Thứ sáu, ngày 29/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Rộng cửa đón hàng Việt chất lượng tốt (08/07/2019-21:34)
    Ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho biết như trên và khẳng định các kênh phân phối của Saigon Co.op đủ sức đáp ứng cùng lúc nhiều doanh nghiệp mới tham gia.
Các hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op luôn mở rộng cửa cho hàng Việt Nam chất lượng tốt - Ảnh: MINH NHI

Phóng viên: Một số nhà cung cấp hàng may mặc cho biết có nhà bán lẻ Việt sẵn sàng nhận phân phối sản phẩm của họ ngay sau khi Big C tạm dừng nhập hàng từ ngày 3/7. Nhà bán lẻ đó có phải là Saigon Co.op không, thưa ông?

- Ông DIỆP DŨNG: Quả thật là có một số nhà cung cấp hàng may mặc của Big C đồng thời là nhà cung cấp của chúng tôi ngỏ lời muốn Saigon Co.op nhận phân phối thêm sản phẩm của họ. Saigon Co.op là hệ thống siêu thị thuần Việt nên nguyên tắc bất di bất dịch là luôn mở rộng cửa với hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là hàng Việt Nam chất lượng tốt. Vì vậy, không phân biệt đó là nhà cung cấp của bất kỳ hệ thống bán lẻ nào, nếu đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, giá cả và thị hiếu của khách hàng thì Saigon Co.op sẵn sàng tiếp nhận phân phối.

Rộng cửa đón hàng Việt chất lượng tốt - Ảnh 1.

Cần nói rõ là mỗi nhà phân phối có phân khúc khách hàng khác nhau nên một trong những tiêu chí để tiếp nhận hàng hóa vào phân phối là hàng hóa đó phải phù hợp, đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của phân khúc khách hàng trong hệ thống. Cụ thể với Saigon Co.op là khách hàng của Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers… Tất cả các nhà cung cấp muốn chào hàng vào Saigon Co.op có thể liên hệ với phòng giao dịch nhà cung cấp của chúng tôi để được hướng dẫn và xem xét khả năng hợp tác.

Với việc mở rộng tiếp nhận phân phối này, liệu Saigon Co.op có đủ chỗ cho cùng lúc nhiều doanh nghiệp (DN) mới tham gia?

- Saigon Co.op đang kinh doanh khoảng 350.000 mã hàng, trung bình mỗi tháng có khoảng 1.700 mặt hàng mới vào siêu thị. Số DN sản xuất, cung ứng muốn tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại, cụ thể là vào hệ thống Saigon Co.op ngày càng tăng.

Để đa dạng hóa sản phẩm, tăng thêm lựa chọn cho khách hàng, hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt hiệu quả hơn đồng thời gia tăng sức cạnh tranh, chúng tôi đang tích cực mở rộng điểm bán, đa dạng hóa mô hình kinh doanh. Song song đó là tìm, bổ sung thêm nhiều hàng hóa sản phẩm mới.

Mới đây, Saigon Co.op đạt được thỏa thuận tiếp nhận lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Auchan Việt Nam sau khi tập đoàn bán lẻ của Pháp rút khỏi Việt Nam, bao gồm 12 cửa hàng đã đóng cửa và 3 cửa hàng đang hoạt động. Theo cam kết, 3 cửa hàng đang hoạt động của Auchan sẽ được tiếp tục mở cửa phục vụ khách hàng dưới thương hiệu Auchan đến hết tháng 2/2020. 12 cửa hàng còn lại sẽ lần lượt được sửa chữa, cải tạo lại theo thiết kế, nhận diện của Co.opmart, Co.opXtra để sớm đưa vào hoạt động dưới các thương hiệu này. Chủ trương của Saigon Co.op là tiếp nhận lại khách hàng, nhà cung cấp… của Auchan nhưng sẽ có thêm cơ hội mới cho các nhà sản xuất muốn tham gia cung ứng.

Ngoài ra, Saigon Co.op phát triển thêm khoảng 300 điểm bán mới trong năm nay, nâng tổng số điểm bán trên cả nước lên 1.000 điểm. Chúng tôi cũng cần tìm thêm nhà cung cấp cho những điểm bán sắp ra đời.

Trong bối cảnh cạnh tranh bán lẻ nhiều biến động như hiện nay, Saigon Co.op định hình chiến lược phát triển thế nào?

- Auchan rời Việt Nam, một số nhà bán lẻ khác gặp khó khăn nhất định cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đang cạnh tranh rất khốc liệt. Trong bối cảnh như vậy, Saigon Co.op tự thân phát triển và đủ sức tiếp nhận Auchan, điều này đồng nghĩa chúng tôi tự tin vào năng lực và định hướng đúng đắn.

Saigon Co.op đang từng bước giành lại thị phần bán lẻ, củng cố niềm tin cùng sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước. Xét về doanh số bán hàng, chúng tôi đang dẫn đầu cả nước về doanh số từ siêu thị tổng hợp, cao hơn gấp đôi so với doanh số của đơn vị đang xếp thứ 2. Điều đó cho thấy người tiêu dùng đang ủng hộ bán lẻ Việt, hàng Việt Nam nhưng phải là hàng Việt Nam chất lượng tốt.

Trong năm nay, Saigon Co.op tập trung vào 3 lĩnh vực chính: phát triển mạng lưới, hàng hóa và logistics; xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp với định hướng mở rộng hệ thống bán lẻ chủ lực gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers...; trung tâm thương mại và phân khúc cao.

Để hiện thực hóa mục tiêu này đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính lớn. Saigon Co.op có phương án nào cho vấn đề này?

- Đây cũng là trăn trở lớn nhất của chúng tôi bởi với mô hình HTX, Saigon Co.op gặp rất nhiều hạn chế trong việc huy động nguồn lực tài chính cho công tác phát triển mạng lưới, logistics, đầu tư cho công nghệ thông tin, nâng cao thu nhập người lao động… Về trung và dài hạn, nếu bài toán tài chính không được giải, Saigon Co.op sẽ khó cạnh tranh với các nhà bán lẻ ngoại có nguồn tài chính dồi dào và lợi thế huy động được nguồn tài chính xã hội với chi phí thấp.

Saigon Co.op đang nỗ lực tìm giải pháp để khắc phục hạn chế này. Bên cạnh đó, từng bước nâng cấp cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản trị, kinh doanh; sử dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm nâng cao hiệu quả của mảng kinh doanh nền tảng là offline. Song song đó, thử nghiệm một số mô hình online để phù hợp với xu hướng phát triển chung. 

Liên hệ Báo Người Lao Động để được hỗ trợ

Được đưa hàng hóa vào hệ thống bán lẻ nói chung và các siêu thị nói riêng là mong muốn của nhiều DN vì đây là kênh bán lẻ uy tín, giúp DN tiêu thụ hàng hóa ổn định và quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, con đường vào siêu thị rất gian nan vì không phải DN nào cũng đáp ứng được các yêu cầu khắt khe: chất lượng, mẫu mã, bao bì, nhãn mác, phương thức giao nhận, thanh toán...; quan trọng hơn là cơ sở pháp lý trong đàm phán để không xảy ra "tranh chấp".

Muốn hiểu rõ hơn hay được hỗ trợ tư vấn về cung cấp hàng vào siêu thị, quý DN có thể liên hệ với Báo Người Lao Động để được tư vấn.

Mọi thông tin vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail: vidoanhnghiepViet@gmail.com; vidoanhnghiepViet@nld.com.vn; hoặc liên hệ trực tiếp qua số điện thoại: (028) 39303574 (gặp cô Minh Châu).

Nhà cung cấp và nhà phân phối phải hiểu nhau

Nói về mối quan hệ giữa nhà cung cấp và nhà phân phối, ông Diệp Dũng cho rằng đây là mối quan hệ kinh tế giữa các thực thể kinh doanh và mỗi thực thể đều có chiến lược, tiêu chí riêng. Hai bên phải đáp ứng được chiến lược, tiêu chí phát triển của nhau thì mới đồng hành lâu dài. Hạn chế rất lớn của các nhà cung cấp trong nước trong mối quan hệ này là tâm lý chủ quan, thiếu am hiểu về pháp luật, thông lệ quốc tế. Cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế này để tránh rơi vào tình huống bị động, thiệt hại.

Theo Người Lao Động 

 

 

Các tin khác:
  • Phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa” cần kiên quyết (04/07/2019-8:20)
  • Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền được thông tin của người dân (25/06/2019-22:44)
  • MẠNG XÃ HỘI VÀ TRÁCH NHIỆM NGƯỜI DÙNG (25/06/2019-22:41)
  • Làm sạch đội ngũ chống tham nhũng để giữ niềm tin cho xã hội (19/06/2019-22:43)
  • Tăng tuổi nghỉ hưu có tác động đến độ tuổi quy hoạch cán bộ? (10/06/2019-11:23)
  • Cần tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn đường thủy trước mùa mưa bão (06/06/2019-14:56)
  • Văn hóa tâm linh, mê tín dị đoan và những tác động hai chiều đến xã hội (31/05/2019-20:23)
  • “Nghỉ hè”: Đừng để chỉ có trong từ điển! (30/05/2019-16:09)
  • “Trước hết phải là nền giáo dục không nói dối” (30/05/2019-16:07)
  • Bao giờ hết nạn 'chạy'? (27/05/2019-8:30)