Nhà văn Chu Lai: Rất hoan nghênh Báo Thời Nay - ấn phẩm của Báo Nhân Dân đã mở rộng lòng, rộng cửa để các tác giả được khai triển, giãi bày, được thể nghiệm những cảm xúc đời thường của mình trên một sân chơi sang trọng, nghiêm túc.
Nhà văn Chu Lai: Sự lôi cuốn bình dị, hơi phá cách
Chẳng lên gân, không gồng sức, chẳng làm ra vẻ văn chương cũng không cố tạo mùi triết lý vân vi này nọ. Nhưng kỳ lạ làm sao, cái triết lí, cái chất văn nó vẫn cứ bồi hồi nổi lên, nhen nhóm ẩn nhoà vào từng con chữ, từng hàng chữ làm cho ý tưởng câu chuyện bật nảy, bay lên, toả xuống khiến cho người đọc buộc phải chú tâm, ngẫm ngợi rồi giật mình bởi sự lôi cuốn bình dị, hơi phá cách, tiết tấu nhanh, không vòng quanh kiểu húp cháo mà gợi mở, công phá thẳng vào những vấn đề mà tác giả cần nói đến. Truyện mang đậm tính cộng hưởng trong chuyện có tôi, trong tôi có chuyện, hai mà một, một mà hai. Vậy chính là cuộc đời và vậy cũng chính là văn chương.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy (Tạp chí Văn nghệ Quân đội)
Đọc toàn bộ tập sách, như đang xem những bức ảnh
Tản văn là một thể loại mà tôi mạo muội cho rằng nó nằm ở ranh giới giữa bút ký và truyện ngắn, giữa thơ và văn xuôi. Người ta sẽ viết tản văn khi mà điều họ muốn bày tỏ không thể/không muốn tựa vào một trong số bốn thể loại trên. Tản văn cũng là thể loại mà từ người viết văn nghiệp dư, tới các nhà văn tên tuổi hầu như đều đã từng đi qua. Khi tôi cầm trên tay tập bản thảo “Nơi ta đã qua, người ta đã gặp” của báo Thời Nay, thì sự hình dung về thể loại tản văn như trên càng hiển thị rõ rệt.
Ở đây, cái cảm giác chung mà bạn cảm thấy khi đọc toàn bộ tập sách, đó là như đang xem những bức ảnh. Những bức ảnh sinh động, về một đời sống hiền hoà, phong phú, nhân ái, ấm áp. Tưởng như bạn đang một mình một chiếc xe máy và rong ruổi trên khắp các nẻo đường của dải đất hình chữ S vô cùng thân thương này. Từ Đông Bắc, Tây Bắc đến miền trung, Tây Nguyên, Nam Bộ...
Nhà văn Đỗ Bích Thúy (Tạp chí Văn nghệ Quân đội)
Và ở mỗi điểm dừng chân đó, bạn chụp một bức ảnh. Một bức ảnh bình dị, một khoảnh khắc đời thường, và quan trọng là nó được chụp với một tâm thế đầy thương mến. Văn chương, chưa nói tới những sứ mệnh lớn lao, nhưng chẳng phải cả người viết lẫn người đọc đều mong chờ những cảm xúc tốt đẹp mà nó mang tới hay sao? Thì ở đây, trong tập sách này, khi bạn mở ra, dù là trong một buổi sáng trong lành, hay một buổi tối sau cả ngày dài mỏi mệt, bạn đều sẽ có được điều đó - những cảm xúc tốt đẹp, trong trẻo, lương thiện, nhân ái, đủ để mở lòng mình ra. Đủ để bạn muốn trao cho cuộc đời những gì mà bạn có.
Nhiều tác giả trong tập sách này tôi quen tên, cũng có nhiều người tôi chưa nghe bao giờ. Tuy nhiên, tôi cảm thấy họ có một điểm chung, đó chính là cái tinh thần của người viết - nâng niu, trân trọng những vẻ đẹp tự nhiên của đời sống. Tìm ra chúng, bắt gặp chúng, và muốn mang tới cho người đọc. Không phải bằng những bài bút kí, phóng sự nặng kí, không phải là những truyện ngắn kỳ công về cốt truyện, nhân vật, cũng không phải sự thăng hoa tuyệt diệu của thơ ca, mà giản dị chỉ là những cái chạm tay đầy mến thương của những tâm hồn cởi mở.
Tản văn, ở tập sách này thật sự đã biểu lộ là một thể loại giản dị mà chân thành, chất phác mà tinh tế, gần gũi và truyền cảm.
Nhà phê bình văn học Hoài Nam (Truyền hình Nhân Dân- Báo Nhân Dân):
Người tốt và điều tốt vẫn cứ là những tồn tại có thật trong cuộc đời
Một cái tên vừa khéo để xuyên suốt nội dung tinh thần và ôm gọn hai chủ đề cơ bản của các tản văn có mặt trong tập sách này: Đất và Người.
Nhà phê bình văn học Hoài Nam (Truyền hình Nhân Dân- Báo Nhân Dân)
Về Đất, đó có thể là những ghi chép nhanh và sắc, đầy hứng khởi, như một bức tốc họa, của lữ khách trước một miền đất lạ mà bàn chân mới biết đến lần đầu tiên trong đời… Viết về Người, nhiều tác giả đã không dừng lại ở những nét phác chân dung hay kể chuyện đơn giản, mà có sự phục bút khá kỹ lưỡng, khiến cho tác phẩm tản văn mang được dáng dấp của những truyện ngắn để lại nhiều dư ba. Và điều quan trọng hơn cả, đọc chúng, người ta thêm tin tưởng rằng, dù có thế nào thì người tốt và điều tốt vẫn cứ là những tồn tại có thật trong cuộc đời nhiều thương khó này.
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng - Phó trưởng ban Báo Thời Nay- Báo Nhân Dân:
Tiếp tục lan tỏa tình cảm tốt đẹp, giá trị nhân văn trong lòng bạn đọc
“Giấc mơ trên những cánh rừng” có sự góp mặt của 39 tác giả với 39 truyện ngắn. Cuốn sách truyền tải tình cảm mến thương gia đình, dòng tộc, cộng đồng, quê hương, đất nước; thể hiện cái nhìn nhân văn trước thực tế xã hội, thiên nhiên; truyền tải những dáng nét văn hóa từ nhiều vùng đất…
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng (Phó trưởng ban Báo Thời Nay- Báo Nhân Dân)
“Nơi ta đã qua, người ta đã gặp” quy tụ 55 tác giả với 98 tản văn. Đó là những lát cắt nhỏ trên những nẻo đường, nơi những miền đất, với những con người trên mọi miền đất nước. Là những phản chiếu để lại ấn tượng đẹp của niềm vui, nỗi buồn, lòng thương mến và trân quý trước muôn màu cuộc sống. Được thể hiện qua những cảnh quan, tập quán, ngôn ngữ, món ăn, kỷ vật, kỷ niệm tuổi trẻ, tuổi ấu thơ, những ứng xử và tâm sự đời thường, dung dị mà lay động.
Tôi cho rằng đó là một món quà đầy tính văn hóa, có thể sử dụng trong các dịp kỷ niệm, công tác của cơ quan báo chí bên cạnh những món quà khá phổ biến lâu nay như bình, lọ hoa, bút, cái chặn giấy, logo của đơn vị bằng thủy tinh, gỗ hay kim loại. Thậm chí nên dần thay thế các món quà tặng như trên bằng ấn phẩm sách.
Cùng với đó, với những ấn phẩm được chọn lựa kỹ thêm từ những tác phẩm vốn đã được biên tập, đăng báo mà trong đó, có những tác phẩm đã nhận được phản hồi tốt từ độc giả, đồng nghiệp, thì cũng rất nên có hình thức phát hành phù hợp với mục tiêu chính là tiếp tục lan tỏa những tình cảm tốt đẹp, những giá trị nhân văn trên trang báo vào lòng bạn đọc.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Hội VHNT Bắc Giang:
Cầu nối tác phẩm - tác giả đến gần hơn với độc giả
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hà (Phó Chủ tịch Hội VHNT Bắc Giang)
Trân trọng và vui mừng đến bất ngờ khi tập sách đã ra đời trọn vẹn. Cảm ơn Thời Nay đã cho tác giả được hội tụ cùng với các anh chị tác giả khác từ nhiều miền đất. Nếu cứ để những tác phẩm văn học nhỏ bé này trên những tờ báo nó sẽ dễ bị lãng quên. Nhưng với ý tưởng và nhiệt tâm của những người ra sách, đây sẽ là cầu nối tác phẩm - tác giả đến gần hơn với độc giả.
Tác giả Kiều Xuân Quỳnh:
Hiện thực về những số phận trên khắp những nẻo miền đất nước
Con đường dẫn tôi đến với văn chương là khi tôi bắt đầu đến Sơn La làm nghề cơ khí. Ngày ấy nơi miền rừng trên công trình xây dựng thủy điện Sơn La, tôi có viết một số bài cộng tác về tình yêu, về gia đình. Nghề nghiệp của tôi thường hay phải di chuyển. Đó là: núi rừng, đồng bằng, biển đảo, biên giới… Ở nơi đó tôi gặp những mảnh đời cùng phận ly hương bởi mưu sinh. Tôi nghĩ rằng mình nên khai thác chủ để về miền công trường để viết.
Tác giả Kiều Xuân Quỳnh
Để người đọc có một góc nhìn khác về những con người quanh năm vai áo đẫm mồ hôi, rời quê hương mưu sinh nơi đất khách quê người – nơi ấy vẫn mang theo tình cảm yêu thương giữa con người với con người. Xin cảm ơn Thời Nay đã xuất bản cuốn sách “Giấc mơ trên những cánh rừng”. Tôi tin rằng những truyện ngắn chọn lọc trong tập sách này còn là hiện thực về những số phận những mảnh đời trên khắp những nẻo miền trên đất nước./.
Theo Đoàn Mai (Thực hiện)/ Báo Công luận