Thứ tư, ngày 27/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
“Chiếc bánh” lễ hội và đơn thuốc trị lòng tham (26/01/2018-10:07)
    (NLBTH) - Mấy năm nay chúng ta chứng kiến nhiều lễ hội có sự sự dung tục, bạo lực, và đặc biệt là lòng tham của khách lễ.
Tranh cướp giò hoa tre tại Lễ hội đền Sóc năm 2017. Ảnh: kinhtedothi.vn

Những hình ảnh xấu xí và đáng trách, nhưng xét cho cùng lòng tham là thứ có sẵn trong con người, nên cũng khó để trách những người tham gia lễ hội.

Sự biến tướng các giá trị truyền thống trong lễ hội được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, sự “làm ngơ” của cơ quan quản lý ở một số nơi, đã khơi dậy lòng tham của khách lễ.

Lễ hội vốn là của dân, sinh ra từ đời sống dân cư, nhưng những năm gần đây nhiều lễ hội đã bị tổ chức một cách khiên cưỡng theo ý đồ riêng của người có quyền ở địa phương, và gần như lễ hội nào cũng đặt ra hai chữ: Lợi ích.

Và từ lợi ích đã sinh ra chuyện thầu khoán...

Khi mà chính quyền địa phương và người có trách nhiệm tổ chức lễ hội còn xem nhẹ các chuẩn mực văn hóa, điều kiện đảm bảo trật tự trị an tại lễ hội; cơ quan quản lý lễ hội còn đi kiểm tra bằng tâm thế của người đi “thụ lộc”, thì lễ hội còn bị thương mại, bóp méo.

Đã có ý kiến từ một số nhà nghiên cứu văn hóa và cộng đồng dân cư là hãy trả lễ hội lại cho chủ thể sáng tạo ra nó đó là nhân dân, để người dân tổ chức theo đúng như sự khởi phát, nhưng tất cả cũng chỉ mới dừng ở đó.

Dường như không phải chính quyền địa phương lo lắng “trả” lễ hội lại cho dân thì không quản lý được, mà họ sợ “chiếc bánh” đã trao đi sẽ nhận phần thiệt thòi về mình.

Khi trong tư duy của một số người còn xem lễ hội như một thứ hàng hóa, dịp để kiếm chác, thì còn nguy cơ bạo lực, dung tục và sự thương mại.

Phải chấn chỉnh nghiêm túc công tác lễ hội trước tết nguyên đán Mậu Tuất là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết công tác Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2017. Một quyết tâm từ thượng tầng nhằm đem lại hình ảnh tươi mới cho lễ hội, nhất là lễ hội mùa xuân.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng vừa ban hành công văn số 5635/BVHTTDL-VHCS gửi sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị quản lý chặt hoạt động cấp phép tổ chức lễ hội trên địa bàn, không cấp phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc...

Một sự cần thiết, thể hiện tinh thần không để “vỡ hội” mới lo đi cứu như trước. Tuy nhiên, “đơn thuốc” này có phát huy tác dụng hay không khi đi vào thực tế đời sống văn hóa còn phụ thuộc vào nhận thức của địa phương và ứng xử của cơ quan quản lý lễ hội.

Vũ An Nhiên

 

Các tin khác:
  • Hình ảnh ăn mừng (25/01/2018-8:00)
  • “Chiếc bánh” lễ hội và đơn thuốc trị lòng tham (23/01/2018-8:23)
  • Trách nhiệm người đứng đầu (22/01/2018-14:07)
  • Lối thoát cho người lao động (19/01/2018-9:29)
  • Cuối năm, những câu chuyện lo (15/01/2018-21:40)
  • Luật hóa và trách nhiệm thực hiện luật (15/01/2018-7:40)
  • Câu chuyện lời hứa và văn hóa từ chức (12/01/2018-9:54)
  • Việc làm cũ, quyết tâm mới (09/01/2018-23:18)
  • Căn bệnh... “anh hùng” (08/01/2018-9:01)
  • “Vắc xin” để phòng bệnh (05/01/2018-8:56)