Thứ sáu, ngày 29/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Dễ "vỡ trận" khi học tự chọn bậc THPT (08/01/2019-17:47)
    Khi tự chọn môn học khó tránh hiện tượng học sinh đổ xô chọn một số môn. Theo đó, sẽ có những giáo viên quá tải và không ít giáo viên thất nghiệp
Một giờ nghiên cứu khoa học của học sinh TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Theo chương trình phổ thông tổng thể mới được công bố, ở cấp THPT, các môn học bắt buộc bao gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học được lựa chọn theo nhóm khoa học xã hội (gồm giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý), nhóm khoa học tự nhiên (gồm vật lý, hóa học, sinh học), nhóm công nghệ và nghệ thuật (gồm công nghệ, tin học, nghệ thuật), tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Ảnh hưởng nhiều đến giáo viên

Điều này đồng nghĩa với việc tương lai có thể xảy ra hiện tượng học sinh đổ xô chọn một số môn và từ chối một số môn. Theo đó, sẽ có những giáo viên quá tải và không ít giáo viên thất nghiệp vì không có học sinh đăng ký học môn mình.

Cô Hương Thảo, giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho rằng những thay đổi ở bậc THPT sẽ ảnh hưởng nhiều đến các giáo viên khi học sinh theo phương thức tự chọn môn mình yêu thích và định hướng nghề nghiệp. Theo giáo viên này, các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều hướng đến mục tiêu đó, tức là giáo dục theo năng lực học sinh chứ không phải giáo dục toàn diện như hiện nay, học sinh phải học đồng đều các môn dù chỉ có thiên hướng về tự nhiên hoặc xã hội.

Đổi mới này là cần thiết. Tuy nhiên, nếu không có định hướng sớm từ bây giờ sẽ dẫn đến tình trạng "vỡ trận" ở các trường, khi có những môn được học sinh đăng ký rất nhiều và có những môn không học sinh nào theo học.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cũng cảnh báo tình trạng giáo viên thất nghiệp do không ai lựa chọn là hoàn toàn có thể xảy ra. "Khi lựa chọn đã nằm ở phía học sinh thì ngay cả khi giáo viên có chuyên môn tốt nhưng nghiêm túc thì cũng có thể ít được lựa chọn" - ông Vinh dự báo.

Theo chuyên gia này, trong tương lai, việc tổ chức, quản lý trong trường học sẽ có sự thay đổi và thách thức khá lớn. Việc phân công, quản lý, sắp xếp chương trình, giáo viên trong nhà trường phụ thuộc vào sự lựa chọn của học sinh chứ không còn là sự chủ động của các trường.

Cần hướng dẫn cụ thể

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - cho rằng mục tiêu của chương trình giáo dục THPT tổng thể là giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động. Bên cạnh đó, học sinh cũng có khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học, thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Đáp ứng các mục tiêu trên, chương trình đã xây dựng để học sinh chọn 5 môn từ 3 nhóm môn học. Mỗi nhóm học sinh chọn ít nhất 1 môn học cùng việc chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Chương trình cũng quy định "các trường có thể xây dựng tổ hợp môn từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường". Theo ông Thành, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể vấn đề này để không xảy ra tình trạng một số môn hoặc không có học sinh hoặc quá đông học sinh, vượt khả năng đáp ứng của trường.

Trong khi đó, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình phổ thông tổng thể, thừa nhận mong muốn của những người làm chương trình là học sinh phân hóa triệt để nhưng thực tế không phải trường phổ thông nào cũng đáp ứng được như vậy. Do đó, chương trình đưa ra quy định các trường xây dựng tổ hợp môn học vừa đáp ứng nguyện vọng của học sinh vừa phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.

Phải khảo sát xu hướng chọn nghề

Trước những tác động rất lớn đối với các giáo viên, một nhà giáo kỳ cựu của một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng để tránh "vỡ trận" khi người quá tải - người thất nghiệp, các trường phải chủ động trong việc điều tra, khảo sát xu hướng lựa chọn nghề nghiệp tương lai của giáo viên. Theo giáo viên này, học sinh lớp 10 đã có định hướng nghề nghiệp và lựa chọn môn học để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH, vì thế các trường phải tiến hành điều tra khảo sát để có dự báo môn nào được chọn nhiều, chọn ít để chuẩn bị nhân lực. "Như vậy, khi thực hiện chương trình thì nhà trường mới không bị động và giáo viên cũng yên tâm với công việc của mình" - giáo viên này cho hay.


Theo Người Lao Động

 

Các tin khác:
  • Thị trường tiền tệ khép lại một năm ‘vượt thác’ thành công (07/01/2019-1:18)
  • Những trường hợp nào có nguy cơ bị tinh giản biên chế năm 2019? (18/12/2018-14:02)
  • Quản học sinh thời 4.0: Lấy giáo dục làm gốc (18/12/2018-14:01)
  • Khi sự “xấu hổ” trở nên xa xỉ (17/12/2018-11:26)
  • Sẽ có đề án riêng về cơ quan kiểm soát thu nhập (17/12/2018-11:22)
  • Bộ quy tắc ứng xử trên mạng: Việc cần phải làm! (13/12/2018-13:58)
  • Cần xây dựng kỷ luật không nước mắt (13/12/2018-6:56)
  • Quyền con người ở Việt Nam: Hiểu thế nào cho đúng? (10/12/2018-9:01)
  • Những vấn đề quyền con người đang đặt ra trong xã hội ta hiện nay (10/12/2018-9:00)
  • Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT (04/12/2018-11:38)