Với tôi, dù các địa danh ở vùng đất biên ải đầy rẫy những khó khăn này, như: Sài Khao (Mường Lý) Pha Đén (Pù Nhi), Tà Cóm (Trung Lý) Ón (Tam Chung), Con Dao, Suối Tút (Quang Chiểu)... hay các bản Chai, Lách xa xôi ở xã Mường Chanh... tôi đều đã đặt chân. Thế nhưng, lần này, địa điểm Hin Phăng, là chuyến đầu tiên tôi tới.
Biết được ý định vượt đỉnh Hin Phăng của chúng tôi, ông Lương Minh Thông - Bí thư Huyện ủy Mường Lát, hỏi tôi xem đã đi Hin Phăng lần nào chưa? Nghe tôi trả lời, đây là lần đầu, nên ông Thông đề nghị: “Nếu là đi lần đầu, thì để mình gọi cán bộ xã Tam Chung tổ chức dẫn đường cho anh em. Vì từ trung tâm xã Tam Chung lên đỉnh Hin Phăng khoảng gần bốn chục cây số, mà đường đi vô cùng khó khăn”. Sau đó, Bí thư Thông gọi điện cho Chủ tịch UBND xã Tam Chung, đề nghị cử cán bộ dẫn đường cho nhà báo lên Hin Phăng.
Khi chúng tôi vào UBND xã Tam Chung, ông Hà Văn Đói - Phó Bí thư Đảng ủy xã, bảo chúng tôi chờ, vì cán bộ đang đi bản hết. Nghe vậy, chúng tôi quyết định đi mà không cần nhờ sự dẫn đường của cán bộ xã.
Lối lên đỉnh Hin Phăng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát.
Mặt trời mỗi lúc một chói chang. Những quả đồi cao vót, trơ trọi, khô khốc không một bóng cây. Những tảng đá mồ côi đen xì như những chiếc thuyền lật úp tỏa nhiệt, bốc hơi nóng lên khiến tôi cảm thấy rát mặt.
Giữa cái nắng chang chang, mỗi lúc càng nóng, không một bóng mát giữa lưng chừng núi, tôi phải đi bộ một mình. Còn bạn đồng nghiệp trườn được chiếc xe máy vượt lên đỉnh núi, ngồi đợi tôi. Lúc đó, cảm thấy không còn sức để leo lên nữa, bởi mồ hôi vã ra như tắm, miệng đắng ngắt, cổ họng khô khốc, tim tôi đập loạn xạ. Tôi chỉ mong sao có được một lùm cây le nào đó để chui vào nghỉ, nhưng không thể....
Chúng tôi chạm đỉnh Sài Khao vào lúc 11h trưa. Nắng mỗi lúc một chói chang, những cơn gió Phơn thổi ràn rạt trên những cánh rừng càng trở nên bỏng rát. Một số thầy, cô giáo ở Sài Khao hỏi chúng tôi đang đi đâu? Tôi bảo, đi Hin Phăng, nhưng chưa biết đường! Một thầy giáo bảo; “Từ đây đi Hin Phăng, còn khoảng chừng hơn một giờ chạy xe máy nữa. Các anh nên đi sớm, nếu không chốc nữa, trời càng nắng, gió càng nóng thì càng vất vả hơn”.
Chuyện ở Hin Phăng
Khi chúng tôi chạm đỉnh Hin Phăng, cũng là lúc mặt trời đứng bóng. Đi dưới những tán rừng nguyên sinh đang còn tươi xanh, khiến cảm giác mát lịm. Đứng trên đỉnh dốc, phóng tầm mắt quan sát, tôi thấy những nóc nhà của người Mông nằm nép dưới tán rừng. Hộ người Mông ở đây không còn nhiều, nhưng không có nghĩa là họ bỏ bản, di cư tự do đi nơi khác!
Gặp một cặp vợ chồng người Mông đi làm rẫy về, tôi dừng lại hỏi thăm nhà trưởng bản. Cô vợ không biết nói tiếng phổ thông, còn anh chồng thì tỏ vẻ phấn khởi. “Cán bộ dưới xuôi lên chơi thăm à? Thằng A Lù là Trưởng cụm. Nhà nó có lá cờ đỏ sao vàng đang bay phấp phới ở trước nhà đấy cán bộ à! Mày cứ đến nhà nó đi. Hôm nay, nó không đi rẫy đâu. Chỉ có vợ và con dâu nó đi rẫy thôi!”. Chúng tôi vào nhà Sùng A Lù. Thấy có khách lạ, A Lù đi từ trong nhà ra, bắt tay chào khách, rồi săng sái đi lấy nước được làm sẵn trong ống nứa rót ra bát mời tôi.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, Sùng A Lù, bảo: “Cụm Hin Phăng bây giờ không còn nhiều dân như trước, vì bà con chuyển xuống bản suối Loóng cho gần trung tâm hơn. Ở trên này, bây giờ còn 8 hộ dân, nhưng thông tin mà nhà báo nhận được rằng, bà con người Mông phá rừng, bỏ bản, di cư tự do là sai đấy! Bà con ta ở trên này không đi đâu cả. Chúng ta quyết tâm ở lại đây để giữ rừng, giữ đất và sinh sống như bấy lâu nay thôi!”.
Trong câu chuyện A Lù kể, thì ở đỉnh Hin Phăng bây giờ vẫn còn nhiều cây gỗ rừng nguyên sinh quý hiếm lắm. Những cây gỗ Sến, Táu, Dổi... đang được bà con bảo vệ hàng ngày. “Cây gỗ quý trong rừng ở Hin Phăng đang còn nhiều lắm. Có nhiều lần, bọn lâm tặc cũng lăm le vào đây định khai thác gỗ, nhưng bà con người Mông ta quyết ngăn chặn bằng được. Nhất định, không thể để cho bọn người xấu làm chuyện không tốt. Ở Hin Phăng, trước kia người Mông sinh sống và lập nghiệp rất đông. Từ năm 2000, do điều kiện kinh tế khó khăn, địa hình vô cùng hiểm trở, nên Nhà nước có chủ trương vận động bà con di dời xuống khu Suối Loóng lập bản. Vì vậy, khi bản Suối Loóng được thành lập, cuộc sống của bà con được thay đổi đáng kể. Số hộ còn lại ở cụm Hin Phăng hiện nay chủ yếu là những người có tâm nguyện ở lại để giữ rừng, giữ đất” - A Lù tâm sự.
Hôm ấy, khi lên tới nhà À Lù, chúng tôi gặp được Sùng A Phàng là công an viên của bản Suối Loóng lên chơi thăm nhà A Lù. Trong câu chuyện, A Phàng, bảo: “Cụm Hin Phăng bây giờ chỉ còn 8 hộ dân. Bà con không muốn chuyển đi nơi khác hay xuống khu vực bản Suối Loóng, vì muốn ở lại đây để giữ đất, giữ rừng. Thằng con trai cả của nhà A Lù là Sùng A Vảng, năm nay nó đã gần 30 tuổi. Năm ngoái, nó được Chi bộ bản Suối Loóng giới thiệu cho đi học lớp đối tượng Đảng rồi. Chi bộ và cấp trên đang động viên cho nó phấn đấu để sớm được kết nạp Đảng đấy nhà báo à!”.
Nghe tôi hỏi về số lượng đảng viên của Chi bộ Suối Loóng và A Phàng có phải là đảng viên không? Giọng của A Phàng phấn chấn hẳn lên: “Mình là đảng viên chứ! Mình được kết nạp Đảng từ năm 2010 cơ mà. Đến năm nay, mình cũng đã làm công an viên được 13 năm rồi đấy. Ở chi bộ Suối Loóng bây giờ đã có 11 đảng viên rồi nhà báo ạ!”.
Nghe A Phàng kể chuyện, tôi nhớ ông Hà Văn Thiếu - Chủ tịch UBND xã Tam Chung, nói với tôi, rằng: Ở Tam Chung, có tất cả 8 bản, trong đó có 4 bản người Mông, gồm: Suối Loóng, Suối Phái, bản Ón và Poom Khuông. “Tới thời điểm này, Tam Chung có 231 đảng viên. Công tác phát triển Đảng hiện nay ở Tam Chung đang được Đảng bộ huyện và Đảng ủy xã rất quan tâm. Trước những năm 2000, hầu hết các bản người Mông ở Tam Chung chưa có một đảng viên nào, nhưng đến nay bản nào cũng đã thành lập chi bộ và sinh hoạt rất tốt" - ông Hà Văn Thiếu nói.
Được mời dùng bữa cơm quá trưa tại nhà A Lù, khiến tôi không thể quên cái cảm giác ấy. Lúc thấy khách tới nhà, A Lù kêu A Vảng đi bắt gà, làm thịt để thết khách. Chỉ trong nháy mắt, hai thằng con trai của A Lù đã đuổi bắt được chú gà trống cựa, dù nó chạy tung khắp khu đồi xung quanh nhà. Trong chốc lát, con gà trống cương đã được A Vảng chế biến thành hai món chính (luộc và nấu canh bí Mông). Bát ớt chỉ thiên tươi được nướng trên bếp than hồng, đem trộn với muối hạt trắng giã nhuyễn, cay đến xé đầu lưỡi.
Trong lúc chờ cơm, A Lù lấy khèn Mông ra ngồi ở bậc thềm thổi cho tôi nghe những điệu nhạc của người Mông, nghe là lạ. Tôi hỏi A Lù thổi bài gì? A Lù bảo vài bài khèn tán gái Mông từ thuở còn là trai bản, rồi thì những bài nhạc mừng cây lúa mới, mừng mùa ngô non, mừng đàn trâu, bò, dê của bản sinh sôi... Và đặc biệt, là những bản tình ca mời gọi bạn tình của người Mông. Ngoài khèn ra, trong nhà có còn trữ súng để đi săn thú không, tôi hỏi A Lù. “Không có đâu! Súng săn bây giờ ở đây không còn nhà nào có nữa. Người Mông ta nghe theo vận động của cán bộ, nên giao nộp hết rồi. Bây giờ, trong rừng cũng không còn thú để đi săn nữa. Chỉ có gà rừng thôi, thi thoảng mới bẫy được một vài con. Thức ăn của bà con bây giờ chủ yếu là tự chăn nuôi và lấy măng, rau rừng thôi. Gạo, muối ăn và dầu thắp sáng, thì được Nhà nước cấp không hàng tháng cho bà con rồi nhà báo à!” - A Lù quả quyết.
Sùng A Lù - ngồi thổi khèn Mông cho khách nghe ở nhà của mình.
Chia tay A Lù, chúng tôi xuống núi bằng một con đường khác mà A Lù chỉ dẫn. Lối đi này tuy có độ dốc gần như dựng đứng, nhưng vẫn dễ dàng hơn con đường lúc chúng tôi lên. Khoảng hơn một giờ tụt dốc, con suối Lét của bản Poọng, xã Tam Chung đã hiện ra trước mặt. Đứng ngửa cổ nhìn về phía đỉnh Hin Phăng, tôi mới thấy “rùng mình” bởi những ngọn núi cao chót vót. Tôi thầm nghĩ, mình nhận thông tin bịa đặt của một “kẻ thích đùa” nào đó, cất công vượt đỉnh Hin Phăng, nhưng dù sao, đó cũng là một cơ hội cho tôi đặt chân đến nơi ấy, được gặp A Lù, A Phàng, A Vảng..., được nghe họ kể về cuộc sống, về công cuộc giữ đất, giữ rừng, về tâm huyết, quyết tâm gây dựng, bồi dưỡng những “hạt giống đỏ” cho Đảng... và được tận mắt nhìn thấy những cánh rừng đang còn nguyên sinh, còn tồn tại nhờ một phần công sức của đồng bào người Mông ở nơi ấy. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy lòng mình thanh thản!.
Theo Ghi chép của Thế Lượng/Báo VH&ĐS