Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Khơi sâu truyền thống thơ ca Việt (28/02/2018-21:38)
    Có lẽ chưa bao giờ những người mê thơ, yêu thơ ở nước ta lại đông như hiện nay. Chính vì thế mà Ngày thơ Việt Nam được tổ chức thường niên vào dịp Rằm tháng Giêng luôn thu hút đông đảo các nhà thơ tham dự.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu tại "Hội thảo thơ và những vấn đề của thơ đương đại".
 

Ngày thơ Việt Nam đã bước sang năm thứ 16 diễn ra tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám và các địa phương trong cả nước với nhiều hoạt động thơ thiết thực theo chủ đề hàng năm. Ngày thơ Việt Nam đã làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, trở thành ngày hội của người làm thơ, yêu thơ, xuất bản thơ.

Thơ Việt đang “chuyển động”

Đó là nhận xét của nhà thơ Lê Thành Nghị về thơ Việt Nam hiện nay. Theo nhà thơ này, thơ Việt đương đại là một bức tranh nhiều màu sắc, là một dòng sông có có nhiều dòng suối nhỏ cùng chảy, phản ánh những cố gắng tìm tòi không ngừng của các nhà thơ. Những thay đổi đó làm nên đời sống thơ khá phong phú hôm nay.

“Đổi mới thơ, quan trọng nhất vẫn là đổi mới cảm hứng sáng tạo, đổi mới nhận thức tư tưởng và từ đó đổi mới nội dung, ngôn ngữ của thơ. Trên cái nền chung là chủ nghĩa yêu nước, là trách nhiệm công dân của người cầm bút, nhà thơ đi tìm những vấn đề mới mà cuộc sống đang đặt ra, lý giải nó bằng nhận thức của cá nhân mang ý nghĩa xã hội tích cực. Với tinh thần này, nhiều nhà thơ đã lặng lẽ đổi mới thơ của họ, từ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Ý Nhi, Y Phương…”, nhà thơ Lê Thành Nghị cho biết.

Các nhà thơ thời chiến từng hào sảng ca ngợi đất nước, nhân dân chiến đấu với cảm hứng “sử thi” thì nay họ đã chuyển sang cảm hứng “thế sự” với rất nhiều ưu tư, để phân tích, nhận diện, giãi bày tâm trạng cá nhân. Trước kia trong thơ là “đạo” thì ngày nay trong thơ là “đời”. Trước kia thơ thường mang ý nghĩa tình cảm và ý thức cộng đồng thì ngày nay thơ dường như mang tâm trạng của cá nhân là chủ yếu.

Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, thơ hay không cần phải giải thích, lĩnh hội nhiều, cứ đọc lên là ta thấm ngay được cái phần tâm linh của câu chữ. Là một người làm thơ nhưng nhà thơ Nguyễn Việt Chiến rất ngại đọc những bài thơ tình nhạt nhẽo, đọc lên là thấy nhang nhác giống nhau về nỗi niềm, tình ý với những hình ảnh xưa cũ hoặc làm duyên câu chữ với những loại thơ tình u uất, thơ tình phá phách đề cao dục vọng…Thứ thơ dễ dãi “đong đưa” này dường như không có sức sống cùng thời gian. Hành trình khắc nghiệt của thơ ca sẽ loại bỏ những thứ thơ đó.

Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, thơ ngày nay đã xuất hiện không ít những tác giả cách tân thơ với các khuynh hướng tìm tòi mới. Bước đầu, họ đã ghi dấu ấn của mình khi vượt qua sự đơn điệu, nhàm chán của những cung bậc thơ cũ. Nhưng trong số các nhà thơ cách tân đầy nhiệt huyết này, có một số cây bút, nhiều khi tài năng, phẩm chất thi sĩ không theo kịp phẩm chất đổi mới, nên có thể có những bài thơ “non lép” của họ mới chỉ dừng lại ở mức có dấu hiệu của sự tìm tòi mà chưa làm nên sự khác biệt của một phong cách thơ mới được khẳng định bởi một tài năng thơ đích thực. Cái mới trong thơ nhiều khi không cần đến sự trình diễn cầu kỳ, bằng một hình tượng lạ, cấu trúc và biểu đạt lạ mà điều nó hướng tới phải là một phát hiện mới về suy tưởng của thơ.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý luôn cảm nhận và khâm phục những cái mới, đích thực của thơ từ hàm lượng sáng tạo chứa trong đó. Hàm lượng sáng tạo càng cao càng chinh phục được nhiều người. Trong từng tác phẩm thơ phải toát lên được sự tự do của con người, sáng tạo nghệ thuật. Sự tươi mới của thi ca cần sự thanh cao, tinh tế; càng hiện đại càng truyền thống, bám riết truyền thống, khơi sâu truyền thống sẽ gặp gỡ nhân loại mà không đánh mất tấm “chứng minh thư” dân tộc mình.

Thơ thiếu tác phẩm đỉnh cao

Có ý kiến cho rằng, chưa bao giờ ở nước ta thơ được xuất bản nhiều và nhanh như thời kỳ này. Nhưng đó mới chạy theo số lượng còn chất lượng lại là vấn đề đáng bàn. Theo nhà thơ Y Phương, thơ hiện nay thiếu đỉnh cao, thậm chí có ý kiến cho rằng nhiều tác phẩm thơ đương đại mới ở mức trung bình hoặc dưới trung bình.

Thơ ca trước đây đã làm góp phần động viên người chiến sĩ với “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, động viên tầng lớp công nông “tay búa tay sung”, “tay cầy, tay súng”…Điều này thật quý và cần thiết. Những tác phẩm thơ giai đoạn này được cộng hưởng cùng với âm nhạc đã tạo nên những tác phẩm như “Bài ca đi cùng năm tháng”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Vàm cỏ Đông”, “Hành khúc ngày và đêm”…Ngày nay, sau hơn 40 năm đất nước thống nhất, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng nâng cao, trình độ dân trí phát triển, cuộc sống muôn màu trong xã hội đã đi vào thơ. Tuy nhiên, vẫn thiếu những vần thơ hay, lay động trái tim người đọc.

Màn trống hội khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15.
 

“Tôi nghĩ, chúng ta không thể viết cũ như những năm trước đây, thế hệ thơ mới phải tìm cho mình con đường đi vượt lên mọi thiên kiến và sự trì trệ ngăn cản con đường phát triển của văn học hiện đại, để thiết lập những giá trị mới về nghệ thuật thi ca hiện đại”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết.

Theo nhà thơ Vương Trọng, trách nhiệm của nhà thơ là làm thơ hay để độc giả thưởng thức. Thơ hay ở nội dung đề tài và hình thức nghệ thuật. Có đề tài vĩnh cửu như tả cảnh, tả tình, nói về tính nhân văn của con người cùng triết lý về nhân sinh…Có đề tài thời sự là những sự kiện lớn của đất nước đang diễn ra mà nhà thơ được chứng kiến. Có ý kiến cho rằng, chỉ có đề tài vĩnh cửu thì thơ mới sống được lâu, còn bám đề tài thời sự thì thơ sẽ “chết” khi tính thời sự đi qua. Theo nhà thơ Vương Trọng, điều này chỉ đúng một phần. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu bỏ ra nhiều công sức để viết các tác phẩm dài hơi như “Lục Vân Tiên”, “Ngư tiều vấn đáp”…để bộc bạch quan niệm nhân sinh của mình, nhưng sức sống lâu bền của tác phẩm này lại thua hẳn “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, một tác phẩm thời sự.

24 chữ cái, 24 con đường mở ra 24 dòng sông ngôn ngữ để các nhà thơ gieo trồng cảm xúc thi ca vào trong đó, sáng tạo ra những tác phẩm thơ tạo nên dấu ấn sâu sắc với độc giả. Nền thi ca Việt cần những tác phẩm thơ của những nhà thơ tài năng, có phẩm chất thi sĩ.

Theo Khánh Huyền/Báo QĐND

 

 

Các tin khác:
  • 3 mục tiêu quan trọng của bóng đá Việt Nam năm 2018 (22/02/2018-14:31)
  • Những chuyến đi, một điểm đến (19/02/2018-21:59)
  • Sôi nổi hoạt động trình diễn thư pháp và cho chữ đầu xuân (19/02/2018-21:39)
  • Hò hẹn với mùa xuân (15/02/2018-20:37)
  • Pape Omar lập công, FLC Thanh Hóa giành chiến thắng mở màn AFC Cup 2018 (11/02/2018-11:57)
  • Đi đâu chơi gì Tết này? (08/02/2018-15:10)
  • Trao tặng gần 300 cuốn sách của các tác giả xứ Thanh cho Thư viện tỉnh (07/02/2018-8:00)
  • Vĩnh biệt nhạc sỹ Hoàng Vân - cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam (05/02/2018-20:34)
  • Cảm hứng bóng đá phải giúp làm đất nước tốt đẹp lên (30/01/2018-8:43)
  • “Con voi chui lọt lỗ kim”: Tái hiện chân thực, nhân văn trách nhiệm (29/01/2018-7:47)