Xây dựng đội ngũ nhân viên du lịch giỏi nghiệp vụ - đẹp phong cách vì sự phát
triển ngành du lịch.
Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 24.300 lao động du lịch, trong đó, lao động có trình độ đại học trở lên là 2.050 người (chiếm 8,4%); cao đẳng, trung cấp là 6.600 người (chiếm 27,2%); sơ cấp, đào tạo nghề tại chỗ là 9.400 người (chiếm 38,7%); chưa qua đào tạo là 6.250 người (chiếm 25,7%). Theo đánh giá của ngành chức năng, những năm gần đây, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp (nhất là các cơ sở lưu trú), lao động cộng đồng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch; đồng thời, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tại các cơ sở đào tạo chuyên về du lịch đã được đầu tư và nâng cấp; khung chương trình dạy học đã áp dụng theo tiêu chuẩn nghề du lịch VTOS; lực lượng giáo viên, giảng viên, ngày càng tăng về số lượng và trình độ chuyên môn, kiến thức. Bên cạnh đó, một số địa phương trọng điểm phát triển du lịch như Sầm Sơn, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa cũng đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn, nhằm nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm cho người lao động và cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch. Ngoài ra, các doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng đã chủ động tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân viên, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm du lịch.
Không thể phủ nhận, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên du lịch là một trong những nhiệm vụ được ngành chức năng thực hiện thường xuyên. Ví như năm 2017, đã có hàng chục lớp bồi dưỡng được mở, thu hút hàng trăm lao động ở tất cả các bộ phận gồm cán bộ quản lý, nhân viên hướng dẫn, thuyết minh, lễ tân, buồng, bàn, bar... đang làm việc tại các khu, điểm du lịch và nhà hàng, khách sạn trong tỉnh tham gia học tập. Tại nhiều lớp bồi dưỡng, lượng kiến thức được trang bị cho các học viên là tương đối phù hợp, sát với thực tế và yêu cầu công việc. Chẳng hạn như, với đối tượng là nhân viên lễ tân, buồng, bàn, bar, các kiến thức và kỹ năng hướng đến xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, thái độ phục vụ, chăm sóc khách hàng, kỹ năng giao tiếp – lễ tân, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ buồng... được chú trọng hơn cả. Đồng thời, các giảng viên giàu kiến thức và kinh nghiệm thực tế từ Trung tâm nghiên cứu và đào tạo dịch vụ nhà hàng Smart Goal và Khách sạn Hilton Hà Nội Opera được mời tham gia giảng dạy, cũng góp phần nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng.
Có thể nói, chú trọng trước tiên đến khâu nhân lực và nhất là thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động là nhân tố góp phần nâng cao chất lượng du lịch, nhất là chất lượng dịch vụ tại các resort, nhà hàng lớn, khách sạn từ 3 đến 5 sao trên địa bàn. FLC Sầm Sơn có thể xem là một điển hình về dịch vụ chất lượng cao, đẳng cấp và chuyên nghiệp bậc nhất tại Thanh Hóa hiện nay. Với đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên và người lao động lên đến hơn 3.000 người, đây chính là nhân tố quan trọng trong việc vận hành hệ thống gần 1.000 phòng khách sạn FLC Luxury Hotel Samson và FLC Grand Hotel Samson; kết hợp cùng chuỗi tiện ích cao cấp, gồm nhà hàng, cà phê, spa, bể bơi, sân golf, Hubway... Điều đáng nói hơn là, sự đẳng cấp của FLC không chỉ đến từ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất du lịch hiện đại; mà còn từ chất lượng nhân lực, với đội ngũ quản lý, nhân viên có trình độ chuyên môn, năng lực và được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, để làm được như FLC hiện nay là không nhiều.
Với tỷ lệ lao động có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp hiện mới chiếm 35,6%, nếu nhìn vào bằng cấp để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực thì rõ ràng là, con số này chưa thể làm nhiều người hài lòng. Đồng thời, với 38,7% lao động có trình độ sơ cấp trở xuống và nhất là 25,7% chưa qua bất kỳ trường, lớp đào tạo, bồi dưỡng nào càng khiến nhiều người không thể có được sự đánh giá quá cao hay quá tích cực về chất lượng nguồn nhân lực nói riêng và chất lượng dịch vụ du lịch nói chung hiện nay. Đó là chưa kể, dù đã qua đào tạo, được đào tạo lại và được bồi dưỡng thường xuyên, song, vấn đề là người lao động có áp dụng và vận hành được các kiến thức, kỹ năng ấy vào thực tiễn công việc hay không? Tích cực mà nói, việc mở các lớp bồi dưỡng là cần thiết, song không thể phủ nhận, khung chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết mà ít thực hành. Trong khi, Thanh Hóa vẫn còn thiếu các chuyên gia, nghệ nhân và người lao động giỏi làm việc trong ngành du lịch. Cùng với đó, du lịch còn mang nặng yếu tố mùa vụ, khiến cho số lượng lao động - nhất là tại các khu du lịch biển - thường xuyên dao động, thiếu tính ổn định. Điều này đang ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tuyển dụng và đào tạo nhân lực của các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và ngành chức năng.
Để hạn chế những khó khăn, tồn tại trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng: Giải pháp cần hướng đến hiện nay là đào tạo đội ngũ quản lý du lịch có trình độ chuyên môn cao, nắm giữ một số nhiệm vụ quan trọng tại UBND các huyện, thị xã, thành phố hoặc các khu điểm du lịch trọng điểm. Bên cạnh đó, các trường đào tạo về chuyên ngành du lịch cần có kế hoạch đào tạo phù hợp, không quá nặng về lý thuyết, mà cần ưu tiên kiến thức thực tế và thị phạm, đặc biệt đối với các lĩnh vực nghề như lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp; đồng thời, tiến hành đào tạo trên cơ sở đặt hàng và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp du lịch cần có chính sách tuyển dụng và đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có, bằng các hình thức bổ túc, đào tạo ngắn hạn tại chỗ hoặc mời các chuyên gia, giáo viên giỏi về giảng dạy. Ngoài ra, tỉnh cũng cần có chính sách và chế độ đãi ngộ, khen thưởng cho những lao động có năng lực, có nghiệp vụ chuyên môn giỏi về làm việc tại Thanh Hóa.
Cải thiện môi trường du lịch, xây dựng văn hóa du lịch hướng đến chuyên nghiệp, văn minh, góp phần nâng cao chất lượng du lịch và sự hài lòng của du khách, đang được nhấn mạnh như một giải pháp quan trọng trong “Chương trình phát triển Du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020”. Để làm được điều đó, con người - mà cụ thể và trực tiếp là lực lượng lao động đang làm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch và cả cộng đồng – phải được đặt vào đúng vị trí “then chốt” của nó.
Theo Khôi Nguyên/Báo Thanh Hóa