Nhà báo Trần Văn Nghĩa phát biểu tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Hội Nhà
báo Việt Nam khóa X (ảnh: Sơn Hải)
Là địa phương luôn đi đầu trong việc thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai đang rất nỗ lực trong việc quản lý, kiểm soát hoạt động của phóng viên trong đó có phóng viên thường trú, tuy nhiên những khó khăn, thách thức đặt ra không phải là nhỏ. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Văn Nghĩa - Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai.
Trong thời gian vừa qua, Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai đã thường xuyên mở lớp đào tạo, bồi dưỡng, quán triệt việc thực hiện nghiêm chỉnh Luật Báo chí năm 2016 cũng như 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Đặc biệt, về phía Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai đã thành lập được Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo theo đúng quy định và nghiêm túc triển khai nội dung tới các Chi hội trực thuộc. Bước đầu, việc thành lập Hội đồng đã nhận được sự đồng thuận của toàn thể hội viên, tạo không khí bình đẳng dân chủ, lành mạnh trong hoạt động báo chí. Việc làm ấy đã đóng góp tích cực vào việc hạn chế tới mức thấp nhất các sai phạm khuyết điểm trong tác nghiệp báo chí của các phóng viên đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Tuy nhiên hoạt động quản lý báo chí tại Gia Lai đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc quản lý phóng viên thường trú. Nhà báo Trần Văn Nghĩa cho biết thực trạng hiện nay: “Các phóng viên thường trú cũng như văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí đang hoạt động trên địa bàn tỉnh không tới đăng ký sinh hoạt tại Hội Nhà báo Gia Lai khiến chúng tôi không nắm được tình hình hoạt động báo chí của họ trên địa bàn. Ngoài ra, về phía Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai thường xuyên triển khai công tác hội tới hội viên nhưng do các phóng viên không đến sinh hoạt nên chúng tôi không thể triển khai công tác hội tới lực lượng này tại địa phương”.
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai Trần Văn Nghĩa kiến nghị giải pháp như sau: “Cần tăng cường công tác phối hợp và có quy định chặt chẽ với các cơ quan chủ quản báo chí với các cơ quan báo chí có phóng viên thường trú. Văn phòng đại diện bắt buộc phải có giấy giới thiệu tới Hội Nhà báo địa phương để sinh hoạt hội. Hàng tháng và cuối năm nên quy định có giấy chứng nhận của Hội Nhà báo địa phương làm căn cứ để xét thi đua, tăng lương hoặc bổ nhiệm tại cơ quan báo chí chủ quản. Đây là một tiêu chí quy định bắt buộc đối với phóng viên thường trú tác nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.
Nhà báo Trần Văn Nghĩa khẳng định: “Nếu hội viên nào không tới trình diện và đăng ký sinh hoạt hội tại địa phương thường trú đều không được hoạt động tác nghiệp trên địa bàn. Phía cơ quan chủ quản phải chọn phóng viên đủ điều kiện thường trú, phải có thẻ nhà báo, thẻ hội viên, có đạo đức phẩm chất, kĩ năng nghiệp vụ tốt để hoạt động tại địa phương đặt văn phòng đại diện”./.
Theo Ngô Khiêm/Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam