Nghi môn Lam Kinh ẩn mình dưới tán cây đa cổ thụ.
Phía xa kia về mạn thượng nguồn dòng nước dữ đã bị chặn đứng bằng bê tông để làm nên một đại công trình tổng hợp điện và nước ngay giữa núi rừng Cửa Đạt - nơi danh tướng họ Cầm một thời án binh khu trú. Sâu lắng và ào ạt, hiện đại và cổ xưa, Cửa Đạt đang làm nên một bức tranh diệu kỳ có đủ các sắc màu huyền thoại của những di tích, danh thắng thiêng nhất trong vùng và một công trình an sinh lớn nhất tỉnh Thanh. Đó là phía thượng nguồn. Phía của những vì sao đêm lấp lánh trong bài ca xây dựng với những người thợ công trình mỗi ngày đều đặn chắt nhặt từ lòng sinh thổ châu Thường viễn xứ những ngọt ngào bùn đất để phát ra dòng điện hoà vào lưới quốc gia.
Qua đập Bái Thượng, dấu in bàn tay kiến trúc Pháp, đi qua những bãi đá mấp mô trận mạc một thời, ta lạc vào Kinh xanh. Phía Tây Hồ là một làng Miềng no mùa lóc cóc tiếng trâu gõ mõ, thanh bình khói lam chiều bảng lảng cuối thu. Cô em sơn cước mặc váy Mường hồn nhiên đứng ven đường xin chú cho con kiểu ảnh. Cái răng khểnh duyên dáng nụ cười khiến mình chẳng muốn bước đi. Cô bé họ Lê, vậy là họ tộc Hoàng Thân. Con cháu ai: Lê Lai liều mình cứu chúa hay Lê Lợi - một trai cày ẩn danh phất cờ dựng nghiệp lập nên Đại Việt hùng cường ở thế kỷ XV?
Đi dưới những tán cây vi vu gió, xào xạc lá như nghe tiếng gươm khua, ngựa hý như nghe tiếng Hội Tao Đàn với Nguyên suý Lê Thánh Tông một thời hào sảng tiếng bình thơ. Nguyên khí Quốc gia, tài danh đất Việt chính những con người này, mà Lam Kinh là gốc tổ khởi sinh. Tôi không phải họ Lê, nhưng tôi yêu quý, tôi tự hào về họ Lê, về sách sử Việt Nam hơn 300 năm đã ghi danh họ Lê quật khởi, cho dù có những lúc tai ương, binh biến. Nhưng dẫu vậy triều Lê vẫn là nốt son dài trong trường chinh mấy ngàn năm đất Việt hết chống ngoại bang phương Bắc, diệt Chăm Pa với Chế Bồng Nga phía Nam đến cảnh thái bình âu ca với những thác đao điền trù mật, trên bến dưới thuyền với những phố thị nức danh, khiến người Tô Châu, Tứ Xuyên, Lưỡng Quảng... nể mặt
21 Lê Lai, 22 Lê Lợi, tháng Tám lại về giỗ vua Lê. Câu nhắc truyền không chỉ có họ Lê nhớ, mà cả nước nhớ. Và rồi sau lễ hội nêm người, đúng 24 tháng tám âm lịch lại mưa, để gột trôi đi lá bánh và dư dôi của cái gọi là “ngựa xe như nước áo quần như nêm” sau lễ hội Lam Kinh thường niên vậy
Lòng chợt nhớ, chợt lắng lòng nhớ bước tiền nhân. Tôi đứng dưới tấm bia Vĩnh Lăng do đại học sỹ Nguyễn Trãi soạn, đếm từng con chữ mà cảm phục biết bao. Cảm ơn người, cảm ơn tiền nhân. Cho hậu thế được dâng nén tâm hương lên anh linh người, để tỏ bày, để nguyện cầu quốc thái dân an, cháu con phận hèn đủ cơm, đủ áo.
Tôi đứng đây, dưới gốc đa già mấy trăm năm tuổi, nhìn ra xa xăm đại ngàn bao bọc lớp kinh xanh. Dưới lòng đất mẹ kia, các liệt tổ liệt tông họ Lê vương bá đang an giấc ngàn xưa, và vô tận ngủ. Gió thu từ núi Dầu đang róc qua kẽ lá, tấu lên khúc hùng ca ru giấc cho Người.
Tháng 8 đã về, tháng 8 nhớ tiền nhân. Thêm lần nữa lắng lòng, thêm lần nữa nói lời tri nguyện sâu sắc đến vua Lê.
2. Dưới kia là dòng Mã giang an nhiên lượn sát núi Rồng, núi Ngọc. Nơi ấy là đất thiêng, dưới lòng đất vẫn còn bom, đạn Mỹ, nhưng trên đất ấy đã là màu xanh của cây, cỏ, tình người. Một màu xanh đến yên bình, không gợi tả điều gì của chết chóc, đau thương mấy mươi năm trước khi Hàm Rồng chìm trong khói lửa, bom thù giặc Mỹ.
Cầu Hàm Rồng chứng tích một thời bắc qua sông Mã.
Sự hồi sinh nhanh chóng ở đây bởi sức người, còn bởi đây là đất thiêng, đất lành, không chỉ có sự xuất hiện của nhiều dịch vụ, cảnh quan từ sự đầu tư của Nhà nước, còn trở thành nơi đứng chân của một thiền viện quy mô.
Quả đồi C4 nổi tiếng trên đỉnh non thiêng Hàm Rồng tôi đã đến 3 lần. Lần thứ nhất cách đây chừng 6 năm khi thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng đặt đá khởi công xây dựng, lần thứ 2 cách đây chừng 4 năm khi thiền viện còn trong bề bộn bê tông, sắt thép. Và lần này, đó là một sáng chủ nhật yên bình đến khó có thể hơn. Sự yên bình không hẳn bởi cỏ, cây, dáng vẻ của quả đồi trù mật, sự quanh co gợi cảnh, gợi tình trong tiết giao mùa từ con đường dưới chân đồi lên, còn bởi tiếng chuông ngân, tiếng niệm nam mô văng vẳng ra từ tòa đại hùng bảo điện bậc nhất xứ Thanh.
Nơi này, giờ không còn là lán trại, bê tông, mà đã là một cõi tu tâm đích thực cho người mong đắc đạo, với tam quan cao, rộng hướng ra sông Mã, bên kia phía bờ Bắc xã Hoằng Long cũng là một ngôi chùa với sự tâm tu, độ thế, tạo nên sự đăng đối của một trục tâm linh, và ở giữa là dòng sông với thuyền bè dân sinh, là phù sa thao thiết chảy mỗi ngày.
Thiền viện với sân rộng, tượng phật cao cả trong đại điện và bên ngoài, hai bên là gác chuông, lầu trống, còn có nơi để giảng kinh, truyền dạy đạo làm người.
Ở đó, cứ mỗi sáng chủ nhật lại có cả trăm đứa trẻ về đây để được lầm rầm những câu kinh và học đạo làm người… Một sự bổ sung tốt, góp phần định hướng tâm tính con trẻ trong thời buổi phát sinh nhiều bấn loạn từ lối sống thực dụng, ganh đua và bạo lực ngoài đời.
Không xa phố thị ồn ào, tấp nập, nhưng ở chốn thiền tu này mọi cảnh vật, sự việc đều khác. Cái khác không chỉ bởi những thanh âm, dáng vẻ, còn bởi cốt cách và những con người, cả khách lẫn chủ nhân.
Khác với Tịnh Độ Tông và Mật Tông, thiền viện đại diện cho phái Thiền Tông, lấy thiền (tọa thiền) làm chính, để tịnh tâm sám hối, ngẫm nghĩ sự đời.
Mới xuất hiện ở thành phố Thanh Hóa chưa lâu, nhưng thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng đã trở thành điểm đến - một trung tâm phật giáo mới ở xứ Thanh.
Người ta tìm đến đây để được thả hồn mình vào câu kinh, tiếng kệ, quên đi những hỷ, nộ, ái, ố chốn phàm trần, để sửa mình, mong ánh sáng từ Đức Phật phổ độ khai tâm, khai trí, để minh triết hơn, làm những việc có ích hơn.
Cũng bởi lẽ ấy, không chỉ có những người mỗi chiều chiều tìm đến đây để tọa thiền, trị bệnh trong tâm, mà còn có rất nhiều khách ngẫu hứng đến thiền viện để vãn cảnh núi Rồng - sông Mã, thắp nén tâm hương dâng lên đức Phật đại từ, đại bi, cho thư thái tâm hồn.
Tôi cứ nhớ mãi lời giảng thuyết về thiền phái Trúc Lâm của sư thầy Thích Thông Tánh - trụ trì tại thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng trong lần đến trước, rằng thiền viện không cầu kỳ, rườm rà, càng không nhuốm màu mê tín, dị đoan. Mục tiêu xây dựng thiền viện không chỉ trở thành một nơi tu hành đạo hạnh, hơn cả như một trường học cho chúng sinh, nhất là lứa tuổi thiếu niên để giáo hóa các em thành những con người đầy đủ tín, nghĩa, trở thành những công dân có ích mai này.
Dự án thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng với ý tưởng riêng có, tưởng sẽ rất xa xôi, mà gần, bởi nay điều đó đã thành hiện thực. Những bóng trẻ trong màu áo nhà phật chăm chú ngồi nghe thuyết giảng nơi kia, bỏ lại những trò nghịch phàm trần, đang khiến thiền viện trở thành nơi đáng đến mỗi cuối tuần.
Cùng với trường học, thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng đang truyền dạy cho các em đạo làm người, hướng tâm hồn non trẻ đến những chân lý, hoài bão theo trật tự.
Ngoài việc được nghe giảng dạy, chơi các trò chơi tập thể, đọc sách, báo, các em còn cùng nhau ăn cơm chay
Bởi thế, nơi này ngày càng được nhiều người biết đến.
3. Trên đỉnh Am Tiên giữa những ngày nắng thu vẫn có sự bảng lãng của mây trong giăng mắc cây cỏ lao xao. Còn là ngát hương thơm từ Phủ Mẫu, Đền thờ Bà Triệu. Còn có cảm giác đến linh thiêng từ nơi được gọi là huyệt đạo của đất trời trên đỉnh núi thiêng. Một địa điểm, một vị trí, mà chỉ mới đặt chân đến thôi, đã cảm giác như mình lạc vào nơi nào đó, thấy tâm hồn thư thái, nhẹ tênh...
Đường lên Am Tiên.
Tiếng chuông đều đều điểm nhịp, thỉnh vào thinh không nguyện cầu thế thái.
Con đường lên đỉnh non thiêng đã bê tông rất thuận tiện cho khách lễ, người mộ đạo. Vài năm trước mỗi lần lên đỉnh Am Tiên là một lần sợ, ngày mưa càng sợ bởi đường trơn, hẹp đầy nguy hiểm. Thế nhưng đã thấy ai từ chối bao giờ.
Lên để sống trong một thế giới tịch mịch, như vứt bỏ được gánh nặng trần ai.
Còn được hít hà sự trong lành nhất của tự nhiên, uống dòng nước mát lành từ suối mẹ mà nghe kể rất hiệu nghiệm, để xua đi những ưu phiền, bệnh tật, chí ít là cái thứ bệnh trong tâm.
Đứng trên đỉnh núi hướng về Đông là thành phố Thanh Hóa, xa hơn là biển. Ở góc độ nào: truyền thuyết, lịch sử và những gì đang hiển hiện, Am Tiên đều toát lên sự linh thiêng, an nhiên lạ kỳ.
Cuộc sống có nhiều thứ phải lo, vì sao không thoát ra khỏi đô thị ồn ã, để thư thái, an nhiên ở những nơi không quá xa thành phố chỉ là một lần.
Hoàng Phố