Lãnh đạo Hội Nhà báo Quảng Ninh phát biểu trong giao ban báo chí thường kỳ tháng 12/2017.
Ảnh: Nguyễn Chiến
Từ chỗ chỉ có một vài cơ quan báo chí lớn cử phóng viên thường trú, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 29 cơ quan báo chí Trung ương, bộ, ngành đặt Văn phòng đại diện với hơn 60 phóng viên. Đội ngũ những người làm báo ở tỉnh cũng ngày càng đông đảo, đa số là làm nghề nghiêm túc, chấp hành đúng pháp luật, các quy định của địa phương. Tuy nhiên, vẫn có một số người làm báo (thuộc VP đại diện) còn lợi dụng nghề nghiệp, lợi dụng danh nghĩa của tòa báo làm một số việc trục lợi cho bản thân, cho tòa báo nơi họ làm việc, hợp tác. Điều này đã làm ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp người làm báo, uy tín của tờ báo.
Nhà báo Đỗ Ngọc Hà - Phó Chủ tịch Thường trực HNB Quảng Ninh cho biết, trước thực trạng còn hạn chế của hoạt động báo chí trên địa bàn, những năm qua, HNB Quảng Ninh đã phối hợp tốt với các cơ quan, đặc biệt là với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông trong việc lãnh đạo và quản lý báo chí. Cụ thể, định kỳ hằng tháng, 3 cơ quan đều duy trì tốt giao ban báo chí. Tại đây, lãnh đạo 3 cơ quan đồng chủ trì và lãnh đạo các cơ quan báo chí của tỉnh, các nhà báo thường trú ở địa bàn đều thẳng thắn nêu những bất cập để rút kinh nghiệm, bàn giải pháp tháo gỡ. Tất cả đều hướng tới mục tiêu chung vì sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương, của đất nước.
Những vấn đề “nóng’’, các sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn, kết quả thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh, những vấn đề mà các nhà báo quan tâm đều được lãnh đạo các ban, ngành, địa phương của tỉnh đối thoại, cung cấp thông tin trong hội nghị thông tin báo chí thường kỳ (đã duy trì đều đặn vào chiều thứ ba hằng tuần).
Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, HNB Quảng Ninh cũng đã có nhiều hình thức cung cấp thông tin khác cho đội ngũ những người làm báo. Hội Nhà báo tỉnh lập nhóm facebook, chủ động gửi email, điện thoại để chia sẻ, cung cấp thông tin cho các nhà báo. Nhờ đó, về cơ bản các cơ quan báo chí của tỉnh, phóng viên thường trú trên địa bàn đã thông tin tuyên truyền kịp thời, chính xác các vấn đề, sự kiện, kết quả thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh. Điều này góp phần quan trọng vào sự phát triển của Quảng Ninh thời gian qua.
Đặc biệt, từ nhiều năm qua, tổ chức HNB, lãnh đạo các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trên địa bàn Quảng Ninh luôn chú trọng rèn luyện, tu dưỡng và thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp. Ngay sau khi Chủ tịch HNB Việt Nam ký quyết định ban hành Quy định đạo đức nghề nghiệp, HNB Quảng Ninh đã triệu tập toàn thể hội viên để phổ biến các quy định này và những điểm mới trong Luật Báo chí 2016.
Để việc thực hiện 10 Điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam được hiệu quả, công bằng, ngày 5/7/2017, Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh (gọi tắt là Hội đồng) đã được thành lập. Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch HNB tỉnh; tham gia Hội đồng có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các cơ quan báo chí của tỉnh và đại diện các nhà báo thường trú trên địa bàn.
Sau khi được thành lập, Hội đồng đã họp để phân công nhiệm vụ; phổ biến quy định và quy chế hoạt động của Hội đồng đến đại diện các cơ quan báo chí, các phóng viên thường trú. Cơ quan Thường trực HNB tỉnh (Thường trực Hội đồng của tỉnh) đã chủ động kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, để nếu phát hiện sai phạm thì kịp thời đề xuất việc xem xét xử lý. Từ khi được thành lập, Hội đồng đã tiến hành 2 cuộc kiểm tra việc thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp tại các Chi hội. Ban Thư ký các Chi hội, Chi hội nhà báo trực thuộc cũng thường xuyên nắm tình hình hội viên, phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Phương châm của Hội đồng là chú trọng phòng ngừa, khi phát hiện vi phạm thì kịp thời xử lý nghiêm minh để làm gương.
“Theo đánh giá ban đầu của chúng tôi, việc thành lập và đưa vào hoạt động của Hội đồng này là một biện pháp hết sức cần thiết, được báo giới, dư luận xã hội của tỉnh hết sức quan tâm và ủng hộ. Cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác giám sát thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp trong giới báo chí; đồng thời cũng là dịp tốt để các đơn vị Hội rà soát đội ngũ. Nhìn chung, đội ngũ những người làm báo trên địa bàn chấp hành tốt Quy định đạo đức nghề nghiệp; hoạt động báo chí đã có những chuyển biến tích cực…”, nhà báo Đỗ Ngọc Hà, nhận định.
Tuy nhiên, cũng theo nhà báo Đỗ Ngọc Hà, qua quá trình thực hiện, Hội đồng nhận thấy còn một số khó khăn như: Đội ngũ các phóng viên thường trú trên địa bàn ngày càng nhiều, trong đó nhiều người chưa phải là hội viên. Điều lệ HNB Việt Nam khóa X, khoản 4, Điều 10 qui định: “Hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương, ngoài việc tham gia sinh hoạt với tổ chức Hội cơ quan chủ quản, phải có trách nhiệm tham gia sinh hoạt với HNB địa phương’’. Tuy nhiên, đến nay Điều lệ Hội vẫn chưa được phê duyệt. HNB các địa phương rất cần có sự hướng dẫn cụ thể để thực hiện quy định này. Và việc phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên Hội đồng là yếu tố vô cùng quan trọng để phát huy hiệu quả và góp phần vào việc thực hiện tốt Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Theo Ngọc Lành/ Báo Nhà báo & Công luận