Thứ bảy, ngày 27/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Lắng nghe bạn đọc để có những bài báo tốt hơn (16/09/2018-8:26)
    Với mỗi tờ báo, độc giả vừa là “khách hàng” vừa là người bạn thân thiết. Lắng nghe “tiếng lòng” của độc giả là cơ sở để mỗi phóng viên, mỗi cơ quan báo chí hoàn thiện hơn, có được những bài báo sát thực với nhu cầu của độc giả.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Yên Khương (Lang Chánh) đọc
Báo Văn hóa và Đời sống sau giờ tuần tra.

Còn nhớ, cách đây gần 7 năm khi tôi mới ra trường về làm việc tại Báo Văn hóa và Đời sống. Lý thuyết trên giảng đường đại học thì “có thừa” nhưng kinh nghiệm thực tế “giắt lưng” còn hạn chế. Tìm đề tài và triển khai đề tài sao cho phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tờ báo đã khó, chưa nói đến chất lượng, nội dung bài báo. Không chỉ riêng tôi mà nhiều phóng viên trẻ khi mới tập làm báo đều lúng túng khi đặt bút viết bài, bởi còn thiếu kinh nghiệm. Hầu hết những bài viết dưới dạng phản ánh khá ngắn, mới chỉ nêu lên được nội dung chính của vấn đề mà chưa đi sâu khai thác nhiều khía cạnh mới của sự việc. Không những vậy, nhiều bài viết dùng từ ngữ chưa chuẩn gây hiểu lầm cho độc giả.

Cách đây 4 năm, tôi được phân công đưa tin về sự kiện “Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số huyện Thường Xuân”. Đang mải miết chụp ảnh, bỗng có một người đàn ông trung niên, tay cầm tờ báo, vẫy tôi lại gần. “Cháu có phải phóng viên Báo Văn hóa và Đời sống không?”. Tôi dõng dạc trả lời bác “vâng ạ”. Bác gật đầu mừng rỡ, tay lần giờ trang báo, chỉ vào tít in đậm trên trang Văn hóa - xã hội và hỏi tôi “bác đọc bài nhưng không hiểu từ này là gì cháu ạ. Cháu giải thích giúp bác được không?”. Vừa tự hào vì được giới thiệu là phóng viên, tôi bỗng thần mặt lại vì chính tôi không hiểu ý nghĩa của câu mà bác nhờ giải thích đang hiện hữu trên trang báo là gì. Tôi đã đành gọi điện cho chính tác giả bài báo để giải thích cho bác ấy. Chỉ một lần ấy thôi, giúp tôi, sực tỉnh, nhớ Bác Hồ đã từng dạy: Viết cho ai, viết để làm gì… để có cách viết rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ và tránh gây hiểu lầm cho bạn đọc.

Bên cạnh việc sử dụng câu chữ sao cho hợp lý, dễ hiểu thì lựa chọn và việc triển khai đề tài như thế nào cho hợp lý là bước quan trọng để có bài báo hay. Tôi có cô bạn rất thân từ thời còn “tắm mưa chung”, nàng học xong cấp 3, phải lòng anh hàng xóm rồi quyết định theo chàng về dinh mở một trang trại chăn nuôi chứ nhất quyết không mài chữ để học lên đại học như tôi. Ngoài công việc lúc rỗi nằm khểnh xem ti vi và rất thích đọc báo. Ấy vậy, tôi đặt hẳn một tờ báo và gửi về thường xuyên cho nàng đọc. Một phần để tôi khoe các tác phẩm tôi đăng trên báo, một phần đáp ứng nhu cầu lúc rảnh rỗi của nàng. Nàng đọc không sót bài nào của tôi và thỉnh thoảng nàng gọi điện cho tôi bộc bạch “Có những bài viết mày chả có tính thực tế tí nào, viết dài dòng, rườm rà và phụ thuộc vào báo cáo quá. Có những vấn đề đáng lí phải làm rõ như bài, giá lợn ngày càng giảm ấy? cái mong chờ nhất của bà con, trong ấy có tao là biết được vì sao giá lợn lại giảm, cán bộ đã làm gì để giúp bà con qua cơn bĩ cực…thì chẳng thấy trong bài báo”. Từ lời nhận xét, góp ý của cô bạn thân, tôi bắt đầu biết lựa chọn đề tài “có vấn đề” và triển khai theo lối viết chuyên đề, chuyên sâu thay vì những bài báo chỉ mang tính phản ánh nhất thời. Không chỉ riêng tôi, nhiều phóng viên trẻ tìm cách tiếp cận đề tài và xây dựng chuyên đề, với bài viết dài hơi. Tất nhiên, những bài viết chuyên đề thường được tòa soạn đánh giá cao và nhận được phản hồi tích cực từ phía độc giả, trong số ấy có cô bạn tôi nơi quê nhà.

Để thấy, muốn tác phẩm chạm đến trái tim người đọc, hơn hết người viết phải rung cảm đầu tiên, biết đặt mình vào vị trí bạn đọc để hiểu họ cần gì.

Thiết nghĩ, để có những tác phẩm báo chí chất lượng, ngoài việc tìm kiếm đề tài tốt, biết cách triển khai đề tài thì sự góp ý chân thành của độc giả chính là nguồn cổ vũ, khích lệ mỗi người làm báo thêm động lực tìm tòi, sáng tạo.

Thảo Nguyên

 

Các tin khác:
  • “Sự cực khổ của người dân đã thôi thúc chúng tôi đi tìm câu trả lời” (12/09/2018-22:02)
  • Tôi đã để nghề báo “ngập lụt” cuộc đời mình (07/09/2018-7:58)
  • Số hóa và câu chuyện báo chí 4.0 (05/09/2018-9:56)
  • Phản biện chính sách là cách “đồng hành” hiệu quả (04/09/2018-20:06)
  • Lĩnh vực tài nguyên, môi trường luôn có sức hút riêng (01/09/2018-7:34)
  • Đài PTTH Thanh Hóa đoạt giải báo chí Tài nguyên và Môi trường lần thứ IV năm 2018 (01/09/2018-7:30)
  • Quảng cáo trực tuyến trên báo điện tử trong thời đại công nghệ 4.0 (29/08/2018-18:35)
  • Sắc màu cuộc sống qua ống kính Lê Bích (29/08/2018-18:27)
  • Quang Đạm - Một cuộc đời làm báo! (27/08/2018-14:10)
  • Ký ức phóng sự (21/08/2018-14:04)