Thứ tư, ngày 27/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Khuôn mặt ngày cận tết (09/02/2018-8:12)
    (NLBTH) - Người giầu mong tết, còn người nghèo thì lo tết là câu nói mà tôi nghe nhiều nhất mỗi dịp cuối năm.
Trong dòng người tấp nập đi sắm tết vẫn còn nhiều lao động tư do chờ việc trên hè phố
(ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)

Cứ nghĩ khi thu nhập bình quân đầu người đã khá hơn, dù ở nông thôn, thì cái tết cũng không còn là chuyện lớn, chuyện phải lo, nhưng mấy hôm nay, khi đường phố tràn ngập hoa xuân, người đi sắm tết tắc đường, thì vẫn có rất nhiều lao động tự do vạ vật ở những nơi có thể trên hè phố. Những khuôn mặt mệt mỏi, âu lo trong rét cố chờ đợi ai đó gọi đi làm để có thêm đồng tiền lo tết. Một bức tranh ngày cận tết rõ nét hai thái cực đời sống dân cư.

Về nhiều vùng quê thời gian gần đây thấy những thửa ruộng bỏ hoang mà không khỏi xót xa cho những bờ xôi, ruộng mật một thời từng là mơ ước của nhiều nhà, nhưng giờ đây, khi mà người dân không còn có thể tìm được sinh kế tốt hơn, họ mới chấp nhận cuốc cày. Không phải họ từ bỏ ruộng, mà không kham nổi ruộng.

Người nhà tôi có hai sào ruộng giao lâu dài, lần thứ nhất nhường cho người trong họ canh tác, vài vụ rồi bị trả lại. Tiếc ruộng đành nói với hàng xóm nhận, nhưng được một vụ rồi cũng bị trả lại, cuối cùng để hoang. Xu hướng trả lại ruộng đang ngày một tăng lên, thậm chí có xã vài chục nhà trả ruộng.

Làm ruộng bây giờ không còn là chuyện lấy công làm lãi, mà từ khâu làm đất, cấy, hái, tuốt vò đều thuê, chưa kể giống, phân bón, thuốc trừ sâu đều tăng.

Đảm bảo an ninh lương thực luôn được đặt ra, và nhiều năm nay chúng ta đều đạt mục tiêu tăng trưởng lương thực, thậm chí có dư để xuất khẩu, tuy nhiên sự cân đối đầu vào, đầu ra của cây lương thực vẫn chưa thật hài hòa khiến cho nhiều nông dân không mặn mà.

Đất đai là thứ căn bản, tài sản lớn nhất của nông dân, nhưng khi đất đai không còn đảm bảo đời sống tối thiểu cho họ, thì ly nông là là điều khó tránh khỏi. Người có tay nghề thì vào làm việc ở các khu công nghiệp, người còn lại phải chấp nhận gia nhập “chợ” lao động vỉa hè chờ đợi vận may.

Chỉ thị số 26/CT-TTg, ngày 6/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã đi vào cuộc sống hơn hai năm. Đây là vấn đề lớn, một luồng “gió mới” cho khu vực nông nghiệp - nông thôn và nông dân, nhưng thực hiện như thế nào cho hiệu quả, để nông dân tha thiết trở lại với đồng đất quê mình, có thể sống và sinh lời từ những thửa ruộng quen, là điều đòi hỏi mỗi cấp ủy, chính quyền và cơ quan quản lý nông nghiệp phải suy nghĩ, phải có quyết tâm.

Nhìn những khuôn mặt thẫn thờ chờ việc trong dòng người đi sắm tết trên phố, tôi thầm ước giá như bây giờ, khi đã cấy hái xong, họ được đi chợ tết bằng khuôn mặt khác thay cho việc ngồi ở một góc đường chờ đợi vận may mỗi ngày.

Lam Điền

 

Các tin khác:
  • Nghịch lý phong trào (07/02/2018-8:07)
  • Những “con voi” chui qua “lỗ kim” (05/02/2018-20:43)
  • Sân khấu cho ai? (30/01/2018-8:38)
  • Đất sống cho tội phạm (29/01/2018-8:01)
  • “Chiếc bánh” lễ hội và đơn thuốc trị lòng tham (26/01/2018-10:07)
  • Hình ảnh ăn mừng (25/01/2018-8:00)
  • “Chiếc bánh” lễ hội và đơn thuốc trị lòng tham (23/01/2018-8:23)
  • Trách nhiệm người đứng đầu (22/01/2018-14:07)
  • Lối thoát cho người lao động (19/01/2018-9:29)
  • Cuối năm, những câu chuyện lo (15/01/2018-21:40)