Bãi biển Sầm Sơn hè 2017 (ảnh từ internet)
Nơi tôi đến phần nhiều là biển. Những bãi biển có thể không quá đẹp, nhưng chính quyền và doanh nghiệp biết cách tổ chức khiến tôi muốn đến.
Và cứ sau mỗi lần đi, tôi lại thấy tiêng tiếc điều gì cho bãi biển quê mình. Sầm Sơn giá trị nhưng dường như để trở thành giá trị sử dụng thật sự, phát huy hết tiềm năng, thì chưa thể. Cách làm du lịch phụ thuộc vào mùa vụ từ chính quyền và doanh nghiệp; sự chụp dựt trong kinh doanh từ nhiều người dân khiến cho một bãi biển nổi tiếng chịu điều tai tiếng.
Bây giờ thì Sầm Sơn đang “lột xác”. Không có phép màu nào, mà bằng sức mạnh con người. Một tầm nhìn cho biển với những quyết định táo bạo, sự quyết liệt, nhưng thực tế, khiến Sầm Sơn đáng đến hơn, dù vẫn là bãi cát, con sóng ấy.
Những con số khô khan, nhưng là sự khẳng định hiệu quả cho cách làm.
Năm 2017 cả tỉnh đón 7 triệu lượt khách du lịch, thì Sầm Sơn chiếm hơn một nửa, doanh thu ước đạt 2.950 tỷ đồng.
Đó là con số do UBND thành phố công bố tại Hội nghị tổng kết du lịch 2017. Trong số khách ấy có nhiều người vì sự hấp dẫn của Sầm Sơn đã quay lại không chỉ một lần, gồm cả tôi. Thay cho những chuyến đi xa, tôi chọn biển gần cho cả nhà, đôi khi cả bạn bè.
Trước kia đến Sầm Sơn người ta sợ nhất câu: “Mài dao 9 tháng, chặt chém một mùa”. Bây giờ câu nói ấy lạc hậu lắm, giá cả ở Sầm Sơn niêm yết công khai, vừa phải, từ dịch vụ nhỏ nhất, vi phạm là bị xử lý ngay. Người kinh doanh ở Sầm Sơn đã biết nhìn xa, đã ứng xử văn hóa hơn.
Trong du lịch có câu nói muốn người ta đến với mình thì đường đến nhà mình phải dễ. Đường đến Sầm Sơn từng một thời rất khó khăn, dù từ thành phố Thanh Hóa xuôi xuống chỉ mười lăm cây số. Đường đất cản chân du khách, cùng với cách làm du lịch thực dụng khiến nhiều khách từ phía Bắc đã quyết định chạy thêm hơn trăm cây số để đến với Cửa Lò, từ phía Nam ra đến với Đồ Sơn…
Kể ra điều đó để thấy mọi thứ đều bó chặt bởi cái khó trong tư duy. Tư duy không dám đột phá thì muôn đời chỉ co mình trong manh áo hẹp. Muốn có tấm áo đẹp đẽ, rộng dài phải bung ra vay tiền may áo, tạo cơ chế để người khác đem áo đến. Mấy năm nay Sầm Sơn, đúng hơn là tỉnh Thanh Hóa đã làm quá tốt điều đó. Sầm Sơn có nhà đầu tư tiềm lực bỏ tiền ra đầu tư hạ tầng du lịch. Cái tên FLC có thể sẽ nhiều người chưa biết đến, nhưng sau khi Tập đoàn này đầu tư một khu du lịch đẳng cấp ngay trên những xóm chài, nhưng rừng phi lao xác xơ, thì người ta biết đến FLC tầm cỡ thế nào.
Tôi không thạo môn golf, nhưng tôi thích quê mình có một sân golf, trước hết phục vụ nhu cầu tập luyện và chơi ngày càng cao của người dân quê mình, sau đó là điểm đến thu hút những tay golf tầm cỡ, những người được gọi là “đại gia” đến nghỉ dưỡng, tham gia vào những giải golf. Đó là con đường để thu hút đầu tư, một kênh kết nối bạn bè. Làm tốt sẽ tăng cơ hội để “cất cánh”.
Điều đó giờ đã thành hiện thực, Sầm Sơn không chỉ có sân golf đẳng cấp, còn có những khu nghỉ dưỡng, những nhà hàng tiêu chuẩn quốc tế do FLC đầu tư.
Khách đến chơi cũng cần có nơi ăn, chốn ở xứng tầm, và FLC đã làm tốt. Chỉ giai đoạn một, Tập đoàn này đã biến vùng đất kém sinh lời thành “đất vàng”, nơi “hái tiền”, ngân sách của tỉnh vì thể mà tăng lên, nhiều lao động có việc làm.
Dẫu vậy tiềm năng của Sầm Sơn vẫn chưa khai thác hết, đô thị du lịch biển này còn cần những nhà đầu tư khác, và mới đây tin vui đã đến, một thương hiệu du lịch nổi tiếng đã “hứa hôn” với đất này. Nhiều người đã nghĩ đến những “thiên đường” giải trí tương tự như ở Nha Trang, Bà Nà, Hạ Long, có thể còn hơn, mà Sungroup sẽ xây dựng trên bãi biển Sầm Sơn nay mai. Đây là một Tập đoàn giải trí có thực lực, uy tín, và chắc chắn sẽ làm được, đồng nghĩa Sầm Sơn sẽ tăng thêm sức hút để du khách đến nhiều hơn, lưu trú dài ngày hơn, tiêu nhiều tiền hơn...
Du lịch phải thế, không hẳn chỉ là những chuyến đi xa. Ngắm nhìn chưa đủ, còn phải khám phá, thử cảm giác, và các dịch vụ du lịch biển sẽ giúp du khách được tận hưởng hết những gì mà Sầm Sơn có.
***
Về với Sầm Sơn giờ hoàn toàn không còn xa xôi khi từ các tỉnh phía Bắc đến chỉ nhiều nhất mất dăm bảy tiếng đồng hồ, từ phía Nam ra qua Cảng Hàng không Thọ Xuân càng nhanh. Không còn cảnh tắc đường, không bụi xe. Đến với “hòn ngọc” của xứ Thanh có tới ba con đường. Đại lộ Lê Lợi đón du khách từ trung tâm thành phố Thanh Hóa, đại lộ Nam sông Mã dẫn đường khách từ phía Bắc vào, còn từ phía Nam ra thì bắt đầu từ đại lộ Võ Nguyễn Giáp. Với những người ưa thong dong khám phá, thì còn sự lựa chọn khác, là xuôi sông Mã.
Không mất quá nhiều tiền, làm khách của tàu cao tốc Hoàng Long, bắt đầu từ cầu Hàm Rồng bạn sẽ có một chuyến đi thú vị. Trên hành trình hơn mười cây số sông nước xuống cửa Lạch Hới du khách sẽ cảm nhận được sự trù mật của xóm làng, những bến thuyền, bãi dâu, nương ngô, những mái chèo khoan nhặt và cả trầm tích văn hóa tỏa ra từ di tích, danh thắng hai bên bờ. Đó là hình ảnh thân thiện của đất và người xứ Thanh - những thứ đã góp phần làm nên danh xưng Thanh Hóa suốt bao năm nay chúng ta vẫn gọi, vẫn xưng...
Đúng là chưa bao giờ đô thị du lịch biển này lại hấp dẫn đến thế. Thay cho những chuyến đi xa tôi chọn gần, hợp lý cho túi tiền, và cả khoảng cách, nhưng hơn cả là được thỏa sức với những đợt sóng biển, bãi cát dài, mịn, những đồ ăn đúng nghĩa. Muốn khách đến với mình, thì trước tiên mình phải hài lòng. Không chỉ tôi, mà nhiều người dân xứ Thanh đã cảm nhận được điều đó ở Sầm Sơn.
Có thể nói, Sầm Sơn đang từng bước “lấy lòng” du khách, nhất là sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho sáp nhập và nâng cấp một số xã lên phường, thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào tháng 4/2017. Và ngay trong mùa du lịch đầu tiên khoác “tấm áo” mới, tin vui đã liên tục báo tiệp, đáng nói nhất, Sầm Sơn được công nhận là một trong năm khu du lịch hấp dẫn nhất cả nước do du khách và các công ty du lịch bầu chọn trong một hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2017.
Henry Miller - nhà văn người Mỹ từng triết lý về phương châm du lịch rằng: “Đích đến của chúng ta không phải là vùng đất, mà là cách nhìn mới”. Điều đó khá đúng với Sầm Sơn. Vẫn là đất ấy, những người dân ấy, nhưng cách nhìn của chính quyền và người dân đổi mới khiến du khách thấy sự mới lạ. Thành công của người làm du lịch chính là biết tạo ra những sản phẩm mới hấp dẫn trên vùng đất cũ. Mấy năm nay Sầm Sơn đang làm tốt điều đó, và chắc chắn cứ đà này, Sầm Sơn sẽ còn tiến xa.
Cách đây mấy năm ngồi với Phó Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn Hoàng Khắc Nhu, ông say sưa nói về ý nghĩa, giá trị của Hòn trống mái, và khát khao tổ chức một lễ hội tình yêu tại đây để tạo thêm sản phẩm hấp dẫn du khách. Nhưng bởi nhiều lý do, ý tưởng chỉ dừng trên giấy. Bây giờ thì điều đó đã thành hiện thực, đồng nghĩa tư duy, cách nhìn đã khác. Lễ hội tình yêu - Hòn trống mái của Sầm Sơn đã được đồng ý chọn để tổ chức mở màn cho mùa du lịch biển Sầm Sơn, chậm nhất vào năm 2019.
Tôi nhớ trong phát biểu tại Hội nghị tổng kết du lịch Sầm Sơn năm 2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Thìn đã nhấn mạnh Sầm Sơn đang đứng trước nhiều thời cơ, và thành phố phải biết chớp lấy điều đó.
Muốn phát triển, Sầm Sơn phải nâng tầm vóc, vươn mình ra Hoằng Hóa ở phía Bắc, Quảng Xương ở phía Nam để khai thác thế mạnh của bãi biển đưa vào phục vụ du lịch, trở thành một thành phố biển tầm cỡ, điểm đến thực sự hấp dẫn trên bản đồ du lịch cả nước.
Phát triển du lịch là một trong năm chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Muốn phát triển du lịch, Sầm Sơn không thể khác, phải đóng vai trò động lực, đầu tầu kết nối các khu, điểm du lịch nổi tiếng trong tỉnh. Du khách đến Sầm Sơn càng nhiều, thì nhiều khu, điểm du lịch của tỉnh sẽ được du khách biết đến.
Mươi năm trước ai dám nghĩ đô thị này “lột xác” được chỉ qua mấy mùa du lịch. Đúng là biết nghĩ và dám làm thì không gì là không thể.
Tôi có nhiều chuyến đi trong mùa du lịch đã qua, và gần như chỉ là một điểm đến: Sầm Sơn, nơi tôi thấy mình có cảm hứng. Tôi thấy mình lựa chọn đúng.
Lam Vũ