Chủ nhật, ngày 05/01/2025
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Công tác hội
Phóng viên có trách nhiệm hơn trong quá trình tác nghiệp (01/02/2018-15:01)
    An Giang là một trong 13 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long (còn gọi là miền Tây Nam Bộ), trong vài năm lại đây, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin về các mặt phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì đội ngũ phóng viên thường trú, cộng tác viên của các cơ quan báo chí Trung ương đến tác nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng đông đảo.
Phóng viên Đài PT-TH An Giang tác nghiệp.

Bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế trong việc đưa tin bài, gây bức xúc cho dư luận địa phương…

Chia sẻ với phóng viên về thực tế này, nhà báo Tân Văn Ngữ - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Giám đốc Đài PT-TH, Chủ tịch HNB tỉnh An Giang cho biết: Nhìn chung, sự phản ánh của báo chí là khách quan, có trách nhiệm và mang đến những tác động tích cực cho tỉnh. Tuy nhiên, một số phóng viên thường trú, cộng tác viên báo ngành, đoàn thể do áp lực chỉ tiêu tin, bài hoặc do chạy theo thị hiếu tầm thường, làm báo kiểu “giật gân câu khách” mà phản ánh thông tin chưa chính xác, chưa đúng bản chất của sự việc khiến một vấn đề có ít lại nói nhiều thêm. Điển hình như việc khai thác cát trên vùng Bảy Núi, An Giang có một tờ báo đoàn thể đưa quá sự thật, rút tít giật gân “Cát tặc, phá nát Bảy Núi”… và sau đó các tờ báo khác khai thác đưa lên mạng ào ạt mà không kiểm chứng, gây bức xúc trong dư luận địa phương.

Nhà báo Tân Văn Ngữ chỉ rõ, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do họ không chịu sự quản lý của bất cứ tổ chức nào ở địa phương nên một số phóng viên thường trú và cộng tác viên của các báo ngành, đoàn thể chẳng sợ ai; mặc sức phản ánh sai sự thật mà chưa bị kỷ luật hoặc nhắc nhở nên vẫn “mạnh dạn khai thác” mặt trái, mặt hạn chế của địa phương rồi viết “vống lên” hơn nhiều lần của sự thật.

Trước thực tế này, Chủ tịch HNB An Giang cho biết, với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, HNB tỉnh An Giang càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình. Hội đã và đang phối hợp với các đơn vị như Ban Tuyên giáo, Sở TT&TT để tìm giải pháp nhằm chấn chỉnh kiểu tác nghiệp này. Trong đó, từ giữa năm 2016, Thường trực HNB tỉnh An Giang bắt đầu triển khai thực hiện Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đến tận các Chi hội và hội viên - nhà báo với nhiều hình thức tổ chức rất phong phú như: nghe quán triệt, nói chuyện, tổ chức các cuộc hội thảo về những điểm mới, những nội dung thường gặp và dễ sai phạm trong hoạt động nghiệp vụ báo chí ở từng Chi hội và Câu lạc bộ Nhà báo nữ.

Bên cạnh đó, HNB An Giang cũng đã thành lập Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, đề ra phương hướng, kế hoạch hoạt động rõ ràng, cùng sự phối kết hợp chặt chẽ, phát huy vai trò, trách nhiệm của các ủy viên trong Hội đồng.

Chính sự triển khai đồng bộ, quán triệt sâu sắc các nội dung, giải pháp trên nên theo đánh giá bước đầu, việc tuân thủ nội quy, quy chế ở từng cơ quan báo chí của tỉnh có bước chuyển biến rõ nét: phóng viên có trách nhiệm hơn trong quá trình tác nghiệp; hạn chế dần tình trạng đến tác nghiệp ở hội nghị đến trễ về sớm; đến cơ quan làm việc nghiêm túc, chỉnh chu hơn; xuất hiện nhiều hơn các tác phẩm báo chí chất lượng cao…; đối với hoạt động của một số văn phòng, phóng viên thường trú cũng đã có sự thay đổi, nề nếp hơn…

Song, theo Chủ tịch HNB An Giang Tân Văn Ngữ, để nâng cao hơn nữa đạo đức người làm báo, đặc biệt là để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp tiếp tục phát huy được sức mạnh của mình thì trước hết cần phải đề cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan báo chí, có chế tài cụ thể đối với lãnh đạo nếu để phóng viên vi phạm; thứ hai, đối với đội ngũ phóng viên cần phải có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn của phóng viên thường trú tại các địa phương. Trong đó chú trọng nhất là phải có tâm trong sáng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ báo chí và phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Các phóng viên thường trú bắt buộc phải sinh hoạt tại một Chi hội trực thuộc HNB của tỉnh, thành phố nơi thường trú.

“Cùng với đó, Hội Nhà báo Việt Nam ngoài việc mở các lớp nghiệp vụ báo chí cho các hội viên cũng nên thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý báo chí cho lãnh đạo các cơ quan báo chí; qua đó chắc chắn sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm quản lý phóng viên, hạn chế dần tình trạng để phóng viên thường trú “tự tung tự tác”, nhũng nhiễu địa phương, doanh nghiệp như đã và đang xảy ra trong thời gian qua, để giành lại được niềm tin nơi công chúng”, Chủ tịch HNB An Giang, trăn trở…

Theo Lan Vi/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • “Phương châm là chú trọng phòng ngừa” (29/01/2018-7:50)
  • Nhìn từ đời sống báo chí ở Thanh Hóa (26/01/2018-15:08)
  • Phải hành nghề trung thực, khách quan, công tâm…. (24/01/2018-7:39)
  • Nhìn từ đời sống báo chí ở Thanh Hóa (22/01/2018-14:02)
  • Những tín hiệu tích cực! (02/01/2018-15:57)
  • Cần tăng cường phối hợp quản lý giữa Hội Nhà báo địa phương với cơ quan chủ quản báo chí có phóng viên thường trú (22/12/2017-8:43)
  • "Đưa lại những tín hiệu tích cực hơn cho môi trường hoạt động báo chí" (09/12/2017-14:39)
  • Tổng kết công tác thi đua và hội thảo nghiệp vụ năm 2017 (06/12/2017-9:24)
  • Khi Hội Nhà báo trở thành đơn vị nhận “đặt hàng” (23/11/2017-8:01)
  • Báo chí Thanh Hóa tuyên truyền, quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ (10/11/2017-10:49)