Thứ năm, ngày 21/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Ai sẽ dẹp 'loạn' trọng tài? (16/05/2018-21:52)
    Mùa giải nào cũng thế, trọng tài luôn là vấn đề cực nóng trên các mặt báo để rồi cứ mỗi mùa giải qua đi, người ta lại phải hy vọng rằng mùa giải sau sẽ tốt hơn mùa trước. Nhưng rồi mọi chuyện vẫn đâu đóng đấy mà bằng chứng gần đây nhất chính là hàng loạt sai sót của các trọng tài khiến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) phải ra tay “trấn áp”.
Trọng tài luôn là nỗi ám ảnh của V.League
 

Cựu Còi vàng Dương Mạnh Hùng từng tiết lộ nhiều góc khuất của công tác trọng tài mà ở đó có khá nhiều lợi ích nhóm “bảo kê” cho nhau. Chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải cũng nhận định rằng công tác trọng tài còn tồn tại hiện tượng “gia đình trị”, “dây rợ”, không vì cái chung mà vì “lợi ích nhóm”. Trong đó, Ban trọng tài là mắt xích yếu nhất. Ở đó, hệ thống bộ máy không hoàn thiện, thiếu khách quan trong việc bầu ra người đứng đầu.

Hiện tượng “gia đình trị” mà ông Hải đề cập đến ở đây có lẽ chính là sự thiếu thuyết phục khi Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi có cả con rể và con trai đều là trọng tài, từng thay nhau ẵm danh hiệu Còi vàng. Gần đây nhất, hàng loạt sai sót của con trai ông Mùi là trọng tài Thư đã được bỏ qua, khiến dư luận càng dậy sóng nghi ngờ. Theo ông Vũ Mạnh Hải, chính vì giới trọng tài đã để mất niềm tin nên cứ hơi một tí là các đội bóng kiện mà như thế thì bóng đá sẽ loạn.

Chính vì ông Mùi có con trai, con rể đều làm trọng tài dưới quyền, thêm vào đó là hàng loạt sai sót của giới trọng tài nên năm ngoái đã dấy lên một làn sóng đòi ông Mùi nghỉ. Bầu Đức cũng từng thốt lên: “Muốn bóng đá Việt Nam phát triển thì không cần họp hành gì hết, cho ông Mùi nghỉ là xong”. Làn sóng đòi ông Mùi nghỉ lớn đến mức chính thường trực VFF năm ngoái cũng đề xuất Ban chấp hành VFF xem xét miễn nhiệm chức danh Trưởng ban Trọng tài với ông Nguyễn Văn Mùi. Thế nhưng cuối cùng những lá phiếu của Ban chấp hành VFF đã “cứu” ông Mùi ở lại ghế nóng. Ông Mùi chỉ bị hạn chế bớt quyền là không được phân công trọng tài và nhiệm vụ này được giao cho Phó ban Dương Văn Hiền, người vừa bị dư luận cho là “bảo kê” cho con trai ông Mùi khi bỏ qua hàng loạt sai sót của trọng tài này. Có lẽ những lá phiếu không chiều theo dư luận của Ban chấp hành VFF đã nói lên một điều là hơn ai hết, các ủy viên Ban chấp hành VFF là người hiểu rõ nhất, “diệt” ông Mùi cũng chỉ là giải pháp tức thời, chứ chưa giải quyết được vấn đề gốc rễ cho vấn đề trọng tài ở Việt Nam.

Nhiều chuyên gia bóng đá nhận định rằng những chuyện rắc rối liên quan đến công tác trọng tài ở Việt Nam sẽ không bao giờ chốt lại được nếu như cả môi trường bóng đá Việt Nam chưa thay đổi. Sở dĩ như thế là vì trọng tài chỉ là một phần của môi trường bóng đá, tuy mang tiếng là chuyên nghiệp nhưng còn rất nghiệp dư ở Việt Nam.

Ngay như cách phản ứng của bầu Đức với các trọng tài cũng còn nhiều điều phải bàn. Bởi sau phản ứng kịch liệt của bầu Đức ở vòng đấu trước thì đến vòng này, đội khách Hà Nội đã “tố” trọng tài điều hành thiên vị cho đội bóng HAGL vì sợ bầu Đức. Chuyện bầu Đức phản ứng trọng tài hễ có vấn đề với HAGL cũng tạo tiền lệ xấu, làm các trọng tài bị e dè về tâm lý khi thổi các trận đấu có đội bóng phố núi. Nhưng thực ra cách phản ứng của bầu Đức cũng là cách chung mà nhiều đội bóng ở Việt Nam áp dụng khi đối phó với các trọng tài.

Lãnh đội một CLB từng tâm sự rất thật rằng, việc một số đội bóng thường xuyên có phản ứng mạnh với trọng tài xuất phát từ tâm lý muốn “đánh phủ đầu” để các trận sau, hễ gặp đội bóng đó, các trọng tài sẽ không dám xử ép. Một hình ảnh thường thấy trên sân cỏ Việt Nam là hễ trọng tài có quyết định gây tranh cãi thì HLV, cầu thủ đội bóng cho rằng mình bị thiệt đều lao thẳng vào trọng tài, uy hiếp bằng lời nói, thậm chí là hành động. Bên cạnh đó là sự “hỗ trợ” đắc lực của giới truyền thông, khi chỉ ít phút sau những tình huống đó đã được thổi phồng, trở nên hấp dẫn trên mặt báo.

Chính vì thế, muốn cải tổ công tác trọng tài thì bản thân các đội bóng, các HLV, cầu thủ cũng phải thay đổi để chuyên nghiệp hơn trong cách ứng xử trên sân cỏ. Và với bản thân đội ngũ trọng tài, nếu không tự thay đổi, tự nâng cao trình độ, trau dồi bản lĩnh, không cải tổ mạnh mẽ ở khâu thiết yếu nhất là Ban trọng tài thì mùa giải nào cũng thế, họ sẽ tiếp tục bị “rêu rao” như một phần tồn tại của V.League. Và câu chuyện về trọng tài sẽ tiếp tục như một bộ phim không có hồi kết ở các mùa giải sau.

Thực ra VFF, VPF cũng đã có nhiều biện pháp để chấn chỉnh công tác trọng tài, thậm chí là thuê trọng tài ngoại bắt ở những trận cầu nhạy cảm. Nhưng đó chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Còn muốn giải quyết rốt ráo vấn đề này cần phải cải tổ Ban trọng tài, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tăng cường cơ hội cọ xát cho đội ngũ này bên cạnh việc nâng cao tính chuyên nghiệp cho toàn bộ giải đấu.

(Chuyên gia bóng đá Nguyễn Thành Vinh)

Theo baovanhoa.vn

 

 

 

Các tin khác:
  • “Cuộc chiến truyền thông” trên thảm đỏ Cannes (10/05/2018-10:54)
  • Bóng đá Việt và vòng xoáy bạo lực: Từ Fair play đến... 'hung thần' sân cỏ (09/05/2018-8:36)
  • Trục lợi từ tâm lý (04/05/2018-8:41)
  • Phát động cuộc thi ảnh người phụ nữ với sông nước trên Facebook (04/05/2018-8:39)
  • Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2018 (04/05/2018-8:36)
  • CLB FLC Thanh Hóa ra mắt HLV trưởng Nguyễn Đức Thắng (02/05/2018-8:37)
  • 3 tác phẩm đạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia (20/04/2018-8:01)
  • Hãy khởi nghiệp bằng... đọc sách (19/04/2018-1:34)
  • Lễ hội ẩm thực và văn hoá châu Á đầu tiên tại Việt Nam (15/04/2018-22:22)
  • Khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2018 có gì đặc sắc? (13/04/2018-8:32)