Ảnh chỉ có tính minh họa, từ TTV
Những ngày qua nhiều phụ huynh đã bày tỏ sẽ không cho con em mình học bán trú nữa. Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm và nhiễm khuẩn nghiêm trọng xảy ra, gần nhất là ở tỉnh Ninh Bình, Hà Nội, Bắc Ninh khiến họ hết sức lo lắng.
Thay đổi thói quen đưa đón con đi học từ hai lần trở thành bốn lần trong ngày là điều không dễ dàng, nhưng khi phụ huynh học sinh chưa có niềm tin trở lại vào những bữa ăn tại trường học, thì đó vẫn là sự lựa chọn duy nhất. Để xảy ra tình trạng tai tiếng này cơ sở giáo dục phải tự trách mình. Họ đã buông lỏng việc quản lý bữa ăn của học sinh bằng việc thường hợp đồng trọn gói để đơn vị dịch vụ cung cấp thực phẩm và suất ăn mà ít có sự kiểm soát theo quy định.
Năm 2008 Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 08/2008 hướng dẫn công tác bảo đảm VSATTP trong các cơ sở giáo dục, trong đó đặc biệt quan tâm tới khâu kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung cấp thực phẩm cho các cơ sở giáo dục như nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm; khâu chế biến, nấu nướng, bảo quản, vận chuyển và nhà ăn của các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên một số trường học đã bỏ qua điều này, dễ dàng cho nhập vào bếp ăn nhà trường thực phẩm ôi thiu, thải loại mà mắt thường cũng có thể nhận ra. Điều này theo suy luận của một số phụ huynh là không phải ngẫu nhiên, đằng sau đó sẽ có những người có lợi ích.
Một yêu cầu về sức khỏe học đường tưởng như rất nghiêm ngặt đã bị xem nhẹ ở nhiều nơi. Đây không còn là sự vô trách nhiệm đơn thuần nữa, mà có thể xem là tội ác gián tiếp đầu độc con trẻ qua con đường ăn uống.
Phải xác định trách nhiệm về bữa ăn của học sinh tại trường học không đơn giản chỉ là trách nhiệm dân sự của người quản lý trường học, mà sẽ phải là trách nhiệm hình sự nếu như cơ sở giáo dục có sự buông lỏng, gian dối và để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Chỉ khi nào ý thức đầy đủ điều đó, không còn những người nhìn vào bữa ăn của học sinh như một cơ hội để kiếm chác, thì bữa ăn bán trú của học sinh mới bớt đi những lo lắng.
Lam Vũ