Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Du lịch những mùa hoa (27/12/2017-8:11)
    Chẳng phải là dân phượt chuyên nghiệp, nhưng còn hơn cả dân phượt, bởi nghề làm báo cho tôi cơ hội được lang thang khắp mọi miền để thỏa khát khao khám phá.
Cánh đồng hoa cải ven sông (phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa). Ảnh: Mai Hương

Những cảnh non sông diễm lệ của quê hương đất nước. Những sắc màu tươi đẹp của thiên nhiên, cuộc sống con người. Niềm đam mê đi và viết của tôi chưa hề vơi cạn, nhất là vào những mùa hoa...
Vài năm trở lại đây, những cánh đồng hoa, lễ hội hoa đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. Dù xa xôi và thời tiết khắc nghiệt đến mấy, nhiều người vẫn không quản, họ đến với lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang, lễ hội hoa ban Điện Biên, lễ hội hoa Đà Lạt, lễ hội hoa Anh Đào...với một niềm say sưa, phấn khích. Vào mùa xuân, những cánh đồng hoa xuất hiện ngày càng nhiều như hoa mận ở Mộc Châu- Sơn La, hoa cải vàng ven sông ở Gia Lâm - Hà Nội; hoa hướng dương ở Nghệ An... Rồi theo từng mùa trong năm, người yêu hoa lại “canh” thời điểm hoa nở để đi dã ngoại, chụp ảnh, như mùa hoa gạo tháng ba; mùa hoa loa kèn tháng tư; mùa sen, mùa phượng tháng năm; mùa hoa cúc họa mi tháng 12... Những dịp này, các nhiếp ảnh gia có cơ hội đua tài, các nàng thanh nữ, mẫu ảnh được dịp “bung lụa” bên hoa. Facebook cũng tràn ngập những bức ảnh đẹp về hoa. Hoa luôn mang đến cho cuộc sống con người niềm cảm hứng bất tận.

Ở Thanh Hóa cũng đã có những vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung như hoa đào ở các xã Xuân Du, Phúc Đường huyện Như Thanh, ở Cao Sơn huyện Bá Thước; những vườn hoa ở Đông Tác, Đông Cương thành phố Thanh Hóa; vùng trồng quất ở xã Hợp Lý, Triệu Sơn...

Cứ vào dịp trước tết Nguyên đán, tôi lại đi ngắm hoa đào Xuân Du. Đào Xuân Du đã trở thành thương hiệu nổi tiếng ở xứ Thanh, không chỉ thu hút thương lái trong tỉnh mà ở các tỉnh lân cận cũng tìm về đây mua đào vào những dịp Tết. Nhiều người yêu hoa cũng lặn lội từ xa lên tận những vườn đào để lựa chọn được cây ưng ý về chưng tết. Đến với Xuân Du vào mùa hoa đào, thể nào cũng gặp vài ba người quen là khách mua hoa, bởi họ cũng giống như tôi, năm nào cũng phải đến tận đây để được thưởng ngoạn hương sắc mùa xuân. Anh Phạm Ngọc Trường ở phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hoá là một trong những “tín đồ” của đào Xuân Du. Năm nào anh cũng đi vài vòng các  vườn đào nơi đây, tự chọn cho mình gốc đào ưng ý nhất, đánh dấu và hẹn chủ vườn để dành cho mình.

Không chỉ ở Xuân Du, ở Thanh Hóa còn có một số địa phương khác cũng phát triển nghề trồng đào. Đến thăm trang trại trồng đào của gia đình bà Hàn Thị Lan - ông Trịnh Khắc Chiêm, ở xã Phúc Đường, huyện Như Thanh, chúng tôi  bị hút hồn bởi phong cảnh hữu tình như bức tranh thuỷ mặc nơi đây. Trên một quả đồi rộng 8 ha bạt ngàn bao phủ hoa đào, trải rộng phía dưới là hồ nước Khe Dài mênh mông. Sau nhiều năm đầu tư, chăm sóc, đến nay vườn đào của gia đình ông Chiêm đã cho thu hoạch, với hàng chục nghìn cây. Do có kinh nghiệm chăm bón, nên hầu như năm nào vườn đào của gia đình ông Chiêm vẫn nở vào đúng dịp tết nguyên đán. Đứng trên đỉnh đồi cao nhất ngắm bao quát toàn cảnh, cảm giác lâng lâng dâng tràn trong tôi. Vườn  đào trải dài từ các sườn đồi xuống sát mép hồ, những búp hoa mũm mĩm, những chồi xanh bật hé đầy sức sống... Tôi chợt nghĩ giá như có một dự án đầu tư khu du lịch sinh thái nơi đây, thì có lẽ vào mùa hoa đào nở, không ít khách sẽ tìm đến du xuân, chụp ảnh. Hệt như ý nghĩ của tôi, bà chủ vườn Hàn Thị Lan khoe: “Những vạt cây chưa đến cữ bán hoặc bán chưa hết, ra giêng hoa nở rực rỡ , nhiều chị em rủ nhau vào đây chụp ảnh, đẹp lắm. Về lâu dài chúng tôi sẽ làm du lịch sinh thái để phục vụ khách gần xa”.

Vào mùa xuân, lên thăm Cao Sơn- vùng đất quanh năm sương phủ  - cũng tha hồ ngắm hoa đào, hoa mận. Khu Cao Sơn vốn là 3 bản Son, Bá, Mười thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước. Chúng tôi đến với Cao Sơn trong những ngày mùa đông lạnh giá nhất. Những  dãy núi cao trùng điệp, những khu rừng xanh tươi bạt ngàn và cả những nếp nhà sàn đơn sơ của đồng bào Thái ẩn mình trong sương mờ. Anh em báo chí thường ví von Cao Sơn như “Sa Pa thu nhỏ”, hay “Đà Lạt của xứ Thanh”, địa chất lại có một phần giống cao nguyên đá ở Hà Giang. Cao Sơn còn được điểm tô bởi những nét chấm phá độc đáo của sắc thắm lung linh từ đào, hoa mơ, hoa mận hay những loài hoa khác rực rỡ sắc màu. Dường như những mệt nhọc, vất vả của chặng đường dài bỗng chốc tan biến và chỉ còn đọng lại trong chúng tôi cảm xúc ngất ngây đến khó tả. Vừa đặt chân đến bản Son, chúng tôi đã gặp ngay những vị khách đi “tăm” đào. Họ đến rất sớm, từ cả tháng trước tết, chọn những cây nào có khả năng nở hoa đúng dịp, sẽ đánh dấu và đặt tiền cho chủ nhà, bất cứ ai lên sau dù trả giá cao hơn cũng không mua được. Nơi đây còn có những đồi cam trĩu quả. Vượt cua đường Keo Nầm để sang thăm bản Bá, chúng tôi được ông Ngân Văn Kim, Bí thư chi bộ đón tiếp rất nhiệt tình, ra vườn hái những quả ngọt đầu tiên mời thưởng thức, lại tự tay chặt những cành đào vườn đẹp nhất tặng cho khách đưa về xuôi... Ngay cả ở ngôi trường phổ thông của Cao Sơn cũng được trồng rất nhiều đào. Thầy giáo Trịnh Công Định - Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: cứ gần tết nguyên đán có rất nhiều thợ săn đào lên mua, nên trước đây đào khá nhiều, nhưng giờ cũng ít dần. Vì vậy, thầy cho trồng đào ở mọi khoảng đất trống trong trường và nhất định không bán, không cho chặt, để giữ cảnh quan đẹp cho Cao Sơn. Nghe thầy nói, nhìn những cành đào được tặng buộc sau xe, tự dưng chúng tôi lại cảm thấy có lỗi. Mong rằng không chỉ khai thác đào đem bán, người dân Cao Sơn cũng quan tâm trồng mới, tạo thành vùng hoa đào đặc trưng, nét độc đáo của Cao Sơn, để những lần sau khi lên đây, chúng tôi được đi giữa những con đường mà hai bên hoa đào rực rỡ, và có mang vài cành về chưng tết cũng không cảm thấy băn khoăn. Rồi mùa hái quả, du khách lên Cao Sơn sẽ được thưởng thức những quả đào, quả mận chín mọng, đặc sản của miền sương phủ này.

Vài năm gần đây, giới trẻ Thanh Hóa phát hiện ra cánh đồng hoa cải bên sông Tào Xuyên, một nhánh của sông Mã ở xã Hoằng Lý (trước đây thuộc huyện Hoằng Hóa, nay thuộc thành phố Thanh Hóa). Vào vụ đông,  bà con nông dân thường trồng cải ở bãi bồi phù sa ven sông, và dành những ruộng rau đơm hoa để làm giống cho vụ sau. Sang xuân, cải trổ hoa rực rỡ. Nhiều bạn trẻ thấy hoa đẹp rủ nhau đến chụp hình. Tiếng lành đồn xa, cánh đồng hoa cải ven sông Tào bỗng nhiên thành điểm du xuân lý thú của những trai thanh gái lịch.

Và giờ đây, cánh đồng hoa cải không chỉ thu hút giới trẻ, mà cả những người có tuổi cũng không bỏ lỡ cơ hội được lưu lại những khoảnh khắc đẹp bên hoa cùng bạn bè. Ai cũng bị “chinh phục” bởi vẻ đẹp tự nhiên, dân dã của loài hoa quen thuộc ở nông thôn Việt Nam. Trời vừa chớm rét, một người bạn của tôi là họa sỹ Phương Mai đã sắm liền một lúc mấy chiếc khăn choàng xinh xắn, chờ hoa cải lên bông để rủ bạn bè đi chụp ảnh. Các bạn trẻ ở câu lạc bộ Võ Nhất Nam cũng chọn vườn cải để chụp những bức ảnh trình diễn võ thuật đẹp nhất làm kỷ niệm. Nhờ cánh đồng hoa cải, những người nông dân có thêm một khoản thu nhập vượt trội khi cho mọi người vào chụp ảnh thay vì bán rau. Bà Phạm Thị Gạo, một trong những chủ vườn hoa cho thuê  chụp ảnh hồ hởi khoe với chúng tôi: “Vào mùa hoa, mỗi ngày bà cũng có khoảng bốn đến sáu trăm ngàn, hơn nhiều so với hái rau bán cháu ạ. Chỉ mong năm nào cũng được như thế này”.

Hoa là món quà tạo hóa ban tặng cho loài người, mang hương sắc đến làm cuộc sống con người vui tươi, hạnh phúc hơn. Đến nhiều miền đất khác nhau, được đắm mình trong  hương sắc của biết bao kỳ hoa dị thảo, tôi luôn ước ao về những miền hoa đẹp của xứ Thanh trong tương lai. Vốn nổi tiếng là vùng đất sơn kỳ thủy tú, nếu Thanh Hóa được tô điểm thêm vào bức tranh thiên nhiên của mình những loài cây, loài hoa đẹp do bàn tay lao động của con người tác tạo nên, cảnh sẽ càng thêm tráng lệ, làm mê đắm lòng người. Hi vọng rằng, xứ Thanh sẽ quy hoạch, xây dựng được những cánh đồng hoa, những vùng hoa đẹp với quy mô lớn, tạo điểm đến du lịch cho du khách muôn phương.

Theo Mai Hương/Báo Thanh Hóa điện tử

 

Các tin khác:
  • Báo động tình trạng phô trương di tích (21/12/2017-8:25)
  • “Lễ hội tình yêu – Hòn Trống Mái” sẽ được chọn mở đầu cho mùa du lịch Sầm Sơn (21/12/2017-8:22)
  • Hành trình qua các kinh đô Việt cổ: Giải bài toán “mùa vụ” (18/12/2017-13:31)
  • Nhìn lại những vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực xuất bản 2017 (18/12/2017-13:27)
  • Khúc tráng ca của mảnh đất và con người xứ Thanh (17/12/2017-16:16)
  • FLC Thanh Hóa có nhà cầm quân mới (14/12/2017-12:36)
  • Việt Nam được xướng tên ở nhiều hàng mục danh giá nhất World Travel Awards 2017 (13/12/2017-7:51)
  • Hát Xoan: Từ bảo vệ khẩn cấp đến di sản phi vật thể của nhân loại (11/12/2017-8:23)
  • Công nhận Sa Pa là Khu du lịch quốc gia (06/12/2017-7:55)
  • Hát Xoan và Bài chòi được xem xét là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (06/12/2017-7:53)