Các khoản thu xã hội hóa đầu năm học là nỗi ám ảnh với nhiều phụ huynh. Ảnh minh họa: DAN
Phụ huynh khấp khởi mừng
Một đề xuất rất quan trọng, nhân văn đã được bổ sung vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sau khi dự luật này được Quốc hội quyết định tiến hành sửa đổi toàn diện. Đó là miễn học phí cho học sinh mầm non 5 tuổi và trung học cơ sở công lập, hỗ trợ học phí cho người học diện phổ cập ở cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Mới đây, Chính phủ cũng có Nghị quyết đồng ý với chủ trương này. Đây là một tin vui với đông đảo phụ huynh trên cả nước, đặc biệt với những gia đình thu nhập thấp.
Khi nghe tin về chủ trương miễn học phí cho học sinh cấp THCS, chị Đỗ Thị Thắm (quê ở Hưng Yên, đang có hai con học tại Trường THCS Tứ Dân, Hưng Yên) vui mừng: “Rất mong điều này sớm được thực hiện. Có thể với các gia đình ở thành phố, vài trăm nghìn học phí mỗi năm không phải là nhiều, nhưng với gia đình ở nông thôn như chúng tôi lại là khoản tiền đáng kể, cũng là giảm đi một khoản phải lo vào đầu năm học mới”.
Chung tâm trạng, anh Nguyễn Mạnh Thắng (huyện Thanh Trì, Hà Nội) mong việc miễn học phí được triển khai càng sớm càng tốt. Anh còn lên kế hoạch sẽ sử dụng khoản tiền mấy trăm nghìn, đáng ra sử dụng để đóng học phí, thì sẽ chuyển sang mua sữa hoặc đồ dùng học tập cho con.
Học phí ít, phụ thu thì nhiều
Dù vui mừng, đánh giá cao chính sách miễn học phí, nhưng điều khiến phụ huynh lo nhiều nhất trước thềm năm học mới chính là các khoản phụ thu. Số tiền vài trăm nghìn đóng học phí một năm học không đáng là bao so với các khoản thu xã hội hóa ở nhiều trường hiện nay.
Bằng chứng là chưa khai giảng năm học mới, những ngày qua không ít phụ huynh đã “ám ảnh” về những khoản thu đầu năm học.
Thư kêu gọi đóng góp đầu năm của một trường tiểu học tại Hải Phòng. Ảnh:FB
Tại Hải Phòng, một lá thư kêu gọi tài trợ cơ sở giáo dục trong hoạt động dạy và học của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân) khiến phụ huynh bức xúc, dư luận xôn xao.
Theo đó, nhà trường đã đưa ra kế hoạch bổ sung và sửa chữa trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập lên tới 971,250 triệu đồng. Khoản tiền này sẽ do phụ huynh “tùy tâm” đóng góp.
Hiện Sở GDĐT Hải Phòng đã vào cuộc, yêu cầu trường giải trình, làm rõ, nhưng cũng đủ khiến phụ huynh cả nước hoang mang, lo lắng liệu các trường khác có xảy ra điều này, khi năm học mới đã cận kề.
Gọi việc lạm thu trong trường học là “hình thức tham nhũng trong giáo dục”, GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT - cho rằng, để chính sách miễn học phí thực sự có ý nghĩa, nhất quyết phải ngăn chặn được lạm thu.
Muốn làm được điều này, ông “hiến kế”: “Cần xử lý nghiêm hiệu trưởng để xảy ra lạm thu, không nể nang, theo đúng quy định của pháp luật”.
Theo Bộ GDĐT, khi đưa ra đề xuất miễn học phí bậc THCS, Bộ đã cân nhắc tới vấn đề phụ huynh có thể phải đóng các khoản khác tăng lên hoặc có thể xảy ra tình trạng lạm thu để có giải pháp kiểm soát.
Cụ thể, Bộ đã ban hành các văn bản quy định rất chặt chẽ về các khoản được thu, không được thu và yêu cầu các cơ sở giáo dục không được phép thu các khoản trái quy định, sẽ xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm.
Theo Đặng Chung/Báo Lao Động