Thứ sáu, ngày 04/07/2025
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Chuyện bây giờ mới kể (26/09/2018-11:36)
    Trong quãng thời gian làm báo, tôi đã từng lặn lội nhiều nơi ở vùng rừng sâu, núi thẳm. Từ những bản khó khăn đến những địa điểm cao, xa nhất của tỉnh Thanh, tôi cũng đã đặt chân tới. Mỗi chuyến công tác dài ngày ở vùng biên giới xa xôi đều là những kỷ niệm khó quên trong nghề…
Tác giả (bên phải ảnh) và gia đình Ngân Thị Đòa

1. Dịp Tết Trung thu năm 2012, hôm đó vào ngày thứ bảy, một anh bạn đồng nghiệp rủ tôi ngược vùng biên, ghi nhận không khí đón trăng Rằm cùng lũ trẻ vùng cao. Chúng tôi chở nhau bằng xe máy nhằm hướng miền Tây xứ Thanh.

Quãng đường từ TP. Thanh Hóa lên bản Co Kài, xã Trung Lý, huyện Mường Lát khoảng 230 km. Trời nắng, nóng nên hai anh em phải vừa thay nhau cầm lái và nghỉ ngơi dọc đường. Khi chúng tôi đến được Trường tiểu học Trung Lý 2, ở bản Co Kài, đã hơn 8h tối. Ở bản này, lúc bấy giờ thuộc diện bản “năm không”. Không có đường ô tô, không sóng điện thoại, không điện lưới quốc gia, không Internet và không có hộ dân nào thoát nghèo. Khi chúng tôi vào tới bản thì nhà trường đã tổ chức cho học sinh và các em nhỏ ở bản “đón Chị Hằng” gần xong.

Sau khi liên hệ với lãnh đạo nhà trường, chúng tôi bày tỏ tâm nguyện của mình và xin được ở lại nơi đây để ngày mai làm việc, các thầy, cô giáo ở đây đã tạo điều kiện cho hai anh em ngủ lại trường. Cũng trong đêm đó, ngồi nghe giáo viên kể về cuộc sống, sinh hoạt của thầy trò nhà trường, tôi đã biết được có ba chị em một học sinh lớp 5, người dân tộc Thái đang phải dựng lều trọ học cạnh trường. Đó là trường hợp cháu Ngân Thị Đòa (11 tuổi - lớp 5), ở khu Chiềng, bản Co Kài, được bố mẹ cho đi “ở riêng” để tự lập, theo cái chữ và chăm hai đứa em gái (một lớp 3, em út học mẫu giáo), cạnh trường Tiểu học Trung Lý 2. Nhà Đòa quá nghèo, ở cách điểm trường 5 cây số đường rừng, bố mẹ không thể đưa chị em Đòa đến lớp hàng ngày được. Chiều ý con, bố về bản Cò Kài dựng một căn lều (9m2) cho 3 chị em Đòa theo học. Mỗi tháng, bố mẹ cho 3 chị em khoảng 30.000 đồng để chi tiêu, gạo ăn do Đòa xuyên rừng cõng theo hàng tuần. Một ngày với Đòa bắt đầu từ lúc gà gáy để hông xôi cho ba chị em, kết thúc lúc gần nửa đêm. Nhọc nhằn là vậy, nhưng từ khi ra “ở riêng”, cô bé người Thái, Ngân Thị Đòa luôn đứng ở vị trí nhất, nhì của lớp về học lực.

Nhận thấy đề tài hay, tôi quyết định tiếp cận để làm phóng sự ảnh. Suốt buổi tối hôm ấy, tôi bắt tay vào thực hiện đề tài của mình. Đến sáng hôm sau lại “lẽo đẽo” theo ba chị em cô bé để ghi nhận cảnh sinh hoạt, học hành của chúng. Khoảng hơn 12h trưa, khi thực hiện góc ảnh cuối cùng (chụp toàn cảnh căn lều của ba chị em), vừa bước xuống triền núi, thì chân phải giẫm lên một hòn đá và …gập chân. Lúc này, toàn bộ khớp bàn chân, mắt cá chân sưng vù như bị ong châm, tê buốt. Thấy tôi bị ngã, khớp chân sưng vù, giáo viên trong trường chạy đi nhờ trưởng bản lấy lá rừng để đắp...

Suốt 5 ngày nằm ở bản Co Kài, không thể đi lại được nên tôi động viên anh bạn đồng nghiệp cứ tiếp tục hành trình ngược lên huyện. Còn tôi, nhờ một thầy giáo chở ra đường cái để đón xe khách về nhà. Quãng đường gần 20 km, nhưng phải bò trườn hết gần 2 giờ mới ra tới quốc lộ 15C. Khi về đến thành phố, đi bệnh viện kiểm tra mới biết khớp cổ bàn chân, 5 khớp xương mu bàn chân và gót chân bị...bung sạch. Không những thế, sụn mắt cá chân của tôi đã bị dập, vỡ màng sụn, tràn dịch ra ngoài và đã chuyển sang giai đoạn hoại tử. Bác sĩ bảo, suýt nữa phải cắt bỏ bàn chân của tôi.

Sau đó, phóng sự ảnh “Ba chị em...lều chõng” của tôi đăng ở Báo Nông thôn Ngày nay và báo điện tử Dân Việt.

2. Sau khi phóng sự ảnh “Ba chị em …lều chõng” của tôi được đăng tải, ba chị em trong tác phẩm ấy, gồm: Ngân Thị Đòa, Ngân Thị Khanh và Ngân Thị Huyện đã nhận được sự hỗ trợ vật chất từ các nhà hảo tâm, giúp ba chị em có điều kiện theo học. Sau đó hơn một năm, nhân có chuyến công tác ở Mường Lát, tôi đã quyết tâm trở lại Co Kài một lần nữa để thăm gia đình ba chị em Ngân Thị Đòa.

Từ trung tâm huyện Mường Lát về bản Co Kài hơn 60 km (nếu đi đường chính) nên tôi chọn lối đi về xã Mường Lý rồi vượt qua sông Mã cho gần. Hôm ấy, trời Mường Lát mưa như trút nước, nhưng vì đã hứa với gia đình cháu nên tôi vẫn quyết tâm đi. Lúc bấy giờ, tuyến đường từ cầu Chiềng Nưa đi Mường Lý chưa thông như bây giờ nên vô cùng vất vả khi đã gần tối mà trời vẫn đổ mưa. Một mình cố gắng lần theo đường mòn ven sông Mã về trụ sở xã Mường Lý, nhiều lần tôi suýt lao xuống vực.

Khi trời tối hẳn, tôi mới chạm chân đến trụ sở xã Mường Lý. Lúc này, bố của cháu Đòa và một chú em họ đã đứng chờ tôi để dẫn đường về nhà. Gặp nhau, trong lòng tôi khấp khởi mừng thầm vì sẽ có người cầm lái cho mình khi trời tối. Oái oăm thay, khi nghe tôi đề nghị một người cầm lái giúp thì anh chàng Ngân Văn Yệm (bố cháu Đòa) bảo rằng: “Em không biết đi xe máy bác ơi!”.

Không còn cách nào khác, tôi đành “đánh vật” cùng chiếc xe của mình theo sau xe hai anh em nhà Yệm. Mưa càng lúc càng to, nước từ trên rừng đổ xuống những con suối mỗi lúc một nhiều khiến tôi thấy lo sợ. Từ trụ sở xã Mường Lý xuống đến bản Tài Chánh (Mường Lý) chỉ chừng hơn 4km, nhưng chúng tôi phải mất hơn một giờ đồng hồ mới tới nơi. Gửi xe ở một nhà dân, chúng tôi xuống đò để vượt sông Mã về khu Chiềng (thuộc bản Co Kài, Trung Lý)- ở đó là nơi ở của gia đình Ngân Thị Đòa.

Trời tối đen như mực, nước sông Mã chảy xiết, chiếc đò độc mộc gắn máy cole chở 4 người mà chòng chành như quá tải. Tôi đã phải nín thở khi chiếc đò ra giữa dòng, người lái đò phải kéo hết ga. Tiếng máy nổ phành phạch vang lên giữa dòng sông trong đêm tối khiến tôi lạnh người. Con đò chạm bờ, người lái đò bảo: “Nước to, chảy xiết quá mà chiều nay em quên không đổ dầu vào máy. May mà không chết máy ở giữa dòng, bác ạ!”. Lúc đó, thực sự tôi thấy mình toát mồ hôi. Khi về tới căn nhà của gia đình cháu Đòa, tôi nhìn đồng hồ, đã gần 21giờ.

Bữa cơm được dọn ra, tôi thấy mẹ cháu Đòa - chị Ngân Thị Đừa đứng ở cửa sổ nhà sàn gọi í ới bằng tiếng Thái. Một lúc sau, thấy khoảng hơn chục người lục tục kéo đến. Tôi hỏi bố Đòa. “Vì sao gọi nhiều người vậy?”. Bố Đòa bảo: “Phong tục ở đây là vậy bác ạ! Những người này là anh, em họ tộc cả. Hôm nay, lần đầu tiên bác lặn lội về thăm gia đình, vợ chồng em mời họ tộc đến với tư cách bác là bố đỡ đầu của cháu. Nếu không có bác, có lẽ mấy đứa con của em không thể đi học được nữa. Mong bác cứ coi chúng em như người thân, bác nhé!”. Nghe những lời bộc bạch, chân chất từ đáy lòng của một người cha có 3 đứa con ăn học mà phải dựng lều ở cạnh trường do gia cảnh quá khó khăn, tôi thực sự xúc động. Và, trong bữa cơm hôm ấy, tôi đã xin vợ chồng anh Yệm, chị Đừa cùng anh em họ tộc gia đình ấy được nhận cháu Ngân Thị Đòa làm con gái đỡ đầu…

Thấm thoắt đã 6 năm trôi qua, giờ đây con gái đỡ đầu của tôi đang chuẩn bị bước vào lớp 11, trường Trung học phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa.

Thế Lượng

 

 

 

Các tin khác:
  • “Cứ nhìn thấy ảnh của Chủ tịch, tim tôi lại đau nhói...” (26/09/2018-11:37)
  • Nâng cao kỹ năng tác nghiệp, xử lý ảnh báo chí cho các BTV, PV (25/09/2018-21:13)
  • Sóng trẻ Radio - Từ học đến hành ở trường Báo (24/09/2018-8:32)
  • Nhà báo cần được định danh khi sử dụng mạng xã hội (20/09/2018-21:24)
  • Trao đổi kinh nghiệm làm báo cho PV, BTV Báo Văn hóa và Đời sống (20/09/2018-21:21)
  • Trường Sa - nơi giục giã đôi chân và con tim người lính già (18/09/2018-23:30)
  • Phát thanh trong xã hội hiện đại (16/09/2018-8:30)
  • Lắng nghe bạn đọc để có những bài báo tốt hơn (16/09/2018-8:26)
  • “Sự cực khổ của người dân đã thôi thúc chúng tôi đi tìm câu trả lời” (12/09/2018-22:02)
  • Tôi đã để nghề báo “ngập lụt” cuộc đời mình (07/09/2018-7:58)