Thứ sáu, ngày 04/07/2025
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Chuyến “ngược ngàn” đáng nhớ (27/09/2018-12:43)
    Gần 20 năm cầm bút tôi mới có… lần đầu lên Mường Lát khi được giao nhiệm vụ viết bài về đề tài xây dựng Đảng ở những bản người Mông di cư tự do. Một chuyến đi đáng nhớ.
Đảng viên Sùng A Pó - bản Khằm 2 - người trưởng thành từ Kết luận 50 đang hướng dẫn kỹ
thuật trồng lúa nước cho bà con.

Hơn 7 tiếng đồng hồ ngồi trên xe ô tô nhà xe Hải Muối, tôi mới đặt chân đến được trung tâm huyện Mường Lát. Nhờ có sự mách bảo của cô bạn đồng nghiệp đã đi trước đó nên khi xuống xe, tôi tìm đến quán ăn Hải Muối, vừa lo bữa cơm trưa cho mình, đồng thời vừa là chỗ  nghỉ chân hợp pháp sau một quãng đường dài ngồi trên xe. Phải ngồi đợi gần tiếng đồng hồ nơi quán ăn mới đến giờ làm việc buổi chiều, tôi xách ba lô rảo bước lên Huyện ủy Mường Lát.

Làm việc với các đồng chí: Triệu Minh Xiết, Trưởng ban Tổ chức huyện ủy và  Lâu Minh Pó, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy đã giúp tôi sáng tỏ được nhiều điều về những khó khăn, vướng mắc cũng như những nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị từ huyện đến xã trong việc thực hiện  Kết luận 50 của Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Xóa bản trắng đảng viên ở các bản Mông di cư tự do” trên địa bàn huyện. Khi đã nắm được cơ bản những thông tin từ các đồng chí lãnh đạo của huyện, tôi đề xuất muốn đi về những địa phương, những bản làng để  hiểu rõ thêm việc xóa bản trắng đảng viên ở những bản người Mông di cư tự do được các cơ sở thực hiện như thế nào. Tuy nhiên, do lần đầu tiên đến huyện Mường Lát làm việc, lại đến vào thời điểm ngày Quốc khánh 2/9 đang cận kề nên tôi chưa rõ được phong tục truyền thống của người Mông là ăn Tết độc lập (Quốc khánh 2/9) kéo dài nhiều ngày. Suốt trong những ngày từ  31/8- 2/9, người Mông ở khắp các bản làng đều tụ hội về trung tâm thị trấn Mường Lát để vui chơi, đón tết. Vậy là, ý định về xã, về bản trong chuyến đi này của tôi đã  không thể thực hiện nên đành... phải xuôi về thành phố.

Mặc dù, những thông tin từ Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy và Phó Bí thư huyện ủy cung cấp, đủ để tôi hoàn thiện được một bài viết mà Tòa soạn phân công. Nhưng theo tôi, bài viết đó chỉ dừng ở mức có bài để nộp.  Còn muốn có một bài “ra tấm, ra món”  để lại dấu ấn trong lòng độc giả, nhất thiết  tôi  phải trở lại Mường Lát, trực tiếp “mục sở thị” tại những  xã,  bản có người Mông di cư tự do. Song, cứ nghĩ đến chặng đường gần 7 giờ đồng hồ ngồi trên xe ô tô, quăng quật nhiều đoạn đường dốc núi hiểm trở, heo hút  lại không có bạn đồng nghiệp  cùng đồng hành trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với người Mông..., tôi thấy ngại. Nhưng rồi, qua  mấy ngày  đấu tranh  tư tưởng, tôi quyết định phải trở lại Mường Lát lần nữa.

Phải nói rằng, lần trở lại này tuy  không  gặp may cho lắm vì  huyện ủy không thể bố trí xe cũng như cử cán bộ đi cùng tôi xuống tận cơ sở. Nhưng rất may, tôi được Trưởng Ban tổ chức huyện ủy Triệu Minh Xiết giới thiệu tôi đi nhờ xe với Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý Phạm Văn Tôn, người có nhiều đóng góp trong thực hiện Kết luận 50 ở cấp cơ sở, nhân ông lên huyện để họp. Hơn 3 tiếng đồng hồ ngồi trên xe máy của ông, tôi mới đến được UBND xã Trung Lý  đúng vào  giờ làm việc  buổi chiều. Qua trao đổi với ông Tôn, tôi đã  biết được địa phương này có tới 12 bản Mông di cư tự do và thực trạng các bản Mông khi chưa có Đảng; rồi quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền trong việc thực hiện Kết luận 50 bằng những  cách làm sáng tạo như: Thành lập các đoàn thể; phát động phong trào thi đua, tìm người tiêu biểu giới thiệu đi học lớp cảm tình Đảng..., hay những chuyến đi vượt hàng trăm km đến các bản làng xa xôi của tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai...để thẩm tra lý lịch cho quần chúng ưu tú là hành trình gian khó. Song, với quyết tâm xóa bản trắng đảng viên nên những cán bộ có trách nhiệm và tâm huyết như ông Tôn đã làm được những điều phi thường. Trong vòng 3 năm (2010 - 2012), Trung Lý không những xóa được bản trắng đảng viên mà còn thành lập được chi bộ Đảng ở 12 bản Mông di cư tự do và trở thành địa phương dẫn đầu của huyện trong thực hiện Kết luận 50.

Mải trao đổi với ông Tôn, tôi không để ý đã hết giờ làm việc hành chính từ lúc nào. Trời đã bắt đầu nhá nhem tối, tôi chào ông rồi vội vã  ra đường đón xe ngược về thị trấn. Màn đêm đến với miền biên viễn quá nhanh. Lo lắng, tôi gọi  điện ngay cho  nhà xe Hải Muối  (chạy tuyến thành phố Thanh Hóa - Mường Lát), được nhà xe cho biết phải đợi khoảng 2 - 3 giờ nữa mới có chuyến cuối cùng trong ngày. Không thể đứng đợi xe cả tiếng đồng hồ ở nơi vắng vẻ, heo hút khi trời  tối đen như mực. Vì vậy,  tôi quyết định gọi điện cho Giám đốc Công ty Quản lý đường bộ II xin chỗ trú chân tại Trạm của đơn vị nằm ở ven đường, cách trụ sở UBND xã Trung Lý không xa. Đến được Trạm, tôi thở phào nhẹ nhõm vì có chỗ nghỉ chân và đợi xe an toàn. Trước khi tôi ra về, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý còn dặn: Nếu không đón được xe, tôi sẽ nói với Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý, sáng sớm mai đồng chí ấy lên thị trấn để họp cô có thể đi nhờ xe.

Một buổi sinh hoạt Đảng của Chi bộ bản Khằm 2, xã Trung Lý.

Mong muốn trở về thị trấn ngay trong đêm của tôi đã không trở thành hiện thực. Tôi đã lỡ mất chuyến xe cho dù tôi và nhân viên của Trạm đã cố gắng đuổi theo bằng xe máy cả một quãng đường dài. Song, do trời tối đen như mực, đường lại có nhiều khúc cua, dốc núi hiểm trở không đảm bảo an toàn nếu cứ mãi đuổi theo xe.

Không chỉ chuyến thực tế của tôi ở Trung Lý lâm vào tình cảnh “dở khóc, dở cười” vì không chủ động được xe mà đến các xã Mường Lý, Tam Chung của Mường Lát tôi cũng gặp những tình huống tương tự. Chính vì không chủ động được xe nên mong muốn được về bản của tôi không được đáp ứng, do cơ sở không thể bố trí được người đi cùng tôi. Hơn nữa, đường từ trung tâm xã đến bản cách xa 50 km và là đường mòn, dốc núi cheo leo phải “tay lái lụa” mới có thể đi được. Tôi không khỏi chạnh lòng: Giá như lúc này tôi là phóng viên nam và là tay cua - rơ kỳ cựu, tôi sẽ mượn xe để leo đèo, đổ dốc... thì hay biết mấy.

Không xuống được bản, tôi chỉ còn cách hỏi thật kỹ những thông tin về bản mà tôi có ý định đến cũng như những đảng viên người Mông tiêu biểu trưởng thành từ Kết luận 50. Đồng  thời, tôi cũng không quên  xin thêm số điện thoại để khi cần những thông tin gì, tôi có thể gọi điện và nhờ họ cung cấp.

Chuyến công tác lên Mường Lát lần 2 của tôi dù không được viên mãn như  tôi mong muốn. Song, những gì biết được thông qua các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy xã Mường Lý, Tam Chung và Trung Lý, đặc biệt  buổi trao đổi với Bí thư Huyện ủy Mường Lát Lương Minh Thông về việc tháo gỡ được nhiều nút thắt khi các địa phương này đang phải đối mặt với nguy cơ tái trắng đảng viên, rất quý với tôi.

Từ những thông tin mà tôi thu thập được qua 2 lần lên với Mường Lát, rồi những cuộc điện thoại gọi lên để hỏi thêm thông tin, đủ để tôi ngồi viết trơn tru 3 kỳ. Và loạt bài của tôi về “Xóa bản trắng đảng viên ở đồng bào Mông Mường Lát” thuộc trong 3 tác phẩm được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vinh danh. Chia sẻ với tôi, nhiều đồng nghiệp đã nói: “Hai lần lên Mường Lát..cũng xứng đáng”.

 Chuyến ngược ngàn lên Mường Lát kết thúc như vậy đó và để lại trong tôi những trải nghiệm đáng nhớ.

Minh Xuyên

 


 

 

 

1

 

 

Các tin khác:
  • Chuyện bây giờ mới kể (26/09/2018-11:36)
  • “Cứ nhìn thấy ảnh của Chủ tịch, tim tôi lại đau nhói...” (26/09/2018-11:37)
  • Nâng cao kỹ năng tác nghiệp, xử lý ảnh báo chí cho các BTV, PV (25/09/2018-21:13)
  • Sóng trẻ Radio - Từ học đến hành ở trường Báo (24/09/2018-8:32)
  • Nhà báo cần được định danh khi sử dụng mạng xã hội (20/09/2018-21:24)
  • Trao đổi kinh nghiệm làm báo cho PV, BTV Báo Văn hóa và Đời sống (20/09/2018-21:21)
  • Trường Sa - nơi giục giã đôi chân và con tim người lính già (18/09/2018-23:30)
  • Phát thanh trong xã hội hiện đại (16/09/2018-8:30)
  • Lắng nghe bạn đọc để có những bài báo tốt hơn (16/09/2018-8:26)
  • “Sự cực khổ của người dân đã thôi thúc chúng tôi đi tìm câu trả lời” (12/09/2018-22:02)