Đã nhiều lần tôi mê mải đứng nhìn những chú ong thợ bay lượn quanh cây bưởi, bò vào từng đài hoa, chân đầy phấn nhụy vàng ươm.
Có nhiều loài hoa khoe sắc quyến rũ, nhưng chỉ có hương thơm mới gọi được nhưng chú ong đến, và đó chính là điều mà hoa bưởi khác nhiều loài hoa nở trong tháng ba như hoa xoan, hoa gạo...
Không chỉ có vậy, tôi thích hoa bưởi, và muốn nhớ nhiều về loài hoa này bởi nó gắn với ký ức một thời tuổi thơ, những ngày ở làng.
Vườn trước nhà tôi có một cây bưởi tự nó mọc lên. Có lần tôi định chặt làm cẳng chơi khăng, nhưng mẹ bảo cây mọc lên cũng giống như người được sinh ra, cứ để cho nó lớn, đều có ích cả. Tôi nghe lời mẹ và chờ.
Cây bưởi cứ thế lớn lên cùng tuổi thơ của tôi. Khi nó ra hoa bói mùa đầu, tôi quan sát mỗi ngày và sau đó cố giữ không cho những đứa trẻ hàng xóm bứt bưởi non làm bóng đá.
Đó là một cây bưởi đào mọng nước. Người quê tôi bảo bưởi nhiều hay ít nước là bởi tay người gọt. Tôi tin điều đó và tin vào mẹ bởi quả bưởi đầu tiên gọt từ tay mẹ. Không có mẹ thì đã không có quả những bưởi ấy.
Những năm sau cây bưởi to dần, trĩu từng chùm quả xuống mái tranh, nhưng cả nhà tôi không ai muốn chặt tỉa cành bưởi. Đến ngày tết đoan ngọ bố lại treo lên cây bưởi một túi muối với ngụ ý sâu lịm sẽ sợ mà không dám đục cây bưởi. Đồng thời đào một hốc đất ở gốc bưởi để bón phân bắc. Mỗi năm bố đào hốc ở một hướng khác nhau để cây bưởi phát triển đều, tán tròn.
Độ tháng bảy ta là vào mùa bưởi ngọt, mẹ vừa bứt ăn vừa chia cho hàng xóm, cũng không quên dành quả ở một góc cây chờ khi xã tổ chức trại hè sẽ đem bán. Tiền bán bưởi sẽ dành mua quần mới cho chúng tôi đi khai giảng. Đó là những chiếc quần vải xanh chéo đẹp nhất lúc bấy giờ.
Cây bưởi và mẹ là một phần cuộc sống của những đứa trẻ sinh ra từ làng như tôi. Cây bưởi không chỉ cho quả, tôi nhớ mẹ còn dùng gai bưởi để đục lỗ đeo khuyên tai cho những đứa con gái trong xóm. Mẹ mát tay, đục cùng lúc hai lỗ tai mà chả đứa nào khóc, chỉ vài ngày sau là liền sẹo. Bưởi có tinh dầu nên được xem như vị thuốc. Mẹ thường nấu lá và vỏ bưởi để xông khi nhà có người cảm gió hoặc dùng để gội đầu. Thời bao cấp không có dầu gội, thì đây là một thứ dầu tuyệt nhất cùng với quả bồ kết, lá hương nhu. Còn chúng tôi thì phơi khô hạt bưởi rồi xâu lại thành từng xiên giắt vào liếp nhà dùng để đốt trong đêm trung thu. Lửa bưởi cháy lâu và thơm, lách tách nổ rất vui tai, một đứa cầm xâu hạt bưởi cháy đi đầu, những đứa đi sau múa hát vui vẻ, rồi cùng phá cỗ. Cỗ trung thu thời bao cấp ở quê có hồng, na hái từ vườn nhà, nhưng chủ yếu vẫn là bưởi. Quả bưởi to chiếm mấy phần mâm cỗ nên mỗi mâm người lớn thường bày vài ba quả để làm thỏa mắt trẻ con. Những quả bưởi rám nắng tháng bảy, nhưng tép trong, ngọt nước. So với những thứ bưởi lai tạo bây giờ, thì bưởi quê hồi đó không sánh bằng, nhưng như thế cũng đã là ngon lắm rồi. Đứa nào cũng được ăn bưởi, nhưng khi ra đường vẫn thích được chia dù chỉ một múi.
Có lần được cho hai hào, tôi cất kỹ định sẽ mua cái gì đó đãi đám bạn, và cuối cùng chọn mua bưởi. Ở quê hồi ấy có những hàng xén bán chỉ may, gim tóc, cúc áo, đá lửa, dâu dun, kẹo mật, còn bán hồng quân, táo xiên, du gia, và bưởi. Những quả bưởi được bóc, chia ra từng phần 3 múi, năm múi một, tõe ra bày trên mẹt hoặc để nguyên cả quả xâu dây vào ruột treo trên dây. Hai hào của tôi sẽ mua được nửa quả, tôi chia cho bạn trong lớp, và được chúng nhìn bằng sự nể trọng. Hồi ấy trẻ con được tiêu tiền là hiếm lắm.
Làng tôi nhiều nhà trồng bưởi, mùa bão bưởi rụng khắp vườn, lũ trẻ vào từng vườn để nhặt quả. Tôi thích được như thế, nhưng ít được cho ra khỏi nhà. Có lần tôi trốn vào một vườn nhà khác để lấy bưởi rụng, đen đủi bị bắt, dắt tay giao cho mẹ. Tôi sợ sệt không phải vì chiếc roi tre bà nội để sẵn ở đầu giường, mà bởi con bé nhà ấy cứ đứng sau liếp cửa để nhìn. Tôi sợ nó sẽ không chơi với tôi nữa. Hồi ấy ở làng chỉ cần làm điều gì sai là sẽ dễ bị tự chối chơi hội đồng.
Tuổi thơ gắn liền với hoa bưởi là những năm tháng êm đềm, dù có rất nhiều khó khăn. Cây bưởi cũng như đời người, sau những mùa trĩu quả sẽ cỗi già. Cây bưởi nhà tôi chết chỉ mấy năm sau khi mẹ mất. Tôi lớn lên, lập nghiệp ở xa, cứ tháng ba về lại xốn xao hoa bưởi. Tôi thường chọn một đĩa hoa đặt lên bàn thờ, hy vọng mẹ hiểu được tâm sự của con.
Tản văn của Lam Vũ