“Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng…” là truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc Việt. Chính tinh thần đó đã gắn kết và tạo nên sức mạnh Việt Nam từ ngàn xưa, hôm nay và mai sau.
Tuy nhiên gần đây, đã và đang xuất hiện thói thờ ơ, vô cảm trước sự khổ đau của người khác mà có lẽ vì thế, nó đã xuất hiện trong Kỳ thi Năng khiếu báo chí diễn ra ngày 8/7 vừa qua. Một câu của đề thi đã mô tả vụ tai nạn giao thông thương tâm ngày 25/6 tại TP.HCM như sau:
“Ngày 25/6/2019, trên đường Tân Hương (TP.HCM), một xe taxi khi rẽ trái đã va chạm với một chiếc xe máy chạy cùng chiều. Đôi nam nữ trên chiếc xe máy đó bị văng lên vỉa hè sau cú tông rất mạnh. Tài xế taxi dừng lại, mở cửa bước xuống xem nạn nhân 13 giây rồi bỏ đi.
Trong 11 phút đầu tiên, có ít nhất 58 người nhìn thấy nạn nhân, nhưng chỉ duy nhất một người đi xe máy dừng lại gọi điện thoại và thảo luận với nhóm người đi bộ, còn lại đều vượt qua vụ tai nạn và đi thẳng. Do không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân nữ đã tử vong tại chỗ, nạn nhân nam bị thương rất nặng sau đó được đưa vào bệnh viện cấp cứu”.
Những tình tiết được camera ghi lại khiến chúng ta có thể rùng mình vì sự thờ ơ, vô cảm với sinh mệnh của người khác trong hoạn nạn.
Nhiều người đều lướt qua, tại sao mình phải dừng lại cứu nạn nhân để rối chuốc sự phức tạp, rắc rối? Con người thường bắt chước hành động, cách hành xử của đám đông để điều chỉnh hành vi của mình, dù đám đông chưa chắc đúng. Trường hợp này cũng vậy. Nếu lúc ấy đám đông xúm lại giúp đỡ nạn nhân, có thể những người đến gặp sau đó cũng sẽ dừng lại hỗ trợ.
Nếu xung quanh, ai ai cũng vô cảm, sự thờ ơ, hành vi vô cảm trong mỗi chúng ta dễ dàng tự động được "kích hoạt".
Có một sự trùng lặp, chỉ ít ngày sau kỳ thi, trên báo Nông nghiệp Việt Nam, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, một trong những chuyên gia hàng đầu về giáo dục đương đại cũng có một bài trả lời phỏng vấn xung quanh đề tài này.
Ở tầm cao hơn, GS Thuyết đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa của thói vô cảm: “Gốc rễ của sự vô cảm và nhiều điều tệ hại bây giờ là những giá trị của dân tộc bị đảo lộn, khiến những mối quan hệ rường cột trong xã hội bị rạn nứt…”. GS Thuyết còn đặt vấn đề “Giám sát quyền lực để cán bộ không còn vô cảm với dân”.
Lấy dẫn chứng từ vụ việc ở Thủ Thiêm và một số vụ việc khác, GS Thyết cho rằng “Không ít cán bộ của mình sau khi lên nắm quyền mỗi ngày một xa dân vì chỉ biết đến quyền lực mà quên rằng chính quyền này là do chính người dân giành lấy từ tay thực dân, đế quốc và cũng chính hàng chục triệu người dân đã hy sinh xương máu để bảo vệ chính quyền.
Cán bộ xa dân, lạm dụng quyền lực nên nhiều chủ trương không xuất phát từ quyền lợi của người dân hoặc không đếm xỉa gì đến quyền lợi người dân”, ông Thuyết nói.
Có một thực tế, đó là trong một xã hội, nếu cán bộ, công chức vô cảm với đồng nghiệp của mình, vô cảm với dân và chính người dân vô cảm với nhau thì khi đó, không chỉ đi ngược với truyền thống dân tộc mà còn là bi kịch.
Do đó có thể nói, việc đưa thói vô cảm vào Kỳ thi Năng khiếu báo chí không chỉ là một hồi chuông thức tỉnh lương tri của thế hệ trẻ trước “bệnh” vô cảm hiện nay mà có thể còn là thông điệp gửi tới các nhà báo tương lai: Nghề báo không dành cho những người vô cảm!
Theo Lệ Thu/Báo Dân trí