Thủ môn Kiều Trinh sở hữu 3 Quả bóng Vàng nữ Việt Nam. Ảnh: NGUYÊN KHÔI.
Mỗi lần trò chuyện với thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh tôi lại thấy sự nhí nhảnh, hồn nhiên trong từng câu nói của chị. 15 tuổi, cô gái Đồng Tháp này khăn gói lên TP Hồ Chí Minh thi tuyển bóng đá. Đến nay, đã 18 năm trôi qua, Kiều Trinh gắn liền với nghiệp quần đùi áo số. Tuổi thanh xuân của Kiều Trinh là những ngày dãi nắng, dầm mưa trên sân bóng; thi đấu, tập huấn xa nhà. Đời cầu thủ bóng đá nhiều vinh quang nhưng cũng không ít đắng cay, Trinh đều trải qua cả. Từ một người có thân hình nhỏ bé tưởng chừng như không hợp với bóng đá, Trinh đã vươn lên là thủ môn nữ xuất sắc nhất nhất Việt Nam 6 năm liền, 3 lần được tặng danh hiệu Quả bóng Vàng nữ Việt Nam, 1 danh hiệu “Cầu thủ nữ xuất sắc nhất Đông Nam Á”…
Ở tuổi 32, bạn bè của Kiều Trinh đã yên bề gia thất, còn chị vẫn đang cùng đội tuyển nữ Việt Nam chinh phục những đỉnh cao mới. Mỗi lần nhắc đến chuyện tình cảm, chị lại bông đùa: “Chị vẫn đang trong thời gian tìm kiếm và chờ cơ hội”. Kiều Trinh quan niệm: “Lấy chồng giống như mình bắt penalty vậy. Chỉ cần tỉ mỉ, quan sát và may mắn là sẽ “bắt” được chồng tốt”. Nói xong Trinh lại phá lên cười. Với Kiều Trinh, ước mơ lớn nhất trong ngày 8-3 năm nay là mong gia đình và người thân dồi dào sức khỏe; chúc đội tuyển nữ Việt Nam gặt hái được nhiều thành công.
Khác với sự nhí nhảnh của Kiều Trinh, VĐV cử tạ Vương Thị Huyền lại khá chín chắn so với tuổi 26. Sinh ra trong một gia đình nghèo tại Bắc Giang, Huyền sớm đối mặt với nghịch cảnh khi mẹ qua đời vì bạo bệnh. Không từ bỏ niềm đam mê với môn cử tạ, Huyền đã khổ luyện thành tài và giành được nhiều vinh quang. Trong số các danh hiệu của VĐV sinh năm 1992 này, nể nhất là 2 HCV châu Á; 2 HCB, 1 HCĐ ở giải thế giới hạng cân 48kg. Phận nữ nhi theo nghiệp thể thao đã là gian khổ, thiệt thòi hơn khi Huyền lại chọn cử tạ-môn rèn thể lực, cơ bắp mỗi ngày, thường khiến các nữ VĐV gặp khó trong chuyện tình duyên. Những ngày đầu Xuân Mậu Tuất, Huyền đang tích cực tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia (Nhổn, Hà Nội), hướng tới mục tiêu thi đấu thành công tại ASIAD 2018 và Giải cử tạ vô địch thế giới diễn ra vào cuối năm nay. “Nếu có một điều ước trong ngày 8-3, Huyền sẽ ước điều gì?”, tôi hỏi vui. Vương Thị Huyền rụt rè: “Có khi em xin để dành điều ước đó cho sau này anh ạ. Với em, bây giờ cuộc sống, gia đình vui vẻ, hạnh phúc, việc tập luyện ổn định, các thầy, cô vẫn yêu thương như thế là tốt lắm rồi”.
Với VĐV điền kinh Quách Thị Lan, từ khi dấn thân vào nghiệp thể thao năm 15 tuổi chị dường như chưa có một ngày kỷ niệm 8-3 trọn vẹn. Tuổi thanh xuân của Lan là những ngày tập luyện, tập huấn với mong muốn đổi màu huy chương ở đấu trường châu lục. 19 tuổi, Lan đã gây chấn động làng điền kinh châu Á khi giành HCB ASIAD 2014. Tuy nhiên, cũng từ đó Lan đã đối mặt với nhiều áp lực. Nhiều người cho rằng Lan là bông hoa “sớm nở chóng tàn”, khi thành tích của chị ngày càng sụt giảm. Mới đây việc VĐV Nguyễn Thị Huyền bất ngờ giải nghệ đã mở ra cơ hội và thách thức lớn cho Quách Thị Lan. Lan được lựa chọn thay Huyền thi đấu nội dung 400m và 400m vượt rào tại ASIAD 2018. Những ngày qua Lan đang tích cực tập luyện dưới sự hướng dẫn của HLV Vũ Ngọc Lợi với mong muốn sớm cải thiện thành tích. Khi được hỏi về Ngày Quốc tế Phụ nữ, VĐV quê Thanh Hóa này chia sẻ: “Em còn không có thời gian nghĩ đến ngày đó. Việc duy nhất bây giờ em quan tâm là tập luyện cho tốt để sớm lấy lại phong độ”.
Không chỉ Kiều Trinh, Vương Huyền, Quách Lan mà còn rất nhiều các nữ VĐV đang ngày ngày khổ luyện để đạt đến đỉnh cao trong nghiệp thể thao. Trong số này có những người theo thể thao do đam mê, có những người theo vì hoàn cảnh gia đình, do duyên số. Nhưng vì lý do nào chăng nữa, họ luôn có quyết tâm mang vinh quang về cho Tổ quốc. Tôi gọi đó là những cô gái dành cả tuổi thanh xuân cho nghiệp thể thao!
Theo Hữu Trưởng/Quân đội Nhân dân