Nhạc sĩ Doãn Nho, Giải thưởng Hồ Chí Minh (bên phải) và đạo diễn Lê Thi, Giải thưởng Nhà
nước (ngoài cùng, bên trái) trong đợt trao tặng giải thưởng vinh dự Nhà nước năm 2016.
Băn khoăn con số 75% hay 90%
Một trong những tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng bị thắc mắc và góp ý nhiều nhất quy định trong Nghị định 90 là tỷ lệ phiếu đồng ý phải đạt 90% so với tổng số thành viên hội đồng các cấp. Nhà văn Chu Lai, thành viên Hội đồng các cấp xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước năm 2016 thẳng thắn cho rằng, chỉ cần yêu, ghét khi bỏ phiếu là mất đi cả đời sáng tác của tác giả. Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường nêu ý kiến, nếu để tỷ lệ phải đạt 90% phiếu bầu như quy định thì chỉ có bảo nhau, vận động mới đủ. Nghệ thuật không thể lấy số đông, mà cá tính của nghệ sĩ thì lớn. Sự sáng tạo của nghệ sĩ này chưa chắc được nghệ sĩ khác công nhận nhưng lại được công chúng tôn vinh. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành cho rằng, con số 90% là lý tưởng, nhưng không có tác phẩm văn học nghệ thuật nào 9 người ủng hộ, 1 người không, còn chưa nói nhiều chuyên ngành khác nhau trong hội đồng không biết về nhau, không có thời gian đọc và hiểu, rồi yêu, ghét cảm tính.
Theo ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL), Nghị định 90 học tập tiêu chí xét tặng của ngành khoa học công nghệ đã có trước đó. Song với ngành khoa học, các công trình nghiên cứu rất dễ cho ra phép tính, còn với văn học nghệ thuật là sự sáng tạo đặc thù. Dự thảo sửa đổi Nghị định 90 đề xuất giảm tỷ lệ từ 90% xuống còn 75-80% phiếu bầu là hợp lý.
Tôn vinh đúng giá trị
Băn khoăn nữa là tiêu chuẩn số lượng giải thưởng mà tác giả phải đạt được ở các cuộc thi, kỳ liên hoan. Với tiêu chuẩn này, NSƯT Thanh Hương (vợ cố nhạc sĩ Thuận Yến) từng rơi nước mắt khi phải tìm bằng được giải thưởng của ông để bổ sung hồ sơ xét tặng. Trong sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Thuận Yến với hơn 500 tác phẩm thì phần lớn tác phẩm đó đã khẳng định giá trị trường tồn trong kho tàng và đời sống âm nhạc Việt Nam. “Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, anh Thuận Yến sáng tác nhiều ca khúc để cổ vũ tinh thần của chiến sĩ và người dân. Chiến tranh ác liệt như thế, người nghệ sĩ chỉ biết sáng tác với tinh thần cao nhất, mà cũng rất ít các cuộc thi, liên hoan được tổ chức. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có hàng trăm ca khúc được anh cho ra đời. Tôi nghĩ không chỉ anh Thuận Yến mà rất nhiều tác giả khác chỉ biết sáng tác và bền bỉ cống hiến cho văn học nghệ thuật nước nhà. Cả cuộc đời của người nhạc sĩ, nghệ sĩ chỉ mong tác phẩm của mình đến được với công chúng, đâu có quan tâm gì đến việc đưa tác phẩm đó đi thi để lấy giải thưởng”, NSƯT Thanh Hương bày tỏ.
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường cũng cho rằng, đối với ngành Mỹ thuật, 20 năm qua, Bộ VHTTDL chỉ tổ chức 4 liên hoan triển lãm, vài chục người được huy chương trong khi hàng nghìn người tham gia. Có ngành không bao giờ chấm giải như tượng đài thì rất khó có giải thưởng.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VHTTDL) cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2017 về việc giao Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương đề xuất, báo cáo Chính phủ việc sửa đổi bổ sung Nghị định số 90/2014/NĐ-CP để khắc phục vướng mắc. Ngày 18-8 vừa qua, Bộ VHTTDL đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, tập trung chủ yếu vào các nội dung như: Xem xét các tác phẩm thiếu giải thưởng nhưng được sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; tác phẩm trước năm 1993 nếu không có giải thưởng thì xem xét về giá trị nghệ thuật và tư tưởng. Đối với các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tiền bối, khi xem xét cần cẩn trọng, có tình, có lý và phải căn cứ vào tiêu chuẩn đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, tác phẩm có sức lan tỏa, không nhất thiết phải có giải vàng hay giải A. Đối tượng xét tặng cũng sẽ được nới rộng tới các thể loại của các hội chuyên ngành… Bộ VHTTDL tiếp tục lấy ý kiến của hội đồng chuyên môn các cấp, tác giả, nghệ sĩ và người dân để hoàn thiện nghị định bổ sung trình Chính phủ vào cuối năm nay.
Theo Vương Hà/Báo Quân đội nhân dân điện tử