Thứ tư, ngày 27/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Nghịch lý phong trào (07/02/2018-8:07)
    (NLBTH) - Chưa tết mà lũ trẻ nhà tôi đã lên lịch về quê. Chúng đang sống trong sự chờ đợi, bởi chúng đã có những cái tết ở quê đầy cảm xúc.
Trò chơi, trò diễn ở làng quê ngày càng thu hút người xem (ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)

Nhớ tết trước, định chỉ về quê một buổi thăm người thân, nhưng rồi đã mất cả ngày. Vợ tôi thì sà vào sân đình xem người làng diễn tuồng, thi làm bánh, còn lũ con tôi thì hò hét cổ vũ trai làng đi cầu phao. Chúng nhảy múa đầy phấn khích bằng cảm giác thật nhất của người thụ hưởng.

Những trò chơi, trò diễn ở làng quê ngày càng có sức hút mạnh mẽ khiến cho người đi xa khó để từ chối bởi cái tình, hơn thế còn là sự mộc mạc, chân thành toát ra từ những trò diễn ấy, từ những “diễn viên” trên sân khấu.

Không chỉ vợ con tôi có lý, mà dường như tết hướng về quê để được đắm mình vào những sân khấu làng, xem những diễn viên “chân đất” biểu diễn đang là xu hướng của nhiều gia đình. Đó là điều mừng cho văn hóa làng, nhưng cũng chạnh buồn cho nghệ thuật chuyên nghiệp.

Cố nhiên, không phải nghệ thuật chuyên nghiệp có lỗi, mà lỗi thuộc về một số người có trách nhiệm quản lý sân khấu khi đang cố để chạy theo thành tích, theo những hợp đồng biểu diễn, nên “bẻ lái” nghệ thuật một cách khiên cưỡng.

Mấy hôm trước về quê chạp họ, ra sân đình xem tập văn nghệ tết tôi cứ ấn tượng mãi với những diễn viên làng mình. Đang mùa cấy, nhiều nhà còn thu hái rau, củ, nhưng họ vẫn có thể xếp lịch để vào vai diễn một cách nhiệt tình mà không nhận bồi dưỡng. Họ bước lên sân khấu bằng sự đam mê, chứ không phải lo cho nghệ danh, đánh bóng tên tuổi để có những sô diễn theo đơn đặt hàng. Sân khấu làng chỉ mở khi có hội nên không bị sức ép của đồng tiền, bát gạo, khác với sự tính toán của sân khấu chuyên nghiệp trong dòng chảy xã hội hóa.

Trong xây dựng đời sống văn hóa dường như đang có những mâu thuẫn nhất định. Khi mà những thứ mà người dân đang trở nên nhàm chán thì xuất hiện ngày một nhiều hơn, trong khi nhu cầu được sinh hoạt cộng đồng theo kiểu tự mình phục vụ mình, hát cho nhau nghe, thì lại ít đi bởi cách nhìn của một số địa phương, sự chạy theo xu hướng lệch chuẩn... Những nhà văn hóa làng bị chuyển đổi công năng; bãi đất để dựng cây đu, tổ chức chơi cờ người, đấu vật hay những trò chơi tập thể bị chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc chia bán...

Sự đầu tư cho văn hóa phải bằng cả hai, vừa phát triển nghệ thuật chuyên nghiệp vừa chú trọng đến phong trào. Nhiều nhà hát ở đô thị đang ngày một thêm thưa vắng công chúng, thì không ít làng quê có khán giả những lại thiếu nơi để tổ chức các hoạt động văn hóa đúng tầm.

Một nghịch lý, mà cứ mỗi dịp lễ, tết càng nhìn thấy rõ hơn.

Vũ An Nhiên

 

Các tin khác:
  • Những “con voi” chui qua “lỗ kim” (05/02/2018-20:43)
  • Sân khấu cho ai? (30/01/2018-8:38)
  • Đất sống cho tội phạm (29/01/2018-8:01)
  • “Chiếc bánh” lễ hội và đơn thuốc trị lòng tham (26/01/2018-10:07)
  • Hình ảnh ăn mừng (25/01/2018-8:00)
  • “Chiếc bánh” lễ hội và đơn thuốc trị lòng tham (23/01/2018-8:23)
  • Trách nhiệm người đứng đầu (22/01/2018-14:07)
  • Lối thoát cho người lao động (19/01/2018-9:29)
  • Cuối năm, những câu chuyện lo (15/01/2018-21:40)
  • Luật hóa và trách nhiệm thực hiện luật (15/01/2018-7:40)