Thứ sáu, ngày 29/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Không còn thi “2 trong 1”: Lo lắng cho công tác tuyển sinh (02/10/2018-8:19)
    Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia 2019 chỉ để xét tốt nghiệp. Chủ trương này khiến phụ huynh và học sinh lo lắng, liệu các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trên cả nước có điều chỉnh cách thức tuyển sinh.
Thí sinh đăng ký nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM

Giải pháp giảm tiêu cực

Phát biểu này khá bất ngờ, bởi ở kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, bộ khẳng định với toàn ngành sẽ giữ phương thức “2 trong 1” (với 2 mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ) đến năm 2020 để ổn định việc thi cử, không ảnh hưởng đến học sinh. Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ở kỳ thi tới, các trường ĐH nếu tin có thể dùng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh, hoặc kết hợp với những phương án khác. “Từ năm 2019, đề thi sẽ điều chỉnh theo hướng tốt nghiệp phổ thông, bám sát vào yêu cầu của THPT. Các trường ĐH, CĐ sử dụng hay không là việc của trường. Không thể hiểu thuần túy “2 trong 1” mà ép học sinh phải học và thi với cả hai mục tiêu”, người đứng đầu ngành giáo dục nêu quan điểm.  

Nhận định về sự thay đổi này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung học chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng: Những gì xảy ra tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 cho thấy, việc sử dụng kết quả của kỳ thi THPT đã khó khả thi do sự gian lận ở một số hội đồng vượt ngoài tầm kiểm soát của bộ, khiến kỳ thi mất đi ý nghĩa của một kỳ thi công bằng, trung thực, tin cậy, làm xói mòn lòng tin vào ngành giáo dục. Chính mong muốn ghép 2 mục tiêu trong 1 đã tạo nên động cơ gian lận rất khó ngăn chặn trong điều kiện hiện nay. “Bộ trưởng phát biểu ý kiến như trên có phần hợp lý, khi một chính sách thiếu khả thi và để lại những hệ lụy xấu thì cần điều chỉnh”, TS Hoàng Ngọc Vinh nói. 

Mặt khác, với một số giải pháp mà bộ đưa ra, có việc các trường dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển là phù hợp. Các trường ĐH cũng phải tự chủ tuyển sinh theo Luật Giáo dục ĐH. Những trường nào khó khăn thì có thể nhận sự hỗ trợ của bộ hoặc từ các các trường khác. Bên cạnh đó, học sinh cần chủ động học cho tốt, còn học thế nào thì kết quả thi cử hay đánh giá cho thấy khả năng. 

Các trường ĐH, CĐ bị động?

Trái ngược với quan điểm của một số chuyên gia giáo dục, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, cho biết: Chủ trương của nhà trường là vẫn giữ cách tuyển sinh như năm 2018 để không “tội” cho thí sinh. Thực tế cho thấy, nếu đề thi dễ và chỉ để xét tuyển tốt nghiệp thì các trường ĐH vẫn tuyển được, vì xét từ trên xuống, đề dễ thì phổ điểm cao, điểm chuẩn cao. Nếu vẽ ra nhiều hình thức chỉ làm khổ cho thí sinh và càng dễ tiêu cực. 

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TPHCM, cho biết thêm: Kỳ thi năm 2018 bộc lộ nhiều hạn chế trong coi thi, đề thi. Tuy nhiên, không vì những lý do đó mà thay đổi từng năm. Để không ảnh hưởng đến thí sinh, nên điều chỉnh theo hướng phân hóa đề thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ là tốt nhất trong ngắn hạn.

Theo Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, nếu không còn kỳ thi “2 trong 1” thì trường vẫn phải lên phương án kết hợp trong việc xét tuyển. Là trường ĐH theo hướng ứng dụng, chương trình đào tạo được xây dựng theo tùy thuộc năng lực, kỹ năng nghề nghiệp nên nếu có trung tâm khảo thí uy tín tổ chức thi, trường sẽ sử dụng kết quả đó; nếu không, trường vẫn xét từ kết quả học tập THPT. Năm 2019, nếu ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức thi riêng, trường sẽ đăng ký sử dụng kết quả này để xét tuyển ĐH.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, nhìn nhận: Với phát biểu mang tính chủ trương và quan điểm của thủ lĩnh ngành giáo dục, thì kỳ thi tới cần giải quyết tốt các vấn đề về mặt kỹ thuật: tổ chức thi (vai trò coi thi của các trường ĐH sẽ thế nào?); đề thi (tỷ lệ kiến thức, khó hay dễ, thi theo bài thi hay trở lại theo môn thi, ai chấm thi?); xét tuyển ĐH, CĐ (giữ quy định cứng trong đăng ký nguyện vọng, xét tuyển chung.... hay giao tự chủ hoàn toàn cho các trường?). 

Theo PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, hiện rất ít trường tổ chức thi riêng và dù có thi riêng vẫn phải tuân thủ điều kiện đậu tốt nghiệp THPT. Do đó, dù muốn dù không thì kỳ thi THPT quốc gia hiện vẫn là thang đo, trọng số quan trọng để các trường sử dụng tuyển sinh. Bây giờ nói các trường có phương án tuyển sinh thay thế thì rất khó.

Theo Thanh Hùng/Báo Sài Gòn Giải Phóng


 

Các tin khác:
  • Bộ TT&TT sẽ cấp phép băng tần 4G trong tháng 11/2018 (21/09/2018-18:30)
  • Ma trận các loại ma túy (21/09/2018-18:24)
  • Bình tĩnh, tỉnh táo, cảnh giác trước những cái nhìn lệch lạc về giáo dục Việt Nam (17/09/2018-8:40)
  • Vi phạm trong công tác cán bộ: Khó xử lý vì thiếu chế tài? (06/09/2018-15:23)
  • Có nên để thầy cô bị… chấm điểm? (06/09/2018-15:20)
  • Sự hù dọa nực cười về kinh tế Việt Nam (04/09/2018-20:00)
  • Quản lý bán thuốc tại Việt Nam lỏng lẻo bậc nhất thế giới (29/08/2018-18:23)
  • Khi "chất xám" trở về... (29/08/2018-18:21)
  • Người đứng đầu cơ sở giáo dục sẽ bị xử lý nếu để xảy ra lạm thu (27/08/2018-14:14)
  • Chữa trị căn bệnh cán bộ không biết lắng nghe (23/08/2018-17:52)