Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Đừng vì cảm xúc của người lớn (28/03/2019-11:04)
    (NLBTH) - Một nhóm học sinh lớp 2 vì không nộp các khoản thu vận động đúng thời gian quy định đã phải đứng trong lớp chờ người nhà đến. Một phụ huynh ở thành phố Thanh Hóa quá bức xúc đã chụp tờ giấy viết những khoản thu mà cô giáo cung cấp rồi đưa lên facebook kèm theo sự bức xúc.

 Nhưng bởi áp lực nào đó, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi xuất hiện trên không gian mạng, status này đã được chủ nhân gỡ xuống. Cho dù là như vậy đi nữa thì nó cũng đã có rất nhiều người tiếp cận bằng những thái độ khác nhau. Người ủng hộ, người không, có cả người tranh thủ để lên án ngành Giáo dục bằng lời lẽ ác ý. 


Chỉ vài khoản tiền không quá lớn nộp chậm mà những đứa trẻ phải ngơ ngác đứng lên trong khi bạn mình thì được học. Có thể chúng chưa đủ suy nghĩ để cảm nhận hết sự tổn thương, nhưng người lớn thì khó nói rằng không day dứt. 

Có nhất thiết phải đến mức như thế không, và nếu đúng như phụ huynh kia tố cáo thì rõ ràng đây là việc làm không phù hợp ở môi trường sư phạm. Thay cho bắt những đứa trẻ đứng lên, thì hãy liên hệ với người nhà chúng xem có sự trục trặc nào không đã. Dường như sự nóng vội đạt được kết quả đang khiến giáo viên đào thêm hố sâu ngăn cách với phụ huynh, không có lợi cho nhà trường.

Hãy dành cho trẻ những điều tốt đẹp nhất để tuổi thơ của chúng thêm trong sáng và vươn tới ước mơ. Đừng quá vì sự bực tức nhất thời của người lớn mà làm những điều không đáng. Dù status của phụ huynh nhận được nhiều ý kiến đồng tình, nhưng chưa hẳn đã là điều hay. 

Trách nhiệm của phụ huynh là phối hợp với nhà trường để cùng xây dựng môi trường học tập tốt nhất cho con em mình. Và lẽ ra, khi gặp điều không mong muốn họ cần kiểm tra lại để điều chỉnh, thì lại phát tán thông tin lên không gian mạng.

 Trong cuộc sống có những điều chúng ta nhìn thấy, nghe thấy, nhưng đôi khi chưa hẳn đã là như thế. Bản chất của vấn đề ẩn sâu bên trong, và đều có căn nguyên, cần phải tìm hiểu kỹ rồi hãy quyết định, nhất là quyết định đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến con em mình, đến cơ sở giáo dục.

Sự việc rồi sẽ qua đi, nhưng điều ám ảnh chắc chắn còn lại. Với cách ứng xử như thế liệu rằng những người trong cuộc đã thực sự thể hiện trách nhiệm của mình đối với thế hệ tương lai, với học đường chưa, hay là họ đang chạy theo đáp ứng cảm xúc nhất thời của mình nhiều hơn? 

Xung quanh việc dạy và học lâu nay đã có rất nhiều câu chuyện không hay xuất phát từ những việc làm có tính cá nhân của một số người làm công tác quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh. Trách nhiệm của chúng ta là phải cùng nhau xây dựng một môi trường sư phạm thật sự an toàn và thân thiện. Và để làm tốt nhiệm vụ này chắc chắn không có chỗ cho những cảm xúc tầm thường như thế. Hãy nhận thức rằng một điều nhịn sẽ đem lại chín điều lành cho con trẻ.


An Nhiên

 

 

Các tin khác:
  • Không u mê, tiếp tay (25/03/2019-8:55)
  • Đừng để việc thanh niên tình nguyện nhặt rác chỉ tồn tại như một trào lưu (21/03/2019-22:10)
  • Giải quyết xung đột lợi ích trong tiêu dùng (21/03/2019-10:49)
  • Đừng nhìn vào bữa ăn như cơ hội để kiếm chác (20/03/2019-8:11)
  • Kiểm soát cảm xúc (19/03/2019-8:47)
  • Mị mị hối lộ bề trên (16/03/2019-22:23)
  • “Đánh nhau” với bê tông (13/03/2019-22:02)
  • Lắng nghe và tham gia có trách nhiệm (12/03/2019-21:41)
  • Tháng thanh niên và việc cần làm (10/03/2019-18:55)
  • Thay cho lời khen, là việc làm (07/03/2019-21:18)