanh, nên luôn trăn trở vì một Sầm Sơn phát triển. Chỉ đến khi công cuộc đổi mới được bắt đầu, thì thời cơ, vận hội để tập trung chỉ đạo quyết liệt bắt đầu được vận hành. Ngay từ năm 1986, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Hà Trọng Hòa, đã nhiều lần làm việc với Bí thư Thị ủy Sầm Sơn Trương Xuân Bào, cùng tập thể cấp ủy, chính quyền thị xã này để tìm cách phát huy thế mạnh của biển Sầm Sơn. Sau nhiều lần làm việc và lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Hà Trọng Hòa, ông Trương Xuân Bào, Bí thư Thị ủy Sầm Sơn, chính thức giao nhiệm vụ cho Thị đoàn Sầm Sơn xung kích đi đầu trong hoạt động du lịch nhằm tạo ra cách làm mới không chỉ có tắm biển mà còn tổ chức các hoạt động văn hóa khác.
Bãi biển Sầm Sơn
Háo hức với công cuộc đổi mới và cũng thử sức của mình trong hoạt động kinh tế biển, Bí thư Thị đoàn thị xã Sầm Sơn Nguyễn Song Toàn, cùng với tập thể ban thường vụ thị đoàn, đi Hà Nội mời chào và sau đó đã ký kết hợp tác với Quận đoàn Hoàn Kiếm về hoạt động du lịch với việc: Quận đoàn Hoàn Kiếm đưa khách từ Hà Nội vào; Thị đoàn Sầm Sơn xây dựng cơ sở vật chất, bố trí nơi nghỉ ngơi và sinh hoạt. Sau một thời gian nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất, tháng 2/1987 “Làng du lịch Hương Biển thanh niên Sầm Sơn” ra đời với vài chục Campinh (kiểu như ki ốt) bằng tranh tre nứa lá, cót ép được bố trí dưới rừng phi lao ven biển để làm nơi nghỉ ngơi cho khách ( ngày ấy chưa có đường Hồ Xuân Hương)… Và, khái niệm về du lịch biển, kinh tế du lịch ở thị xã Sầm Sơn có lẽ cũng bắt đầu manh nha từ đây.
Sau “ biến cố” 1987 ở Thanh Hóa, Trung ương điều động ông Lê Huy Ngọ về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Ông Ngọ sinh ra ở vùng biển huyện Tĩnh Gia Thanh Hóa, nhưng khi trưởng thành lại công tác lâu nhất ở một tỉnh không có biển. Có lẽ vì thế, khi trở về quê hương, với vị trí người đứng đầu ở địa phương đất rộng, người đông này, ngoài việc chỉ đạo chung cả tỉnh, ông Lê Huy Ngọ dành nhiều công sức cho 6 huyện, thị miền biển, mà thị xã Sầm Sơn là điểm ưu tiên số một cho phát triển du lịch. Vì vậy, năm 1989 ở Sầm Sơn diễn ra 2 sự kiện, được xem là đột phá, đánh dấu bước bước phát triển sau này của Sầm Sơn.
Sự kiện thứ nhất, trước mùa hè năm 1989, tập thể lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có nhiều cuộc họp bàn về mùa du lịch biển ở Sầm Sơn. Sau nhiều lần thảo luận, hội thảo, họp hành, người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa đưa ra kết luận: mở hội chợ “Hè Sầm Sơn 89” với khẩu hiệu hành động, Sầm Sơn: kinh tế - sức khỏe – bạn bè. Thế là, tất cả 23 huyện thị ( nay là 27 huyện thị thành), các sở, ban, ngành của tỉnh như những ngày hội. Người xe, tre nứa, luồng, công sức, cơ sở vật chất… hành quân về Sầm Sơn dựng ki ốt bán hàng. Sản vật làm ra từ miền núi, trung du, miền xuôi, miền biển, tập kết về Sầm Sơn để trao đổi, mua bán. Chưa bao giờ Sầm Sơn lại sôi động đến thế. Thị xã này lúc ấy vốn bé nhỏ, càng trở nên chật chội vì người địa phương, khách các tỉnh, thành, nhất là các địa phương phía Bắc, tấp nập kéo đến. Cả thị xã Sầm Sơn, nói đúng hơn cả tỉnh Thanh Hóa sống trong những tháng ngày ngây ngất vì một Sầm Sơn được “ mở cửa”…
Kéo lưới ở Sầm Sơn
Sự kiện thứ hai, sau khi cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Báo Tiền Phong kết thúc với vương miện hoa hậu được trao cho Bùi Bích Phương năm 1988. Tỉnh đoàn Thanh Hóa có chủ trương xin Tỉnh ủy Thanh Hóa cho tổ chức cuộc thi chọn người đẹp. Được lãnh đạo Thanh Hóa “bật đèn xanh” Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa quyết định tổ chức cuộc thi “Người đẹp hè Sầm Sơn 89” (cuộc thi người đẹp đầu tiên của các tỉnh, thành đoàn). Tôi năm đó là Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh đoàn Thanh Hóa, được giao nhiệm vụ làm thường trực cuộc thi. Đang trong lúc cùng cán bộ tỉnh đoàn, các huyện thị đoàn đi khảo sát lựa chọn, sơ tuyển người đẹp thì tôi được trên cử đi công tác ở 4 nước: Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines cùng đoàn cán bộ của T.Ư Đoàn, do Anh hùng Trịnh Tố Tâm, Bí thư T.Ư Đoàn dẫn đầu. Sau một tháng ở nước ngoài trở về thì cuộc thi “Người đẹp hè Sầm Sơn 89” cũng đã kết thúc. Người được trao vương miện người đẹp hè Sầm Sơn 89, hiện nay đang đương chức Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa- bà Phạm Thị Hằng…
Có thể nói, 2 sự kiện diễn ra trong mùa hè năm 1989 ở Sầm Sơn là bước ngoặt, cú hích cực kỳ quan trọng, khởi đầu cho một Sầm Sơn sôi động hơn, du khách đến với biển nhiều hơn và cũng từ đó đến những năm sau này du lịch Sầm Sơn ngày càng lộn xộn hơn, tai tiếng hơn…
Kỳ 3: Khi du lịch phát triển tự phát, hệ quả khó lường
Ở thị xã Sầm Sơn, phong trào xuống đường, lấn ra biển để buôn bán cũng tấp nập như đi trẩy hội. Bên cạnh một số nhà nghỉ của các bộ, ngành ở T.Ư và Thanh Hóa, người dân cũng bắt đầu cơi nới, mở rộng nhà cửa, lều quán để đón khách. Bất cứ chỗ nào có thể bán được hàng, bố trí được ngủ, nghỉ là dân ra đường đón khách vãng lai “dìu “ họ vào trọ. Đến như Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đem cót ép xuống Sầm Sơn quây lại để làm phòng cho khách thuê. Và, cũng vì thiếu thốn phòng nghỉ nên thị xã Sầm Sơn có sáng kiến được dư luận “bình chọn” là sáng kiến “độc nhất vô nhị” trên thế giới, đó là việc phường Bắc Sơn có ngôi trường THCS, cứ kết thúc năm học, thì lãnh đạo phường này lại vận dụng nghệ thuật “sắp đặt” để “biến” nó thành nhà nghỉ đón khách. Trường học kiêm nhà nghỉ ở phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn, duy trì hoạt động đón khách kéo dài hơn 10 năm, mãi đến năm 2004 mới chuyển hẳn thành Nhà nghỉ Hải Âu ngày nay. Và, cụm từ “trường học kiêm nhà nghỉ” được dư luận bàn tán xôn xao cả thời gian dài, lan truyền trong cả nước.
Trường học kiêm nhà nghỉ nay là Nhà nghỉ Hải Âu
Biển Sầm Sơn từ sau 2 sự kiện năm 1989, khách các tỉnh phía Bắc nhất là Thủ đô Hà Nội, đổ về ngày càng nhiều nhất là vào tháng 7 khi năm học và các kỳ thi cử kết thúc. Bố mẹ nào, con nấy ùn ùn kéo về tắm biển, có ngày lên cả vạn người. Khách đến Sầm Sơn quá đông mà cơ sở lưu trú khách lại ít, nên thời kỳ này ở thị xã Sầm Sơn người dân ra đường đón khách, lúc đầu còn thân thiện, dễ chịu. Nhưng, càng về sau tình trạng tranh cướp khách, cò mồi dẫn khách đến các cơ sở lưu trú đã trở thành vấn nạn làm phiền lòng không chỉ du khách. Cứ thấy xe ca chở khách dừng lại ở bất cứ chỗ nào là người dân lập tức quây lại chèo kéo, rủ rê, huyên náo gây mất trật tự, trị an và để lại trong mắt du khách những hình ảnh không đẹp.
Mặt khác từ những ngư dân “ăn sóng, nói gió” và quan niệm “ chữ nghĩa văn chương không bằng xương cá lẹp” chuyển sang kinh doanh du lịch nên việc bán các loại hàng hóa, từ ăn uống, đến dịch vụ nghỉ ngơi, vui chơi giải trí giá cả vô tội vạ. Người dân tìm đủ mọi cách để kiếm tiền, ngay đến những chú ngựa trắng mua từ Lào Cai, Yên Bái mang về Sầm Sơn, cũng được dân Sầm Sơn biến thành ngựa vằn châu Phi, rồi đem ra bờ biển cho khách đứng cạnh hoặc cưỡi lên chụp ảnh, thu tiền. Và chụp buổi sáng thu một giá, trưa giá cao hơn, chiều giá cao hơn nhiều. Lúc đầu khách du lịch la ó, Sầm Sơn bán hàng cho khách đắt đỏ đến chóng mặt, dần dà rồi cũng chỉ còn biết thốt lên câu cửa miệng: “Dân Sầm Sơn cả năm mài dao, chặt chém 3 tháng”. Làm cho hình ảnh về một bãi biển vốn xinh đẹp, yên bình nổi tiếng vào loại bậc nhất ở nước ta trở nên xấu xí, tai tiếng. Mặc dù cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp tìm nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng hiệu quả không được như mong muốn. Tình trạng trên không được đẩy lùi mà ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Địa điểm xây “lô cốt đầu cầu” dừng xe nộp tiền trước khi vào biển Sầm Sơn
Người dân thì như vậy, chính quyền thì sao? Trước thực trạng khách đổ về Sầm Sơn vào những ngày hè càng nhiều mà nguồn thu chẳng được bao nhiêu, ngân sách thì hạn hẹp, lấy tiền đâu chi bộ máy hoạt động đảm bảo cho hàng ngàn du khách đến tắm biển mỗi ngày được an toàn. Cực chẳng đã, chính quyền Sầm Sơn buộc phải nghĩ ra sáng kiến cũng thuộc loại có một không hai là xây ngay một căn nhà tròn, án ngữ ngay đầu thị xã chỉ cách biển chừng 1000m. Tất cả xe chở khách đến nhà tròn này phải dừng lại, nhân viên của thị xã lên xe đếm đầu người thu tiền xong, xe mới được qua trạm. Thế là, ô tô khách các nơi về Sầm Sơn bị chặn lại nối đuôi nhau dài dằng dặc, thời tiết thì nóng nực (hầu hết xe khách ngày đó không có máy lạnh) thế là khách la ó, bực tức nhiều du khách la lớn: Ở Hà Nội háo hức bao nhiêu, đến Sầm Sơn bực tức bấy nhiêu!
Có đến 2 kỳ họp báo, trước khi khai mạc hè Sầm Sơn, mặc dù chỗ quen thân với ông Khiêm, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn lúc đó, tôi vẫn nói: “Sầm Sơn nên phá ngay cái “lô cốt đầu cầu” ấy đi cần tìm cách khác để thu, không nên dựng lô cốt thu tiền, phản cảm”… Đến kỳ họp báo mùa hè lần thứ 3, trước khi họp, ông Khiêm ôm lấy tôi và nói: Bữa nay họp báo mi ( mày) đừng nói về cái “lô cốt đầu cầu” nữa. Hết mùa hè này tau (tao) cho phá ngay…!
Tiếng thơm lan truyền thì chậm còn tiếng xấu lan truyền rất nhanh. Sầm Sơn trong mắt du khách thập phương như là mảnh đất dữ, ai đặt chân tới đó là bị “chặt, chém”. Nói đến Sầm Sơn là nghĩ ngay đến chặt, chém, giống như khi nhắc đến tên một đội bóng ở miền Trung người hâm mộ hay nói câu: “đội bóng chém đinh, chặt sắt”…
Kỳ 4: Từ tai tiếng phải làm cho nổi tiếng
Lập lại trật tự kỷ cương, trả lại vẻ đẹp và sự bình yên vốn có và trên hết chính là đẩy lùi những tiêu cực, lộn xộn, khắc phục những tai tiếng và những hình ảnh không đẹp của Sầm Sơn trong lòng du khách và bạn bè gần xa… “mệnh lệnh” ấy được phát đi từ những người lãnh đạo cao nhất của tỉnh Thanh Hóa, lan tỏa đến từng người dân bình thường, không chỉ ở thị xã Sầm Sơn mà tất cả cư dân ở xứ Thanh có lòng tự trọng về quê hương vốn có truyền thống văn hóa, cách mạng và giàu lòng mến khách. Mặc dù chương trình hành động không chỉ để “trả lại tên cho em” mà còn vì một đô thị du lịch biển Sầm Sơn xứng tầm, phát triển hiện đại, văn minh, thân thiện. Không thành khẩu hiệu như những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng trong chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các đoàn thể xã hội từ tỉnh đến cơ sở luôn thấm nhuần phương châm: cả Thanh Hóa vì Sầm Sơn, để du lịch Sầm Sơn vì du lịch cả nước. Bởi, Sầm Sơn là kênh thông tin, quảng bá về người và đất xứ Thanh hiệu quả nhất đến bè bạn trong và ngoài nước.
Bãi biển Sầm Sơn
Chính nhận thức hết sức đúng đắn và tầm nhìn cho du lịch Thanh Hóa trong tương lai của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, mà vào mùa du lịch từ năm 2010-2013, cao điểm là năm 2013, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều cuộc họp, nhiều lần thị sát, đánh giá tìm ra nguyên nhân đồng thời đề ra biện pháp thực thi.
Bên cạnh việc tập trung chỉnh trang đô thị, lắp đặt và hoàn chỉnh hệ thống điện chiếu sáng, trang trí bồn hoa cây cảnh đảm bảo môi trường thị xã Sầm Sơn, xanh - sạch - đẹp. Công tác tuyên truyền đến người dân được thực hiện đồng bộ. Ở tỉnh, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa giao cho Sở VHTTDL là đơn vị chủ công phối hợp với thị xã Sầm Sơn tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các khách sạn, nhà nghỉ. Thường xuyên phát trên đài truyền thanh về những nội thực hiện trong mùa du lịch, thông tin đến du khách những cơ sở kinh doanh, dịch vụ vi phạm…
Một chương trình hành động với 10 phương án quản lý hoạt động du lịch tại thị xã Sầm Sơn được tuyên truyền, phổ biến và bắt tay thực hiện. Các tổ công tác, các cơ quan chức năng đi sát cơ sở chỉ đạo, bố trí, sắp xếp hàng quán kinh doanh theo các phân khu chức năng; quản lý người bán hàng rong ở bãi tắm và trên núi Trường Lệ; lắp đặt đồng hồ tính cước, đánh số xe ( gần 350 xe) kiểm tra chất lượng, trang bị đồng phục cho đội ngũ lái xe điện; công khai niêm yết giá cả; giải quyết tình trạng ăn mày, ăn xin; quản lý xe đạp đôi, xe tự chế, xe bán hàng rong; quy hoạch và đưa vào sử dụng 25 bãi trông giữ xe với diện tích gần 30.000m2 đủ chỗ cho gần 2.000 phương tiện; kiện toàn đội cấp cứu biển; quản lý dịch vụ chụp ảnh, xích lô; thành lập đội phản ứng nhanh; công khai số điện thoại đường dây nóng…10 phương án đưa ra không phải trên giấy mà nó được tổ chức thực hiện nghiêm túc và có sự giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, thông tin và dư luận của du khách là kênh quan trọng đánh giá việc vào cuộc của các cấp chính quyền một cách tích cực đã góp phần quan trọng để Sầm Sơn từng bước khắc phục sự
“tai tiếng” của mình…
Du khách trên đường phố Sầm Sơn
Bên cạnh việc tuyên truyền giúp dân hiểu rõ hơn về những nội dung chính quyền triển khai để dân tự giác thực hiện, các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý những hộ dân cố tình không thực hiện. Đặc biệt, thông qua đường dây nóng, nơi nào xảy ra tình trạng tiêu cực mà du khách gọi đến, đội phản ứng nhanh có mặt ngay để giải quyết. Cao điểm mùa du lịch biển Sầm Sơn năm 2013, ngành chức năng ở thị xã này đã xử phạt gần 1000 trường hợp vi phạm có trường hợp bị phạt đến 50 triệu đồng…
Xe điện - loại hình dịch vụ được ưa chuộng
Có thể nói, nhận rõ thế mạnh của du lịch Thanh Hóa, đồng thời cũng nghiêm khắc nhìn nhận những hạn chế, nói trắng ra, làm du lịch theo kiểu chụp giật, để lại tiếng xấu cho ngành công nghiệp không khói ở xứ Thanh mà Sầm Sơn là một ví dụ. Bằng quyết tâm chính trị của cả hệ thống từ Đảng, chính quyền, các đoàn thể, sau 3 năm ( 2011-2013) mà đỉnh cao là năm 2013, du lịch biển Sầm Sơn đã có những thay đổi đáng ghi nhận. Trật tự trị an được đảm bảo tốt, nạn “chặt chém” từng bước được đẩy lùi, bộ mặt phố biển có nhiều thay đổi, lượng khách đến Sầm Sơn ngày một tăng, sự hài lòng và đã có lời khen của du khách đối với sự nỗ lực lập lại trật tự kỷ cương du lịch ở Sầm Sơn…
Kỳ cuối: FLC góp phần để Sầm Sơn nổi tiếng
Tháng 5/2014 một dự án “khủng” chưa từng có ở Thanh Hóa về du lịch do Tập đoàn FLC đầu tư chính thức khởi công trên diện tích 450 ha, bao gồm SAN GOLF và Khu nghỉ dưỡng FLC SAM SON GOLF LINKS, với tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng. Một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, một sân golf 18 lỗ dạng links có chiều ven biển dài nhất Việt Nam do Công ty Nicklaus Design - Công ty thiết kế sân golf hàng đầu thế giới thiết kế. Sân golf này sánh ngang những sân golf tầm cỡ, đẳng cấp nhất Việt Nam và khu vực.
Khu Du lịch nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn năm 2016 - ảnh tư liệu
Khi dự án này được khởi công, dư luận ở Thanh Hóa cũng băn khoăn và lo ngại rằng có thành hiện thực, có đúng tiến độ, làm sao mà hoàn thành vào dịp khai mạc Năm du lịch quốc gia 2015 -Thanh Hóa được? Thế nhưng, điều kỳ diệu đã đến, từ vùng đất ao hồ, ruộng vườn, sình lầy…sau 9 tháng thi công, quần thể sân golf – resort – khách sạn lớn nhất dải đất miền Trung và cũng là khu nghỉ dưỡng hoành tráng vào loại bậc nhất ở phía Bắc cùng với Trung tâm hội nghị quốc tế 1.300 chỗ ngồi đã được hoàn thành. Không những thế, khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn 5 sao này còn lập 2 kỷ lục Việt Nam: là khu nghỉ dưỡng có bể tắm nước mặn lớn nhất Việt Nam ( 5.100m2) và có nhiều bể bơi nhất Việt Nam (152 bể bơi lớn nhỏ). Sau khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa ( tháng 4/2015), tại quần thể nghỉ dưỡng cao cấp FLC Sầm Sơn, đoàn phóng viên một số cơ quan báo chí T.Ư đi khảo sát du lịch các tỉnh miền Trung, có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và thị xã Sầm Sơn. Chứng kiến những đổi thay “chóng mặt” của Sầm Sơn, nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang, Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết, không ngần ngại nói : “Tôi thật sự kinh ngạc về sự phát triển của Thanh Hóa vài năm trở lại đây…”! Còn một số đồng nghiệp của tôi thì bảo rằng: Dân Thanh Hóa “ ngủ một đêm” sáng mai tỉnh dậy nhìn thấy một thành phố mi ni lung linh trước biển.
Có một quần thể nghỉ dưỡng 5 sao đẳng cấp quốc tế, chưa đủ để biến thị xã Sầm Sơn thành đô thị du lịch biển văn minh hiện đại. Vì thế, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có chủ trương và bắt tay thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo đường Hồ Xuân Hương với tổng chiều dài 3,5 km ( từ Khu du lịch Vạn Chài đến núi Trường Lệ) có tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng do UBND thị xã Sầm Sơn làm chủ đầu tư. Cùng với dự án trên, Dự án không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, theo hình thức đối tác công tư ( BOT) do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 340 tỷ đồng cũng được khởi động.
Thêm một lần nữa Sầm Sơn lại nổi tiếng với kỷ lục thực hiện 2 dự án trên. Chỉ trong thời gian rất ngắn ( khởi động từ tháng 10/2015) thực chất bắt tay thực hiện chỉ trong vòng 2 tháng 13 ngày, đường Hồ Xuân Hương vốn chật hẹp nhếch nhác trước đây đã trở thành tuyến đường du lịch ven biển, rộng, hiện đại và đẹp vào loại bậc nhất ở nước ta. Chưa hết, không gian ven biển đường Hồ Xuân Hương, những mùa du lịch trước còn nhiều ki ốt kinh doanh lộn xộn tràn xuống bãi biển. Giờ đây không gian du lịch ven biển với các phân khu chức năng phục vụ du khách và người dân theo quy chuẩn không gian biển quốc tế đã được đưa vào hoạt động.
Sầm Sơn hè 2016
Không phải “ bỗng dưng” các sự kiện văn hóa, TDTT tầm cỡ quốc gia từ năm 2015 đến nay đều được diễn ra tại đây. Từ chung kết Sao Mai, đêm nhạc Trịnh Công Sơn, đêm nhạc Phú Quang và mới đây là tường thuật trực tiếp từ Quảng trường trung tâm trên đường Hồ Xuân Hương của VTV về chiến dịch “ chung tay làm sạch biển” và tháng 8 tới sẽ là chung kết cuộc thi “Hoa hậu bản sắc Việt toàn cầu”… Sầm Sơn sạch, đẹp, hiện đại, đã gây ấn tượng mạnh, không chỉ cho du khách mà ngay cả ca sĩ Thu Minh, đại sứ chiến dịch làm sạch biển cũng như MC Thụy Vân của VTV phải thốt lên: “Kinh ngạc về Sầm Sơn hôm nay với gương mặt mới…”Còn hầu hết khách du lịch mà tôi gặp đều chung câu: quá bất ngờ, không thể ngờ Sầm Sơn bây giờ đẹp, hiện đại nhanh đến thế…
Còn tôi cũng đã mấy chục năm nếm trải cùng Sầm Sơn, đêm nay khi hoàn thành loạt bài: “Sầm Sơn tai tiếng và nổi tiếng” tôi thấy lâng lâng trong lòng khi bước lên sân thượng Khách sạn Đông Dương ngắm nhìn bãi biển Sầm Sơn lung linh ánh đèn với những con sóng bạc đầu chạy dọc bãi biển đùa nghịch mà thấy lòng cuộn dâng cảm xúc, chợt nhớ đến bài hát “ Biển hát chiều nay” của nhạc sĩ Hồng Đăng, (xin lỗi ông, tôi có sửa lại hai từ của bài hát cho hợp với những gì của Sầm Sơn ngày tháng qua…): Vùi sâu dưới đáy những gì CHƯA VUI,
Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương.
Cao Ngọ