Ông Phan Hữu Minh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam.
+ Được biết, sau một thời gian nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến hội viên - nhà báo ở cả ba khu vực, Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của nhà báo - hội viên HNBVN sẽ được ban hành chính thức. Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải ban hành quy tắc này?
- Trong lĩnh vực báo chí đã có Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều quy định Đạo đức người làm báo. Mạng xã hội hiện nay phát triển không ngừng, một mặt khuyến khích người làm báo sử dụng, bởi đây là nguồn tin khổng lồ và để tăng cường mở rộng, tăng tính tương tác với bạn đọc, tuy vậy, việc người làm báo sử dụng mạng xã hội rất cần được quản lý. Nhà báo, phóng viên, không phải là khi ở tòa soạn viết một kiểu, rồi ở mạng xã hội viết một kiểu khác, có khi hoàn toàn đối lập, chỉ bởi ở cơ quan thì phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ của tờ báo, còn ở trên mạng xã hội thì muốn nói gì thì nói. Chính vì vậy, mạng xã hội rất cần thiết, nên phải quản lý thật tốt để phát huy vai trò của mạng xã hội đối với người làm báo.
+ Ông có nhấn mạnh rằng, Quy tắc này vừa khuyến khích người làm báo tham gia một cách có trách nhiệm trên mạng xã hội vừa ngăn chặn những hành vi vi phạm đạo đức, để mỗi người làm báo thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò của mình khi tham gia MXH. Nội dung ấy sẽ được cụ thể như thế nào, thưa Trưởng Ban Kiểm tra?
- Hiện nay, trong thời đại cách mạng 4.0, mạng xã hội rất rộng mở và nhiều tiện ích, giúp mọi người kết nối, giao lưu với nhau. Một mặt khuyến khích, ứng dụng công nghệ thông tin, cho phép người làm báo nắm thông tin, nhưng cần phải tác nghiệp tại hiện trường. Bộ Quy tắc sẽ được ban hành đầu năm 2019, gồm 4 vấn đề về sử dụng sao cho đúng luật, có giá trị, có hiệu quả. Mặt khác, với vai trò được giao định hướng thông tin, dư luận, nên Bộ quy tắc đưa ra 8 vấn đề người làm báo nên tránh (không nên làm). Tóm lại, nhà báo, hội viên phải tuân thủ Bộ Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Các nội dung chính của Bộ Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam là căn cứ để Hội đồng xử lý vi phạm xử lý các trường hợp vi phạm. Thực hiện Bộ Quy tắc này cũng là việc thuận lợi trong thực hiện công việc của những người làm báo.
+ So với dự thảo Bộ Quy tắc sử dụng mạng xã hội mà Bộ Thông tin và truyền thông chuẩn bị ban hành, với 3 nhóm đối tượng (các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; các tổ chức nghề nghiệp, chính trị, xã hội; các cá nhân), Dự thảo quy tắc sử dụng mạng xã hội của Hội Nhà báo Việt Nam ban hành có những điểm khác biệt nào?
- Bộ Quy tắc sử dụng mạng xã hội mà Bộ Thông tin và truyền thông chuẩn bị ban hành là nội dung quản lý nhà nước, cụ thể hóa quy định của Luật Báo chí 2016, bao gồm cá nhân, các tổ chức nghề nghiệp, chính trị, xã hội và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Còn Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo - hội viên Hội Nhà báo Việt Nam có tính chất quy phạm về đạo đức. Bộ quy tắc của Hội Nhà báo không quy định về pháp luật mà chỉ quy định về góc độ đạo đức. Ví dụ việc vi phạm bản quyền thì đó là hành vi vi phạm pháp luật, cùng sự việc đó, cũng là vi phạm đạo đức. Nhưng có những việc không vi phạm pháp luật nhưng lại vi phạm đạo đức thì vẫn cần phải xử lý theo quy định về Đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
+ Như vậy, đối tượng là các cấp hội, nhà báo, hội viên, cơ quan quản lý báo chí đều sẽ phải chung sức thực hiện Quy tắc này. Thưa ông, căn cứ nào để chúng ta đưa ra quy định này?
- Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo - hội viên Hội Nhà báo Việt Nam được căn cứ theo Luật Báo chí 2016 ở khoản 1 và điểm b, khoản 2 Điều 8. Theo đó, Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, có quyền ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo - hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhằm hiện thực quy định tại Điều 5: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. Hội Nhà báo Việt Nam ban hành quy định áp dụng cho người làm báo gồm: Hội viên, phóng viên, nhà quản lý - là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Việc ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo - hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là hiện thực hóa Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, đúng luật Báo chí hiện hành.
+ Với 4 điều được làm, 8 điều không được làm thì Bộ quy tắc này có vẻ là rất rõ ràng, nhưng chế tài xử lý những vi phạm Quy tắc này cụ thể như thế nào thưa ông?
- Đây là Bộ Quy tắc cụ thể hóa Điều 5 trong 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam nên việc xử lý vi phạm sẽ có Hội đồng xử lý vi phạm (với 2 cấp là cấp Trung ương và cấp tỉnh và tương đương). Khi vi phạm Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo - hội viên Hội Nhà báo Việt Nam chính là vi phạm Điều 5. Chế tài xử lý sẽ căn cứ theo Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam.
+ Trong vai trò là người đứng đầu Ban Kiểm tra, cũng là một nhà báo, một hội viên, ông có chia sẻ gì với những người làm báo Việt Nam trong quá trình sử dụng mạng xã hội?
- Tôi nghĩ rằng, việc sử dụng mạng xã hội thì không ai cấm nhưng không nên lạm dụng nó. Khi lên mạng xã hội mà nói không chuẩn, sẽ bị phản ứng ngay từ những phóng viên, nhà báo khác. Đối với người làm báo chính trực, làm việc đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo, đúng pháp luật thì Bộ quy tắc này rất dễ thực hiện. Khi thực hiện Bộ Quy tắc cũng thuận lợi, tạo sự công bằng trong môi trường báo chí trong thực hiện công việc của những người làm báo, nhất là vấn đề bản quyền báo chí.
Có thể nói, Bộ Quy tắc cũng để răn đe những ai cố ý lạm dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Sự ra đời Bộ Quy tắc chính là để bảo vệ người làm báo, bảo vệ sự chính trực, tạo điều kiện để người làm báo làm đúng các quy định và pháp luật.
+ Vâng, xin cảm ơn ông!
Theo Minh Nam/Báo Nhà báo và Công luận Công luận