Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện diễn ra tại địa bàn Đà Nẵng.
Tính đến cuối tháng 11/2017, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 110 cơ quan báo chí hoạt động, trong đó có 8 CQBC địa phương, 102 CQBC Trung ương và địa phương khác đặt văn phòng đại diện với số lượng cán bộ, phóng viên, biên tập viên vào khoảng 800 người. Trong đó, số nhà báo được cấp Thẻ Nhà báo vào khoảng 400 người. Hội viên HNB TP. Đà Nẵng có 270 hội viên đã được cấp thẻ đang sinh hoạt tại 7 Chi hội và 3 CLB.
Nhà báo Nguyễn Văn Lưỡng - Phó Chủ tịch Thường trực HNB TP. Đà Nẵng cho biết, trong những năm qua, nhất là năm 2017, về cơ bản các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn thành phố đã bám sát tôn chỉ, mục đích hoạt động; Báo chí đã thể hiện được vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; thực sự là kênh thông tin hữu ích giúp cho lãnh đạo thành phố chỉ đạo điều hành, xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra từng ngày, trên địa bàn thành phố, góp phần quan trọng xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống…
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, hoạt động báo chí trên địa bàn TP. Đà Nẵng vẫn còn một số tồn tại bất cập. Đó là cơ chế sinh hoạt có tính chất nghiệp vụ đối với phóng viên các cơ quan thường trú đóng trên địa bàn chưa hình thành; Nhiều cơ quan báo chí có VPĐD chưa có sự gắn kết và mối quan hệ với tổ chức HNB địa phương, do đó dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, nhất là khi xảy ra các hiện tượng tiêu cực có phóng viên vi phạm đạo đức người làm báo và Luật Báo chí; Nhiều cơ báo chí khi mở VPĐD không thông qua HNB thành phố… Một thực tế nữa cho thấy, chính vì có quá nhiều VPĐD, nhiều nhà báo tác nghiệp nên xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Một bộ phận phóng viên thiếu năng lực và thiếu phẩm chất đã gây nhũng nhiễu cho địa phương, doanh nghiệp, song hoạt động của họ rất tinh vi, rất khó kiểm soát.
Đây là một thực trạng khiến Lãnh đạo TP, Ban Tuyên giáo, Sở TT& TT và HNB TP. Đà Nẵng vô cùng trăn trở… Để khắc phục những bất cập trên, từ tháng 6 năm 2017 đến nay, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, Sở TT& TT cùng với HNB thành phố đã tổ chức triển khai tăng cường công tác quản lý đưa hoạt động báo chí trên địa bàn đi vào nề nếp. Bên cạnh đó, lãnh đạo HNB Đà Nẵng cho biết, bên cạnh các giải pháp khác, việc Luật Báo chí 2016, 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo VN có hiệu lực, đặc biệt là việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (với sự tham gia của lãnh đạo HNB, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, lãnh đạo Sở TT&TT, lãnh đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn…) đang đi vào hoạt động với nhiều nỗ lực, cách thức thực hiện hy vọng sẽ giúp cho việc cải thiện tình trạng này, đưa lại những tín hiệu tích cực hơn cho môi trường hoạt động báo chí của TP. Đà Nẵng. Trong đó, đã chú trọng mối quan hệ phối hợp thường xuyên giữa các thành viên trong Hội đồng, đặc biệt coi trọng việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho những người làm báo và hội viên trên địa bàn thành phố.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác chỉ đạo quản lý báo chí trên địa bàn, hằng tháng HNB, Sở TT& TT thành phố phối hợp tổ chức giao ban báo chí dưới sự chủ trì của Ban Tuyên giáo Thành ủy, định hướng kịp thời trong tuyên truyền, giải đáp những băn khoăn, kiến nghị của báo chí và phê bình, xử lý những trường hợp vi phạm Luật Báo chí, 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo VN…
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội nghị triển khai công tác Hội Nhà báo Việt Nam năm 2017, yêu cầu: Hội viên làm việc tại cơ quan thường trú và văn phòng đại diện phải sinh hoạt Hội tại cơ quan chủ quản, đồng thời sinh hoạt với HNB địa phương, nơi phóng viên thường trú. Vì vậy, ngày 27 tháng 7 năm 2017, HNB TP. Đà Nẵng ra Quyết định về việc thành lập Ban Thư ký lâm thời Chi hội nhà báo các cơ quan thường trú, văn phòng đại diện các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương khác tại TP. Đà Nẵng, đang chuẩn bị nội dung và nhân sự cho Đại hội lần thứ I dự kiến tổ chức vào đầu tháng 1 năm 2018.
Có thể nói, với việc phối kết hợp của các ban, đơn vị và sự vào cuộc đầy nỗ lực của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức, đến nay hoạt động báo chí trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn trong nhận thức và thực tiễn.
Đối với các cơ quan báo chí, đã nghiêm túc chấp hành các quy định trong việc thực hiện các thủ tục cấp mới, cấp đổi giấy phép hoạt động, Thẻ nhà báo; các văn phòng đại diện đã thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước, đảm bảo tốt điều kiện hoạt động của văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú, tích cực phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong hoạt động tuyên truyền, truyền thông các chủ trương, chính sách của thành phố, điều chỉnh các thông tin sai lệch khi có yêu cầu.
Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về báo chí của Đà Nẵng
Đối với các cơ quan hành chính nhà nước: Đã chấp hành nghiêm túc công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. UBND TP tổ chức tốt việc họp báo định kỳ hằng quý. Bên cạnh đó, thành phố đã thành lập Tổ công tác thông tin báo chí để hỗ trợ cung cấp thông tin, chủ động xử lý khủng hoảng truyền thông .
“Đây mới là những hiệu quả bước đầu, còn không ít những khó khăn, thách thức đang đặt ra trong đời sống báo chí của cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Vì vậy, chúng tôi thiết nghĩ, rất cần sự vào cuộc tích cực và đầy trách nhiệm của mỗi thành viên Hội đồng để hoạt động của Hội đồng được làm thường xuyên, liên tục mới hy vọng phát huy kết quả tốt hơn…”,Phó Chủ tịch Thường trực HNB TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Lưỡng chia sẻ.
Theo Lan Vi/Báo Nhà báo và Công luận