Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
“Cởi trói” để dạy học thực chất (24/12/2018-15:02)
    (NLBTH) - Đối thoại với nhiều giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói thẳng rằng, việc tổ chức các cuộc thi cho giáo viên thực chất chỉ là… diễn!
Tranh chỉ có tính minh họa, từ internet

Thi đua là tốt, nhưng phải tốt thật, chứ không đưa ra để gây áp lực. Việc đánh giá giáo viên phải tăng tính hậu kiểm, ghi nhận tiến bộ của học sinh, sự yêu quý của phụ huynh, mới là điều cần.

Ngay lập tức trên mạng xã hội nhiều giáo viên đã bày tỏ sự ủng hộ và mong Tư lệnh ngành sớm “cởi trói”. Họ đã quá mệt mỏi khi phải tham gia nhiều cuộc thi nhưng không dám lên tiếng vì là phong trào bắt buộc, cũng là điều kiện để được dạy lớp tốt, chuyển về trường tốt. Giáo viên trẻ còn có thể tự làm hoặc lên mạng tải về rồi xào xáo, giáo viên lớn tuổi nếu bị giao chỉ còn cách thuê làm.

Mục tiêu chung ở các cuộc thi đều nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tuy nhiên vì lý do thành tích nên các cuộc thi không còn ý nghĩa ban đầu nữa.

Ngay cả khi đi thi mà không được giải cũng rất ngại với đồng nghiệp, và đó là những áp lực buộc nhiều giáo viên phải gian dối.

Một câu chuyện có tính góc khuất trong thi cử khiến nhớ lại có thời điểm chỉ cần vào công cụ tìm kiếm google gõ từ khóa: “sáng kiến kinh nghiệm trong giáo dục” hoặc “bài thi mẫu cho giáo viên”… sẽ cho rất nhiều kết quả, cả những số điện thoại liên hệ nếu có nhu cầu được cung cấp sản phẩm theo yêu cầu.

Câu hỏi là thời gian qua đã có bao nhiêu sáng kiến kinh nghiệm là thật, bao nhiêu giáo viên giỏi thực chất, hay chỉ giỏi “xào xáo”. Thậm chí là đi mua thứ sáng kiến ở những “chợ phù hoa” trên mạng?

Bỏ thi giáo viên giỏi và các cuộc thi cho giáo viên ở góc độ nào đó chưa hẳn đã tốt, bởi như thế sẽ bỏ đi một căn cứ nhằm định lượng trình độ giáo viên, nhưng với phần nhiều giáo viên, thì đây sẽ là một sự “cởi trói” để họ có thời gian giành cho việc nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học thực chất hơn. Ở góc độ khác, bỏ thi cũng chính là tạo ra sự công bằng và bớt gây tốn kém. Bởi xét cho cùng giáo viên giói mà gian dối cũng chỉ là thứ danh hiệu trên giấy. Giáo viên giỏi hay không hãy để chính học sinh đánh giá, kết quả học tập của các em trả lời.

Không chỉ giáo viên chờ đợi quyết tâm của Tư lệnh Ngành Giáo dục và Đào tạo thành hiện thực, mà xã hội cũng chờ điều đó để việc dạy học công bằng và thực chất hơn.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Tặng quà noel và việc nói dối con trẻ (23/12/2018-15:55)
  • Bỏ ngay tư duy nhiệm kỳ (21/12/2018-8:20)
  • Việc làm “bá đạo” (18/12/2018-14:05)
  • Đề xuất siết lại kỷ cương công sở, trách nhiệm công vụ (17/12/2018-11:29)
  • Sử dụng quyền ưu tiên (14/12/2018-11:06)
  • Cần thiết, nhưng phải cấp thiết trong thực hiện (11/12/2018-11:15)
  • Sự thách đấu cực đoan và đoạn kết của… thói “anh hùng” (10/12/2018-09:06)
  • Nỗi niềm mùa 76 (06/12/2018-22:33)
  • Chuyện không hề nhỏ (04/12/0018-12:59)
  • Trách nhiệm cộng đồng đấu tranh với “tín dụng đen” (03/12/2018-9:15)